Thủ khoa Học viện chia sẻ hạnh nguyện tu, học Phật

GN - Tốt nghiệp Học viện chưa phải là điểm cuối cho con đường học Phật mà là nền tảng cho việc học tiếp, có vốn liếng - vững chãi tu tập của một người xuất sĩ.

Quý sư cô thủ khoa khóa IX, khoa Đào tạo từ xa khóa II (Học viện PGVN tại TP.HCM) vừa nhận bằng tốt nghiệp vào sáng 27-9 qua, tại chùa Phổ Quang chia sẻ như vậy.

Anh PGTT GN 816.JPG


Các tân cử nhân Học viện tại lễ trao bằng tốt nghiệp ngày 27-9 vừa qua - Ảnh: B.Toàn

Học hay tu đều vì lợi sanh

Với kết quả tốt nghiệp sau một chặng đường học Phật đầy cố gắng, đó như món quà tri ân mà quý sư cô gửi đến thầy tổ, huynh đệ, giáo thọ sư, ba mẹ, Phật tử đã trợ duyên cho mình. Là niềm vui giây lát, tương lai cần phải cố gắng rất nhiều, học hỏi, tu học nhiều hơn nữa - SC.Thích nữ Liên Mẫn, thủ khoa ngành Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc chia sẻ. Cô nói, sau khi học xong ở Học viện, thấy kiến thức mình còn yếu, còn rất ít so với biển Phật pháp rộng lớn nên nếu có nhân duyên cô sẽ học lên tiếp về Phật pháp.

SC.Liên Mẫn nhấn mạnh, người xuất gia, tu là trên hết, học là phương tiện. Do vậy, trong những giờ học của mình, cô tâm niệm, cũng không khác một thời tụng kinh, vì đó cũng là những lời Phật dạy, cũng là tu, tu trong những bài học.

Còn SC.Thích nữ Kiều Tuệ Quang, thủ khoa ngành Triết học Phật giáo, cho biết, “sau khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục học cao học tại Học viện để mở rộng kiến thức, sau này ra hành đạo, phục vụ chúng sanh, giúp cho đời cho đạo tốt hơn”, cô bộc bạch.

Thủ khoa khoa Đào tạo Từ xa II - SC.Thích nữ Phước Liên thì cho biết sẽ không học thêm, “vì thấy mình cũng đã hơi lớn tuổi”. Hiện Sư cô còn đang phụ trách khóa thọ Bát quan trai cho Phật tử ở tịnh xá Ngọc Tân (TP.Tân An, tỉnh Long An) hàng tháng. SC.Phước Liên chia sẻ, sắp tới, đủ duyên sẽ đi học thiền ở các rừng thiền, đó là ngay khi có người thay thế việc cô đang làm. 

“Sẽ vận dụng những kiến thức đã học vào con đường tu tập của bản thân và phụng sự cho đạo pháp theo lời dạy phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật. Nếu có điều kiện thuận lợi về thời gian, kinh tế, kiến thức, sức khỏe… thì sẽ tiếp tục học thêm các chương trình Phật học để có thêm kiến thức cho sự nghiệp tu nhân học Phật của mình” - SC.Thích nữ Diệu Mỹ, thủ khoa ngành Công tác xã hội nói.

Thủ khoa ngành Phật pháp Anh ngữ - SC.Thích nữ Diệu Thanh, hiện đang theo học chương trình sau đại học ở Đại học New Delhi tại Ấn Độ, cho biết sẽ cố gắng hoàn tất chương trình một cách tốt nhất. Đối với cô, một Tăng Ni sinh trẻ cần học và tu nghiêm túc, chân thật, tinh tấn và kiên trì.

Chia sẻ với PV Giác Ngộ, SC.Thích nữ Như Bổn, thủ khoa chuyên ngành Lịch sử Phật giáo cho biết ước mong của sư cô là có điều kiện để được tiếp tục du học ở các cấp bậc cao hơn. Nếu như không được đi du học thì sư cô chọn học thêm văn bằng 2 ở một số ngành khác.

Cũng như Sư cô Như Bổn, SC.Thích nữ Chơn Đạo, thủ khoa khoa Hoằng pháp vẫn có hoài bão du học ở các cấp học cao hơn. Sư cô chia sẻ, hầu như chuyên ngành Hoằng pháp đều học chương trình giống như khoa Triết, đây cũng là một cơ hội thuận lợi để có thể nghiên cứu sâu hơn về các vấn đề Phật học.

Hoằng pháp là tùy duyên

Vừa là thủ khoa đầu vào lẫn đầu ra khóa IX, SC.Liên Mẫn cho biết - nhờ vậy nên cô có động lực nhiều hơn, cố gắng rất nhiều. “Mỗi ngày đi học là mỗi ngày nỗ lực, những bài tập khi giao về nhà đều làm hết, lúc nào cũng nhờ giáo thọ sư sửa bài, thường xuyên nghe tiếng Hoa, nhất là tối tối trước khi ngủ tôi đều nghe những mẩu chuyện ngắn bằng tiếng Hoa”, Sư cô chia sẻ.

Đối với SC.Liên Mẫn, khi học, tu phải có mục tiêu rõ ràng, từ đó mới cố gắng phấn đấu được. “Nếu học thì học hết sức của mình, còn xác định tạm ngừng việc học ở trường thì về hoằng pháp vùng sâu vùng xa, vùng nào cũng được - chỉ cần mỗi ngày, có thể giúp chúng sinh đủ duyên giải tỏa những căng thẳng, áp lực trong cuộc sống là vui rồi”.

Còn với SC.Kiều Tuệ Quang, “khi chọn học một ngành nào đó phải có đam mê, phải có sự sáng tạo và cần có thời gian. Siêng nghiên cứu một chút và phải có nền tảng từ những cái thấp nhất mới đi lên được, nếu những cái nhỏ chưa thẩm thấu được thì những cái cao hơn không thể thẩm thấu được”.

Trao đổi với PV, cô bảo, khi xã hội phát triển thì đòi hỏi tu sĩ cũng cần tiếp cận - bắt kịp với thời đại để hành đạo cho tốt; nếu Tăng Ni sinh có điều kiện thì nên học cả thế học và Phật học, song cũng phải nghiêm mật thời khóa để giữ mình.

Về hoằng pháp thì do nhân duyên, có duyên ở đâu thì hoằng pháp ở đó, hướng của sư cô là muốn viết sách và dịch kinh. Nên hiện tại cô cũng đang theo học thêm về ngôn ngữ ở các trung tâm - SC.Tuệ Quang chia sẻ.

Đã trải qua nhiều bước ngoặt trong đường tu, SC.Phước Liên nhận ra, Tăng Ni trẻ, trước phải học cho thật tốt, học cho đến nơi đến chốn, cùng trau dồi đạo hạnh, trở thành một tu sĩ gương mẫu có giới đức, có trí tuệ. Đến khi viên mãn việc học, đã trưởng thành trong giáo pháp thì nên nhiệt tâm đối với thế hệ tương lai - phụng sự Giáo hội, phụng sự thầy tổ, kết duyên giáo hóa với mọi người.

Từng là thủ khoa lớp Ni trung cấp Phật học Long An, nhưng không đủ duyên, nên SC.Phước Liên không theo học chính quy. Theo cô, học Đào tạo từ xa, nếu cố gắng thì cũng thu nạp được kiến thức như chính quy. Về con đường dấn thân phụng sự thì tùy duyên, cô bảo “đủ duyên nơi nào thì mình đi nơi đó, hình thức nào là tùy nơi người, họ cần gì theo đó mà hướng dẫn, từ thấp đến cao vì như thế sẽ dễ dàng đưa đến kết quả”.

“Với hạnh nguyện của một người xuất gia ‘trên là cầu học giáo pháp của chư Phật, dưới là phụng sự chúng sanh’, hàng ngày tôi vẫn luôn thực tập theo lời dạy của Đức Phật với mục đích làm cho thân tâm được an lạc” - SC.Diệu Mỹ chia sẻ.

SC.Diệu Mỹ nói thêm, “để làm tốt việc hoằng pháp độ sanh thì không thể thiếu các kiến thức thế học, trong đó có ngành Công tác xã hội - cung cấp kiến thức tâm lý xã hội, tâm lý con người, các thực trạng mà xã hội đang gặp phải như lối sống, các vấn đề của xã hội... Từ đó, người hành đạo có cách nhìn, cách xử lý vấn đề tốt trong quá trình làm việc với xã hội hay tập thể, nhóm hoặc cá nhân nào đó”.

Với cô Diệu Thanh, đặc biệt, luôn nhớ  đến hạnh nguyện khi xuất gia là trở thành bác sĩ tâm linh, giúp chúng sanh tìm ra và diệt được căn bệnh phiền não một cách thực tế, từ đó có thể sống đời sống an lạc, hạnh phúc. Cô bảo, nếu được chọn lựa, sư cô sẽ về chùa Phước Huệ (Trần Hưng Đạo, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) vì là nơi được sinh ra và trưởng thành ngoài đời cũng như trong đạo.

SC.Như Bổn chia sẻ rằng, ai cũng nghĩ lịch sử là môn học khô khan, rất chán và cũng chẳng có ích gì cho việc hành đạo. Nhưng thực tế, những năm tháng theo học chuyên ngành này, cô nhận ra được nhiều cái hay của ngành. Khi nói cần phải có chứng cứ rõ ràng, trích dẫn một tư liệu cần phải biết rõ nguồn gốc. Cũng như vậy, khi chia sẻ một vấn đề gì nếu dùng dẫn chứng xác thực thì giá trị của vấn đề đó càng được nâng cao.

SC.Chơn Đạo thì tâm đắc: “Những năm tháng học chuyên Hoằng pháp giúp tôi nhận ra, muốn đem đạo vào đời mình cần có chất tu, đạo đức và đạo hạnh - không những chúng ta nói trên lý thuyết, mà cần phải có những sự thể nghiệm và ứng dụng, thì sự chia sẻ của chúng ta sẽ hiệu quả hơn. Hòa thượng trưởng khoa từng nói, ngoài việc truyền trao những kiến thức đã học, thì thân hành của chúng ta cũng chính là bài pháp không lời, nhưng hiệu quả thì mang lại rất lớn”.

Từ những sự chỉ dạy của chư tôn đức có kinh nghiệm, SC.Chơn Đạo cho biết, nhờ vậy đã nhận ra đâu là giáo lý Phật-đà, đâu là những giáo lý của ngoại đạo trà trộn vào, để có thể hướng dẫn Phật tử đi đúng tinh thần chân lý, tránh những tình trạng mê tín dị đoan đang ngày một lan tràn như hiện nay.

Trên tổng số 719 Tăng Ni theo học khóa IX (2011-2015) có 440 Tăng Ni đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp cử nhân Phật học trong các khoa: Phật giáo Việt Nam, Phật pháp Anh ngữ, Công tác xã hội, Pali, Ngôn ngữ và Văn học Trung Quốc, Hoằng pháp, Lịch sử Phật giáo, Triết học Phật giáo và Đào tạo từ xa. 8 gương mặt thủ khoa khóa IX và khoa Đào tạo từ xa vừa rồi đều là chư Ni.

Trong các vị thủ khoa khóa IX, SC.Thích nữ Thuần Hậu, thủ khoa Phật giáo Việt Nam và SC.Thích nữ Như Vy, thủ khoa Pali đã đi du học nên PV Giác Ngộ không liên lạc được.

Quảng Hậu - Nhã An

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày