Sự du nhập của Phật giáo vào thời kỳ đầu Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
NSGN - Phật giáo truyền đến Trung Quốc từ rất sớm. Trước khi Phật giáo du nhập, Trung Quốc đã có nền chính trị ổn định và hệ tư tưởng, tôn giáo phát triển, chi phối mạnh mẽ đời sống tinh thần mọi giai tầng xã hội. 

Bức tường cao lớn này tác động rất lớn đến sự du nhập và phát triển của Phật giáo. Câu hỏi về niên đại và con đường Phật giáo du nhập vào Trung Quốc thời kỳ đầu khơi dậy nhiều quan tâm, tranh cãi trong các nhà nghiên cứu.

Trong khoảng 200 năm sau Đức Phật diệt độ, phạm vi hoạt động của Phật giáo giới hạn bên trong đất nước Ấn Độ. Từ thế kỷ thứ III tr.TL trở đi, nhờ chính sách truyền bá của vua Asoka (A Dục) thuộc triều đại Maurya, Phật giáo đã bắt đầu có những bước chuyển mình vượt khỏi lãnh thổ xứ Ấn để du nhập vào dòng chảy tâm linh, văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới. Sau đó, dưới sự bảo trợ của vua Kanishka thuộc triều đại Kushan (Quý Sương), Phật giáo nhanh chóng lớn mạnh và bắt đầu xâm nhập vào một nền văn minh cổ xưa khác, Trung Quốc.

Lạc Sơn Đại Phật tại Tứ Xuyên, Trung Quốc có tuổi thọ hơn 1300 năm, nguồn ảnh: internet

Lạc Sơn Đại Phật tại Tứ Xuyên, Trung Quốc có tuổi thọ hơn 1300 năm, nguồn ảnh: internet

Trung Quốc được xem là cái nôi của văn minh nhân loại bởi sức ảnh hưởng văn hóa của xứ sở này đến sự hình thành và phát triển nền văn hóa của nhiều quốc gia khác nhau. Bắt đầu từ thế kỷ II tr.TL, hệ thống chính trị và tôn giáo của vương triều nhà Hán (206 tr.TL) được xác lập ổn định. Nhà Hán đóng đô ở đồng bằng phía Bắc Trung Hoa, nơi có nền văn minh đã định hình hơn 1.500 năm trước đó. Kinh tế thời kỳ này có sự phát triển vượt trội. Hoạt động thương mại được thiết lập với nhiều trung tâm buôn bán, là nơi giao thương giữa người Hán với các thương nhân ngoại quốc. Theo Henri Maspero, vào cuối thế kỷ thứ I tr.TL, sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Trung Quốc với Ấn Độ cũng như các nước ở khu vực Tây bắc Ấn, Trung Á và Afghanistan đã được diễn ra(1). Đây chính là tiền đề cho các nền văn hóa ngoại quốc giao lưu với Trung Quốc, trong đó có Phật giáo.

Khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, nơi đây đã có một hệ thống tư tưởng tôn giáo ổn định, chi phối đời sống mọi giai tầng xã hội. Đó là Nho giáo với hệ tư tưởng chính trị, đạo đức do Khổng Tử khởi xướng; và Lão giáo bao gồm triết học huyền bí, khổ hạnh gắn liền với nhân vật truyền thuyết là Lão Tử.

Có sự khác nhau giữa các sử ký khi bàn về niên đại du nhập của Phật giáo vào Trung Quốc. Đề cập đến vấn đề này, chung quy có bảy thuyết phổ thông.

Thứ nhất, thuyết Tây phương thánh giả của Khổng Tử. Thiên “Trọng Ni” trong “Liệt Tử” có dẫn lời của Khổng Tử rằng: “Phương Tây có bậc Thánh, không trị mà không loạn, không nói mà tự tin, không giáo hóa mà tự làm”(2). Theo thuyết này, Khổng Tử đã biết đến Phật giáo. Tuy nhiên, dữ kiện này không có sức thuyết phục, bởi đến tận thế kỷ thứ III tr.TL Phật giáo mới bắt đầu rời khỏi đất nước Ấn Độ, thì làm sao Khổng Tử (551-479 tr.TL) có thể nghe đến Phật giáo. Hơn nữa, cụm từ “Tây phương Thánh giả” có thể chỉ cho bất cứ thánh nhân nào, chưa chắc là ám chỉ Phật giáo.

Thứ hai, thuyết Thích Lợi Phòng đem Phật giáo truyền vào Trung Quốc. Đời vua Tần Thủy Hoàng năm 243 tr.TL, có Thích Lợi Phòng cùng mười tám vị hiền giả đem kinh Phật truyền vào Trung Hoa(3). Lương Khải Siêu là một trong rất ít học giả chấp nhận thuyết này. Ông lập luận rằng Lợi Phòng có thể là một trong những người truyền giáo được vua Asoka gửi đi. Trong khi đó, với chính sách kiềm tỏa biên giới ở phía Tây và phía Đông của Tần Thủy Hoàng ít nhiều tạo nên bức tường thành kiên cố, gây sức ép rất lớn đối với những nỗ lực tiến vào nước này. Kenneth K.S. Ch’en, trong công trình nghiên cứu của mình, cũng chứng minh rằng những bia ký của vua Asoka hay biên niên sử Tích Lan không hề để lại bất cứ dấu tích nào về việc truyền bá Phật giáo của vua Asoka ở Trung Hoa cả(4). Một điều đáng chú ý ở đây là sự xuất hiện họ “Thích” trong cái tên “Thích Lợi Phòng”. Theo những ghi chép lịch sử để lại, mãi cho đến đời Ngụy Tần, ngài Đạo An (314-385) mới chủ trương lấy chữ “Thích” làm họ người xuất gia(5). Như vậy, cái tên “Thích Lợi Phòng” hoàn toàn do người đời sau gán ghép vào. Chính vì thế, thuyết này cũng không đáng tin cậy.

Thứ ba, thuyết Trương Khiên nghe đến đạo Phật trong hai chuyến đi sứ sang tộc Nguyệt Chi và Tây Vực để liên minh chống lại Hung Nô dưới thời Hán Vũ Đế(6). Những năm đầu thời Tây Hán, Hung Nô, một tộc du mục cường thịnh ở miền Bắc Trung Quốc, không ngừng phát động chiến tranh xâm lấn ra bên ngoài, gây sức ép rất lớn đối với biên cương của triều Hán cũng như các nước khu vực Tây Vực. Hán Vũ Đế (140-86 tr.TL) phái Trương Khiên đi sứ sang Nguyệt Chi và các quốc gia ở Tây Vực để liên minh nhằm kiềm hãm và bình định tộc Hung Nô. Tuy nhiên, những sử liệu về sự kiện này chỉ tìm thấy ở một số văn bản thời Đường, còn trước đó hiện chưa tìm thấy tài liệu nào nhắc đến. Cho nên, giả thuyết này không đủ cơ sở để chứng minh về sự xuất hiện của Phật giáo ở Trung Quốc, chỉ có thể xem đây là truyền thuyết về một nhân vật được xem là người đặt viên gạch đầu khai thông “Con đường tơ lụa” trên bộ.

Thứ tư, thuyết lễ bái hình người vàng được tìm thấy trong “Phật tổ thống kỷ”. Tướng Hắc Khứ Bệnh (霍去病) nhà Tiền Hán trong cuộc chinh phạt quân Hung Nô (120-121 tr.TL) tìm thấy một tượng người bằng vàng đem về dâng Hán Vũ Đế, nhà vua cho là bậc Thánh đem thờ trong cung Cam Tuyền, sớm tối đốt hương lễ kính”.(7) Bức tượng vàng này từng được xem là hình ảnh của Đức Phật và là chứng cứ đánh dấu sự khởi đầu của sự truyền bá Phật giáo ở Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại đã xác định rõ những bức tượng vàng này là biểu tượng của một vị thần tộc Hung Nô. Cho nên, thuyết này cũng không đủ cơ sở để chứng minh niên đại du nhập của Phật giáo vào Trung Quốc.

Thứ năm, thuyết Lưu Hướng thời vua Thành Đế phát hiện kinh Phật trong khi chỉnh đốn lại sách vở của triều đình tại Các Thiên Lộc. Sự kiện này được “Phật tổ thống kỷ” trích dẫn từ bài tựa của Liệt tiên truyện(8), một tác phẩm thu thập tiểu sử các bậc tiên nhân của Đạo giáo mà tác giả được người đời sau gán cho Lưu Hướng (劉向 80-8 TL). Nhiều học giả nghi ngờ về tác giả và niên đại của Liệt tiên truyện. Họ cho rằng tác phẩm này được viết vào thế kỷ III-IV và chỉ chấp nhận phần trích dẫn mở đầu như một chứng cứ cho sự xuất hiện của Phật giáo tại Trung Quốc trong thế kỷ đầu trước TL(9). Giả thuyết này cùng với năm giả thuyết được nêu ra ở trên hoàn toàn không đủ cơ sở dữ liệu để đưa đến kết luận chính thức. K.S. Ch’en không đồng ý với các giả thuyết này và chỉ xem đây là huyền sử không xác thực(10). Như vậy, những giả thuyết được đưa ra ở trên chỉ có thể là sự thêu dệt, ngụy tạo, muốn chứng minh sự hiện hữu của Phật giáo trên đất nước Trung Quốc mà thôi.

Thứ sáu, thuyết khẩu truyền Phật giáo của Y Tồn. Niên hiệu Nguyên Thọ năm thứ nhất (2 tr.TL) đời vua Ai Đế nhà Tiền Hán có sứ giả nước Đại Nguyệt Chi là Y Tồn tới Trung Quốc và đem Phật giáo truyền miệng cho Cảnh Lư(11). Sử liệu gốc nói dữ kiện này đến nay vẫn chưa tìm thấy. Học giả người Nhật Shiratori Kuraichi trong công trình nghiên cứu về lịch sử Tây Vực cho biết rằng hai triều đại trước vương triều Quý Sương trong đó có Đại Nguyệt Thị không tin Phật giáo(12). Giả thuyết này không đủ sức thuyết phục để chứng minh rằng Phật giáo xuất hiện vào thời gian này.

Thứ bảy, thuyết Minh Đế cầu pháp được tìm thấy trong Hậu Hán thư. Sách này chép rằng niên hiệu Vĩnh Bình thứ tám (65 TL), vua Minh Đế ra chiếu chỉ người phạm tội lẫn trốn phải dâng một số tơ lụa tốt để chuộc tội. Sở Vương Anh, huynh đệ của Minh Đế, đóng đô ở Bành Thành, tự xét rằng trong nhà có người phạm tội nên dâng ba mươi bốn xấp lụa để chuộc tội cho người thân. Minh Đế xem trường hợp này không đáng xử tội với lý do Vương biết “sùng thượng giáo lý cao siêu của Hoàng Lão và đức nhân từ bao la của Phật” (楚王誦黃老之微言尚浮屠之仁祠) nên hẳn nhiên là người tốt, cho nên vua đem tơ lụa hoàn trả lại cho Vương. Sau đó, Vương làm lễ sám hối, ăn chay ba tháng và tổ chức thịnh soạn cúng dường Tăng sĩ (桑門) và cư sĩ (伊蒲塞)(13). Chiếu văn của Minh Đế hiện nay vẫn còn. Nhưng câu hỏi về thầy của Vương Anh là ai vẫn còn là một nghi vấn. Văn kiện lịch sử này là một chứng cứ xác thực chứng minh sự có mặt của Phật giáo vào thời Hậu Hán.

Bên cạnh đó, đây còn là lý do để người đời sau dựng nên tình tiết vua Minh Đế cầu pháp thỉnh kinh. Thuyết này nói rằng Hán Minh Đế mộng thấy người vàng (金人) từ phương Tây. Qua lời xác nhận của viên quan Phó Nghị, vua sai sứ qua Tây Vực cầu pháp. Thành quả của chuyến Tây du này là thỉnh được Ca Diếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan. Vua Minh Đế cho xây chùa Bạch Mã ở ngoại ô thành Lạc Dương làm nơi thờ Phật, phiên dịch kinh điển(14). Câu chuyện này hoàn toàn do người đời sau gán ghép vào. Tuy nhiên, sau khi loại bỏ những tình tiết hư cấu thì những sự thật lịch sử được hiện ra. Hình tượng “kim nhân” được nêu ra ở đây cho thấy rằng Phật giáo đầu tiên được truyền đến Trung Quốc không phải là kinh Phật mà là tượng Phật, bởi lúc bấy giờ vương triều Quý Sương đã chịu ảnh hưởng nghệ thuật tạc tượng của người Hy Lạp(15). Như vậy, sự việc phụng thờ Phật của Sở Vương Anh là hoàn toàn có sơ sở. Không những thế, qua đây còn cho thấy vào thời điểm này đã xuất hiện hình thức một đạo tràng tu tập mà người dẫn đầu là Sở Vương Anh. Song, đạo tràng này chưa thực sự được công nhận và chỉ dừng lại ở mặt tín ngưỡng thờ phụng.

Ngoài ra, việc nỗ lực chứng minh sự có mặt của Phật giáo ở trung tâm Lạc Dương cho thấy vào thời nhà Hán, Phật giáo đã có mặt ở một số khu vực khác trước cả Lạc Dương. Những sử liệu về việc Mâu Tử học Phật ở đất Giao Châu được tìm thấy trong bài tựa “Lý hoặc luận”, hay sự kiện Khương Tăng Hội xuất gia ở Giao Chỉ và sự khai hóa truyền bá Phật giáo ở đất Kiến Nghiệp đời Ngô Tôn Quyền là những bằng chứng về một trung tâm Phật giáo Luy Lâu phồn thịnh với hệ thống giáo dục phát triển ở phía Nam Trung Quốc (tức miền Bắc Việt Nam đang bị nhà Hán đô hộ lúc bấy giờ).

Như vậy, đến đây đủ cơ sở để kết luận rằng có một cộng đồng Phật giáo đã hiện diện tại Trung Hoa trước năm 65. Điều đáng chú ý là trong cộng đồng đó có cả tu sĩ lẫn cư sĩ tại gia. Tu sĩ được nhắc đến chắc chắn là những vị Tăng ngoại quốc bởi trong thời kỳ này người Hán chưa được phép xuất gia(16). Song, con đường Phật giáo du nhập vào Trung Quốc như thế nào vào thời kỳ đầu là một vấn đề được giới học thuật chú ý đến.

Như đã nói ở trên, Trương Khiên được xem là người đặt viên gạch đầu tiên khai thông con đường giao lưu quân sự, kinh tế, văn hóa giữa Trung Quốc với các nước phía Tây. Con đường này được nhà địa lý học danh tiếng người Đức Ferdinand von Richthofen (1833-1905) lần đầu tiên gọi là Con đường tơ lụa(Seidenstranssen, Silk Road)thay cho các tên gọi từng dùng trước đó. Sau chuyến Tây du trở về, Trương Khiên kể lại những vùng đất mới lạ mà mình đã đặt chân tới. Điều đó đã thôi thúc giới thương nhân Trung Quốc lên đường tìm thị trường tiêu thụ mới. Mặt hàng được chọn để giao thương lúc bấy giờ là tơ lụa. Từ rất sớm, tơ tằm cùng các sản phẩm dệt thượng hạng độc quyền nổi tiếng của Trung Quốc được ưa chuộng ở các nước phương Tây. Ngay cả những bậc đế vương hay những nhà quý tộc của đế chế La Mã cũng rất thích tơ lụa Trung Hoa, đến mức lụa được đổi bằng vàng với cân nặng tương đương.

Các sản phẩm tơ lụa được tập kết ở Lạc Dương, sau đó chuyển đến Trường An rồi đưa đến cửa khẩu Đôn Hoàng, tiếp giáp với sa mạc Kashgas. Vì sự rộng lớn và nguy hiểm ở sa mạc, các đoàn thương buôn chia ra hai hướng đi theo rìa của sa mạc rồi gặp nhau ở Tân Cương. Sau khi tiến vào Tân Cương, Con đường tơ lụa lại được chia làm nhiều con đường nhỏ tiếp tục qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakh-stan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp rồi tiếp cận vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu. Tổng chiều dài ước tính khoảng 7.000km với phương tiện chủ yếu là lạc đà. Thông qua Con đường tơ lụa này, vàng bạc của châu Âu không ngừng chảy vào Trung Nguyên, triều đình nhà Hán cũng vì thế mà đón nhận thời kỳ hoàng kim nhất trong lịch sử dân tộc Trung Hoa.

Lúc mới du nhập, Phật giáo được truyền vào Trung Quốc thông qua Con đường tơ lụa trên bộ. Các đoàn thương nhân từ Ấn Độ, Tây Vực và các nước Trung Á không ngừng vào Trung Quốc để thông thương. Trong những chuyến đi xa này, các đoàn thương nhân thường dẫn theo các tu sĩ Phật giáo để cầu nguyện và làm chỗ dựa tinh thần. Đây chính là tiền đề để Phật giáo truyền vào Trung Quốc. Lộ trình du nhập của Phật giáo từ Ấn Độ vào Trung Quốc vào thế kỷ thứ II và I tr.TL khởi hành từ phía Bắc Ấn Độ(17). Đầu tiên, họ bắt đầu cuộc hành trình đến Bamiyan thuộc Afghanistan, sau đó vượt dãy Hindukush đến Balkh, và từ Balkh băng qua vùng Pamirs để đến Kashgar. Từ Kashgar rẽ sang hai hướng Nam, Bắc vòng quanh sa mạc rồi gặp nhau tại Đôn Hoàng, một tỉnh phía Tây Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo nhiều nguồn sử ghi chép lại, những năm đầu của thế kỷ thứ nhất, cửa khẩu Đôn Hoàng có một thời gian dài đóng cửa, làm gián đoạn mọi sự liên lạc giữa nhà Hán với các nước phía Tây. Điều đó gây trở ngại rất lớn đến sự truyền bá của Phật giáo vào giai đoạn này. Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên và xã hội của Con đường tơ lụa trên bộ cũng tác động lớn trong việc đi lại. Con đường tơ lụa trên bộ chỉ thông tới những nước tiếp giáp với Trung Quốc như Nguyệt Chi, Khương Cư, An Tức... Khi muốn mở rộng con đường đến phía Tây, các đoàn thương buôn thường phải đi qua những vùng đất vô cùng khắc nghiệt, đối diện với những ngọn núi cao hiểm trở, hẻo lánh hay sa mạc rộng lớn. Hơn nữa, sự gián đoạn bởi chiến tranh hay mưu đồ thao túng hoạt động thương mại trên tuyến đường này của một số nước cũng là một nhân tố tác động trực tiếp đến sự giao thương này. Điều đó được Hậu Hán thư ghi chép rất rõ. Vào triều đại vua Hoàn Đế (89-105), Ấn Độ và Trung Quốc đã thiết lập mối quan hệ hữu nghị(18). Không lâu sau, do Tây Vực làm phản nên mối giao bang này bị trì hoãn. Đến đời Hoàn Đế, Ấn Độ chuyển hướng đi theo đường biển từ Nhật Nam đến Trung Quốc triều cống .

Như vậy, có thể thấy rằng, Phật giáo truyền vào Trung Quốc đầu tiên thông qua tuyến đường bộ. Song, những điều kiện tự nhiên và xã hội đã tạo ra nhiều khó khăn trong sự truyền bá này. Chính vì những điều kiện bất lợi đó đã thúc đẩy các đoàn thương nhân, các đoàn giao bang phải chuyển hướng sang tuyến đường biển. Từ đây mở ra một con đường mới với nhiều thuận lợi trong việc vận chuyển giao thương, kết nối các mối quan hệ hữu nghị. Từ đó, Phật giáo cùng theo các tuyến đường biển truyền vào Trung Quốc. Lộ trình đi Trung Quốc được khởi hành từ Bharukaccha nằm ở bờ Tây Ấn Độ. Sau khi rời các cảng ở vịnh Bengal, tàu có thể xuôi buồm thẳng đến Java, hoặc đi theo bờ biển dọc quanh bán đảo Malay cho đến khi đến Giao Chỉ hoặc Quảng Châu thuộc phía Nam Trung Quốc(19).

Hậu Hán thư còn nhắc đến sự giao thương qua đường biển giữa nhà Hán với đế chế La Mã. Dưới thời Hoàn Đế, năm Diên Hy thứ chín (166), quốc vương La Mã Marcus Aurelius Antonious phái đoàn sứ giả mang ngà voi, sừng tê giác... đi theo đường biển từ Nhật Nam đến Trung Quốc để triều cống(20).

Bên cạnh những ghi chép trong thư tịch cổ, còn rất nhiều khảo cổ vật được tìm thấy dọc tuyến đường trên biển này. Di chỉ sớm nhất là dấu tích về xưởng đóng thuyền (được xác định thuộc thời Tây Hán 221-111 tr.TL) tại đường Trung Sơn Tứ, Quảng Châu được phát hiện vào năm 1974. Cùng với đó còn có những mô hình thuyền bằng gốm và bằng gỗ có niên đại Đông Hán (năm 25-220 CN) được phát hiện tại thành phố Quảng Châu vào năm 1980; và như vậy cũng phản ánh rất rõ trình độ chế tạo thuyền thời Hán.

Hơn nữa, các di cổ để lại ở di chỉ Óc Eo (được xem là thủ phủ của vương quốc Phù Nam xưa) cũng là một minh chứng cho những hoạt động tuyến đường biển. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở Óc Eo hai đồng tiền vàng có chạm hình hoàng đế La Mã Antoninus Pius (86-161) và Marcus Aurelius (121-180). Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy tượng đồng và một số đồ gốm Ấn Độ, gương đồng thời Hậu Hán, tượng Phật bằng đồng thời Bắc Ngụy... Tất cả những dấu tích đó cho thấy từ rất sớm cư dân Óc Eo đã xác lập mối quan hệ với các thương nhân La Mã, Ấn Độ và Trung Quốc, và nghiễm nhiên trở thành một minh chứng rõ nét về hoạt động của Con đường tơ lụa trên biển.

Như vậy, qua những ghi chép trong thư tịch cổ kết hợp với nhiều hiện vật thu được từ các cuộc khai quật khảo cổ học, có thể kết luận rằng Phật giáo được truyền đến Trung Quốc qua Con đường tơ lụa trên biển từ rất sớm, không thua gì Con đường tơ lụa trên bộ, nếu không nói là sớm hơn.

Để có thể xác định chính xác niên đại và con đường du nhập của Phật giáo vào Trung Quốc vào thời kỳ đầu dựa trên các ghi chép của thư cổ hay khảo cổ học là một điều hết sức khó khăn. Tuy nhiên, qua những gì đã phân tích có thể kết luận rằng, Phật giáo du nhập vào Trung Quốc ngay từ những năm đầu của thế kỷ thứ II tr.TL nhưng chưa thể định hình mà chỉ hiện hữu dưới dạng tín ngưỡng dân gian hoặc là qua hình thức của Đạo giáo. Mãi đến đầu thế kỷ thứ I TL, Phật giáo mới dần dần xâm nhập và bám rễ với dấu ấn điển hình là sự thực tập trai giới và thờ Phật của Sở Vương Anh. Con đường tơ lụa trên bộ và trên biển là nhân tố quan trọng trong công cuộc truyền bá Phật giáo. Các nhà truyền giáo đi theo các đoàn thương buôn qua hai con đường này vào Trung Quốc. Tuy nhiên, sự truyền bá trên tuyến đường bộ gặp nhiều khó khăn và hạn chế, trong khi đó những ghi chép về sự hoạt động nhộn nhịp của Con đường tơ lụa trên biển khiến ta gạt bỏ đi những nghi vấn ban đầu mà chấp nhận rằng thời gian và hoạt động truyền bá Phật giáo qua tuyến đường biển không thua gì đường bộ. Ngày nay, Con đường tơ lụa với những chuyến hàng đầy ắp hối hả tìm đến miền đất hứa đã trở thành dĩ vãng. Song, từ lúc ban sơ khai thông, Con đường tơ lụa đã xác định nội hàm cơ bản và kiên cố của nó, mở ra một kỷ nguyên mới trong công cuộc giao lưu văn hóa, tôn giáo giữa Trung Quốc với các nước phương Tây, đặc biệt là sự du nhập của Phật giáo vào đất nước này.

Trung Thiện

____________

(1) Henri Maspero (1950), Le Taoisme et les Religions Chinoises, p.119.

(2) 沙門志磐撰《佛祖統紀》卷34:「西方之人有聖者焉,不治而不亂,不言而自信,不化而自行。」 CBETA, T49, no.2035, p328.

(3) 費長房撰《歷代三寶紀》卷1:「又始皇時。有諸沙門釋利防等十八賢者。齎經來化。」 CBETA, T49, no.2034, p.23.

(4) Xem Kenneth K.S. Ch’en, Buddhism in China, tr.28.

(5) 釋慧皎撰《高僧傳》卷5〈釋道安〉:「初魏晉沙門依師為姓故姓各不同。安以為大師之本莫尊釋迦。乃以釋命氏。」CBETA, T50, No.2059, p.352-353.

(6) 《正史選輯》卷4 :「及開西域,遣張騫使大夏還,傳其旁有身毒國,一名天竺,始聞有浮屠之教。」 CBETA, B17, no.0091.

(7) 《佛祖統紀》卷54:「漢武帝元狩四年。霍去病討匈奴。得祭天金人長丈餘。帝列於甘泉宮。焚香禮敬。」CBETA, T49, no. 2035, p.470.

(8) 沙門志磐撰《佛祖統紀》卷35:「向著列仙傳云。吾搜檢藏書。緬尋太史撰列仙圖。自黃帝已下迄至於今得仙道者[8]七百餘人。檢定虛實得一百四十六人。其七十四人已見佛經矣。」 CBETA, T49, no.2035, p.329.

(9) Xem Zenryu Tsukamoto (1959), The buddhist conquest of China, p.21.

(10) Xem Kenneth K.S. Ch’en, Buddhism in China, p.28-29.

(11)《正史選輯》卷4〈魏書卷114. 釋老志10第20〉:「哀帝元壽元年,博士弟子秦景憲受大月氏使臣伊存口授浮屠經。」 CBETA, B17, no.0091.

(12) Xem Lữ Trừng, Lịch sử tư tưởng Phật học Trung Quốc, Hạnh Bình dịch (2018), tr.49.

(13) Xem 沙門志磐撰《佛祖統紀》卷35, CBETA, T49, no.2035, p.330.

(14) 沙門志磐撰《佛祖統紀》卷35 〈 明帝〉: 「帝夢金人丈六項佩日光飛行殿庭。旦問群臣莫能對。太史傅毅進曰。臣聞周昭之時。西方有聖人者出。其名曰佛。帝乃遣中郎將蔡愔秦景博士王遵十八人。使西域訪求佛道。十年。蔡愔等於中天竺大月氏。遇迦葉摩騰竺法蘭。得佛倚像梵本經六十萬言載以白馬。達雒陽騰蘭以沙門服謁見。館於鴻臚寺。十一年。勅雒陽城西雍門外立白馬寺。摩騰始譯四十二章經藏梵本於蘭臺石室。」CBETA, T49, no.2035, p.329.

(15) Xem Lữ Trừng, Lịch sử tư tưởng Phật học Trung Quốc, Hạnh Bình dịch (2018), tr.50.

(16) Xem《正史選輯》卷1〈晉書. 卷95 〉:「佛,外國之神,非諸華所應祠奉。漢代初傳其道,惟聽西域人得立寺都邑,以奉其神,漢人皆不出家。魏承漢制,亦循前軌。」CBETA, B17, no.0091.

(17) Xem Kenneth K.S. Ch’en, Buddhism in China, tr.18-20.

(18)《正史佛教資料類編》卷1 :「和帝時,數遣使貢獻,後西域反叛,乃絕。至桓帝延熹二年、四年,頻從日南徼外來獻。 」CBETA, ZS01, no.0001.

(19) Xem Kenneth K.S. Ch’en, Buddhism in China, tr.18-20.

(20)《正史選輯》卷3 :「桓帝延熹九年,大秦王安敦遣使自日南徼外獻象牙,犀角,瑇瑁,始乃一通焉。」CBETA, B17, no.0091.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thích Thanh Kiểm (2016), Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

2. Kenneth K.S. Ch’en (1973), Buddhism in China, Princeton University Press, USA.

3. Zenryu Tsukamoto (1959), The buddhist conquest of China: The spread and adapta-tion of Buddhism in early medieval China, Sinica Leidensia, vol. XI, Leiden (E. Brill).

4. Lữ Trừng (2018), Lịch sử tư tưởng Phật học Trung Quốc, Hạnh Bình dịch, NXB.Hồng Đức, TP.HCM.

5. Henri Maspero (1950), Le Taoisme et les Religions Chinoises, Ed.Gallimard, Paris.

6. http://cbetaonline.dila.edu.tw.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày