Suy nghiệm từ bộ phim “bom tấn” Wonder Woman

GN - Barbara O'Brien, tác giả bài viết đăng trên Lion’s Roar vừa qua đã có những đánh giá về bộ phim Wonder Woman - một trong những phim bom tấn tại các phòng vé hiện nay. Và từ đây, bà khám phá ra một số nét tương giao của bộ phim với Phật giáo.

Poster phim Wonder Woman.jpg

Poster bộ phim "bom tấn" Wonder Woman

Wonder Woman kể về một nữ chiến binh “siêu anh hùng”, với những pha hành động mãn nhãn, cố gắng cứu nhân loại khỏi chiến tranh, đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người xem.

Nội dung phim được tóm lược như sau: người Amazon, một nền văn minh tiên tiến của những nữ chiến binh, sống độc thân trên đảo Themyscira. Ngày nọ, một phi công người Mỹ tên Steve Trevor (do Chris Pine thủ vai) đâm chiếc trực thăng của mình xuống biển gần đó, theo sau là sự truy đuổi của những chiếc tàu chiến Đức vào Thế chiến thứ I. Diana (do Gal Gadot thủ vai), con gái của hoàng hậu Amazon Hippolyta, đã chọn cách gác lại cuộc sống đầy “đặc quyền” để cùng với viên phi công trẻ dấn thân vào cuộc chiến nhằm ngăn chặn nó. Cuối cùng, cô đã thành công, tuy không theo cách như cô tưởng tượng ban đầu.

Xét về hình thức, cốt truyện gợi nhớ đến câu chuyện được xem là nền móng vĩ đại của Phật giáo. Ở đó, Thái tử Tất Đạt Đa cũng gác lại cuộc sống “đặc quyền” để rời khỏi cung điện tráng lệ, bắt đầu cuộc tìm kiếm sự giác ngộ. Cuối cùng, Ngài đã thành công và truyền dạy giáo pháp vì lợi ích của nhân loại.

Tuy nhiên, bên cạnh những tương đồng, cũng có sự khác biệt đáng kể, như việc Diana khi rời khỏi Themyscira, lòng tràn đầy tự tin về nơi cô đến và những gì cô phải làm. Còn Thái tử Tất Đạt Đa, Ngài chỉ biết rằng Ngài phải bước đi, với niềm tin chắc thật rằng những đau đớn của bệnh tật, tuổi già và cái chết sẽ không mang lại bình an.

Có thể thấy, người Amazon là biểu trưng thú vị cho Devas - tức chư thiên trong cõi trời. Trong vũ trụ học cổ xưa của Phật giáo, chúng sinh trong cõi trời Dục giới (Kama-loka), được tận hưởng cuộc sống vui vẻ, sung mãn và tràn đầy đặc quyền, không hề biết đến sự lo lắng. Họ tuy không bất tử, nhưng thọ mạng lâu dài, khoảng 30.000 năm hoặc lâu hơn. Song, chư thiên thường không tìm hiểu về chân lý khổ, và do vậy họ không bận tâm tìm kiếm sự giác ngộ. Cuối cùng, họ vẫn phải đối mặt với cái chết và tái sinh, nhưng có thể sẽ ở nơi không còn dễ chịu nữa.

Trong bộ phim, hòn đảo Amazon là nơi xinh đẹp, trù phú; trên đó, người Amazon đã xây dựng một nền văn minh thanh nhã, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của họ. Đây cũng là nơi chia cắt khỏi thế giới, và người Amazon hầu như không để tâm đến loài người. Ngay cả chiến tranh thế giới thứ nhất đang diễn ra ngoài kia cũng không khiến họ bận tâm. Họ không để ý đến những đau khổ đang diễn ra ngoài tấm màn sương mù bảo vệ Themyscira. Mặt khác, người Amazon vẫn không ngừng rèn luyện để trở thành những nữ chiến binh với tinh thần thép, sẵn sàng cứu hành tinh khỏi chiến tranh, hay cụ thể hơn, họ là vị thần chiến tranh - Ares. Trong thần thoại Amazon, Ares tương tự như một Asura (tức A-tu-la). Những A-tu-la thường bị ngăn chặn khỏi thế giới của chư thiên. Trong Wonder Woman, Ares cũng đã bị đẩy khỏi thế giới của các vị thần khác, vì sự ghen tỵ với việc tạo ra con người của người cha, thần Zeus.

Với nhân vật Diana, nữ chiến binh mạnh mẽ và ngây thơ, tin chắc rằng Ares là kẻ đứng sau gây nên Thế chiến thứ I, và cô phải thực hiện sứ mệnh của mình: tìm và giết Ares để cứu nhân loại. Thoạt tiên, cô ít chú ý đến con người (ngoại trừ một em bé, vì không có em bé trên mảnh đất Themyscira). Nhưng rồi, trái tim cô mở ra, trước những người bạn tử tế và sự quý giá của cuộc sống mà từng người tử tế ấy đang trân trọng níu kéo, đặc biệt là tình yêu đã nảy nở mà cô dành cho Steve Trevor.

Cuối cùng, Diana đã học được sự thật đơn giản rằng, cuộc sống hay số phận tốt xấu của con người được tạo nên bởi chính con người, chứ không phải bởi các vị thần như cô đã được dạy ở Themyscira. Và, dù con người có khả năng tàn ác khủng khiếp đến đâu, họ cũng có sức mạnh yêu thương và lòng trắc ẩn. Các vị thần không có nhiều trong thế giới con người. Tuy họ có thể ngụy trang mình như con người và có thể vạch ra các sự kiện theo cách này hay cách khác, nhưng họ không thể khống chế ý chí của con người theo cách họ muốn.

Đức Phật, đôi khi được hỏi về sự tồn tại của các vị thần, Ngài thường không đưa ra câu trả lời trực tiếp, thậm chí Ngài còn im lặng. Các vị thần được đề cập đến trong các kinh điển cổ xưa, không phải như những gì chúng sinh cầu nguyện hoặc khẩn cầu, họ không kiểm soát thời tiết, thu hoạch, hoặc chiến tranh hay hòa bình. Thông thường các vị thần này là chúng sinh với những vấn đề riêng của họ, những người không tương tác nhiều với con người.

Trong số các đệ tử của Đức Phật, có thể có một số người tin vào các vị thần, và một số thì không. Điều quan trọng là, trong đạo Phật, các vị thần không can thiệp đến sự vận hành của vũ trụ. Thế giới tự nhiên, từ các tầng sao, các hành tinh, cho đến sự nảy mầm của hạt, đều có quy luật tự nhiên của nó.

Karma (nghiệp) cũng là một quy luật riêng. Đức Phật dạy rằng nghiệp không phải là một hệ thống công lý bên ngoài vũ trụ, được quản lý bởi các thẩm phán “siêu nhiên”; thay vào đó, nghiệp là hệ quả tất yếu của hành động có ý thức của con người. Và đó là nghiệp mà chúng ta tạo ra cho chính mình, hình thành nên cuộc sống của chúng ta, chứ không phải sự can thiệp của các vị thần. Và như vậy, nếu có một thông điệp Phật pháp ẩn trong Wonder Woman, thì đó là: “Con người có trách nhiệm với bản thân và có trách nhiệm với nhau”. Chúng ta không thể đẩy trách nhiệm đó lên bất kỳ loại sinh vật nào khác. Và như Diana nói ở cuối phim, chỉ có tình yêu thực sự mới có thể cứu vãn tất cả thế giới.

Chúng ta không thể trông mong vào một siêu anh hùng với sức mạnh siêu phàm, chiếc khiên chắn vững chắc cùng thanh gươm ma thuật trong tay, để cứu chúng ta khỏi bất cứ ác quỷ nào xuất hiện. Chúng ta cần tự cứu bản thân và sự sống quanh mình, không nhờ ai khác ngoài chính tư tưởng, lòng từ và trí tuệ của chúng ta.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hơn 100 em thanh thiếu niên tham gia khóa tu "Tuổi trẻ" lần thứ I tại chùa Long Phước

Chùa Long Phước (TP.Bạc Liêu) khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I

GNO - Sáng 15-12, chùa Long Phước (P.5, TP.Bạc Liêu) tổ chức khai mạc khóa tu Tuổi trẻ lần thứ I với sự chứng minh của Thượng tọa Thích Giác Nghi, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, trụ trì chùa Long Phước; chư tôn đức giáo thọ sư, Phật tử và hơn 100 thanh thiếu niên tham dự khóa tu.

Thông tin hàng ngày