GN - Học Phật, ngoài việc trải nghiệm lý thuyết nơi giảng đường, cần phải có sự hành trì chuyên sâu để thẩm thấu điều đã được học và rút ra kinh nghiệm cho mình. Trò chuyện với PV Giác Ngộ, các tân thủ khoa khóa XI của Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, tốt nghiệp ngày 27-10 đã chia sẻ như vậy.
HT.Thích Trí Quảng trao bằng tốt nghiệp đến tân cử nhân khóa XI - Ảnh: B.Toàn
“Quả ngọt” cho sự cố gắng không ngừng
ĐĐ.Thích Đồng Đạt |
ĐĐ.Thích Đồng Đạt, thủ khoa khoa Trung văn cho biết, đó là kết quả từ sự nỗ lực không ngừng của bản thân trong suốt quá trình học tập. Để có được thành tích như vậy, theo Đại đức, trước tiên phải xem việc học tập là nhiệm vụ hàng đầu, ý thức việc học là trách nhiệm quan trọng nhất của Tăng Ni sinh viên.
“Có một phương pháp học tập phù hợp để có thể dung hòa giữa việc tu và học, nắm vững những kiến thức cốt lõi ngay trong giờ lên lớp, sau khi tan học sẽ hệ thống lại toàn bộ bài học bằng một sơ đồ tư duy với sự logic và dễ nhớ nhất. Ngoài những sách vở trên lớp, cũng cần phải đọc thêm những sách và tài liệu có liên quan đến môn học, nhằm nâng cao kiến thức theo chiều sâu và chiều rộng”, ĐĐ.Thích Đồng Đạt chia sẻ kinh nghiệm.
ĐĐ.Thích Thánh Nghiêm |
Đồng quan điểm đó, ĐĐ.Thích Thánh Nghiêm, thủ khoa khoa Pali cho biết, ban đầu thầy chọn học ngành Hán cổ vì nghĩ rằng sẽ gần gũi với truyền thống sinh hoạt của các chùa Bắc tông, nhưng đến học kỳ III - khi tiếp xúc với các nguồn kinh tạng khác, thầy quay về với ngôn ngữ Pali - vì muốn nghiên cứu Kinh tạng từ ngôn ngữ nguyên thủy. Theo thầy, người học cần đặt mục tiêu và có kế hoạch rõ ràng; đồng thời, nghiêm khắc với bản thân cũng là một trong những cách giúp mình học tốt hơn. Mục tiêu cho việc học cũng như chiếc la bàn cho ngư dân lênh đênh trên biển cả bao la, Đại đức nói, nếu học không có mục đích cũng giống như ngư dân mất phương hướng, dễ nản chí, buông xuôi.
ĐĐ.Thích Minh Tuệ, thủ khoa Lịch sử Phật giáo bộc bạch, phương châm học tập của thầy rất đơn giản: “Nghiêm túc trong tu học và cống hiến hết mình”. Bản thân thầy luôn y cứ theo lời dạy của Đức Phật, vì thế, trong suốt quá trình học tập, những kiến thức trọng tâm mà giáo thọ truyền đạt trên lớp chính là những“lõi cây” - tinh hoa để mình lĩnh hội tri thức Phật học và gặt hái thành quả cao.
SC.Thích nữ Minh Tâm, thủ khoa khoa Hoằng pháp cho rằng, dù ở bất kỳ lĩnh vực nào, để có được thành công cũng đều phải nỗ lực rất nhiều. Đối với Sư cô, trong quá trình học luôn đặt mình vào tình huống phải cố gắng học, giống như ngày mai mình sẽ không được học nữa. Sư cô trải lòng: “Theo học khoa Hoằng pháp, tôi đã được tiếp thu kiến thức tổng quát, đặc biệt là về mặt xã hội, về các môn phục vụ cho việc hoằng pháp sau này, trang bị các kỹ năng, kinh nghiệm đứng trước công chúng khi chia sẻ Phật pháp”.
Nói về những thuận lợi, SC.Minh Tâm cho biết thêm: “Khóa XI là khóa đầu tiên được theo học ở môi trường nội trú. Đây là môi trường tốt nhất để mỗi Tăng Ni sinh viên có điều kiện tập trung học và tu. Ngoài kiến thức trên lớp, các học viên còn được học hỏi rất nhiều từ các bạn đến từ khắp ba miền và được rèn luyện trong nếp sống quy củ chốn thiền môn”.
SC.Thích nữ Hạnh Pháp |
Còn theo SC.Thích nữ Hạnh Pháp, thủ khoa khoa Triết học, hành trang học Phật có được kết quả tốt đều nhờ vào ân đức của chư tôn đức, các bậc thiện hữu tri thức... đặc biệt là thâm ân của Hòa thượng Viện trưởng đã tạo điều kiện cho huynh đệ được học tu nội trú. “Vì được ở nội trú, chúng tôi có đủ thời gian để tâm vào việc tu học mà không phải lo về bất kỳ vấn đề gì. Bản thân tôi rất an tâm và say sưa trong việc học Phật pháp - chăm chỉ học tập, ghi chép, ghi nhớ và suy tư về điều đã học”, SC.Hạnh Pháp chia sẻ.
Nói về những điều góp nhặt được tại giảng đường đại
học trong những năm qua, SC.Hạnh Pháp hoan hỷ nói: “Trên ghế giảng đường không chỉ cho chúng tôi kiến thức, mà là sự truyền thụ nguồn mạch tri thức lẫn kinh nghiệm của thế hệ trước cho đàn hậu học. Sự tiếp xúc, lắng nghe, thảo luận... giữa thầy và trò rất gần gũi và quý kính... Tôi cảm nhận và nắm bắt được phần nào tư tưởng tinh hoa của chư vị giáo thọ, học trực tiếp từ thầy là lối đi ngắn nhất để tiếp cận tri thức. Tuy nhiên, những kiến thức đó cần được thấm nhuần qua quá trình tu học tự thân. Dành thêm thời gian nghiên cứu song song với quá trình thực tập, trải nghiệm đời sống tâm linh... thì việc học và tu Phật mới viên mãn”.
SC.Thích nữ Chúc Duyên |
Với SC.Thích nữ Chúc Duyên, thủ khoa khoa Phật giáo Việt Nam, thì phải luôn ý thức trách nhiệm, nghiêm túc trong việc học của mình. Bản thân cô biết rằng thầy tổ và mọi người luôn kỳ vọng vào thế hệ kế thừa và đó cũng là động lực cho mình phấn đấu để đạt được kết quả tốt nhất có thể.
Sư cô còn chia sẻ về việc dấn thân phụng sự ở những vùng sâu và xa, nơi Phật pháp còn chưa được phổ biến. Sư cô trải lòng: “Những ngày tháng trên giảng đường đại học giúp tôi có được sự hiểu biết về giáo lý tương đối vững vàng để tu tập tự thân và giúp ích cho tha nhân. Tôi muốn đem sự hiểu biết đó đến những vùng xa xôi đang thiếu Phật pháp, giúp người dân ở đó có đời sống hướng thượng tốt đạo, đẹp đời. Tôi nghĩ đó là cách báo ân Phật và thầy tổ một cách thiết thực nhất”.
Chuyên sâu nội điển là hướng đi phù hợp
Không nói nhiều về định hướng trong tương lai nhưng thầy Đồng Đạt khẳng định, kinh điển Phật giáo phần lớn được ghi chép lại bằng tiếng Pali, Sanskrit, Tây Tạng và Hán tự. Trong đó, kinh điển được dịch ra Hán tự có số lượng vô cùng phong phú, đại đa số là kinh điển thuộc Đại thừa Phật giáo. Vì vậy, việc học tập tiếng Trung giúp ích rất nhiều trong việc nghiên cứu và dịch thuật các kinh điển Đại thừa.
ĐĐ.Thích Minh Tuệ |
Cũng theo thầy, hiện nay, bộ Đại chánh tân tu Đại tạng kinh vẫn chưa được dịch hoàn chỉnh sang tiếng Việt, do đó rất cần một đội ngũ am hiểu về Hán tự đóng góp công sức vào công tác dịch thuật. Với những kiến thức nền tảng căn bản nhất được học tại Học viện nói chung và khoa Trung văn nói riêng, bản thân thầy có thể tiếp tục nghiên cứu hoặc đi du học tại Trung Quốc hay Đài Loan, nhằm nâng cao vốn Hán ngữ của mình, ước mong sau này có thể đóng góp chút ít sức lực vào công việc giảng dạy và dịch thuật.
Còn thầy Thánh Nghiêm sẽ tiếp tục hoàn thành chương trình trung cấp giảng sư cũng như ghi danh vào kỳ thi thạc sĩ của học viện sắp tới. Bên cạnh đó, nếu có cơ hội sẽ chọn các nước có truyền thống Phật giáo Nguyên thủy như Sri Lanka, Myanmar để học chuyên sâu về ngôn ngữ Pali, trên nền tảng đó sẽ tìm hiểu sâu hơn về nguồn giáo pháp Đức Phật.
SC.Thích nữ Minh Tâm |
Du học Ấn Độ trong năm tới là hướng đi của ĐĐ.Minh Tuệ. Thầy cho biết, là Tăng sinh chuyên khoa Sử Phật giáo, nên bản thân cũng như các huynh đệ được trang bị hệ thống tư tưởng Phật giáo qua 3 thời kỳ: Nguyên thủy, Bộ phái và Đại thừa. Thầy nhấn mạnh: “Học khoa Lịch sử Phật giáo là học về “Tư tưởng sử”. Vì thế, trên bước đường hoằng pháp đã giúp bản thân đủ tự tin để truyền thụ kiến thức Phật học, truy nguyên những tư tưởng, pháp môn của 3 giai đoạn phát triển lịch sử Phật giáo từ Nguyên thủy cho đến Đại thừa”.
Khác với quý thầy, SC.Minh Tâm và SC.Hạnh Pháp thì chọn cách tu tập chuyên sâu. SC.Minh Tâm cho biết sẽ trở về bên thầy tổ một thời gian, sau những tháng ngày đi học ở trường lớp để có thời gian gần gũi bên thầy tổ cùng huynh đệ, đồng thời, trải nghiệm và thẩm thấu những gì mình đã được học ở môi trường học đường. Sau đó, nếu hội đủ nhân duyên thì cô sẽ tiếp tục học thêm về chuyên ngành, bổ trợ cho công tác hoằng pháp trong tương lai.
SC.Hạnh Pháp cũng sẽ chọn phương pháp chuyên sâu về nội điển, dành nhiều thời gian cho thực tập và trải nghiệm tâm linh... Sư cô “bật mí”, nếu đủ duyên sẽ tham học ở nhiều môi trường khác để có nhiều cơ hội gần gũi các bậc thiện hữu tri thức, được cộng trú Tăng thân học tu và thực tập đời sống tâm linh.
Riêng SC.Chúc Duyên dự định sẽ thành lập một nơi tĩnh tu để hướng dẫn cho đồng bào Phật tử là người thiểu số, giúp họ sống đúng với Chánh pháp của Như Lai.