GN - “Tôi suy nghĩ phải làm thế nào đó hướng dẫn người khiếm thị tu tập, để họ có cuộc sống an lạc, mặc dù họ không nhìn thấy thế giới xung quanh...”
Từ những trăn trở đó, SC.Thích nữ Quảng Nhật, trụ trì chùa Lam Viên, số 3/1 đường 5E, P.Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM) đã quyết tâm duy trì khóa tu định kỳ mỗi tháng một kỳ dành cho người khiếm thị.
Từ cái duyên với những người khiếm thị
Những năm tháng trước khi về chùa Lam Viên, SC.TN Quảng Nhật đã có những tháng ngày tu tập ở chùa Kim Sơn (Q.Phú Nhuận). Lúc đó, sư cô cũng từng hỗ trợ phát quà cho người khiếm thị, mỗi năm hai đợt vào dịp Vu lan và Tết cổ truyền. Đến năm 2009, sư cô về chùa Lam Viên. Chùa lúc này còn nghèo, nhỏ và hẹp nhưng sư cô vẫn cố gắng duy trì phát quà cho những người khiếm thị kém may mắn.
Phật tử khiếm thị tu tập tại chùa Lam Viên
Cách đây 2 năm, khi nghĩ về những người khiếm thị không được may mắn nhìn thấy ánh sáng của thế giới xung quanh, sư cô đã khởi lên một tâm nguyện. Sư cô cho biết: “Tôi suy nghĩ, tặng quà đến người khiếm thị là cách tạm thời nên tôi cần phải làm một cái gì đó lớn hơn”. Từ đó, ý tưởng sẽ mở một khóa tu dành riêng cho người khiếm thị được hình thành. Tháng 10-2014, khóa tu “Thắp sáng niềm tin” dành cho Phật tử khiếm thị chính thức được khai mở.
“Khóa tu sẽ vun đắp cho người khiếm thị niềm tin và ánh sáng từ tâm. Họ đã mất đi ánh sáng thực tại nhưng họ có thể tự mình soi sáng nội tâm của chính mình qua tu tập”, SC.TN Quảng Nhật khẳng định mục tiêu của khóa tu.
Qua hơn 3 năm duy trì khóa tu, chùa đã tiếp nhận 100 người khiếm thị là những người bán vé số, hát rong ngoài đường phố Sài Gòn... Họ là những người có hoàn cảnh kém may mắn, khó khăn. Những ngày đầu mở khóa tu chỉ có 64 Phật tử khiếm thị từ khắp các quận huyện về tu, gắn bó với chùa. Bởi vì tình thương dành cho người khiếm thị rất lớn nên sau bao nhiêu cố gắng, sư cô đã gom góp tiền mua thêm được căn nhà để mở rộng diện tích của chùa. Hiện nay, khóa tu “Thắp sáng niềm tin” của chùa Lam Viên đã có 100 Phật tử khiếm thị về đây tu tập thường xuyên, định kỳ.
Tha thiết học giáo lý của Đức Phật
Dù là người khiếm thị kém may mắn nhưng họ luôn mong Phật pháp sẽ dành cho mình một lối đi, một điểm tựa… để kiếp sống này được chuyển hóa tâm thức, sống với “ánh sáng từ tâm”. Từ những Phật tử sơ cơ học đạo, đến nay người khiếm thị tu tập rất tinh tấn. Họ niệm Nam-mô A Di Đà Phật, tham gia những buổi thi thuyết trình về Phật pháp... Phật tử khiếm thị có niềm tin mãnh liệt và họ khao khát được tu”, SC.TN Quảng Nhật chia sẻ.
Lúc đầu, sư cô không nghĩ đến việc cho họ học giáo lý mà chỉ hướng dẫn họ niệm Phật. Thế mà, khi về niệm Phật thì họ lại xin được học thêm giáo lý để hiểu biết về Phật pháp. Phật tử khiếm thị Nguyễn Thị Thu Cúc (64 tuổi, ngụ tại Q.Bình Tân) cho biết: “Khi tôi chưa biết Phật pháp, tôi thấy mình khổ dữ lắm. Nhưng sau này, tôi hiểu biết giáo lý, những lời Đức Phật dạy, từ đó bỏ được những phiền não trong tâm. Bởi lẽ, tôi hiểu được thuyết vô thường. Đây là cõi tạm để tôi sống, không có gì là chắc chắn. Thế nên, tôi cảm thấy thoải mái với đời sống hiện tại và tôi cần tu tập tinh tấn hơn”.
Còn với anh Thiện (27 tuổi, ngụ quận 8): “Khi đến đây, tôi quyết tâm tham gia tu học. Chính Phật pháp giúp tôi không còn cảm thấy buồn phiền hay tủi thân về căn bệnh khiếm thị của mình nữa. Chỉ có ánh sáng Phật pháp mới có thể dẫn đường cho mình đi, ánh sáng ấy có được từ sự soi rọi nội tâm của chính mình”.
Mỗi ngày, SC.TN Quảng Nhật phải sống chung với máy trợ tim trong cơ thể nhưng sư cô luôn khao khát được làm việc thiện để trả ơn đời. Sư cô chỉ mong có thật nhiều sức khỏe để có thể hướng dẫn các Phật tử khiếm thị tu tập, để họ chuyển biến tâm thức, sống lạc quan. Chùa Lam Viên là ngôi chùa nhỏ do điều kiện không cho phép nên sư cô chỉ nhận được 100 Phật tử về tu tập và duy trì trong khả năng cho phép.