Thầy cô là người gieo niềm yêu đọc sách

GN - Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo của tỉnh Yên Bái, thấm nỗi đói cơm, thiếu sách và cũng nhận ra, khi nghèo nàn tri thức thì mình thực sự… nghèo nàn. Chính vì vậy, khi cùng những người bạn làm nên các chương trình do nhóm “Chủ nhật yêu thương” chủ trương, tôi đặc biệt chú tâm đến việc mang sách - tri thức đến với các bạn nhỏ vùng sâu, vùng xa. Con số 1.001 thư viện (hay nói chính xác là điểm đọc sách) chính là mục tiêu của tôi và nhóm.

Anh 2, Gieo sách.jpg


Nguyễn Tú Anh - trưởng nhóm Chủ nhật yêu thương trên hành trình gieo sách

Hiện nay, sau 5 năm làm chính thức (khoảng 8-9 năm kể cả thời gian chưa chính thức) chúng tôi đã tạo được 450 thư viện như vậy, ở khắp các tỉnh thành, với hàng trăm tấn sách đã được trao tặng. Từ việc tiếp xúc với các bạn nhỏ ở các vùng miền, tôi nhận ra, người trẻ không hề “chán đọc” như cách nhiều người lo lắng, mà nếu có thì cũng do mình chưa biết hướng dẫn các bạn. Sự thật là, ở những vùng sâu, xa, thế hệ phụ huynh các bạn nhỏ nhiều người học ít, nên đọc sách là cái gì đó rất khó. Nhưng cái lạ là có nhiều thầy cô cũng… ít đọc. Do vậy, khi tôi và nhóm làm chương trình, khảo sát các điểm tặng sách, việc đầu tiên yêu cầu thầy cô phải ham đọc, để nêu gương.

Đối với nội dung sách, ở mỗi lứa tuổi nhu cầu phải khác, ví dụ như tuổi tiểu học trở xuống thì sách phải đẹp, nhiều màu sắc… Các em sẽ chơi với sách chứ không phải đọc, nên thầy cô phải tập cho các bạn chơi với sách, tiếp cận sách để chơi là chính. Nhưng từ việc chơi này, dần dà tạo thói quen đọc sách về sau.

Điều đáng mừng là, mùa hè vừa qua, nhiều điểm đọc do chúng tôi tặng sách đã mở cửa xuyên hè, dù trường đóng cửa. Như ở Tương Dương (Nghệ An), có vị trông coi nơi đọc sách chia sẻ, các bạn nhỏ nghỉ hè đã tìm tới sách như người bạn, cho thấy, các em tìm được niềm vui từ trang sách, từ điểm đọc sách.

Nguyễn Tú Anh
(trưởng nhóm Chủ nhật yêu thương)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày