NSGN - Bạn đã từng trải qua kinh nghiệm thiền tập với Đức Đạt Lai Lạt Ma? Nếu có, những giây phút đó sẽ rất là hy hữu. Bác sĩ Sanjay Gupta, Trưởng nhóm biên tập y khoa của CNN, có bài viết ngày 15-2-2017, kể về kinh nghiệm thiền tập với vị lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng.
Bài viết tựa đề “Dr. Sanjay Gupta: Lessons from meditating with the Dalai Lama” (BS Sanjay Gupta: Các bài học từ thiền tập với Đức Đạt Lai Lạt Ma) sẽ được dịch như sau.
***
Bài học từ thiền tập với Đức Đạt Lai Lạt Ma
Tác giả: BS Sanjay Gupta
Đức Đạt Lai Lạt Ma
Trong 2 tháng vừa qua, tôi đã trải qua những biến đổi. Khó có thể mô tả đầy đủ, ngoại trừ nói rằng lòng tôi hầu như lúc nào cũng vui hơn và kiên nhẫn hơn trước kia.
Trong quá khứ, gia đình tôi và các bạn của tôi thường nói về tôi là thuộc loại dễ chịu, nhưng vội vã. Tuy nhiên, trạng thái bất an và căng thẳng trong tôi bây giờ gần như đã biến mất.
Không còn khó khăn nữa, tôi đã giữ được chú tâm khi các đứa con nhỏ của tôi tới vây quanh tôi. Thay vì thường xuyên xem điện thoại, tôi đã có một khả năng nhanh chóng tập trung và kiểm soát ý định, và sống an vui trong một thế giới ít bị phân tâm hơn.
Thay đổi này như dường khởi sự từ cuối năm ngoái (2016), sau khi tôi có một buổi sáng thiền tập với Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Trước tiên là, vâng, tôi cảm thấy một chút dị kỳ khi viết một câu như thế, và tôi đã không cảm thấy xứng đáng với lời mời của ngài lúc đó. Ngay cả khi tôi thiền tập, tôi cũng chưa bao giờ chắc chắn là tôi đã có hay không áp dụng kỹ thuật đúng đắn, hay là có hay không một phương pháp thiền tập chấp nhận được trước mặt Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Nếu ngài muốn tìm một thiền hữu tốt, tôi lo ngại rằng ngài sẽ không tìm ra thiền hữu đó nơi tôi. Ngay cả thế ngồi của tôi cũng kinh hoàng, khi ngồi tréo chân trên sàn. Lưng tôi bắt đầu đau, rồi tới đầu gối đau. Do vậy, hơi thở của tôi, trên nguyên tắc là nơi tôi chú tâm, lại nghe như không đều và thô nhám. Tất cả mấy thứ đó làm tôi loạn tâm, thay vì chậm lại và an bình.
Chỉ suy nghĩ về việc thiền tập với Đức Đạt Lai Lạt Ma là đủ làm tôi lo lắng.
Tuy nhiên, ai mà nói “không” đối với cơ hội ngồi thiền với Đức Đạt Lai Lạt Ma? Tôi đồng ý tham dự thiền tập với ngài sáng sớm hôm sau tại nơi cư trú của ngài.
Buổi thiền tập khởi sự lúc 3 giờ sáng.
Tuy đã 81 tuổi, Đức Đạt Lai Lạt Ma sống theo một lịch trình rất tích cực. Tôi đã gặp ngài ở thành phố Mundgod, Ấn Độ, tại tu viện Drepung, nơi ngài đang chủ tọa một hội nghị về nối kết Phật giáo và khoa học.
Tu viện là một tòa kiến trúc xinh đẹp, xây từ 600 năm trước. Bên trong, có những tượng Phật lớn bằng vàng đứng kế bên các bức tường trang trí hoa văn. Hội trường rộng, nhưng ấm áp, với các cửa và cửa sổ mở để đón nắng ấm miền Nam Ấn Độ.
Trong ba ngày, Đức Đạt Lai Lạt Ma điều hợp các buổi hội thảo về các đề tài siêu hình phức tạp, như các phương diện về lý luận, về các yếu tố căn bản của vũ trụ, về nguồn gốc sự sống và về kinh nghiệm chủ thể về tâm thức.
Hào hứng và trí tuệ - nhưng cũng rất nặng đầu. Khó để tỉnh thức, chớ đừng nói gì tới chuyện theo dõi cho kịp những màn tranh luận nhanh như bật lửa giữa các Phật tử và các khoa học gia. Nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma đều tham dự và khảo vấn suốt các buổi; điểm chú ý đặc biệt là hơn phân nửa những lời bình luận đã được dịch sang [Tạng ngữ] cho ngài. (Ghi chú của dịch giả: Đức Đạt Lai Lạt Ma nói tiếng Anh lưu loát, nhưng có lúc ngài nghe không kịp khi người khác nói nhanh, và lúc đó cần dịch sang Tạng ngữ để ngài hiểu).
Đức Đạt Lai Lạt Ma thường thức dậy lúc 2g40 giờ sáng, và khởi sự buổi thiền tập hàng ngày lúc 3 giờ sáng, ngay cả khi hầu hết những người phụ tá của ngài còn đang ngủ.
Tình hình nói chung là thế, khi một trong các viên chức cao cấp của ngài đón tôi bên ngoài tu viện một sáng sớm. Chúng tôi đi trên đoàn xe ba chiếc vào cổng để vào tư dinh của ngài.
Từ nơi đó, có thêm nhiều viên chức khác đưa chúng tôi vào một hội trường nhỏ, nơi các cận vệ của ngài từ từ thức dậy và đang uống trà ban sáng. Cuối cùng, người chánh văn phòng của ngài dẫn tôi vào bên ngoài khu vực cá nhân của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Có một vài hướng dẫn nhỏ trước khi chúng tôi vào. Ngó thẳng vào mắt nhau không hề gì, và bắt tay cũng được nhưng bạn phải dùng cả hai bàn tay, không chỉ một. Nhưng chớ quay lưng về phía ngài khi rời phòng, và như thế là đi lùi, hướng mặt về ngài càng nhiều càng nên. Khi ngồi tréo chân trên sàn, đừng chỉa bàn chân về Đức Đạt Lai Lạt Ma. Và xưng hô thích hợp là “Your holiness” (Kính thưa Đức Thánh Thiện).
Một lát sau, cửa mở ra, và tôi bước vào một căn phòng nhỏ, nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma đang ngồi trên một bục, và ngài đã lắng sâu vào thiền định. Tôi tuột đôi giày ra, ngồi tréo chân ở một góc sàn nhà để mấy ngón chân không chỉa về hướng ngài, nhắm mắt lại và khởi sự chú tâm vào hơi thở.
Tất cả bất an thiền tập của tôi tức khắc hiện ra. Sau vài phút, tôi nghe giọng trầm ấm của ngài: “Có câu hỏi gì không?”
Tôi nhìn lên và thấy khuôn mặt ngài đang mỉm cười, bắt đầu kiểu cười với cái đầu gật gù độc đáo của ngài.
Tôi nói, “Thiệt khó cho tôi.”
Ngài đáp, “Với tôi, cũng thế. Sau khi ngồi thiền hàng ngày trong 60 năm qua, tôi vẫn cảm thấy thiền tập là khó.”
Rất ngạc nhiên khi nghe ngài nói như thế. Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà sư và là lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, cũng gặp gian nan với thiền tập.
Ngài nói với tôi,“Tôi nghĩ rằng bạn sẽ thích pháp thiền phân tích (analytical meditation).” Thay vì chú tâm vào một đối tượng của tâm, như trong pháp thiền nhất tâm (single-point meditation), ngài gợi ý rằng tôi nên nghĩ về một vấn đề tôi đang tìm cách giải quyết, một đề mục tôi có thể đã đọc mới đây hay một trong các lĩnh vực triết lý từ các buổi hội thảo trước đó.
Ngài muốn tôi tách rời vấn đề từ mọi thứ khác ra, bằng cách [quán tưởng] đặt nó vào một bong bóng lớn, trong suốt. Với mắt nhắm, tôi đã nghĩ về một thứ gì đấy vướng bận trong tâm - một điều gì tôi không thể giải quyết. Trong khi tôi đặt hiện thân vật lý của vấn đề đó vào trong bong bóng, nhiều chuyện khởi sự xảy ra rất tự nhiên.
Vấn đề bấy giờ trực tiếp hiện trước tôi, trôi lơ lửng nhẹ tênh. Trong tâm tôi, tôi có thể xoay bong bóng đó hay lật ngược nó. Đó là một cách thực tập chú tâm.
Trong khi bong bóng khởi lên [trong tâm], nó cũng tách rời ra khỏi bất kỳ dính mắc nào khác, thí dụ như các dính mắc cảm thọ chủ quan. Tôi có thể hình dung nó trước mắt, trong khi vấn đề tự cô lập nó, và trở thành một cái nhìn trong suốt.
Thường, chúng ta đã để cho các yếu tố cảm thọ không liên hệ làm mờ đi các giải pháp thực tiễn và kỳ diệu trước mặt chúng ta. Nó [cảm thọ che mờ đó] có thể làm cho chúng ta bực dọc và không vui. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói với tôi, rằng xuyên qua thiền pháp phân tích, chúng ta có thể dùng lý luận để nhận diện rõ hơn câu hỏi, tách nó ra khỏi các chuyện không liên hệ, xóa bỏ ngờ vực và làm bật sáng các câu trả lời. Đơn giản và dễ hiểu như thế. Đối với tôi, điều quan trọng nhất là, thiền pháp này hiệu quả.
Trong cương vị một nhà khoa học về thần kinh não bộ, tôi chưa bao giờ mong đợi rằng một nhà sư Phật giáo, ngay cả Đức Đạt Lai Lạt Ma, sẽ dạy tôi cách kết hợp lý luận giảm trừ và suy nghĩ phê phán tốt hơn vào đời mình - nhưng đó là những gì đã xảy ra.
Như thế đã biến đổi tôi. Và tôi nhờ đó tốt hơn. Tôi thực tập pháp thiền phân tích hàng ngày, thường là sáng sớm. Hai phút đầu tiên vẫn là khó nhất, trong khi tôi hình dung một bong bóng trong tâm và để nó lơ lửng trên tôi. Sau đó, tôi đạt tới điểm có thể mô tả như là một trạng thái “trôi đi” - trong đó, 20 tới 30 phút trôi đi dễ dàng.
Tôi bây giờ được thuyết phục hơn bao giờ hết rằng ngay cả những kẻ hoài nghi gay gắt nhất cũng có thể sẽ thành công với pháp thiền phân tích.
Trong những ngày lễ, tôi đã để ra nhiều thời gian để truyền lại lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma cho gia đình tôi, các bạn tôi, và dạy họ các nguyên tắc căn bản của pháp thiền phân tích. Đây là món quà tôi rất muốn chia sẻ với họ. Và bây giờ, với quý độc giả.
Nguyên Giác
(Bản văn gốc: http://www.cnn.com/2017/02/15/health/sanjay-gupta-dalai-lama-meditation/)