Tết đến nói chuyện mười hai con giáp

NSGN - Tuổi Tí là con chuột nhà/Bắt vịt, bắt gà, soi ngách đào hang/Tuổi Sửu con trâu kềnh càng/Cày chưa đúng buổi lại mang cày về/Tuổi Dần ông cọp chỉn ghê/Bắt người móc họng tha về non cao/Tuổi Mẹo là con mèo ngao/Hay quấu hay quào ăn vụng quá tinh/Tuổi Thìn rồng ở mây xanh/Làm mưa làm gió ẩn mình trong mây/Tuổi Tỵ rắn ở ngọn cây/Nằm khoanh trong bộng có hay việc gì/Tuổi Ngọ ngựa ô đen sì/Ỷ mình cứng vó ngại gì đường xa/Tuổi Mùi là con dê chà/Có sừng có gạc râu ria um tùm/Tuổi Thân con khỉ ở lùm/Trèo qua trèo lại lọt ùm xuống sông/Tuổi Dậu con gà vàng lông/Có mỏ có mồng sớm gáy o o/Tuổi Tuất là con chó cò/Nằm khoanh trong lò lỗ mũi lọ lem/Tuổi Hợi con heo ăn hèm/Ăn dơ uống dáy thân lem lấm bùn/.

1. Bài vè Mười hai con giáp phổ biến ở xứ ta, có lẽ chỉ là một bài đồng dao, bởi tính chất kể vật kể việc nhằm… lấy “vui làm chính”, chứ không đưa dữ liệu xác thực gì ngoài việc đồng nhất tính nết của người mang tuổi nào đó với đặc tính của con vật trong 12 con giáp tương ứng.

12-con-giap.jpg


Tò-he 12 con giáp - Ảnh minh họa

Còn trong công việc tính toán thời gian nghiêm túc, chu kỳ luân chuyển của 12 năm được gọi là quá trình “sinh tiêu”, theo đó mỗi năm liên hệ đến một con vật. Mười hai con giáp, gọi đúng là “Thập nhị địa chi” được dùng để phối với 10 can, gọi là “Thập thiên can” tạo thành hệ thống đánh số chu kỳ thời gian được dùng ở Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và một số quốc gia khác. Nó được áp dụng với tổ hợp chu kỳ 60 năm trong âm lịch để xác định tên gọi thời gian (giờ, ngày, tháng, năm) cũng dùng 12 địa chi để xác định phương vị. Mặt khác, hệ thống can chi cũng được dùng trong chiêm tinh học. (Xem bảng Thập nhị địa chi ở cuối bài).

Việc đồng nhất chu kỳ “sinh tiêu” 12 con giáp này với thuật ngữ “hoàng đạo” cho thấy nhiều điểm tương đồng của chúng với vòng hoàng đạo (zodiac) phương Tây: cả hai đều có những chu kỳ thời gian được chia làm 12 phần, mỗi tên gọi của phần lớn các phần này là tên các con vật và mỗi vật đó đều kết hợp rộng rãi với một nền văn hóa quy vào sự ảnh hưởng do mối quan hệ cá nhân với chu kỳ thời gian đó với tính cách và những biến cố may rủi của cuộc đời. Tuy nhiên, những khác biệt cơ bản: 1/Chu kỳ 12 con giáp của Trung Quốc tương ứng với năm hơn là tháng; 2/ Vòng hoàng đạo Trung Quốc được thể hiện bằng 12 con vật, trong khi đó các cung trong hoàng đạo phương Tây không là thú vật; 3/ Các con vật của hoàng đạo Trung Quốc không gắn kết gì đến những chòm sao mà từng con giáp được xòe ra phân bố thành sơ đồ hình vành khăn.

2. Nói chung, cái mà người phương Tây gọi là “Hoàng đạo Trung Hoa”, được gọi là “Sinh tiêu”, có nghĩa chỉ việc thời gian được sinh ra và mất đi như bóng câu qua cửa theo quá trình tiêu tức (tăng giảm) của 2 khí âm dương. Sự sắp xếp hệ thống về hoạt động tương lai, liên quan đến từng năm, tháng, ngày, giờ theo từng con giáp và những thuộc tính được gán cho nó, theo chu kỳ thứ tự 12 năm.

