Ấy thế mà có người vẫn cứ than trời, sao đi tu chi cho khổ khi nghe tin hoặc biết ai đó vừa “cắt ái từ thân”. Đi tu có khổ không? Câu hỏi ấy được trả lời bằng một bài hát: “Ai bảo đi tu là khổ, đi tu sướng lắm chứ…”.
Sướng, mà sướng như thế nào, khi phải bỏ hết sự nghiệp, danh vọng, tiền tài, áo đẹp, nhà sang, sắc dục… để mặc một chiếc áo nâu (hoặc lam), ăn cơm trong bình bát với thức ăn chỉ toàn rau, củ, quả?
Tâm hình dị tục - Ảnh: Internet
Câu hỏi ấy hẳn đã canh cánh bên lòng những ai có ý niệm đi tu là bỏ hết, là mất hết, là… trắng tay (những giá trị vật chất). Họ tiếc cho một người đang tuổi thanh xuân đi tu, và họ khổ lây vì sự xả bỏ của một chàng trai đôi mươi hay cô gái mười bảy chưa “nhuốm bụi trần” phải vào chốn thiền môn, 4-6 thời kinh kệ… Họ khổ vì họ cảm thấy những giá trị như nhà cửa, tiền tài (vốn bên một người nào đó) bỗng không còn bên người đó nữa. Họ gọi đó là mất nhưng họ lại không thấy được tính chất hư huyễn của những vật chất ấy, vì hư huyễn nên nó có đâu mà mất.
Cái lý “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” là chân lý gì đó ở rất xa trong nhận thức của người thế tục. Và họ nghĩ tuổi trẻ, tiền bạc và những danh vọng khác sẽ mãi mãi bên mình nên việc bỏ hết để đi tu là… khổ!
Họ có thấy đâu những giá trị như: hạnh phúc, an trú, thong dong, thiền định, tuệ giác, bi tâm rộng lớn… là những cái mà người tu chân chánh có được. Và những thứ ấy, nếu có tiền muôn bạc vạn cũng không mua được; hoặc có quyền lực vô biên cũng không thâu phục được. Chỉ có sự thực tập, chỉ có sự hành trì giới luật với nếp sống thiền môn mới có thể kiến tạo, chế tác được những thứ ấy. Và những thứ ấy giữa dòng đời người ta không tìm thấy nhiều nên người ta gọi nó là… bất thường, hoặc phi thường.
Nhưng thực ra, những giá trị về hạnh phúc, an lạc… nó vốn tiềm tàng nơi tất cả mọi người, nhưng chỉ vì mê, hoặc quên, hoặc để cho những ham muốn che lấp nên mình mới không thấy đó thôi. Và cơ bản là vì ai cũng xuôi dòng, xuôi dòng có vẻ êm ái, dễ chịu hơn nên ít ai muốn lội ngược dòng.
Tăng thân Làng Mai - Ảnh: langmai.org
Trở lại với câu “tâm hành dị tục”, bạn có thấy hình ảnh của một nhà sư đang đi thong dong giữa đôi bờ lợi danh, và tiền tài. Phù phiếm và rắn độc, là những từ dùng để chỉ cho danh, cho tài vật bởi nó chẳng mang lại giá trị gì ngoài sự đau khổ và nếu có chỉ là một hạnh phúc tạm thời, ngắn ngủi.
Ai đó xưng tụng và ca ngợi bạn vì bạn đẹp, bạn giỏi, vâng, hạnh phúc lắm. Nhưng bạn có chắc là bạn đẹp mãi không, và trí tuệ thế gian của bạn có còn mãi chăng? Và một mai khi nhan sắc tàn phai, tài năng cạn kiệt thì bạn sẽ đứng bên đời lẻ loi.
Như một quy luật, khi bạn lên đỉnh càng cao thì sự rớt xuống của bạn sẽ càng dữ dội, càng đau đớn. Và nhiều yếu tố tạm bợ khác cũng cần được đặt vào vị trí một mai nó rời xa mình, thì nỗi đau khổ tiềm ẩn nơi hạnh phúc tạm bợ ấy sẽ có sức công phá cực mạnh, nó có khả năng đưa bạn chìm nghỉm vào địa ngục!
Nâng niu - Ảnh: Internet
Nhà Phật với thế giới quan của mình đã giúp cho nhiều người nhận ra giá trị bền vững của việc buông bỏ, và cả việc thiểu dục (ít muốn) để tìm về với những giá trị cao đẹp, bền vững như là thiền định, từ bi, thông tuệ… Những giá trị ấy được kết tập trên con đường trung đạo, nhìn đời một cách bình thường thôi.
Cái gì cũng có cái lý của nó cả, đừng tức tối khi bị ai đó đánh đập hoặc hạ bệ, cũng đừng quá hạnh phúc, sung sướng, kiêu mạn khi mình có một chút thành công nào đó. Chỉ là huyễn hóa mà thôi. Ai đó gọi cuộc đời là mộng, một giấc mộng dài, dài lắm thì cũng khoảng ba vạn sáu ngàn ngày!
Những bước chân đi vào Tịnh độ, góp hình ảnh đẹp giữa nhân gian
Người tu ít mộng hơn, sống thực hơn vì nhận diện được sự thật. Người đời thì ngược lại. Cũng vì thế mà người tu được gọi bằng bốn chữ “tâm hình dị tục”.