Tiền Giang: Trường từ thiện ở chùa Tịnh Nghiêm

Giờ ăn nhẹ lúc xế chiều dành cho trẻ tại Trường mầm non bán trú Tịnh Nghiêm. Ảnh: T.PHÚC
Giờ ăn nhẹ lúc xế chiều dành cho trẻ tại Trường mầm non bán trú Tịnh Nghiêm. Ảnh: T.PHÚC
Trường mầm non bán trú miễn phí Tịnh Nghiêm nằm sâu trong con hẻm phía sau chùa Vĩnh Tràng (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) được xây dựng với kinh phí gần hai tỷ đồng, tất cả đều do các nhà hảo tâm đóng góp. Người sáng lập mô hình nuôi dạy trẻ hoàn toàn miễn phí này là ni sư Thích nữ Tịnh Nghiêm, trụ trì chùa Tịnh Nghiêm, kiêm Trưởng ban Từ thiện Phật giáo tỉnh Tiền Giang.

Chung sức vì trẻ nghèo

Chạnh lòng trước cảnh trẻ em nghèo ở độ tuổi mầm non thay vì đến trường lại phải sớm theo ba mẹ bươn chải kiếm sống, năm 2006, ni cô Viên Chiếu và Phật tử Minh Huệ đã cho mượn tạm nhà riêng để mở lớp nuôi dạy trẻ. Sau đó, ni cô Viên Chiếu hiến gần 600 m2 đất để chùa Tịnh Nghiêm xây trường.

Có được một địa chỉ tiếp nhận trẻ, dạy ca hát, dạy lễ nghĩa, cho ăn uống miễn phí là một may mắn lớn cho chúng tôi...”.

Biết tin, nhà thầu Hữu Quế (TP Mỹ Tho) nhận thi công đã cho nợ dài hạn vật tư lẫn tiền công với giá rẻ. Trường xây xong, hơn 100 Phật tử tại Tiền Giang và TP.HCM lại tự nguyện đảm nhận việc thường xuyên cung cấp gạo và những thực phẩm thiết yếu cho bữa ăn hằng ngày của các cháu.

Hàng chục tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh và tổ chức từ thiện các nước (Pháp, Mỹ...) cũng đến tìm hiểu và tặng cho trường máy lọc nước, máy giặt, đồ chơi, đồ dùng dạy học, sữa... Đặc biệt, một doanh nghiệp sản xuất nước giải khát ở TP.HCM liên tục cung cấp miễn phí mặt hàng nước ép trái sơ-ri do công ty sản xuất để khu ẩm thực chay Bồ Đề quán (do chùa Tịnh Nghiêm gầy dựng) bán lấy kinh phí chi vào hoạt động của trường.

Nơi cảnh nghèo hội tụ

Với nhiều gia đình lao động nghèo, chuyện gửi con vào các nhà trẻ hay cơ sở giữ trẻ luôn là điều quá xa vời. Có những trường hợp mẹ đi buôn bán rong, thu mua ve chai... phải mang con theo. Và không hiếm cảnh vợ chồng ly hôn, giao con cho cha mẹ già yếu, bệnh tật trông nom. Nhiều cảnh đời thiếu may mắn ấy đã cùng hội tụ về ngôi trường giàu lòng nhân ái này.

Thiếu cha, gia đình nghèo rớt mồng tơi, hai anh em bé B.Hậu và B.Hân sống cùng mẹ trong một ngôi miếu. Hằng ngày, mẹ bế con lang thang bán từng tấm vé số. Được nhận vào Trường mầm non Tịnh Nghiêm, thay đổi môi trường sinh hoạt, hai bé đã thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng. Trong số 40 trẻ trường tiếp nhận cho năm học tới, đáng chú ý nhất là trường hợp bé M.Thiện, hai tuổi. Bé sinh ra trong gia đình ba anh em, có anh bị dị tật bẩm sinh, ba mẹ đều đi làm thuê, không có điều kiện chăm sóc. Một phụ huynh gửi con vào trường bộc bạch: “Có được một địa chỉ tiếp nhận trẻ, dạy ca hát, dạy lễ nghĩa, cho ăn uống miễn phí là một may mắn lớn cho chúng tôi...”.

Theo học tại trường, mỗi trẻ được cấp ba bộ đồ đồng phục một năm học. Hằng ngày, các bé được uống sữa, ăn trái cây vào buổi sáng, ăn cơm trưa và ăn nhẹ cuối ngày... Mỗi tuần trẻ được các cô phục vụ một bữa ăn đặc biệt. Góc nội trợ của trường còn dạy trẻ cách chế biến những món ăn, thức uống đơn giản (làm bì cuốn, nấu chè, pha nước chanh...).

Tuy đa phần là thức ăn chay nhưng nhờ được chế biến từ các loại nguyên vật liệu giàu dinh dưỡng, kèm theo chế độ ăn ngủ đúng giờ... nên thường chỉ sau một thời gian ngắn trẻ đã thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng. Vì vậy, ngày càng có đông phụ huynh, kể cả những gia đình khá giả muốn gửi con vào đây. Với phương châm chia sẻ khó khăn của người nghèo, nhà trường luôn phải từ chối khéo và xác minh lý lịch các cháu cặn kẽ hơn để tìm ra những cảnh đời thật sự cần giúp đỡ.

Càng nhiều mảnh đời được cưu mang

Trường mầm non bán trú Tịnh Nghiêm xây dựng theo tiêu chuẩn quy định của ngành giáo dục, có đầy đủ sân chơi, phòng chức năng, phòng thiết bị, y tế, bếp ăn... cùng năm phòng học. Nơi đây quy tụ 13 giáo viên tốt nghiệp cao đẳng và trung học sư phạm mầm non, bốn cán bộ quản lý, ngoài ra còn có tám nhân viên giúp việc lo chăm sóc cho các bé.

Hai niên khóa đầu, nhà trường nhận 80 trẻ từ 24 tháng đến năm tuổi. Năm học qua, số trẻ tăng lên đến 206, đa số là con em dân lao động nghèo trong nội thành, các xã ven của TP Mỹ Tho và một số xã lân cận thuộc huyện Chợ Gạo. Theo ni sư Tịnh Nghiêm, kinh phí mỗi tháng của trường nhờ vào khu ẩm thực chay Bồ Đề quán do chùa gầy dựng.

Quán ẩm thực ra đời, dành toàn bộ doanh thu để nuôi ngôi trường mầm non bán trú. Du khách hiểu được mục đích kinh doanh của quán nên thường mở lòng đóng góp. Chính vì thế, doanh thu của khu ẩm thực chay Bồ Đề quán luôn tăng dần mỗi năm và số trẻ mầm non được cưu mang ngày mỗi đông dưới bóng Trường Tịnh Nghiêm.

Ông Trần Thanh Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang:

Sẽ hết lòng hỗ trợ

Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực và đóng góp của các cơ sở từ thiện, tôn giáo, hội nghề nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, nuôi dạy trẻ... tương tự như Trường mầm non bán trú Tịnh Nghiêm. Ngành giáo dục sẵn sàng hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị nếu các cơ sở có nhu cầu, đồng thời có trách nhiệm thường xuyên mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên của các nhà trẻ dân lập.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có nhóm ăn chay cũng dùng trứng (công nghiệp) được - Ảnh minh họa

Ăn chay trường dùng trứng, sữa được không?

GNO - Tôi là Phật tử ăn chay trường đã lâu. Vì công việc và sức khỏe nên tôi có dùng các thức uống như sữa, nước yến, mật ong. Có người nói rằng đã ăn chay trường thì không nên dùng các thức uống đó. Vậy tôi nên làm thế nào? Mong được quý Báo hướng dẫn.
Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

Ý nghĩa các chỏm tóc trên đầu chú tiểu

GNO - Tôi thường viếng các chùa và nhận thấy rằng các chú tiểu nhỏ (khoảng độ tuổi mẫu giáo và cấp 1) thường để ba chỏm tóc, còn các chú tiểu lớn hơn (khoảng độ tuổi thiếu niên, cấp 2, 3) thì để một chỏm tóc dài rồi vén bên tai. Quý Báo cho tôi biết nhà chùa chừa các chỏm tóc này cho các chú tiểu có ý nghĩa gì?

Thông tin hàng ngày