NSGN - Theo lời Phật dạy, người xuất gia không những giúp nhau trong cuộc sống đời thường mà còn phải lân mẫn khi bệnh tật, ốm đau1. Sự kiện Đức Phật cùng chúng Tăng thăm Tỳ-kheo đang lâm bệnh và sau đó thuyết giảng, cầu nguyện cho vị này thường xuất hiện trong nhiều bản kinh. Ba bản kinh đều mang tên kinh Bệnh trong Tương ưng bộ là những ví dụ tiêu biểu.
Đức Phật thăm một Tỳ-kheo bị bệnh - Tranh PGNN
1. Từ ba bản kinh Bệnh trong Tương ưng bộ
Trong kinh Tương ung bộ, có ba bản kinh nằm trong chương Tương ưng giác chi đều mang tên kinh Bệnh, với số hiệu S.v,79; S.v,80; S.v,812. Bài kinh thứ nhất liên quan đến Tôn giả Mahā Kassapa, bài kinh thứ hai dành cho Tôn giả Mahā Moggalāna và bài kinh thứ ba liên quan đến Đức Phật và Tôn giả Mahā Cunda. Để tiện việc khảo sát, chúng tôi xin dẫn nguyên văn bài kinh thứ nhất.
Bệnh (1) (S.v,79)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, rừng Trúc Lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahā Kassapa trú ở hang Pipphalī, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh.
3) Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahā Kassapa; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn.
4) Ngồi xuống, Thế Tôn nói với Tôn giả Mahā Kassapa:
- Này Kassapa, Ông có kham nhẫn được chăng? Ông có chịu đựng được chăng? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không có tăng trưởng? Có phải có triệu chứng giảm thiểu, không có tăng trưởng?
- Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, con không thể chịu đựng. Khổ thọ kịch liệt tăng trưởng nơi con, không có giảm thiểu. Có triệu chứng tăng trưởng, không có giảm thiểu.
5) - Này Kassapa, bảy giác chi này do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Thế nào là bảy? Niệm giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn... Xả giác chi, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Bảy giác chi này, này Kassapa, do Ta chơn chánh thuyết giảng, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.
- Thật vậy, bạch Thế Tôn, chúng là giác chi. Thật vậy, bạch Thiện Thệ, chúng là giác chi.
6) Thế Tôn thuyết như vậy, Tôn giả Mahā Kassapa hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Và Tôn giả Mahā Kassapa được thoát khỏi bệnh ấy. Bệnh ấy của Tôn giả Mahà Kassapa được đoạn tận như vậy.
Về bài kinh Bệnh thứ ba (S.v,81), theo kinh Tương ưng thuộc văn hệ Nikāya, khi Đức Phật bị bệnh, đã nghe Tôn giả Mahā Cunda đã thuyết thất giác chi (satta bojjhaṅgā), sau khi nghe xong thì Đức Phật đã lành bệnh.
Trong bài kinh thứ ba này, sau khi khảo chứng và đối chiếu bản kinh tương đương trong Hán tạng3, chúng tôi đã chứng minh điều ngược lại. Tức Tôn giả Mahā Cunda bệnh, Đức Phật ghé thăm và dạy Tôn giả Mahā Cunda tự mình thuyết thất giác chi, sau khi nghe xong, Tôn giả Mahā Cunda đã lành bệnh4.
Do vì ba bản kinh trên đều chuyên chở cùng một nội dung mang tính công thức: bị bệnh –> nghe thất giác chi –> lành bệnh nên đã được một số truyền thống Phật giáo Nam truyền, xem ba kinh này như những bản kinh mang tính cầu an cho những người bệnh tật. Đặc biệt, dựa vào chi tiết Đức Phật cũng lành bệnh nhờ nghe thất giác chi ở bản kinh Bệnh thứ ba (S.v,81) trong kinh Tương ưng bộ, nên cả ba bản kinh này được các nhà biên tập kinh tạng Nikāya tinh tuyển vào nhóm 24 Hộ kinh (Paritta Sutta) với chức năng đem đến bình an, bảo hộ sức khỏe5.
Như vậy, với Phật giáo nói chung, phải chăng mỗi khi bệnh tật thì chỉ cần trì tụng ba bản kinh có nội dung thất giác chi này, hay cần phải vận dụng nhiều phương cách trị liệu khác?
Khảo sát kho tàng kinh điển và luật tạng cho thấy, ngoài việc trì tụng thất giác chi trong khi bệnh tật, Đức Phật đã mở ra những phương cách điều trị bệnh tật mang hiệu quả thiết thực, và vẫn còn giá trị ứng dụng trong thời đại hôm nay.
2. Các điều kiện trị liệu bệnh tật trong kinh điển Phật giáo
Từ những giáo huấn của Đức Phật liên quan đến vấn đề bệnh tật và sức khỏe đã cho thấy, Đức Phật là bậc y vương đúng nghĩa của từ nguyên. Khảo sát về các điều kiện, liệu trình điều trị bệnh tật trong kinh điển và Luật tạng đã chứng tỏ điều này.
a) Ba điều kiện để điều trị bệnh tật
Theo kinh Tăng chi (A.i,120), để điều trị bệnh tật thành công, cần phải hội đủ ba điều kiện. Thứ nhất là dược liệu (Bhesajja). Thứ hai là thức ăn (Bhojana). Thứ ba là người điều trị, chăm sóc (Upaṭṭhāka)6. Yêu cầu quan trọng là cả ba yếu tố này phải phù hợp (Sappāyā) với bệnh tình, thể tạng, hoàn cảnh cụ thể của bệnh nhân. Trong khi thăm bệnh, Đức Phật cũng như các vị Tăng thăm bệnh thường quan tâm đến ba việc này. Trường hợp ngài Sāriputta thăm bệnh Tôn giả Channa (S.iv,55) là một ví dụ tiêu biểu7. Ở đây, trong ba điều kiện này, thì điều kiện về người điều trị, chăm sóc có một vai trò quan trọng.
Cũng theo kinh Tăng chi (A.iii, 144)8, một người chăm sóc và điều trị bệnh (upaṭṭhāka) cần phải hội đủ năm yếu tố. Thứ nhất, có thẩm quyền về dược lý (bhesajjaṃ saṃvidhātuṃ). Thứ hai, có thể chỉ định liệu trình điều trị phù hợp (sappāyāsappāya). Thứ ba, chăm sóc bệnh nhân không vì lợi lộc vật chất (no āmisantaro), mà với tâm thương yêu cao cả (mettacitta). Thứ tư, không nhờm gớm (ajegucchī) các chất thải và phụ phẩm của bệnh nhân. Thứ năm, có năng lực giải thích, thuyết phục (sandassetuṃ samādapetuṃ); thỉnh thoảng thăm hỏi, động viên khiến cho bệnh nhân hoan hỷ (sampahaṃsetuṃ).
Ba điều kiện để trị bệnh cũng như năm tiêu chuẩn của một người chăm sóc bệnh theo kinh Tăng chi, có thể tìm thấy trong quy trình điều trị cũng như trong tiêu chuẩn lý tưởng của người thầy thuốc ngày nay. Điều đó cho thấy tính tiên phong của Đức Phật trong lãnh vực y khoa nói chung, và giải pháp điều trị bệnh tật nói riêng.
b) Hai liệu pháp điều trị thân, tâm
Cơ thể của con người là sự tổng hòa những yếu tố vật chất và tinh thần, gọi chung là năm uẩn (Pañca-khandha). Khi năm uẩn hòa hợp thì con người khỏe mạnh, khi năm uẩn bất hòa thì tạo ra bệnh tật, khổ đau.
Xét về phương diện tổng quát, thân thể vật chất có ít nhất 32 thành phần và trong mỗi thành phần đó do những yếu tố khác nhau tạo thành9. Về phương diện tinh thần, có rất nhiều yếu tố tâm lý với cơ cấu vận hành rất phức tạp. Theo Pāli Abhidhamma, có tất cả là 89 Tâm vương, 54 Dục giới tâm, 15 Sắc giới tâm, 12 Vô sắc giới tâm và 8 Siêu thế tâm10. Khảo sát sơ bộ cho thấy, để giữ cho các yếu tố vật chất và tinh thần này phát triển hài hòa, không xung đột trong một chỉnh thể thống nhất là việc không giản đơn. Chính vì vậy, trong kinh Tương ưng (S.iii,1) Đức Phật đã khẳng định: Ai mang tấm thân này, tự cho là không bệnh, dầu chỉ trong giây lát, gọi đó là kẻ ngu!11.
Do vì thân ngũ uẩn là sự tổng hòa những yếu tố vật chất và tinh thần, thế nên khi thân ngũ uẩn bệnh tật, thì tùy theo bệnh nguyên mà lựa chọn một liệu pháp điều trị tương ứng. Theo khảo sát, có hai liệu pháp điều trị thường được sử dụng.
* Thứ nhất, liệu pháp dược liệu
Trong tu viện thời Phật đã có bệnh xá (Gilānasālā) để điều trị bệnh tật cho Đức Phật và chúng tăng (S.iv, 210)12. Điều đó cho thấy Đức Phật quan tâm đến vấn đề y tế, sức khỏe. Tu viện ở suối nước nóng Tapodārāma (Ôn Tuyền lâm viên) cũng là một trong những nơi tịnh dưỡng tối ưu mà Đức Phật và các vị Thánh đệ tử từng lưu trú (S.i,8)13. Ngay như bản thân Ngài, do được cấu thành từ tứ đại, thế nên thân thể của Thế Tôn cũng héo hắt và bất hòa khi gặp phải chướng duyên. Để trị bệnh cho Ngài, ngự y Jīvaka đã dùng dược liệu tương ưng với bệnh trạng. Cụ thể, khi Đức Thế Tôn bị sình bụng, Ngài muốn uống thuốc xổ, ngự y Jīkava đã bào chế một loại thuốc xổ tinh tế mà nhờ đó Đức Phật khỏi bệnh14.
Chương Dược phẩm (Bhesajjakkhandhakaṃ) trong Mahāvagga 2 đã liệt kê những thứ bệnh mà chúng Tăng thường gặp phải như: bệnh ở mắt, bệnh nóng đầu, bệnh gió, bệnh phong, bệnh tay chân nứt nẻ, bệnh mụn nhọt, bệnh trĩ, bệnh vàng da…, và đề xuất những phương cách trị liệu như thuốc mỡ, thuốc bôi, thuốc sắc bằng nước lá... tương ứng với mỗi loại bệnh15.
Đặc biệt, ngoài việc điều trị bằng dược liệu, với một số bệnh trạng, Đức Phật còn khuyến khích bệnh nhân bổ sung những thực phẩm đặc thù. Thuật ngữ y học ngày nay gọi đó là nhóm thực phẩm chức năng (functional foods). Māhāvagga ghi:
Này các Tỳ-kheo, ta đây đã khởi ý điều này: “Năm loại dược phẩm này như là bơ lỏng (sappi), bơ đặc (navanītaṃ), dầu ăn (telaṃ), mật ong (madhu), đường mía (phāṇitaṃ) là các loại dược phẩm tuy đã được quy định là dược phẩm và được dùng theo mục đích của thức ăn cho cơ thể, nhưng không được xem là loại thức ăn thông thường; có lẽ ta nên cho phép các Tỳ-kheo được thọ lãnh năm loại dược phẩm này đúng thời và thọ dụng đúng thời?”16
Như vậy, với những căn bệnh liên quan đến yếu tố vật chất, Đức Phật cho phép sử dụng những dược liệu tương ứng để điều trị. Với những bệnh tật liên quan đến yếu tố tinh thần, Ngài đã chỉ định phương cách điều trị tâm lý.
* Thứ hai, liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý thường được sử dụng song song với liệu pháp dược liệu. Kinh điển ghi nhận rằng, trong khi thăm hỏi các Tỳ-kheo bệnh tật, Đức Phật cũng như chúng Tăng thường thuyết pháp an ủi với những nội dung như: an trú chánh niệm (S.iv,302), thực hành tứ niệm xứ (S.v,176; S.v,178), không chấp thủ (na upādiyissāmi)17, hành trì thất giác chi (satta bojjhaṅgā)...
Liệu pháp tâm lý có mục đích làm cho thân thể tuy đau đớn, nhưng tâm của bệnh nhân không bị khổ não dày vò. Trong kinh Tương ưng (S.iv,207)18, Đức Phật đã đưa ra hình ảnh người lâm bệnh về thân giống như bị bắn bởi một mũi tên. Một khi thân đau khổ, sẽ kéo theo tâm đau khổ, trạng huống ấy giống như bị bắn bởi mũi tên thứ hai. Theo Đức Phật, các phương cách trị liệu về tâm có chức năng ngăn ngừa người bệnh trúng phải mũi tên thứ hai.
Liệu pháp này đã được Đức Phật giảng dạy cho cư sĩ Nakulapitā (S.iii,1): Thân của gia chủ, này gia chủ, là bịnh hoạn, ốm đau, bị nhiễm ô che đậy. Ai mang cái thân này, này gia chủ, lại tự cho là không bịnh, dầu chỉ trong một giây phút; người ấy phải là người ngu! Do vậy, này gia chủ, gia chủ cần phải học tập như sau: “Dầu cho thân tôi có bịnh, tâm sẽ không bị bịnh”. Như vậy, này gia chủ, gia chủ cần phải học tập19.
Một khi thân bệnh, nhưng để tâm không bị khổ não dày vò, thì có nhiều liệu pháp để thực hiện, và một trong số chúng, chính là an trú vào Tứ niệm xứ. Đây cũng là câu trả lời của Tôn giả Anuruddha dành cho số đông các vị Tỳ-kheo: Thưa chư hiền, do tôi trú với tâm khéo an trú trên bốn niệm xứ, nên các khổ thọ về thân khởi lên không có ảnh hưởng đến tâm. (S.v,302)20
Trong thư tịch Hán tạng, cụ thể là trong Đại tạng kinh Đại chính tân tu có tác phẩm Trị thiền bệnh bí yếu pháp21 do cư sĩ Thư Cừ Kinh Thanh dịch vào năm Hiếu Kiến thứ hai (455)22, đã đề xuất 72 pháp trị bệnh loạn tâm ở chốn A-lan-nhã23. Trong 72 pháp này ngoài những liệu pháp liên quan đến ẩm thực và dược liệu, còn bao gồm cả liệu pháp tâm lý như quán tưởng, thiền định. Đặc thù nhất trong 72 liệu pháp này chính là các pháp quán tưởng về tôn dung của Đức Phật, quán các yếu tố trong cơ thể, quán bất tịnh, quán minh châu, quán ao A-nậu-đạt… Thành tựu quán tưởng theo sự hướng dẫn trong kinh thì bệnh sẽ lành.
Tương tự, trong kinh Tăng chi (A.v,108), khi Tôn giả Girimānanda bị bệnh, Đức Phật dạy quán 10 tưởng sau, thì bệnh sẽ thuyên giảm. Mười tưởng đó là: Tưởng vô thường, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng nguy hại, tưởng đoạn tận, tưởng từ bỏ, tưởng đoạn diệt, tưởng nhàm chán đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường trong tất cả hành, tưởng niệm hơi thở vô hơi thở ra24.
Như vậy, bên cạnh những phương cách điều trị bằng thức ăn, dược liệu thì người bệnh cũng cần được chăm sóc về phương diện tinh thần. Những pháp an ủi như quán thập tưởng, quán sổ tức, hành pháp thất giác chi… là những liệu pháp điều trị về phương diện tinh thần. Ở đây, việc tìm hiểu vì sao thất giác chi được vận dụng như một liệu pháp trị bệnh, cũng là một yêu cầu cần làm sáng tỏ.
3. Tại sao thất giác chi được sử dụng như một liệu pháp điều trị?
Đã là chúng sanh thì không một ai tránh khỏi bệnh tật, hoặc về thân, ở thời điểm này hay thời điểm khác. Giáo pháp của Đức Phật như những phương thang có công năng chữa lành bệnh tật chúng sanh. Trong những phương thang từ giáo pháp, thì thất giác chi được xem như một phương thang đặc hiệu. Khảo về tính chất cũng như các khía cạnh của thất giác chi đã minh chứng điều này.
a) Thất giác chi là một pháp có nhiều tác dụng
Thứ nhất, là pháp có thể đoạn diệt các pháp có khả năng sanh kiết sử (S.v,88). Kiết sử là phiền não, là trói buộc. Đức Phật đã giải thích nghĩa trói buộc của kiết sử trong kinh Tương ưng: Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các pháp có khả năng sanh kiết sử? Mắt, này các Tỳ-kheo, là pháp có khả năng sanh kiết sử. Ở đây, khởi lên các tham trước (ajjhosanā), sai sử, trói buộc (samyojanavinibandhā)... Ý là pháp có khả năng sanh kiết sử. Ở đây, khởi lên các tham trước, sai sử, trói buộc25.
Thứ hai, là pháp có thể đem đến bảy lợi ích (S.v,67). Một trong những lợi ích, chính là biết được giờ chết của mình (patihacca). Kinh ghi: Này các Tỳ-kheo, bảy giác chi được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, thời bảy quả, bảy lợi ích được chờ đợi. Thế nào là bảy quả, bảy lợi ích? Ngay trong hiện tại, lập tức (patihacca) thành tựu được chánh trí; nếu ngay trong hiện tại, lập tức không thành tựu được chánh trí, thời khi lâm chung, thành tựu được chánh trí26.
Thứ ba, là pháp có thể dọn dẹp năm cấu uế của tâm (S.v,92). Theo Đức Phật, các kim loại như sắt, đồng, thiếc, chì, bạc… đều có những cấu uế, làm cho chúng không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn (pabhangu), và không chân chánh chịu sử dụng27. Đối với tâm, có năm cấu uế, đó là tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi. Những pháp này, này các Tỳ-kheo, là năm cấu uế của tâm. Chính do những cấu uế ấy, tâm không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, và không chân chánh được định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc28.
Thứ tư, là pháp tạo nên khinh an thân tâm (S.v,126). Vương tử Vô Úy (Abhaya) là người mộ Phật, đã tự mình leo lên núi Linh Thứu cầu học Phật pháp. Tại đây, sau khi nghe thất giác chi, vương tử đã trình với Đức Phật một trải nghiệm khinh an rất khó tả: Bạch Thế Tôn, sự mệt nhọc về thân và mệt nhọc về tâm khi con leo lên núi Linh Thứu đã đươc khinh an, nhẹ nhàng và pháp đã được con hoàn toàn chứng đắc29.
Thứ năm, sau khi nghe thất giác chi, Tôn giả Mahā Kassa, Tôn giả Mahā Moggalanā đã lành bệnh (S.v,79; S.v,80). Kinh ghi: Thế Tôn thuyết như vậy, Tôn giả Mahā Kassapa hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Và Tôn giả Mahā Kassapa được thoát khỏi bệnh ấy. Bệnh ấy của Tôn giả Mahā Kassapa được đoạn tận như vậy30.
Ngoài năm tác dụng cơ bản nêu trên, thất giác chi còn có khả năng đưa đến quả minh và giải thoát (S.v,121); hàng phục ma quân (S.v,99); đưa đến lạc trú ((S.v,76); đoạn trừ kiêu mạn (S.v,98); xuôi về Niết-bàn (S.v,134)…
b) Những đặc tính của thất giác chi liên quan đến sức khỏe thân, tâm
Theo Đức Phật, bảy giác chi mặc dù có sự liên quan đến nhau, tuy nhiên, tùy theo tình hình cụ thể của tâm và bối cảnh cụ thể của thân mà có thể linh động tu tập từng giác chi tương ứng. Theo kinh Tương ưng (S.v,112), khi tâm dao động, thì có thể tu tập các chi như khinh an, định và xả. Khi tâm thụ động, thì có thể tu tập trạch pháp, tinh tấn và hỷ. Riêng đối với giác chi niệm, thì luôn có mặt trong mọi lúc31.
Tu tập các giác chi đúng thời (Samaya) được Đức Phật mô tả như cách nhen nhúm cũng như dập tắt một ngọn lửa (Aggi). Nhen nhúm phải biết cách, biết sử dụng vật liệu và dập tắt lửa cũng vậy. Ở đây, việc khéo léo vận dụng thất giác chi đúng thời điểm và đối tượng, mới có thể điều phục thân, tâm.
Trước hết, về giác chi niệm. Niệm (Sāti) là tưởng niệm hay tùy niệm (anussati) vì nó khởi lên luôn luôn; hoặc niệm thích hợp (anurūpa) cho một thiện gia nam tử xuất gia vì lòng tin, niệm có mặt trong những trường hợp cần thiết gọi là tùy niệm32. Ý thức về thân bệnh thường xuyên, cũng có thể được xem là thân hành niệm theo ngài Buddhaghosa33.
Thứ hai, trạch pháp (Dhammaviccaya). Trạch pháp là suy tư, thẩm sát các pháp. Đức Phật luôn xem trọng yếu tố này, những lời dạy của Đức Phật trong kinh Các vị ở Kesaputta (A.i,188)34, cũng như khuyên bảo gia chủ Upāli trong kinh Trung bộ35 chính là đề cao yếu tố trạch pháp. Trong khi bệnh tật, thẩm sát tính chất vô thường, vô ngã của thân ngũ uẩn cũng là một phương cách buông bỏ khổ đau.
Thứ ba, tinh tấn (Viriya). Tinh tấn là sự cố gắng tiến tới, siêng năng liên tục. Tinh tấn được xem như hành động một người anh hùng (vīrānaṃ bhāvo kammaṃ). Với sức mạnh tinh tấn, thì dù nhỏ nhoi và yếu ớt như một cọng râu lúa mì, cũng có thể xuyên thủng nhiều thứ vững chắc (A.i,8)36. Với bệnh tật và khổ đau, thì tinh tấn vượt đau khổ (Sn.31)37. Chính vì vậy, Đức Phật khẳng định rằng, Pháp của Ngài chỉ dành cho người tinh tấn (A.iv,228)38
Thứ tư, hỷ (pīti). Theo Thanh tịnh đạo, hỷ (Pīti) có đặc tính (thể) làm ưa thích (sampiyyayana). Nhiệm vụ (dụng) của nó là thấm nhuần (cả mình rởn ốc). Tướng của nó là hoan hỷ cao hứng. Nhưng hỷ có 5 cấp bực từ thấp lên cao: tiểu hỷ, hỷ như chớp nhoáng, hỷ như mưa rào, hỷ nâng người lên và hỷ sung mãn. Tiểu hỷ chỉ có thể là dựng lông tóc trong mình mà thôi. Hỷ như chớp nhoáng thỉnh thoảng lóe lên. Hỷ như mưa rào nổi trên cơ thể liên tục, như sóng vỗ vào bờ bể. Hỷ nâng người có thể làm cho thân thể mất trọng lượng và bay bổng lên39. Năm loại hỷ này khi chín muồi sẽ thành tựu hai thứ, đó là thân khinh an và tâm khinh an40.
Thứ năm, khinh an (passadhi). Khinh là nhẹ nhàng, an là yên lặng hay an tĩnh. Có hai thứ khinh an, thân khinh an (kāya passadhi) và tâm khinh an (citta passadhi). Khi cả thân và tâm đều nhẹ nhàng và an lạc, thì hành giả dễ dàng đạt đến nhất tâm. Đây cũng là điều được Đức Phật dạy trong kinh Tăng chi (A.v,1): - Này Ananda, khinh an có ý nghĩa an lạc, có ích lợi an lạc. - Nhưng bạch Thế Tôn, an lạc có ý nghĩa gì, có lợi ích gì? Này Ananda, an lạc có ý nghĩa định, có lợi ích định41.
Thứ sáu, định (samadhi). Định là trạng thái ổn định vững chắc của tâm, có khả năng chế ngự năm chướng ngại tinh thần (pañca nivaraṇa)42, là những thứ cấu uế của tâm. Do cấu uế ấy, tâm bị uế nhiễm, không có nhu nhuyến, không có kham nhậm, không có chói sáng, dễ bị bể vụn, không chân chánh được định tĩnh để đoạn diệt các lậu hoặc (S.v,92). Một khi tâm định tĩnh, sẽ nhận ra thực tướng của các pháp, như lời Phật dạy trong kinh Tăng chi: Này Ananda, định có ý nghĩa như thật tri kiến, có lợi ích như thật tri kiến43.
Thứ bảy, xả (upekkha). Theo Thanh tịnh đạo, xả (upekkha) có nghĩa là ngắm nhìn sự vật khi chúng xảy ra (upapattito Ikkhati), sự vật xảy ra như thế nào thì nhìn nó như thế ấy, nghĩa là nhìn một cách thản nhiên, không thêm bớt không thành kiến44. Xả có 10 thứ, khi được xem như là một yếu tố của giác chi, thì xả chỉ cho trạng thái trung tính (tatramajjhattatā). Đó là trạng thái quân bình, không thiên lệch bên nào. Đây cũng là điều mà kinh Pháp cú diễn tả: Người hiền bỏ tất cả/ Người lành không bàn dục/ Dầu cảm thọ lạc khổ/ Bậc trí không vui buồn (Dhp.83)45.
Thân thể là biểu hiện sinh động của nghiệp, bị chi phối bởi nghiệp. Mà nghiệp là hành động có sự tham gia của tâm. Việc tu tập thất giác chi nhằm chuyển hóa tâm, sẽ tạo nên sự thay đổi về nghiệp. Nghiệp thay đổi thì bệnh sẽ chuyển biến. Chỉ xét riêng với chi phần trạch pháp giác chi, nghĩa cụ thể là có một liệu pháp điều trị đúng, có một lối sống lành mạnh, dinh dưỡng phù hợp… là đã có thể đem đến sự an lạc cho thân và tâm.
Chính vì vậy không nhất thiết phải thành tựu cả bảy giác chi thì mới cảm nhận được lợi ích, như lời xác tín của vương tử Vô Úy: Bạch Thế Tôn, chỉ được đầy đủ với một giác chi mà thôi đã có thể như thật thấy và biết, còn nói gì đầy đủ cả bảy giác chi (S.v,126)46.
4. Vài nhận định về thất giác chi trong việc chữa bệnh, cầu an
a) Thất giác chi là pháp để thực hành chứ không phải trì tụng
Đã từ lâu, khi muốn cầu an cho một người lâm bệnh, thì một số truyền thống Phật giáo đã tổ chức trì tụng ba bài kinh thất giác chi trong kinh Tương ưng.
Tụng kinh đúng thời điểm là một điều tốt (A.iii,379)47, vì tự thân giáo pháp có vị ngon ngọt như kinh Mật hoàn (Madhupindika Sutta)48, nếu biết cách thọ dụng. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu như pháp do Phật giảng dạy được hành trì.
Theo Đức Phật, pháp của Ngài dạy là để hành trì. Trong năm hạng Tỳ-kheo được mô tả trong kinh Tăng chi, Đức Phật đề cao vị Tỳ-kheo biết sống theo pháp (Dhammavihārī). Theo kinh, Ở đây, này Tỳ-kheo, Tỳ-kheo học thuộc lòng pháp, tức là Khế kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi tự nói, Như thị thuyết, Bổn sanh, Vị tằng hữu pháp, Trí giải hay Phương quảng. Vị ấy không dùng trọn cả ngày để học thuộc lòng pháp, không phế bỏ sống độc cư an tịnh, nỗ lực chuyên chú vào nội tâm an chỉ. Này Tỳ-kheo, như vậy Tỳ-kheo sống theo pháp49.
Trong kinh Pháp cú, sự hành trì giáo pháp được Đức Phật nhấn mạnh:
Nếu người nói nhiều kinh/ Không hành trì, phóng dật/ Như kẻ chăn bò người/ Không phần Sa-môn hạnh.
Dầu nói ít kinh điển/ Nhưng hành pháp, tùy pháp/ Từ bỏ tham, sân, si/ Tỉnh giác, tâm giải thoát/ Không chấp thủ hai đời/ Dự phần Sa-môn hạnh. (Dhp.19-20)50.
Từ ý kinh Tăng chi và kinh Pháp cú nêu trên, đã dẫn đến hệ luận, muốn chữa lành bệnh tật, thì phải hành trì chứ không phải trì tụng thất giác chi.
b) Thất giác chi là pháp được sử dụng lúc cấp thiết, với bậc Thánh
Trong những lúc chư Tăng bị bệnh (ābādhiko), khổ đau (dukkhito), bị trọng bệnh (bāḷhagilāno), Đức Phật và các vị Thánh đệ tử khi thăm hỏi thường sử dụng những pháp mang tính chất quyết định, có khả năng chuyển hóa tức thời như: tam pháp ấn (S.iv,40)51, không chấp thủ (S.iv,47)52, thực hành tứ niệm xứ (S.v,176; S.v,178)53, quán thập tưởng54, mà ở đây là thất giác chi.
Trong bối cảnh này có thể thấy, thất giác chi không hẳn là một pháp dành riêng cho việc bảo hộ, cầu an mà là một pháp trợ duyên khi lâm tử. Nói cách khác, thất giác chi là pháp trợ duyên mang tính chất trợ tử hơn là cầu an.
Ngài Mahā Kassapa chứng A-la-hán vào ngày thứ bảy sau khi gặp Phật (Thera. 94)55; Tôn giả Mahā Moggalanā cũng chứng đệ tứ Thánh quả với thời gian tương tự (Thera. 104)56. Đã là một bậc Thánh giả A-la-hán thì không còn đau khổ về tâm. Về trường hợp lành bệnh của hai Tôn giả sau khi nghe thất giác chi, có thể hiểu đây chỉ là trường hợp đặc thù; giống như trường hợp được mô tả trong kinh Tăng chi (A.i,120): Có hạng người bệnh, dầu có được ăn các món thích hợp, hay không được các món ăn thích hợp, dầu có được các thuốc men thích hợp hay không được các thuốc men thích hợp, dầu có được sự chăm sóc thích đáng hay không được sự chăm sóc thích đáng, được bình phục từ chứng bệnh ấy57. Bổ sung cho quan điểm này, đó là trường hợp mẹ của Nakula thuyết pháp với mục đích trợ tử cho cha, nhưng cha Nakula đã thoát khỏi bệnh duyên và hoàn toàn bình phục sau khi nghe thời pháp đó (A.iii,295)58.
Cần lưu ý rằng, cách thức sắp sếp các nội dung, chương mục trong kinh điển Nikāya có xu hướng giúp cho việc ghi nhớ được thuận lợi. Với kinh Tương ưng, các bài kinh có những điểm chung và liên hệ về nội dung, thường được xắp sếp thành từng nhóm, mà ở đây chính là nhóm bảy pháp giác chi. Trong những bài kinh thuộc nhóm bảy pháp giác chi, có ba bản kinh nhờ nghe thất giác chi mà khỏi bệnh. Theo chúng tôi, đây chỉ là sự trùng hợp về cách thức tổ chức kinh điển trong khi kiết tập kinh văn.
c) Vận dụng kinh điển không phù hợp là xuyên tạc giáo pháp
Trong những đặc tính của giáo pháp, đó là tính thiết thực hiện tại (Sanditthika), tính khế cơ. Chính vì vậy, cần phải cân nhắc khi dùng pháp của bậc Thánh để vận dụng cho số đông chúng sanh. Hơn thế, cuối cả ba bản kinh Bệnh trong Tương ưng giác chi, Đức Phật không chỉ định rằng, đây là ba bản kinh bảo hộ sức khỏe. Với những bản kinh mang tính đặc hiệu, bao giờ Đức Phật cũng xác tín lại điều này. Phần khuyến tấn cuối bản kinh A-sá-nang-chi (Atānātiyā) là một bằng chứng tiêu biểu59.
Căn cứ vào kinh điển và luật tạng cho thấy, tùy theo bệnh tình của từng đối tượng mà sử dụng liệu pháp điều trị tương ưng. Ba yêu cầu cơ bản của việc điều trị bệnh trong kinh Tăng chi mà Đức Phật đã khuyến tấn như, đúng thuốc, đúng thầy và dinh dưỡng hợp lý là những nguyên tắc chữa bệnh vượt thời gian60. Trong y phương, không có một phương thang để điều trị chung cho các loại bệnh. Khi lâm bệnh, cố chấp không chữa trị, chỉ lo trì tụng thất giác chi thì đôi khi bệnh không lành mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy, tai ương.
Ở đây, việc chấp thủ lời dạy của Đức Phật và cứng nhắc trong khi vận dụng, không những gây khổ đau cho bản thân, mà còn vô tình xuyên tạc Thánh giáo61.
Chúc Phú
_______________________
(1) Kinh Trung bộ, tập 1, Tiểu kinh rừng sừng bò, số 31, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn Giáo, 2012, tr.259-265.
(2) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr. 503-505.
(3) 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第三十三, 等法品, 六.
(4) Xem thêm bài viết của chúng tôi: So sánh kinh Bệnh (S.v,81) trong Tương ưng và bản kinh tương đương trong Hán tạng. Xem tại: http://thuvienhoasen.org/a25160/so-sanh-kinh-benh-s-v-81-trong-tuong-ung-va-ban-kinh-tuong-duong-trong-han-tang-
(5) Piyadassi Thera. The Book of Protection. Kandy: Buddhist Publication Society, 1999.
(6) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn Giáo, 2015, tr.151.
(7) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.151.
(8) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr. 736. See also, The Numerical Discourses of the Buddha. Bhikkhu Bodhi, Trans. Boston: Wisdom Publications. 2012. p.742. Chúng tôi có chỉnh sửa văn kinh sau khi tham khảo nguyên tác Pāli và bản dịch tiếng Anh.
(9) Kinh Trường bộ, kinh Đại niệm xứ, số 22, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr. 447
(10) Thắng pháp tập yếu luận, chương 1, HT.Thích Minh Châu dịch.
(11) The Connected Discourses of the Buddha. Bhikkhu Bodhi, Trans. Boston: Wisdom Publications, 2000. p.853.
(12) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.280
(13) Kinh Tương ưng bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr.44.
(14) Maha Vagga 2, chương Y phục, đoạn 135, Indacanda - Nguyệt Thiên dịch.
(15) Maha Vagga 2, chương Dược phẩm, đoạn 27-42, Indacanda - Nguyệt Thiên dịch.
(16) Maha Vagga 2, chương Dược phẩm, đoạn 25, Indacanda - Nguyệt Thiên dịch.
(17) Kinh Trung bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.601-606.
(18) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.278-280.
(19) Kinh Tương ưng bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.633-634.
(20) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.692.
(21) 大正新脩大藏經第 15 冊 No. 0620 治禪病祕要法.
(22) Xem, Xuất tam tạng ký tập, quyển 9, Thiền yếu bí mật trị bệnh kinh ký; Khai nguyên thích giáo lục, quyển 5, cư sĩ Thư Cừ Kinh Thanh.
(23) 大正新脩大藏經第 15 冊 No. 0620 治禪病祕要法: 治阿練若亂心病七十二種法.
(24) Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.607.
(25) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.511.
(26) Ibid, tr.494.
(27) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.515.
(28) Ibid.
(29) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.545.
(30) Ibid, tr.504.
(31) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.533-535.
(32) Bhadantacarya Buddhaghoṣa, Thanh tịnh đạo, tập 1, Thích nữ Trí Hải, chuyển dịch, NXB.Tôn Giáo, 2001, tr.327.
(33) Bhadantacarya Buddhaghoṣa, Thanh tịnh đạo, tập 1, Thích nữ Trí Hải, chuyển dịch, NXB.Tôn Giáo, 2001, tr.328.
(34) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.219-224.
(35) Kinh Trung bộ, tập 1, Kinh Ưu-Ba-ly, số 56, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.462.
(36) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, 2015, tr.42.
(37) Kinh Tiểu bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, 2015, tr.369.
(38) Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.345.
(39) Bhadantacarya Buddhaghoṣa, Thanh tịnh đạo, tập 1, Thích nữ Trí Hải, chuyển dịch, NXB. Tôn giáo, 2001, tr. 233.
(40) Bhadantacarya Buddhaghoṣa, Thanh tịnh đạo, tập 1, Thích nữ Trí Hải, chuyển dịch, NXB.Tôn Giáo, 2001, tr.235.
(41) Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, 2015, tr.529.
(42) Tham, sân, hôn trầm thụy miên, trạo hối, nghi.
(43) Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.529.
(44) Bhadantacarya Buddhaghoṣa, Thanh tịnh đạo, tập 1, Thích nữ Trí Hải chuyển dịch, NXB. Tôn Giáo, 2001, tr.257-258.
(45) Kinh Tiểu bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.53.
(46) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.544.
(47) Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.113-116.
(48) Kinh Trung bộ, tập 1, Kinh Mật hoàn, số 18, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.153.
(49) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr.686.
(50) Kinh Tiểu bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, 2015, tr.43-44.
(51) Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, 2013, tr.137-138.
(52) Ibid, tr.143-144.
(53) Ibid, tr.586-588.
(54) Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.607.
(55) Kinh Tiểu bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, 2015, tr.479
(56) Kinh Tiểu bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB. Tôn Giáo, 2015, tr.500.
(57) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu, dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.151.
(58) Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.43-45.
(59) Kinh Trường bộ, A-sá-nang-chi (Atānātiyā), số 32, HT. Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2013, tr.643. Nguyên văn: Này các Tỳ-kheo, hãy học Atānātiyā hộ kinh này, hãy thuộc lòng Atānātiyā hộ kinh này. Các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sẽ được che chở, được hộ trì, được ngăn khỏi ai làm hại, được sống thoải mái hạnh phúc.
(60) Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.151.
(61) Ibid, tr.96. Xem têm, 大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第九, 慚愧品, 六.