Về thứ tự trước sau của 12 con giáp trong thập nhị địa chi theo lời tục truyền là do Đại Nhiêu căn cứ vào tập tính “bản năng gốc” của loài vật mà định ra. Đại thể là Tí (23-1 giờ): Chuột hoạt động kiếm ăn mạnh; Sửu (1-3 giờ): Trâu đang nhai lại một cách nhàn nhã thoải mái nhất; Dần (3-5 giờ): Hổ hung hãn nhất vào giờ này; Mão (5-7 giờ): Thỏ (Việt Nam: Mèo): Lúc trăng (thỏ ngọc) còn chiếu sáng; Thìn (7-9 giờ): Lúc đàn rồng làm mưa (quần long hành vũ); Tị (9-11 giờ): Lúc rắn không hại người (Dị bản: Lúc rắn đang rời hang); Ngọ (11-13 giờ): Ngựa có dương tính cao, lúc đúng ngọ này các loài vật đều nằm nghỉ, riêng ngựa vẫn đứng; Mùi (13-15 giờ): Lúc dê ăn cỏ và thường tiểu tiện; Thân (15-17 giờ): Lúc khỉ linh hoạt nhất; Dậu (17-19 giờ): Lúc gà lên chuồng; Tuất (19-21 giờ): Lúc chó tỉnh táo để trông nhà; Hợi (21-23 giờ): Lúc lợn ngủ say nhất.

Ngoài sự lý giải trên đây, trong dân gian có nhiều truyện suy nguyên lý thú giải thích lý do tại sao lại có trật tự trước sau của 12 con giáp trong “Thập nhị địa chi”. Có truyện kể rằng: Mèo và Chuột là hai loài bơi lội kém nhất trong muôn loài. Mặc dù vậy, Mèo và Chuột lại rất thông minh. Để đến dự hội do Ngọc hoàng triệu tập, muôn loài phải vượt qua một con sông. Ngọc hoàng ban lệnh con vật nào đến nơi trước sẽ được ưu tiên dự vào danh mục Thập nhị địa chi của niên lịch. Mèo và Chuột tính kế tốt nhất và nhanh nhất là nhờ Bò chở qua sông. Vốn tính thật thà và tốt bụng, Bò bằng lòng chở cả hai qua sông. Ra đến giữa sông, Chuột láu cá xô Mèo xuống nước. Rồi khi Bò đến gần bờ bên kia, Chuột liền phóng thẳng lên bờ. Thế là Chuột được thừa nhận và con vật đứng đầu cung Tí trong vòng hoàng đạo.

Tiếp theo vị trí thứ hai là Bò. Sau Bò là Cọp. Kế đó là Thỏ. Thỏ vượt qua sông bằng cách nhảy từ hòn đá này đến hòn đá nọ rải rác dưới lòng sông, song được nửa đường thì bí lối. May đâu, có một khúc cây trôi ngang, Thỏ liền bám vào đó để giạt vào bờ. Thế là Thỏ được xếp vào hạng thứ tư. Rồng chiếm vị trí thứ năm. Sở dĩ, Rồng có tài đằng vân giá vũ mà lại chậm chạp như vậy là do rồng phải dừng lại ở nhiều nơi để làm mưa giải hạn cho dân và muôn loài. Lại nữa, khi gần đến đích, Rồng phát hiện Thỏ đang vô vọng bám trên khúc cây trôi giữa dòng nước nên dừng lại thổi một luồng khí xô khúc cây tấp vào bờ. Thỏ nhờ đó mà tiếp tục cuộc đua, giành được vị trí thứ tư.

Sau Rồng là Ngựa. Rắn ẩn trong bờm Ngựa vội phóng ra khiến Ngựa hết hồn, lùi lại phía sau. Thế là Rắn chiếm vị trí thứ sáu và Ngựa phải nhận vị trí thứ bảy. Không lâu sau đó, Dê, Khỉ và Gà đến bờ. Gà kiếm được chiếc bè và cho Dê, Khỉ đi chung. Cả ba chèo chống, kéo đẩy và cuối cùng bè đã vào tới bờ. Bởi nỗ lực hợp tác này, Ngọc hoàng rất hài lòng và xếp Dê ở hạng tám, Khỉ ở hạng chín và Gà ở hạng mười.

Con giáp thứ mười một là Chó và cuối cùng là Heo đứng thứ mười hai. Mèo đạt được thứ hạng mười ba và không được liệt vào Thập nhị chi. Từ lý do này mà Mèo thù Chuột, luôn rình bắt Chuột để ăn thịt. Mối thù truyền kiếp này khởi đầu từ đó kéo dài đến ngày nay.

Một dị bản khác kể rằng, vào ngày đi dự cuộc đua, Chuột đã gặp Bò. Chuột nghĩ rằng “Bò là con vật khỏe nhất, nhanh nhất” nên liền nghĩ ra mưu đánh lừa Bò. Chuột hỏi Bò muốn nghe mình hát không. Bò khoái chí bảo rằng mình rất thích. Chuột há miệng nhưng chẳng hát hò gì, rồi hỏi Bò: “Nghe hay không?”. Bò thật thà đáp: “Xin lỗi anh Chuột, tôi chẳng nghe gì cả”. Chuột bảo Bò hãy cho mình leo lên lưng để hát, có vậy Bò mới nghe rõ lời ca. Bò đồng ý. Chẳng bao lâu, Bò đã đi đến gần đích và cũng chẳng để ý việc Chuột ngồi trên lưng. Đùng một cái, Chuột phóng đến đích trước và chiếm vị trí kẻ về nhất. Bò xếp hạng hai và tiếp đó là các con vật còn lại.

3. Mười hai con giáp của hoàng đạo Trung Hoa đã phát khởi từ sơ kỳ của nền văn minh Trung Hoa. Trải qua một thời gian quá dài như vậy nên ngày nay khó truy cứu nguồn gốc đích thực của nó. Đa số các học giả cho rằng, sở dĩ Mèo không được xếp trong mười hai con giáp là bởi việc xác lập Thập nhị địa chi của hoàng đạo Trung Hoa diễn ra trước khi giống Mèo được du nhập cùng với đạo Phật từ Ấn Độ vào Trung Hoa. Cách lý giải này cắt nghĩa tại sao Mèo không có trong danh sách 12 con giáp, mà thay vào đó là Thỏ.

Sự khác biệt về một số con vật trong 12 con giáp ở các quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa và sử dụng lịch của Trung Quốc là do nhiều lý do mà ngày nay khó truy cứu được.

Thập nhị chi của Hàn Quốc đồng nhất với Thập nhị chi của Trung Quốc. Ở Việt Nam, Trâu thay cho Bò và con vật thứ tư là Mèo chứ không phải Thỏ. Ở Nhật Bản, Lợn Lòi thay cho Heo/Lợn. Mười hai con giáp của Thái Lan, Naga thay chỗ cho Rồng và bắt đầu năm mới, không dựa vào lịch Trung Quốc, mà vào ngày mồng một tháng đầu tiên của âm lịch Thái, tức vào dịp lễ Songkran (hiện nay tổ chức nhằm ngày 13-15 tháng Tư dương lịch).

Cộng đồng người Hung châu Âu dùng mười hai con giáp Trung Hoa đầy đủ cả Rồng và Lợn. Mười hai con giáp Thổ Nhĩ Kỳ này được sử dụng rộng rãi ở vùng Bulgaria Balkan, nơi dân chúng sử dụng ngôn ngữ Slave và theo đạo Cơ Đốc Chính Thống. Tiếp theo đó, lịch pháp theo hoàng đạo Hung hay Pagan Thổ Nhĩ Kỳ-Bulgaria, khác biệt với hoàng đạo Hy Lạp, nhưng tuân thủ danh mục 12 con giáp Trung Hoa. Cụ thể tên các tháng trong năm của lịch Torè gồm: 1/Kuzgé- (năm của) Saravana-Chuột; 2/Shiger (Syger)-Bò; 3/Kuman (Imén); 4/Ugur-Cọp; 5/Taushan-Thỏ; 6/Samar-Rồng Bizgun (Bergen, Birig, Baradj)-Rồng; 7/Dilan-Rắn; 8/Tykha-Ngựa; 9/Téké-Dê; 10/Bichin, Michin-Khỉ; 11/Tavus-Gà; 12/It-Chó; 13/Shushma-Lợn (gọi nhầm là lợn lòi).

Ở Kazakhstan, các con giáp giống 12 con giáp Trung Hoa, nhưng Rồng được thay bằng Ốc Sên và Hổ thay thành Báo.

Ở Mông Cổ, các con vật của 12 năm cũng gồm: Chuột, Bò, Hổ, Thỏ, Rồng, Rắn, …, Chó, Lợn y hệt như 12 con giáp của Trung Hoa.

Sự tương đồng về 12 con giáp ở các quốc gia nêu trên thường được coi như sự ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Song giáo sư Chavanes đã tiến hành khảo cứu tỉ mỉ, chứng minh rằng các nhóm 12 con giáp được vay mượn từ Thổ Nhĩ Kỳ vào thế kỷ đầu Công nguyên (xem T’oung Pao, Vol.VII, 1906).

