Tháp Swayambhunath

NSGN - Tháp Swayambhunath, còn được gọi là chùa Khỉ (bởi vì có nhiều khỉ cư trú tại đây, đặc biệt là vào ban đêm), tọa lạc trên một ngọn đồi được bao phủ bởi cây xanh nằm về mạn Tây thung lũng Kathmandu, là một trong những thánh tích Phật giáo cổ xưa và nổi tiếng nhất ở Nepal. Đỉnh tháp cao vút với sắc vàng lấp lánh và mái vòm màu trắng vươn lên trên ngọn đồi, khiến cho ngôi tháp này dễ dàng nhìn thấy từ xa từ thung lũng Kathmandu.
thap 1.jpg
Tháp Swayambhunath, còn được gọi là chùa Khỉ - nhìn từ xa

Có người tin rằng Swayambhunath được xây dựng trên 2.500 năm. Tuy nhiên, các sử gia cho rằng ngôi tháp này được xây dựng vào đầu thế kỷ I TL. Người ta tìm thấy ở đây một bản khắc chữ có niên đại vào thế kỷ V (460 TL) do vua Manadeva thực hiện; và điều này cho thấy Swayambhunath đã là một thánh tích Phật giáo quan trọng từ rất sớm. Vào thế kỷ XIII, Swayambhunath phát triển thành một nơi tu học quan trọng của Phật giáo.

Theo truyền thuyết, vào thời điểm khi tháp Swayambhunath được xây dựng, thung lũng Kathmandu là một cái hồ lớn, và giữa cái hồ đó có một bông sen mọc lên; và hoa sen này được cho là do một vị Phật quá khứ trồng. Khi hoa sen này nở, nó phát ra ánh sáng kỳ diệu khiến những vị thánh cũng như thần linh ở khắp nơi tìm đến hồ nước này để kính lễ ánh sáng kỳ diệu đó nhằm phát triển năng lực cho việc chứng đắc giác ngộ. Bấy giờ, Bồ-tát Văn Thù đang trú trên một ngọn núi và đã quán thấy được ánh sáng huyền diệu này; và ngài bèn cưỡi sư tử đến hồ nước đó để đảnh lễ hoa sen.

Cảm nhận được năng lực huyền diệu của ánh sáng phát ra từ hoa sen, ngài nghĩ rằng, nếu hồ nước này được khơi cạn, thì những người bình thường có thể đến gần hoa sen để đảnh lễ và hưởng được lợi ích từ ánh sáng đó. Nghĩ vậy, Bồ-tát Văn Thù (Manjusri) đã dùng thanh gươm của mình cắt những triền núi và dùng chúng chắn quanh hồ nước, sau đó tháo cạn nước ở bên trong. Khi ấy hoa sen biến thành một ngọn đồi và ánh sáng phát ra từ hoa sen hóa thành ngôi bảo tháp. Và do đó ngôi tháp này được gọi tên là tháp Tự Tạo hay tháp Tự Sinh (Swayambhu). Còn lòng hồ ở bên trong đó ngày nay là thung lũng Kathmandu.

Kiến trúc và lối trang trí của tháp Swayambhunath mang những ý nghĩa triết học và Phật giáo. Ví dụ, mười ba vòng tròn chồng lên nhau ở phần trên ngôi tháp là tượng trưng cho những bước tiến đến sự giác ngộ. Cái lộng ở trên đỉnh là biểu trưng cho sự giác ngộ. Nhưng biểu tượng quan trọng nhất là đôi mắt Phật ở bốn mặt của tháp, biểu tượng của Phật nhãn nhìn thấu suốt khắp mọi phương. Dấu hỏi thay cho mũi, mà trong chữ viết Nepal có nghĩa là số 1, tượng trưng cho sự hợp nhất của tất cả vạn vật. Đôi mắt này cũng trở thành biểu tượng của Phật giáo Nepal. Phía trên những đôi mắt này, là những tấm bảng bằng vàng lớn mang hình chiếc vương miện và trên đó khắc hình tượng một trong năm vị Thiền Phật. Ở lối dẫn lên tháp là tượng hai con sư tử canh gác bảo vệ ngôi tháp. Xung quanh tháp là những điện thờ, tháp nhỏ, và ở đó người ta sơn vẽ hình ảnh của các vị thần của những tôn giáo khác nhau.

Swayambhunath là một thánh địa tâm linh của Phật giáo Kim cang thừa, tuy nhiên những tín đồ Hindu giáo cũng thường đến đây chiêm bái và hành lễ. Thực ra, Swayambhunath không thuần túy là một địa điểm tâm linh của Phật giáo, mà nó cũng bao gồm những yếu tố Hindu giáo và Saman giáo.

Ở Nepal, nhiều chùa, đền của Phật giáo và Hindu giáo đã trở thành địa điểm hành lễ chung của tín đồ hai tôn giáo này, và việc thờ những ảnh tượng đôi khi cũng bị phối trộn với nhau. Như ở Swayambhunath, ở góc phía Tây bắc, ta có thể nhìn thấy một điện thờ nhỏ thờ vị thần lửa của Hindu giáo. Và không riêng gì ở đây, tại một số thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ, ta cũng bắt gặp điều tương tự.

Swayambhunath cách thủ đô Kathmandu khoảng 3km nên việc viếng thăm thánh tích này sau khi đã đến Kathmandu là điều rất thuận tiện. Viếng thăm nơi này, ngoài việc tận hưởng một bầu không khí thanh bình và thiêng liêng, ta có thể chứng kiến nhiều sinh hoạt tôn giáo diễn ra ở đây mỗi ngày.

Mỗi ngày, từ rất sớm, rất đông tín đồ đã trở về đây, trèo 365 bậc cấp để lên Swayambhunath. Ở đó, họ bắt đầu một ngày mới bằng lễ bái, kinh hành, trì tụng kinh chú… Và sự hành lễ đó không chỉ của riêng tín đồ Phật giáo, mà có cả tín đồ Hindu giáo. Điều này đối với nhiều người Nepal, là thể hiện sự dung hòa tôn giáo. Và sự thực, trong quá khứ cũng như hiện tại, không có những xung đột đáng kể giữa các tôn giáo ở Nepal, đặc biệt là giữa Phật giáo và Hindu giáo.

thap 2.jpg


Kiến trúc bên trong tháp Swayambhunath

Có hai lễ hội chính được tổ chức hàng năm tại Swayambhunath, đó là lễ Phật đản (Buddha Jayanti, vào tháng 4 hoặc tháng 5) và lễ Losar (Tết Tây Tạng, vào tháng 2 hoặc tháng 3). Ngoài ra cũng có một lễ hội đánh dấu kết thúc mùa mưa, được gọi là Gunla (vào tháng 8 hoặc tháng 9). Vào những dịp này, có rất nhiều khách hành hương trở về đây.

Swayambhunath được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1979.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày