GN - Nhân dịp năm mới 2019, cũng là thời điểm kỷ niệm 43 năm ngày Báo Giác Ngộ ra số đầu tiên (1.1.1976 - 1.1.2019), tôi có lời kính chúc chư vị giáo phẩm Tăng Ni, quý vị trí thức, các nhà nghiên cứu, Phật tử các giới, các đơn vị doanh nghiệp, đặc biệt là quý độc giả báo Giác Ngộ vô lượng an lạc!
HT. Thích Trí Quảng - Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ - Ảnh: Bảo Toàn
Báo Giác Ngộ có giấy phép thành lập vào cuối năm 1975, trong hoàn cảnh đất nước vừa thống nhất hoàn toàn, nối liền hai miền Nam Bắc. Là tiếng nói của Phật giáo yêu nước, Báo Giác Ngộ trở thành chiếc cầu nối thông tin giữa chính quyền với cộng đồng Phật giáo, đồng thời chuyển tải những tâm tư nguyện vọng của giới Phật giáo trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.
Đất nước đổi mới, từ năm 1990, Báo Giác Ngộ được giao về cho Thành hội (nay là Ban Trị sự) Phật giáo TP.Hồ Chí Minh chủ quản. Dẫu vậy, Báo Giác Ngộ vẫn là tiếng nói của Phật giáo, đi cùng với quá trình vận động, thành lập GHPGVN, và tiếp tục cho tới hôm nay.
Lịch sử báo chí Phật giáo Việt Nam được bắt đầu từ đầu thế kỷ trước. Tính cả những giai đoạn mà báo chí Phật giáo trăm hoa đua nở, báo Giác Ngộ từ bán nguyệt san, nay trở thành tuần báo, lại có thêm nguyệt san - phụ trương nghiên cứu Phật học, phiên bản điện tử Giác Ngộ online, gần đây là Giác Ngộ TV - kênh truyền hình trực tuyến, là tờ báo có sức sống lâu dài nhất cho đến thời điểm này.
Trong năm qua, tuần báo Giác Ngộ đã có sự cải tiến thay đổi về in ấn, theo đó, với sự biến động của giá cả về thị trường giấy nhập và các dịch vụ bưu chính liên hệ, chi phí đầu ra tăng nhưng Ban Biên tập đã quyết định không tăng giá bìa các ấn phẩm, như một việc cần làm để tri ân độc giả. Kể từ số 981, Báo sẽ điều chỉnh giá bìa đối với hai ấn phẩm là tuần báo và nguyệt san, trong sự cân nhắc kỹ lưỡng. Mong quý độc giả cùng chia sẻ với Ban Biên tập về điều đó.
TP.Hồ Chí Minh được xem là trung tâm hàng đầu với sự hiện diện của nhiều cơ quan báo chí hoạt động. Tuy nhiên, trong năm qua, với sự phát triển của công nghệ, thói quen tiếp cận thông tin của con người đã thay đổi sâu sắc. Theo đó, nhiều tờ báo, tạp chí đã bị ảnh hưởng, có ấn phẩm phải đình bản, hoặc sát nhập vào một cơ quan báo chí khác.
Trong khi đó, từ năm 1990, Báo Giác Ngộ từng bước tự cân đối thu chi, là cơ quan báo chí Phật giáo hiếm hoi hiện tại sống được nhờ vào các hoạt động chuyên môn của mình. Nhìn lại những chặng đường đã đi qua, chúng tôi luôn nhớ về chư vị giáo phẩm, cư sĩ đã đặt nền móng cho tờ báo, sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, nỗ lực không mệt mỏi của tập thể tòa soạn qua các thời kỳ, các cộng tác viên luôn nhiệt tâm trong tinh thần phụng sự và hy sinh, sự đồng hành của các doanh nghiệp Phật tử, đặc biệt là độc giả các thế hệ đã luôn gắn bó với Báo suốt 43 năm qua, thầm lặng nhưng luôn ý nghĩa.
Thành quả này là của những nhân duyên trên, của tất cả chúng ta. Do đó, tôi cũng mong rằng, chư Tăng Ni, Phật tử tiếp tục tinh thần ấy, bằng cách gắn bó, làm sao để trong mỗi tự viện, mỗi gia đình người con Phật có các ấn phẩm Giác Ngộ, để niềm vui hoằng truyền những thông điệp từ bi và trí tuệ của Đức Phật, tiền nhân lan rộng, vì lợi lạc cho số đông.
HT.Thích Trí Quảng
Tổng Biên tập