4. Ở xứ ta, hệ thống lịch Pháp và 12 con giáp Trung Hoa đã du nhập và được công nhận từ lâu đời. Sự khác biệt 12 con giáp ở đây là Bò được thay thế bằng Trâu và đặc biệt đáng chú ý là Thỏ được thay bằng Mèo. Cắt nghĩa sự thay Thỏ bằng Mèo có ý kiến cho là do địa chi Mão/Mẹo có âm tương cận với âm mèo. Hay xét về mặt ngữ âm, các nhà ngôn ngữ học xác định rằng nguyên âm e (của Mèo/Mẹo) cổ hơn nguyên âm a (của Mão) như /hạ, xe/xa, /ma, chè/trà… Do đó người Việt gán con mèo cho địa chi Mão. Lại có người cho rằng, đối với người Việt, con mèo là con vật gần gũi và có ích (bắt chuột) hơn là con Thỏ - chỉ nuôi để ăn thịt, còn thỏ hoang lại phá hoại hoa màu, rau củ... Do được quý trọng và gần gũi với người, mèo được chọn đưa vào bộ 12 con giáp cũng như đưa vào thành ngữ, tục ngữ, ca dao nhiều hơn là thỏ. Lại có ý kiến biện giải khác: Thỏ là vật gặm nhấm. Trong 12 con giáp, loài gặm nhấm đã có chuột đại biểu nên đưa mèo thay thỏ để các loài vật trong 12 con giáp bao gồm đủ các chủng loài khác nhau.

Nói chung, sự khác biệt con vật này, con vật khác trong bộ 12 con giáp là chuyện khó truy cứu được nguồn gốc. Tuy vậy, dù có những tiểu dị, song tính chất đại đồng chiếm phần chủ đạo nên bộ 12 con giáp được vận dụng vào lịch Pháp, biểu hiện cụ thể quá trình sinh tiêu của thời gian.

Thập nhị chi

Các con vật biểu tượng

Cung
 (dấu hiệu hoàng đạo cổ)

Giờ tương ứng

Phương vị la bàn

Chuột

Dương Cưu

(Huyền hiêu)

11- 0 giờ 59 phút sáng

Tam Canh

Canh ba

Bắc

Sửu

Bò/Trâu

Kim Ngưu

(Tinh kỷ)

1- 2 giờ 59 phút

Dạ bán/nửa đêm

Tứ Canh

Canh tư

Bắc Đông Bắc ¾ Đông

Dần

Cọp

Song Nam

(Tích mộc)

3-4 giờ 59 phút

Kê minh/gà gáy

Ngũ Canh

Canh năm

Đông Bắc Đông ¾ Bắc

Mẹo

Thỏ/Mèo

Bắc Giải

(Đại hỏa)

5-6 giờ 59 phút

Bình đán/rạng sáng

Đông

Thìn

Rồng

Hải Sư

(Thọ tinh)

7-8 giờ 59 phút

Nhật xuất/mặt trời mọc

Đông Nam Đông ¾ Nam

Tị

Rắn

Xử Nữ

(Thuần vĩ)

9-10 giờ 59 phút

Thực thời/giờ ăn sáng

Thượng Ngọ

Gần trưa

Nam Nam Đông ¾ Đông

Ngọ

Ngựa

Thiên Xứng

(Thuần hỏa)

11-12 giờ 59 phút chiều

Nguy trung/gần trưa

Chính Ngọ

Trưa

Nam

Mùi

Hổ Cáp

(Thuần thủ)

1-2 giờ 59 phút

Nhật trung/giữa trưa

Hạ Ngọ

Xế

Nam Nam Tây ¾ Tây

Thân

Khỉ

Nhân Mã

(Thực trầm)

3-4 giờ 59 phút

Nhật điệp/xế chiều

Tây Nam Tây ¾ Nam

Dậu

Nam Dương

(Đại lương)

5-6 giờ 59 phút

Nhật nhập/giờ ăn chiều

Tây

Tuất

Chó

Bảo Bình

(Giáp lâu)

7-8 giờ 59 phút

Hoàng hôn/mặt trời lặn

Nhất Canh

Canh một

Tây Bắc Tây ¾ Tây

Hợi

Heo

Song Ngư

(Châu tư)

9-10 giờ 59 phút

Nhân định/đi ngủ

Nhị Canh

Canh hai

Bắc Bắc Tây ¾ Bắc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày