NSGN - Vasudhara/Tài Nguyên Thiên Mẫu, vị Bồ-tát của Phật giáo về sự giàu có, thịnh vượng và phong phú/dồi dào. Vasudhara phổ biến ở nhiều quốc gia Phật giáo và là một đề tài trong truyền thuyết và nghệ thuật Phật giáo.
Vasudhara
Khởi đầu từ một vị Bồ-tát Ấn Độ, sự phổ biến của vị Bồ-tát này đã lan rộng ra đến các quốc gia Phật giáo phía Nam.Tuy nhiên, sự phổ biến của Vasudhara lên đến đỉnh điểm ở Nepal, nơi thần có một vị trí mạnh mẽ trong Phật giáo Nepal vùng thung lũng Kathmandu và do đó là một nhân vật trung tâm của Phật giáo Nepal1. Thần được đặt tên là Shiskar Apa ở Lahul và Spiti.
Tên gọi - ý nghĩa, chức năng
Tên tiếng Phạn của Tài Nguyên Thiên Mẫu là Vasudhara/Vasudhara, có nghĩa là “nữ thần mang báu vật” hoặc “dòng chảy của đá quý”. Ngoài ra, tên gọi Vasudhara còn biểu thị thần là nguồn gốc của tám “Vasus dồi dào/phong phú” [tám vị thần nguyên tố đại diện cho các khía cạnh của tự nhiên (Ngũ đại: đất, nước, lửa, gió, không - Pancha Bhoothas) cùng mặt trời, mặt trăng và tinh tú)]2. Do đó, một số nhận định cho rằng Nữ thần là sự hào phóng nước của con sông Hằng - Nữ thần Ganga.
Trong đó, vasu có nghĩa là thiện hoặc bảo; còn dhara có nghĩa là nắm, giữ. Trong tiếng Hán, Tài Nguyên Thiên Mẫu còn được dịch là Tài Tục Thiên Mẫu, Trì Thế Thiên Nữ, Vũ Bảo Bồ-tát hay Thế Đà La3. Do có nhiều tên gọi, nên các kinh điển có những giả thiết khác nhau về nguồn gốc của Thiên Mẫu, bởi vậy thân phận vị Nữ thần sông Hằng cũng có phần khó xác định. Bên cạnh đó, Vasudhara còn được cho rằng có liên quan đến vị Nữ thần vĩ đại Lakshmi của Ấn Độ.
Câu thần chú của Nữ thần là “Om Shri Vasudhara Ratna Nidhana Kashetri Soha”, khi một người thực hành pháp tu Vasudhara, 800 câu thần chú (8 vòng của một tuần) nên được tụng đọc vào ngày đầu tiên, sau đó 300 câu thần chú (3 vòng của một tuần) mỗi ngày sau đó, một câu thần chú đáng giá của một tuần vào buổi sáng, khi có thời gian cho phép trước khi làm việc; một câu thần chú khác của tuần khi thời gian cho phép vào cuối buổi chiều/tối, có lẽ sau khi làm việc; và những câu thần chú cuối cùng của tuần trước khi ngủ, hoặc 3 tuần một lần vào bất cứ thời gian nào trong ngày. Điều này được cho rằng các tín đồ sẽ gia tăng sự tích lũy về 7 loại - đó là sự giàu có, phẩm chất, con cái, trường thọ, hạnh phúc, sự quý trọng và thông thái; cho các tín đồ của Vasudhara sự chuẩn bị tốt hơn để tu luyện hạnh bố thí, bản thân đó chính là nhân quả của sự giàu có, cũng như có đủ nguồn lực để có thể tham gia vào các pháp tu tâm linh. Việc tu tập pháp tu này được tin rằng sẽ đưa đến sự giác ngộ. Đôi khi, thần chú cũng được rút ngắn gọn lại là Oṃ Vasudhare svaha.
Các truyền thuyết
Lời thỉnh nguyện của Sucandra
Nguồn gốc của Vasudhārā trong Phật giáo xuất hiện trong kinh Vasudhara Dharani. Theo một truyền thuyết trong tạng kinh được biết đến như là “Lời thỉnh nguyện của Sucandra”, một người thường dân nghèo khổ tên Sucandra đến bên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni để thỉnh cầu cách có được số lượng lớn ngũ cốc, vàng, bạc và châu báu để nuôi sống đại gia đình của mình và thực hiện các hoạt động từ thiện với nguồn tài sản dư dả đó. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhận thấy một câu thần chú về Bồ-tát Vasudhara là phù hợp với mục đích của Sucandra, nên Ngài đã ban cho Sucandra một câu thần chú và lễ nghi tín ngưỡng/tôn giáo mà theo đó sẽ đem tới sự may mắn và thịnh vượng do chính Vasudhara mang lại. Khi bắt đầu các lễ nghi và dạy chúng cho người khác, Sucandra bắt đầu giàu có. Nhận thấy sự thành công của Sucandra, Tôn giả Ananda đã hỏi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni làm thế nào anh ta có được sự giàu có nhanh chóng như vậy. Đức Phật chỉ dẫn cho Ananda thực hành pháp tu Vasudhara Dharani và truyền đạt nó cho kẻ khác “để những việc tốt đẹp được gia tăng”.
Mặc dù “Lời thỉnh nguyện của Sucandra” dường như mâu thuẫn với việc Đức Phật từ bỏ mọi sở hữu vật chất và thú vui trần thế, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không chỉ dẫn chư Tăng tụng niệm thần chú vì lợi ích vật chất mà thay vào đó, Ngài nhấn mạnh rằng thần chú là vì “lợi ích của nhiều người” và vì “hạnh phúc của nhiều người”. Vì vậy, câu thần chú có ý nghĩa để giảm bớt đi những khổ đau hơn là có được sự giàu có thông qua Vasudhara, người không chỉ ban phát sự giàu có và dồi dào về vật chất mà còn cả sự giàu có và dồi dào về tinh thần.4
Các truyền thuyết từ Taranatha
Một số truyền thuyết khác mô tả sự rộng lượng/hào phóng của Vasudhara được tìm thấy trong các tác phẩm của Taranatha (1575-1634), một Tăng sĩ và học giả lỗi lạc người Tây Tạng. Theo lịch sử, Bồ-tát Vasudhara đã ban cho nhà sư Buddhajnana/Phật Trí ba trăm chuỗi ngọc trai mỗi ngày. Buddhajnana cũng được ban phước với một lượng người ổn định để mua những chiếc vòng chuỗi này. Với thành công này, nhà sư đã có thể đầu tư tài sản của mình cho tu viện bằng cách hỗ trợ các Tăng sĩ và học viên đồng môn của mình; mua tượng, các vật dụng lễ nghi tạ ơn, và quyên góp hào phóng cho tu viện. Bởi vì vị Tăng sĩ đã không sử dụng số tiền có được cho mục đích cá nhân, Vasudhara tiếp tục ban tặng những món quà này cho Buddhajnana trong suốt quãng đời còn lại của ông. Một truyền thuyết khác trong lịch sử Taranatha lặp lại truyền thuyết về “Lời thỉnh nguyện của Sucundra/Sucandra”. Theo truyền thuyết này, một hành giả nghèo vật lộn để đỡ đần cho gia đình. Ông đến gặp một vị Tăng sĩ hết lòng thực hành thiền định. Nhà sư đã dạy cho ông các nghi thức và lễ nghi cần thiết để thiền định về Nữ thần Vasudhara. Ông bắt đầu thực hành các lễ nghi và nhanh chóng đạt được sự thịnh vượng, nhận được một lượng lớn đất đai và một vị trí giảng dạy uy tín tại một tu viện. Kết quả là, ông, giống như nhà sư đã từng giúp đỡ ông trong lúc ông cần, cũng chia sẻ các nghi thức và lễ nghi của Vasudhara với những người khác.
Giống như truyền thuyết về “Lời thỉnh nguyện của Sucandra” những truyền thuyết này rất có ý nghĩa bởi chúng khuyến khích cả thường dân và Tăng sĩ thờ phượng Vasudhara. Ngoài ra, họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bố thí, giảng dạy cho những người thờ phụng chia sẻ sự may mắn của họ hơn là tích lũy nó cho chính mình.
Truyền thuyết: Tài Nguyên Thiên Mẫu vốn là Nữ thần sông Ấn Độ
Trong số nhiều giả thiết, có một truyền thuyết phổ biến hơn cả, cho rằng kiếp trước của Tài Nguyên Thiên Mẫu là Nữ thần con sông Hằng - Ganga. Vốn là Nữ thần cõi Trời, do Thần Brahma - vị thần sáng tạo của Ấn Độ - cho rằng, để cứu giúp chúng sinh đau khổ của thế gian, cần dùng dòng sông Hằng của thiên giới để tưới nhuần mặt đất. Bởi vậy, Thần Brahma thỉnh cầu Thần Siva cho tổ chức một nhạc hội tại núi Himalaya. Nhạc hội vĩ đại nhất, tuyệt diệu nhất trên thế gian này đã khiến Nữ thần Ganga cảm động, tự nguyện hạ phàm đến với nhân gian. Dòng nước sông Hằng đổ xuống đầu Thần Siva và tách ra từ mái tóc của Thần để đến với thế gian, trở thành dòng sông thiêng không bao giờ khô cạn, tưới tắm cho vùng đất Ấn Độ mênh mông. Theo như ghi chép trong “Bản tục”, khi Phật Ca Diếp (Kashyapa) còn tại thế, Tài Nguyên Thiên Mẫu nhờ công đức bố thí mà đã được tái sinh đến tầng trời ba mươi ba. Khi Phật Thích Ca tại thế, Tài Nguyên Thiên Mẫu lại được tái sinh từ trong nước, đó chính là Thiên nữ sông Hằng, và hóa hiện thành một trong hai mươi mốt vị Độ Mẫu. Cũng có thuyết cho rằng, Tài Nguyên Thiên Mẫu cũng chính là Bảo Nguyên Độ Mẫu trong 21 vị Độ Mẫu. Bởi vậy, cúng dường Tài Nguyên Thiên Mẫu sẽ đem lại cho người tu hành vô số tiền bạc của cải. Trong Du-già tục và Vô thượng Du-già tục của Phật giáo Tây Tạng, Tài Nguyên Thiên Mẫu được coi là Phật Mẫu sinh ra Năm Lộ Thần Tài, thuộc về bộ Như Ý Kim Cương phương Nam của Phật Bảo Sanh.5
Hình tượng trong nghệ thuật Phật giáo
Trong nghệ thuật Phật giáo, Vasudhara có một hình tượng nhất quán. Thần có thể dễ dàng được nhận biết như một vị Bồ-tát bởi mũ miện trau chuốt công phu và số lượng lớn trang sức mà thần đeo.6 Da thần có sắc vàng kim trong các tranh tượng bằng đồng thiếc. Màu sắc này được nối kết với các kim loại quý và biểu trưng cho sự sang trọng, dồi dào/phì nhiêu và sự hào phóng/rộng rãi trong biểu tượng Phật giáo. Vasudhara đặc trưng ngồi trên một đài sen trong tọa thức thanh nhàn/lalitasana, với một chân hướng về mình và chân kia để trên bệ hoa nhưng tựa vào một vật báu nhỏ7. Tuy nhiên, Vasudhara cũng có thể được tạo tác trong tư thế đứng. Khi đứng, Vasudhara với một bình đầy hoa tượng trưng cho sự phong phú/dồi dào bên dưới mỗi bàn chân.8
Mặc dù có sự nhất quán này trong các biểu hiện, nhưng số lượng tay của Vasudhara có thể khác nhau. Trong các biểu thị cụ thể, Vasudhara có ít nhất hai tay và nhiều nhất là sáu tay. Hình tượng hai tay là phổ biến hơn trong nghệ thuật Tây Tạng và nghệ thuật Ấn Độ, trong khi các hình tượng sáu tay gần như dành riêng cho nghệ thuật Nepal. Mặc dù hình tượng sáu tay bắt nguồn từ Ấn Độ, nhưng chúng rất hiếm và chỉ có một vài ví dụ được tìm thấy.
Vasudhara hay Vasundhara, “người nắm giữ kho báu”, là một Nữ thần nổi tiếng ở Nepal về khả năng sinh sản/màu mỡ và thịnh vượng, và là một phối ngẫu của vị thần giàu có Jambhala. Vasudhara ngồi trong tư thế “thanh nhàn đế vương” trên đài tọa nguyệt cung và bông sen màu hồng, với chân trái thả xuống và phần chân phải mở rộng (tư thế tương tự với Tara xanh/Lục Độ Mẫu - cho thấy thần sẵn sàng “đi xuống từ đài sen” để cứu giúp những người khẩn cầu thần) trên một vỏ ốc xà cừ trắng (tượng trưng cho việc chế ngự/kiểm soát lời nói một cách hoàn hảo) và một chiếc bình báu vàng kim (sự giàu có/thịnh vượng). Vasudhara xinh đẹp, quyến rũ, trẻ trung như một thiếu nữ mười sáu, và cơ thể vàng kim của thần phát ra ánh sáng rực rỡ. Ba mặt xinh đẹp và tươi cười của Vasudhara có sắc đỏ (mặt phải - đỏ là sắc màu của sự kiểm soát), vàng kim (trung tâm, vàng kim là màu sắc của sự gia tăng), và màu đỏ (trái), biểu trưng cho lòng trắc ẩn hoàn hảo, sự hiểu biết khôn ngoan, nhận thức và hiểu biết sâu sắc về quá khứ, hiện tại và tương lai; thần được trang hoàng với năm loại lụa thiêng và tám món đồ trang sức. Tay phải đầu tiên của thần với thí nguyện ấn, trong khi hai tay phải khác nắm giữ “Tam bảo” Phật, Pháp và Tăng - biểu trưng cho tín tâm vào Tam bảo, và một chuỗi tràng hạt vàng kim, tượng trưng cho việc liên tục thực hành và tự sám hối, quan trọng để giác ngộ.
Với ba tay bên trái, Vasudhara nắm giữ một chiếc bình báu nhỏ, cho cuộc sống trường thọ và sự khai tâm; một quai ngũ cốc, cho mùa màng bội thu và lợi ích trần thế; và một bản kinh văn thiêng liêng ban cho sự khôn ngoan/thông thái. Trong tay Vasudhara nắm giữ nhiều trì vật mang thuộc tính của thần. Biểu trưng phổ biến nhất thể hiện Vasudhara đang cầm một bó ngũ cốc trên tay trái biểu thị cho mùa vụ bội thu. Thần cũng có biểu thị cầm một viên ngọc hoặc vật báu nhỏ, biểu trưng cho sự giàu có. Các hình tượng nhiều tay hơn, như hình tượng sáu tay của Nepal, cũng miêu tả thần cầm một chiếc bình chứa đầy và kinh Bát-nhã. Tay không nắm trì vật, Vasudhara biểu thị các thủ ấn. Thủ ấn thường thấy trong các tranh vẽ và đặc điểm trên những bức tượng nhỏ biểu thị Vasudhara là thủ ấn varada (thí nguyện ấn), trong đó biểu trưng cho sự “rót ra những phúc lành thiêng liêng”.9
Trong hình thức 2 tay 1 mặt, thần có thân thể vàng kim, biểu thị cho yếu tố thổ, Ratnasambhava/Bảo Sanh Như Lai trên mũ miện, đôi khi thể hiện 2 mắt hoặc 3 mắt; 3 con mắt này biểu trưng cho sự nhận thức toàn trí, hiểu biết, từ bi, thông thái và thấu hiểu về quá khứ, hiện tại và tương lai. Hai tay Vasudhara cầm một bó lúa hoặc bó ngũ cốc biểu trưng cho nông nghiệp thịnh vượng và để “gieo hạt giống” của sự giác ngộ, và một viên ngọc ước đơn nhất hoặc một chén ngọc ước cho sự giàu có và ước nguyện đong đầy. Vasudhara là chủ thể của nhiều tượng đồng thiếc và tranh vẽ. Vasudhara là nhân vật trung tâm chủ yếu của các tác phẩm điêu khắc bằng đồng hoặc tranh vẽ mandala.
Tuy nhiên, Vasudhara cũng có thể xuất hiện cùng với người phối ngẫu của mình, Vaiśravaṇa (Jambhala) vị thần Phật giáo của sự giàu sang. Mặc cho vị thế của người phối ngẫu, Vasudhara nổi tiếng, phổ biến hơn Vaiśravaṇa (Jambhala) và là nhân vật trung tâm của mandala của riêng Vasudhara. Ngoài ra, hình tượng Vasudhara cầm bó/gié lúa khá tương đồng với các vị nữ thần lúa gạo ở các nước châu Á như Mae Po Sop - Nữ thần lúa gạo của người Thái Lan, Niêng Prôlưng Srâu của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long, Dewi Sri của Indonesia…
Vasudhara trong các cộng đồng Phật giáo
Phật giáo Miến Điện
Trong Phật giáo Miến Điện, lễ nước, được gọi là yay zet cha, liên quan đến nghi thức rót nước từ ly vào một chiếc bình/vại, từng giọt từng giọt một, kết thúc hầu hết các nghi lễ Phật giáo bao gồm tán dương công đức cúng dường và lễ hội. Nghi lễ rảy nước này được thực hiện nhằm chia sẻ công đức tích lũy cho 31 nẻo chúng sinh trong tam giới.10 Khi nước trút xuống, một câu chú nguyện, gọi là hsu taung imaya dhammanu, được chư Tăng và tín đồ tụng đọc. Sau đó, công đức được phân phối cho những người quyên cúng, được gọi là ahmya wei bằng cách nói Ahmya ahmya ahmya yu daw mu gya ba gon law ba lần, và người tín đồ tham gia đáp lời thadu, từ Pāli chỉ cho “việc làm tốt”. Nữ thần đất Vasudhara được cầu khấn làm chứng cho những hành động công đức này.11 Sau đó, nước được trút lên trên mặt đất ở bên ngoài, để trả lại nước cho Vasudhara.
Phật giáo Nepal
Vasudhara đặc biệt phổ biến trong Phật giáo Nepal, nhất là trong số các tín đồ Phật giáo Nepal vùng thung lũng Kathmandu. Ở khu vực này, Vasudhara là một vị gia thần phổ biến. Điều này được biết đến thông qua vô số các tượng đồng thau và tranh vẽ được tìm thấy biểu thị thần. Những hình ảnh có kích thước nhỏ này, thông thường là 18cm hoặc nhỏ hơn. Vì kích thước nhỏ của chúng, người ta biết rằng những hình tượng này chủ yếu được sử dụng riêng cho cá nhân, cụ thể là sự tôn kính của hộ gia đình dành cho Vasudhara. Tuy nhiên, trong loại tranh có kích thước nhỏ bé của Nepal, Vasudhara màu vàng, cầm cung tên và một gié lúa.
Ngoài ra, có một hệ thống thờ cúng tôn giáo dành riêng cho việc thờ phụng Vasudhara đi theo bởi những tín đồ Phật giáo Nepal.12 Tín đồ của hệ thống thờ cúng tôn giáo này tin rằng thờ phụng Vasudhara sẽ mang lại sự giàu có và ổn định. Mặc dù những tín đồ Phật giáo Nepal rất sùng tín hệ thống tín ngưỡng này, nhưng thật không may, giờ đây nó đang suy tàn.
Là vị Bồ-tát của sự dồi dào và thịnh vượng, sự phổ biến của thần ở vùng đất này là do nông nghiệp chiếm ưu thế và thương mại thiết yếu đối với nền kinh tế của thung lũng Kathmandu.13 Người Nepal tin rằng sự tôn kính Vasudhara nói chung sẽ mang lại may mắn.
Một trong những biểu trưng sớm nhất của Nepal về Vasudhara là pauhba (nghệ thuật mô tả các hình tượng Hindu giáo và Phật giáo trên vải), có niên đại từ năm 1015 TL.14 Pauhba này được biết như là mandala của Vasudhara. Nữ thần là hình ảnh trung tâm của mandala, thể hiện những cảnh cúng tiến, khởi đầu lễ nghi, lễ hội âm nhạc và nhảy múa liên quan đến thờ cúng Nữ thần. Mục đích của nó là để tu tập. Mandala truyền dạy tầm quan trọng của việc tôn thờ Vasudhara chủ yếu thông qua lời kể của một người không phải là tín đồ mà bà đã chuyển đổi sang tín ngưỡng này.15
Trong Phật giáo Tây Tạng
Ngoài sự phổ biến ở Nepal, Vasudhara còn là một vị thần giàu có quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng. Mặc dù phổ biến ở Tây Tạng, Vasudhara không đảm nhận vai trò quan trọng như trong Phật giáo Nepal. Ở Tây Tạng, việc thờ cúng Vasudhara chỉ giới hạn trong phần lớn thường dân, nhưng khác với sự thờ phụng của chư Tăng. Điều này là do chư Tăng Tây Tạng coi Vasudhara như là “vị thần bảo trợ cho người thế tục” và thay vào đó chủ yếu tham gia vào việc thờ cúng Nữ thần Tara cho mọi mong cầu của họ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các chư Tăng hoàn toàn coi nhẹ Vasudhara. Họ cử hành các nghi thức và nghi lễ cho Vasudhara đều đặn nhưng thường là theo lời thỉnh cầu của người bảo trợ. Thần được coi là một trong 21 Tara/Độ Mẫu, cũng được biết như là “Tara Vàng/Vàng Kim” Tây Tạng: Dolma Sermo, tên gọi khác là Norgyunma.
Hình tượng của Vasudhara thay đổi chút ít ở Tây Tạng. Trong nghệ thuật Tây Tạng, Thần xuất hiện phổ biến hơn với hai cánh tay. Tuy nhiên, các hình tượng sáu tay cũng tồn tại và được tin rằng chúng đã xâm nhập vào Tây Tạng qua Nepal bởi vì sự xuất hiện muộn màng của những hình tượng này trong các văn tự và mỹ thuật.16 Không giống như nghệ thuật Nepal, Vasudhara hiếm khi xuất hiện một mình trong nghệ thuật Tây Tạng. Thay vào đó, Nữ thần được ghép đôi với Jambhala hoặc xuất hiện cùng với các vị thần khác.17 Mặc dù có những khác biệt nhỏ đó, hầu hết các tranh tượng về thần vẫn không thay đổi và Vasudhara có thể dễ dàng được nhận ra bởi các đặc trưng của thần trong phần lớn nghệ thuật Phật giáo.
Sự tương đồng của Vasudhara với Nữ thần Lakshmi
Vasudhara thường được so sánh với Nữ thần Hindu Lakshmi. Như vị nữ thần của tài lộc, cả hai nữ thần đều có hình tượng tương tự và được tôn thờ vì vai trò về một vụ mùa bội thu. Cả hai đều có sắc thân vàng kim trong các biểu trưng mỹ thuật, cùng một thủ ấn và nắm giữ các trì vật tương tự. Ví dụ, Vasudhara và Lakshmi hay được mô tả cầm ngọc báu hoặc có những bình báu dưới chân. Người ta tin rằng quy ước mô tả Vasudhara đứng trên các bình vại bắt nguồn từ các biểu trưng trước đó của Lakshmi.18 Hơn nữa, cả hai vị nữ thần thường được miêu tả kết hợp với các phối ngẫu tương ứng của họ, Lakshmi cùng với Thần Vishnu và Vasudhara cùng với Jambhala. Điều này đã chỉ ra mối quan hệ nguồn gốc thân thiết của hai vị nữ thần này và theo đó, Vasudhara là một cách Phật giáo hóa nữ thần tài lộc Lakshmi Hindu. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là sự khác biệt về tín niệm.
Do bản nguyện của Tài Nguyên Thiên Mẫu là làm thỏa mãn nguyện ước của mọi chúng sinh. Tay kết ấn thí nguyện, tượng trưng cho bố thí của cải, bố thí pháp, bố thí vô úy, thường thực thi “bố thí Ba-la-mật” nên thành tín tu trì pháp môn của Tài Nguyên Thiên Mẫu, chuyên tâm niệm chú, đảnh lễ cúng dường, sẽ nhận được sự cảm ứng gia trì của Tài Nguyên Thiên Mẫu, khiến người tu hành tiền tài sung túc, tránh được đói nghèo. Nếu có thể học tập theo bản nguyện của Tài Nguyên Thiên Mẫu, sau khi được sự gia trì của Thiên Mẫu lại mang những của cải có được đi bố thí rộng rãi, đồng thời lĩnh hội được ý nghĩa thể tính không tịch của vòng tròn luân chuyển bất đoạn gồm người ban cho, người được nhận và vật đem cho thì nhất định sẽ được thành tựu tương ứng như Thiên Mẫu.
Huỳnh Thanh Bình
_____________
(1) Pal, Pratapaditya. (1985). Art of Nepal. Đại học California xb, tr.32.
(2) Theo: P. Sambamoorthy (1973). South Indian Music. The Indian Music xb, quyển III. S. Bhagyalekshmy (1990). Ragas in Carnatic music. CBH xb.
(3) Theo: Louis Frederic (2005). Tranh tượng & thần phổ Phật giáo. NXB.Mỹ Thuật, tr.344. Nguyễn Kim Dân biên dịch (2011). Thần tài & hình tượng về của cải. NXB.Văn Hóa Thông Tin, tr.130-132. Đại đức Thích Minh Nghiêm tổng hợp và biên dịch (2010). Thần tài Mật tông. NXB.Thời Đại, tr.129-131. Đại đức Thích Minh Tông (2010). Phương pháp thờ thần tài Mật tông. NXB.Tôn Giáo, tr.202-205.
(4) Shaw, Miranda (2006). Buddhist Goddesses of India. Đại học Princeton xb, tr.248.
(5) Theo: Đại đức Thích Minh Nghiêm tổng hợp và biên dịch (2010). Sđd, tr.129-131. Đại đức Thích Minh Tông (2010). Sđd, tr.202-205.
(6) Getty, Alice. (1928). The Northern Gods of Buddhism. Claredon xb, tr.130.
(7) Pal, Pratapaditya. (2003). Art from the Himalayas and China. Đại học Yale xb, tr.76.
(8) Shaw, Miranda (2006). Sđd, tr.255. (9) Shaw, Miranda (2006). Sđd, tr.252.
(10) Spiro, Melford E (1996). Burmese supernaturalism. Transaction xb, tr.44-47.
(11) Spiro, Melford E. (1982). Buddhism and society: a great tradition and its Burmese vicissitudes. Đại học California xb, tr.213-214.
(12) Aslop, Ian. (1984) “Five Dated Nepalese Metal Sculptures.” Artibus Asiae, tập 45, JSTOR, tr.209.
(13) Pal, Pratapaditya. (1985). Sđd, tr.32.
(14) Pal, Pratapaditya. (1975). Nepal: Where the Gods are Young, tr.16.
(15) Pal, Pratapaditya. (1975). Sđd, tr.82.
(16) Shaw, Miranda (2006). Sđd, tr.260.
(17) Shaw, Miranda (2006). Sđd, tr.262.
(18) Shaw, Miranda. (2006). Sđd, tr.259.