GN - Bỏ rơi - hai từ thật đáng sợ cho bất kỳ ai! Người ta sợ bị người thân bỏ rơi, sợ bị người yêu bỏ rơi, đồng loại bỏ rơi… Sự bỏ rơi đâu chỉ nằm trên biểu hiện của những người đã trưởng thành, mà chính các em nhỏ ngỡ không làm gì nên tội cũng bị bỏ rơi một cách nhẫn tâm - SC.Thích nữ Tâm Huệ, trụ trì chùa Linh Sơn (Đoàn Như Hài, P.12, Q.4, TP.HCM) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi.
Rồi Sư cô kể, cách đây hai mấy năm, có một người đem đến cho cô một chiếc hộp to, bảo rằng đây là món quà dành tặng Sư cô. Sau khi người đó bỏ đi, Sư cô mở ra thấy “món quà” là một đứa trẻ còn đỏ hỏn. Đứa bé ấy nay đã trưởng thành theo năm tháng nhờ vào bàn tay, tấm lòng cao quý của Sư cô - “bà mẹ” của hơn chục đứa con côi cút, với đủ hoàn cảnh khác nhau.
Những trẻ nhỏ lớn lên trong tình thương của SC.Thích nữ Tâm Huệ - Ảnh: H.V
Thắp nụ cười trẻ thơ
Quê ở Kiên Giang, cô xuất gia đầu Phật vào năm 1984, trong quãng thời gian gắn với mái chùa, “thấy được hoàn cảnh các em nhỏ không cha không mẹ, thiếu thốn mọi thứ, có đứa vì thèm một cây kẹo, một lọn mía đường mà không có tiền ăn, chỉ đợi người khác ăn thừa bỏ đi rồi chạy lại nhặt lên mà ăn mà thương không chịu nổi”, Sư cô Tâm Huệ bộc bạch.
Hình ảnh ấy ăn sâu vào tâm trí vị Ni hiền lành khi còn là chú điệu để chóp, cũng từ đó, cô phát nguyện trong lòng, khi nào lớn lên có đủ điều kiện, đủ nhân duyên sẽ nhận các em bị bỏ rơi về nuôi, đùm bọc và chở che cho các em.
Ngôi chùa Linh Sơn cô đang trụ trì rất nhỏ về diện tích, nằm nép mình khiêm tốn trên đường Đoàn Như Hài, nhưng số lượng trẻ sơ sinh ngày một đông, việc chăm sóc, lo lắng cho các em, nơi sinh hoạt cho các em cũng rất khó khăn. Tuy nhiên, khi đến chùa nhìn thấy những tấm ảnh Sư cô chụp với các trẻ với nụ cười vui hoan hỷ, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao của Sư cô, vì đã làm được điều mà từ nhỏ Sư cô đã phát nguyện.
Mỗi khi thấy các trẻ cười, Sư cô lại chạnh lòng, tự nhủ: “Bọn nhỏ dễ thương thế này, đáng yêu thế này mà cha mẹ nào lại nỡ bỏ rơi?”. Ánh mắt đượm buồn, cô nghĩ tới nhân duyên trùng trùng mà cô là một móc xích trong mỗi hoàn cảnh của các em, “chắc phải có nhân duyên gì đó”. Nhưng “bổn phận của mình, là người con Phật thì thấy chúng sinh khổ, phải chung tay chia sẻ”, cô lý giải.
Hiện tại, chùa Linh Sơn đang nuôi khoảng 46 trẻ sơ sinh, đa số các bé đều bị cha mẹ bỏ rơi trong bệnh viện hay trước cổng chùa. Mỗi lần như vậy, người dân báo cho nhà chùa, Sư cô đều đem về nuôi hết. Tất nhiên, công việc chăm sóc được 8 bảo mẫu giúp sức trông coi nhưng việc trong việc ngoài thì do cô quán xuyến. Sư cô vẫn thường dặn dò các cô bảo mẫu ở đây rằng, hễ các cô yêu thương con mình thế nào, thì yêu thương các trẻ thế ấy, vì chúng đã thiếu tình thương nhiều rồi, nên chúng ta cần phải bù đắp, cho chúng những gì chúng ta có thể.
Năm 1988, Sư cô Tâm Huệ nhận nuôi 8 bé - đó là khi có đủ duyên về làm trụ trì chùa Linh Sơn, lúc ấy Sư cô mới 22 tuổi.
Trong đợt đầu nuôi dưỡng 8 trẻ ấy thì nay có 3 người xuất gia, 5 người còn lại đã bước vào đời hòa nhập với cuộc sống. Sư cô nói, hiện tại nếu như trẻ nào khôn lớn, có ý định tu học thì cô gửi đi các chùa, còn các trẻ nhỏ, chưa đủ tuổi trưởng thành dù có ý muốn xuất gia cô cũng chưa đồng ý vì tuổi này chưa thật chín chắn trong quyết định.
Uớc mơ trong tương lai
“Tất cả mọi việc đều do nhân quả. Thực tế, khi cha mẹ bỏ rơi con cái là điều thật khó khăn, mình nghĩ chắc họ có nỗi khổ tâm nào đó không giải thoát ra được nên đành bỏ con mình. Thôi thì, mình chỉ biết việc mình làm theo tinh thần từ bi Phật dạy, cho xã hội vơi bớt khổ đau, còn với mọi người lầm lỗi, chọn cách bỏ con thì mình chỉ biết thông cảm mà thôi” - SC.Thích nữ Tâm Huệ |
Trải lòng đúng nghĩa của một “bà mẹ” của trẻ mồ côi, Sư cô nói thương đứt ruột mỗi khi “các con” đau ốm. Chùa không có Ni trẻ nào nên chỉ có một mình Sư cô lo trong, lo ngoài, dù rằng thuê bảo mẫu nhưng các trẻ rất mến tay mến chân với cô. Khi thì đứa này ho, đứa kia đói sữa, đứa khóc nhè… đòi mình chăm sóc, vậy mà thấy cuộc sống và sự dấn thân của mình ít nhiều có lợi ích nên rất hoan hỷ, cô nói như rút lòng mình!
Từ nhỏ, kể từ khi có ý niệm nuôi trẻ mồ côi, Sư cô dù đã tìm hiểu và biết chút ít việc nuôi dạy con nhỏ qua sách vở, từ kinh nghiệm của các cô Phật tử lớn tuổi, nhưng khi trực tiếp nuôi dạy thì gặp muôn vàn khó khăn, nhất là khi trái gió trở trời, các trẻ đau bệnh, chưa kể đến sự khó khăn về kinh tế.
Sư cô đang tiến hành xây cất thêm một trung tâm để tiện cho việc nuôi dạy các trẻ. Trung tâm mang tên Tâm Đức, nằm tại đường Sa Bà, ấp 1A, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là nơi sinh hoạt của gần 200 trẻ, đa phần các em từ 7 tuổi trở lên, còn các trẻ sơ sinh vẫn ở lại chùa cũ.
Việc xây dựng này được sự đồng tình của địa phương và sự yểm trợ chí tình từ Phật tử, những người yêu trẻ, đồng nguyện với Sư cô - tâm nguyện muốn cho các trẻ có đủ không gian để trưởng thành. Sư cô nói về dự định của mình, rằng sẽ thỉnh chư tôn đức về thuyết giảng cho các trẻ, để các con hiểu thêm về giáo lý của Phật, hầu trang bị cho các con hành trang bi-trí vào đời, sống phải có đạo đức, biết thương yêu, biết cho đi…
Trong câu chuyện với phóng viên, Sư cô luôn nhắc đi nhắc lại, rằng mình chỉ là người khởi xướng, còn việc chung tay lo cho thiện sự này là nhờ vào các mạnh thường quân gần xa, trong đó, quỹ Bầu Ơi là đơn vị luôn giúp đỡ và động viên nhà chùa, luôn lui tới thăm nom, tặng quà, sữa... cho các trẻ ở đây trong suốt nhiều năm qua.
Mỗi trẻ trong chùa đều được lấy tên Trần Tâm Huệ cộng với tên riêng phù hợp, tùy theo trai gái. Sở dĩ, “các con” của cô đồng họ và lót Tâm Huệ là do Sư cô họ Trần, pháp danh Tâm Huệ nên đã lấy đó đặt tên con, cho thấy một sự gắn kết xuyên suốt giữa đạo-đời, giữa tình người và lòng từ bi rộng lớn Phật dạy. Cứ thế, với từ tâm ấy, mỗi ngày Sư cô Tâm Huệ cùng với nhiều người đã, đang thắp lên hy vọng về sự trưởng thành của những em nhỏ cút côi, sẽ xóa đi những nỗi tủi hờn, được giáo lý Phật-đà tưới tẩm những hạt mầm thiện lành mà sống đẹp trong tương lai...
Trần Hà Vân
>> Xem bài 1: Đại đức về núi lập chùa, cưu mang học trò ăn học ||
_____________
* Đón đọc bài 3: Mái ấm của TT.Thích Quảng Tâm