Tham gia xây dựng xã hội tốt đẹp

GN - Cuộc sống hiện đại hối hả và do sự tác động các yếu tố cạnh tranh của nền kinh tế thị trường, trong thời gian gần đây, một bộ phận người dân có những hành động ứng xử với nhau thật phũ phàng.

Không ít trường hợp chỉ vì một cách nhìn khó ưa mà một người sẵn sàng sử dụng bạo lực; một tai nạn giao thông cọ quẹt nhau trên đường dễ đi tới tranh cãi, ẩu đả, làm tổn thương, thậm chí làm lấy đi sinh mạng của người khác. Trong nhà trường, không ít trường hợp trẻ vị thành niên đã dùng dao để giết bạn học, gây sự bàng hoàng cho rất nhiều người. Nhiều người vì lợi ích riêng đã không ngần ngại phá rừng, xả chất thải hóa chất vào sông, rạch gây ô nhiễm môi trường, hủy hoại cuộc sống…

P1080452.jpg

Phật giáo - chiếc nôi đào tạo những con người sống phụng sự cho xã hội - Ảnh minh họa

Để góp phần xây dựng đời sống văn minh, an lạc hiện tại, mọi người dân, đặc biệt là người Phật tử hãy phát huy giáo lý Từ bi trong cuộc sống, biết thương yêu và tôn trọng mọi loài chúng sinh, sống vị tha; biết nhẫn và sống hòa hợp với mọi người; biết rộng lòng bố thí và khiêm cung…

Đó là những yếu tố cần thiết cho việc xây dựng một xã hội hài hòa, phát triển mà mọi người dân, đặc biệt là người Phật tử nên phát huy trong đời sống xã hội, qua các ứng xử hàng ngày.

Trước hết, Tăng Ni là những người sứ giả của Như Lai cần luôn luôn nêu cao hạnh tinh tấn trong tu học và hoằng hóa độ sinh, đi sâu sát và gần gũi hơn vào đời sống, nắm bắt được nhu cầu của xã hội; gắn bài thuyết giảng giáo pháp với thực tiễn cuộc sống; cần đào tạo bài bản cho Tăng Ni trẻ và tạo điều kiện cho Tăng Ni đi vào những vùng còn trắng về tôn giáo như vùng hải đảo, rừng núi, nông thôn hẻo lánh. Tại thành phố, các chùa, tự viện, tịnh thất, tịnh xá… cần tăng cường hoạt động hoằng pháp cho thanh thiếu niên, học sinh…, những công dân tương lai của đất nước, tập hợp thanh thiếu niên vào các hoạt động vui chơi gắn với tìm hiểu về giáo lý Phật giáo, tổ chức văn nghệ, từ thiện giúp người già yếu, trẻ mồ côi, người tàn tật…

Thứ đến, đối với công tác từ thiện, cần tập trung nguồn tài chính để hỗ trợ, giúp vốn cho người nghèo làm ăn; giúp học bổng cho thanh niên nam nữ học nghề… để họ có thể tự nuôi sống chính mình và gia đình bằng nghề nghiệp chân chính. Nhân đây, chúng tôi xin kiến nghị Thành hội Phật giáo xin lãnh đạo thành phố cho Thành hội thành lập một trường trung cấp dạy nghề từ thiện để đào tạo những nghề cho thanh niên chưa có nghề như may công nghiệp, thợ mộc, thợ hàn, thợ tiện, kế toán, vi tính…

Đồng thời, Thành hội liên hệ các Phật tử là lãnh đạo các công ty, nhà máy, xí nghiệp tuyển dụng thợ do trường trung cấp nghề từ thiện đào tạo. Chương trình đào tạo thợ ngoài chuyên môn còn có phần thuyết giảng giáo lý nhà Phật. Qua đó, công việc giáo dục thế hệ trẻ vừa có nghề nghiệp vừa có đạo đức, thấm nhuần tình thương và trách nhiệm.

Bên cạnh đó, trong khả năng và quyền hạn của mình, các cơ sở Phật giáo và các trụ trì nên có hình thức tuyên dương, khen thưởng học sinh là Phật tử hay chưa là Phật tử ngoan, đạo đức tốt, hiếu học, vượt khó bằng những phần thưởng, học bổng do Phật tử của chùa tự nguyện đóng góp. Điều này khuyến khích học sinh ham học tập và ngoan hiền hơn.

Đó là cách thiết thực mà Phật giáo tham gia khắc phục những tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng xã hội theo hướng tốt đẹp hơn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Người thân mất lúc nửa đêm giỗ vào ngày nào?

GNO - Ông cụ nhà tôi mất lúc 23 giờ 50 ngày 20-12-Quý Mão. Vì ông mất lúc 23 giờ 50 là giờ Tý, mà giờ Tý nối liền giữa hai ngày (từ 23 giờ ngày 20-12 đến 1 giờ ngày 21-12) nên một số người thân cho rằng ông mất vào ngày 21-12-Quý Mão. Cách tính ngày mất như vậy có chính xác không? 

Thông tin hàng ngày