Tiếp nối những hạnh nguyện đẹp nơi đại ngàn

GN - Trong cái mát lạnh chưa kịp thích nghi của người từ Sài Gòn vừa mới đặt chân tới Kon Plông (Kon Tum) và khi mà ông mặt trời vẫn còn chưa ló dạng, trong lớp sương bồng bềnh, mái chùa Khánh Lâm dần dần hiện ra giữa đại ngàn Tây Nguyên thật đẹp.

Hình ảnh đó làm người viết nhớ đến thời điểm năm 2009, khi có gần 4.000 đồng bào dân tộc được HT.Thích Quảng Xả, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Kon Tum quy y tại tổ đình Bác Ái, để rồi đến nay, có nhiều đạo tràng Phật tử của bà con dân tộc ra đời, nhiều ngôi chùa được xây dựng tại các huyện biên giới, các huyện xa để có nơi cho bà con tu học.

Và những thầy trẻ được Tăng sai đến những vùng đất này xây dựng, phát triển đạo tràng Phật tử...

1kl.jpg


Chùa Khánh Lâm giữa núi rừng Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum

Được dạy “điều ngọt ngào” nên thích đi chùa miết

Cách trung tâm TP.Kon Tum hơn 50 km, chùa Khánh Lâm nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, ngay Khu du lịch sinh thái Măng Đen. Từ con đường chính, chúng tôi phải leo lên khoảng trên 200 bậc tam cấp dưới những tán cây rừng xanh um đang vào mùa ra hoa, gió thổi làm hoa rơi ngập cả lối đi để tới được chùa.

Trong cái lạnh run vào sáng sớm như vậy mà có rất đông Phật tử là người đồng bào công quả trong Đại lễ Uống nước nhớ nguồn được tổ chức tại đây. Có nhiều gia đình ở lại qua đêm, còn những bà con ở các huyện xa biên giới thì đi từ sớm để đến kịp dự Đại lễ. Chị Y Đinh người Xơ-đăng cùng chồng và con nhỏ lên chùa phụ lễ và ở lại chùa công quả chia sẻ: “đi chùa thấy hạnh phúc nên đi miết”.

Còn với cô Y Mưa, pháp danh Nhuận Hoa, phụ trách đội cồng chiêng (xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy) và Phật tử trong đoàn đã phải dậy từ lúc 3g sáng, để đi dự lễ tại chùa Khánh Lâm. Khi đến chùa, cô chắp tay búp sen chào cung kính các Phật tử và quý thầy: “Nam-mô A Di Đà Phật, con thưa thầy, con chào chú” - rồi cô cung kính để một ít tiền cúng dường vào thùng phước sương xây dựng chùa Khánh Lâm. Cách cô đi, cô đứng và cô thưa thầy, chào Phật tử làm cho người viết phải chú tâm và nhìn lại chính mình.

Hỏi cô quy y khi nào, cô nhớ như in là ngày 19-4-2009 tại tổ đình Bác Ái và tu học hàng tháng tại chùa Huệ Chiếu (TP.Kon Tum) và Khánh Sơn (huyện Sa Thầy) tới giờ. Cô nói ở nhà hay niệm Phật, đọc chú Đại bi, thường đi trợ niệm, cầu siêu khi có người trong làng mất. “Về nhà tôi chỉ nhớ đến chùa, đến Phật, khi nào cũng niệm Phật... Từ ngày quy y tới giờ, đi chùa rất vui vẻ, rất bình an, tất cả Phật tử đều mừng, đều rất thích”, cô Y Mưa bày tỏ.

Cô Y Mưa cho biết thêm, bà con dân tộc Gia Rai ở Sa Thầy đa số làm rẫy, đời sống khó khăn, nợ nần nhiều, nên thường vay nợ, nhưng từ khi quy y, “năm nào cũng có đoàn từ thiện đến tặng quà, mấy năm trước quần áo chẳng có tiền mua, làm ăn chẳng có gì. Nhưng khi về chùa thì nhiều đoàn từ thiện đến giúp đỡ cho Phật tử, quần áo, đồ ăn. Nên bây giờ mới đủ ăn, đủ mặc, đời sống đỡ hơn rồi”.

“Chúng tôi cảm ơn Ông Ngài (cách gọi HT.Quảng Xả - PV) đã dẫn dắt con đường, đã soi sáng cho đi, để cho về nơi tốt đẹp...”, cô Y Mưa trải lòng.

3kl.jpg


Chùa Khánh Lâm mang dáng dấp nhà rông

Còn với chú A’Khuch pháp danh Huynh Được là Tổ trưởng xã La Chim (TP.Kon Tum), quy y năm 2008, thường tu hàng tháng tại chùa Trùng Khánh, Huệ Chiếu mỗi tháng một lần.

Chú chia sẻ, hồi xưa chưa theo đạo thì chưa biết, còn bây giờ đã quy y phải biết luật của đạo Phật, phải đi học tu, niệm Phật, biết ăn chay một tháng hai lần vào mùng 1 và 15 âm lịch. Rồi chú đưa ra dẫn chứng thực tập 5 giới, trong đó có giới uống rượu, nghe lời thầy hồi trước uống 1 lít thì giờ uống nửa lít, không được cầm dao, rựa đi chém, đánh đập người khác, đạo Phật không có điều đó.

“Mình phấn khởi, mình nghe theo lời thầy dạy cho mình, mình có sức khỏe tốt, được vui vẻ. Đấy, theo đạo Phật ngon lành. Mỗi lần đi chùa là mình hạnh phúc, vì hạnh phúc nên mình đi miết chùa thôi, mình muốn nghe thầy dạy cho mình điều ngọt ngào nên đi chùa miết”, A’Khuch chân chất nói.

Và chú khẳng định, con cháu lớn lên rồi sẽ cho theo đạo Phật, vì ông ngoại dạy như đạo Phật dạy. Còn thanh niên trong làng lớn lên theo đạo nào là tùy mỗi người, “nhưng mà gia đình tôi, con cái tôi phải theo đạo Phật hết”.

A’Khuch cho biết ở xã La Chim do chú phụ trách, lễ lớn đi đến 100 người, và mỗi năm đều tăng lên, đều có danh sách cụ thể. Và “bản thân đều tự nguyện theo, nhưng theo là phải nghe lời thầy dạy, chứ theo mà không nghe theo lời Phật dạy thì theo làm gì”, chú quả quyết.

Tiếp nối “con đường vui”

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với ĐĐ.Thích Nhuận Bảo, trụ trì chùa Khánh Lâm, thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi những cái chắp tay và Nam-mô A Di Đà Phật chào thầy của bà con Phật tử đồng bào.

Thầy cho biết, tỉnh Kon Tum đa sắc tộc, tôn giáo, mà Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, nên thầy muốn lên đây giúp đỡ, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của bà con đồng bào. “Tôi tự phát nguyện muốn lên núi mở mang Phật pháp vùng sâu vùng xa, vì có nhiều bà con mỗi lần có việc gì đều phải xuống tới thành phố để thỉnh quý thầy…”, phát nguyện vậy vì Đại đức thương người dân - cho đến khi cơ duyên hội đủ, thầy được BTS GHPGVN tỉnh công cử về Khánh Lâm.

Chùa được động thổ năm 2012, đến nay đã hoàn thành xong chánh điện với dáng dấp mang sắc thái nhà rông - như thầy chia sẻ là để gần gũi với bà con đồng bào. ĐĐ.Nhuận Bảo cho biết, trình độ học vấn của bà con rất thấp, nhiều bà con không biết tiếng Việt, nên phải nói từ từ, nói nhiều, lặp lại thì bà con mới hiểu. Đại đức trải lòng: “Tôi cố gắng làm từ thiện giúp đỡ bà con nghèo ở đây, tâm sự chia sẻ với họ bằng từ bi, tương thân tương ái lúc khó khăn hoạn nạn, không phân biệt tôn giáo, gieo trong họ những suy nghĩ về tinh thần từ bi của đạo Phật”.

Lấy đó làm kim chỉ nam nên khi tới với bà con đồng bào, thầy luôn hài hòa với họ, trong các sinh hoạt truyền thống, đưa văn hóa cồng chiêng vào các lễ Phật giáo. Ví dụ, bộ cồng chiêng của bà con lâu ngày hư, thầy hỗ trợ thay mới cho họ, những lễ lớn người nào đi được tự đi, còn người già và trẻ em thầy sẽ thuê xe chở bà con tới dự.

Kinh nghiệm của thầy là: “Khi mang Phật giáo đến với bà con mình phải chịu khó, chịu tốn kém, chịu phụng sự, chịu hy sinh. Sống không khoảng cách với họ, thì họ sẽ cảm được tấm lòng của mình”.

4kl.jpg


ĐĐ.Thích Nhuận Pháp hướng dẫn đội cồng chiêng
xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy trong lễ Uống nước nhớ nguồn tại chùa Khánh Lâm

Trong chuyến đi này, chúng tôi cũng có duyên gặp gỡ ĐĐ.Thích Nhuận Pháp, trụ trì chùa Khánh Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Thầy Nhuận Pháp được HT.Thích Quảng Xả, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh nhận xét “là thầy trẻ năng nổ, chịu khó đi lại hơn ở các vùng đồng bào dân tộc”.

Thầy về  Khánh Sơn chưa lâu, được bổ nhiệm trụ trì đầu năm 2018, với tâm nguyện tiếp nối cho Phật sự chung mà Hòa thượng Trưởng BTS tỉnh Kon Tum đã gây dựng khi quy y cho gần 4.000 Phật tử đồng bào trong đó có huyện Sa Thầy.

Thầy cũng bắt đầu bằng từ thiện, kết hợp với các đoàn Phật tử trong và ngoài tỉnh, vận động xây nhà tình thương, tặng quà từ thiện mỗi dịp lễ lớn, cho hòm khi nhà có người mất… và kết hợp tu niệm Phật tại chùa vào ngày rằm, mùng một từ năm 2014 đến nay. Đặc biệt, tối Chủ nhật hàng tuần tại chùa Khánh Sơn đều có sinh hoạt Câu lạc bộ Cồng chiêng do cô Y’Mưa phụ trách.

Thầy Nhuận Pháp chia sẻ: “Ở đây hướng dẫn Phật tử gặp nhiều khó khăn, nhưng càng làm càng được trải nghiệm, càng học hỏi ở bà con nhiều điều nên cảm thấy vui, chỉ mong hướng dẫn bà con đồng bào biết tu”.

HT.Thích Quảng Xả, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Kon Tum nhận định: “Hoằng pháp cho bà con đồng bào dân tộc là chủ trương của Phật giáo tỉnh, nên đã cử quý thầy trẻ về các huyện miền núi, biên giới để xây dựng cơ sở và hướng dẫn Phật tử tu học. Ở Kon Tum có rất nhiều thầy trẻ năng nổ trong hoạt động hoằng pháp như ĐĐ.Thích Nhuận Quang, trụ trì tổ đình Trùng Khánh (TP.Kon Tum); ĐĐ.Thích Nhuận Tâm, Trưởng ban Thông tin-Truyền thông; ĐĐ.Thích Quảng Thành, trụ trì chùa Hội Khánh (huyện Ngọc Hồi); ĐĐ.Thích Nhuận Bảo, trụ trì chùa Khánh Lâm (Kon Plông)…”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày