GN - Có những món quà nhỏ, với nhiều người chẳng đáng là bao, nhưng với học sinh nghèo vùng biên lại vô cùng có ý nghĩa…
Học trò nghèo “chở nặng những ước mơ”
ĐĐ.Thích Đồng Nguyện, Giám đốc Trung tâm Tham vấn hỗ trợ cộng đồng Pháp Bảo (TP.HCM) đến Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, ở ấp An Hòa, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang), một điểm trường vùng biên giới, mang theo những món quà cho học sinh ở đây mừng Tết Trung thu, chỉ có một vài cái bánh, kẹo ngọt gói trong chiếc cặp, ba-lô cho các em đi học.
Nhưng, món quà ấy đã đem đến rất nhiều niềm vui cho cả thầy và trò. Nơi đó, khi vẫn còn có học sinh mang chiếc cặp rách tươm đến trường; có em mang chiếc ba-lô đã 3 năm liền, không còn dây kéo, dép chỉ dám mang khi đến trường nuôi con chữ, còn ở nhà chỉ đi chân không, vì sợ dép đứt mẹ không tiền mua…
ĐĐ.Thích Đồng Nguyện trao quà cho các em học sinh vùng biên
Đó là lý do để ĐĐ.Thích Đồng Nguyện cùng các mạnh thường quân vượt qua hơn 300km để đến trao tặng tận tay 400 phần quà cho các em nỗ lực vượt khó ở Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm. Cả đoàn thật sự xúc động khi biết, các em đã có mặt, vì háo hức, nôn nao được nhận quà trong hơn hai tiếng đồng hồ.
Trong lúc các em học sinh phụ Ban Tổ chức cho quà vào từng chiếc cặp, ba-lô, chúng tôi hỏi: “Bé ơi, có bạn nào đi học mà không có cặp không?”. Một em học sinh lớp 6A5 liền giới thiệu: “Cô ơi, có bạn Huỳnh Ngọc Trọng, lớp 6A5 của con, đầu năm giờ chưa có cặp đi học, cặp bạn rách hết rồi”. Chiếc ba-lô mà em Trọng đang sử dụng như bạn cùng lớp nói, rách tươm hết.
Bên trong ba-lô ấy là những quyển sách cũ kỹ. Em Trọng bảo, mẹ em đi xin sách từ hàng xóm cho em đi học, còn những quyển vở là ba xin được, chưa có bao bì. Ôm chặt chiếc ba-lô rách, em Trọng kể: “Đầu năm con có xin mẹ mua cặp mới nhưng mẹ nói không có tiền, mà con biết mẹ không có tiền thật nên không buồn”.
Tiếp xúc với em Trọng, từ những câu nói hồn nhiên, chân chất, chúng tôi còn biết thêm được, chiếc ba-lô ấy dù rách nhưng lại chứa đựng ước mơ rất đẹp của cậu học trò nghèo. Trọng nói: “Học để sau này tiếp ba mẹ, phụ ba mẹ, lo cho ba mẹ. Tại vì mẹ con cũng bệnh nhiều lắm, bị tiểu đường, cao huyết áp, còn ba không có việc làm ổn định, nên con biết, nhiệm vụ của con là có khó khăn cũng phải học, học thì mới có ngày mai...”.
Nghe em Chau Năk, học sinh lớp 6A2 kể mà thương: “Chiếc cặp của con mang năm nay là năm thứ hai rồi, là cặp con đi xin lại. Đầu năm học, thấy đứa em ở xóm bỏ cái cặp, con xin về, cũ nhưng cũng còn xài được. Con muốn có cặp mới nhưng con biết mẹ không có tiền nên con đã nói với mẹ là khỏi mua cho con, để tiền mua cặp cho em, vì năm nay em vào lớp 1, không có cặp mới đi học em buồn”.
Em NeÁng Sóc Hon, học sinh lớp 6A2 cũng không có cặp mới đi học, chiếc em đang mang cũng cũ lắm rồi. Nhưng biết làm sao, khi biết mẹ không có tiền, chị của em phải nghỉ học để phụ gia đình, hai đứa em cũng đi học mà không có đồ mới, thì em càng không dám gợi ý mẹ mua cặp mới cho mình. Khi thấy quà được cho vào cặp và ba-lô, em NeÁng Sóc Hon hồi hộp lắm, vì: “Không biết con có được cho quà không, nếu có chắc con sung sướng lắm”, nghe em nói mà thương càng thương.
Có lẽ vì là “quà ước mơ” nên khi nhận được chiếc cặp mới, các em ai cũng rạng ngời. Em Trọng bảo: “Con không dám tin là thật. Ước nhiều lần lắm rồi, phải chi có ông Bụt xuất hiện cho con cái ba-lô mới, giờ thì có thật rồi”. Nhìn cách những đứa trẻ nâng niu, vuốt tới, vuốt lui cái ba-lô mới, rồi mở hết ngăn này đến ngăn khác ra xem, bấy nhiêu thôi cũng đủ để cảm nhận niềm vui của những cô cậu học trò vùng biên giới nghèo khó.
Thương NeÁng Sóc Hon, nhận quà xong, em chờ đến cuối buổi, lấy hết can đảm, rón rén đến xin Ban Tổ chức: “Cô có thể cho con thêm 2 cái cặp nữa cho em của con không, nếu có cặp mới, hai đứa em của con cũng sẽ rất vui, giống như con vậy, vì hai em cũng không có cặp”. Nhận được thêm hai chiếc cặp cho em, NeÁng Sóc Hon ôm vào lòng, em nhảy chân sáo, những bước chân rất vội, em thoăn thoắt về nhà.
Những món quà “tiếp sức”
Niềm vui của trò cũng là hạnh phúc của thầy, cô giáo - những người đang vượt khó rất nhiều để bám lớp, trồng người, nuôi con chữ cho các em. Thế nên, trong buổi phát quà cho các em, học sinh mừng, thầy cô đang công tác tại trường cũng mừng vui không kém. Thầy Đỗ Quốc Duy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm xúc động trải lòng: “Trường có 656 học sinh, đến hơn 100 em có hoàn cảnh khó khăn, có sổ hộ nghèo, sổ cận nghèo và mồ côi không nơi nương tựa.
Trong thời gian đầu năm đến nay, có nhiều em khó khăn, được các đoàn mạnh thường quân giúp đỡ, trường hỗ trợ cho các em kịp thời, những em mà đáng lẽ bỏ học thì giờ đã trở lại trường. Chúng tôi chân thành cảm ơn rất nhiều sự hỗ trợ của các mạnh thường quân”.
Hỏi ra mới biết, có 54% học sinh của trường là đồng bào dân tộc Khmer, khó khăn đó là do các em người dân tộc này không phải thuộc diện khá, giỏi, và có 1/5 học sinh phải chật vật mới đến được trường “nuôi con chữ”. Đối với một số trường hợp, học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc những gia đình đang phân vân cho con nghỉ học, trường tổ chức thầy, cô giáo đến tận nhà để vận động.
Ngoài tuyên truyền về ý nghĩa của việc học, thầy cô cũng dẫn chứng, lấy những cái gương trong đồng bào dân tộc đó, ở vùng lân cận giới thiệu cho các em, với gia đình các em để tất cả cùng thấy, nếu các em bỏ học giữa chừng thì tương lai sau này rất khó khăn, và học thì tương lai tươi sáng hơn.
Với những trường hợp khó khăn quá, nhà trường đi vận động, thầy cô mỗi người một tay đi xin từng cuốn tập, cây bút, rồi quần áo cho từng em. Các thầy cô cũng xin những chiếc xe đạp cho các em nhà xa, phải đi bộ đến trường.
Những gì có thể cho các em, thầy cô giáo nơi đây đều nghĩ đến lợi ích cho học trò mình mà cố gắng, nỗ lực và chắt chiu. Đến sân trường bị ngập, phải làm đường dẫn ống thoát nước, thầy cô cũng tham gia người đào đất, người bẻ sắt làm móng, để hạn chế tối đa chi phí thuê bên ngoài, còn có tiền quỹ mà lo cho học trò.
Giá trị của những món quà kết nối, mà đoàn từ thiện vượt đường xa đem đến, không những thiết thực, mà thông qua đó, nhà trường có thêm cơ sở để vận động các em đến trường “nuôi con chữ”.
ĐĐ.Thích Đồng Nguyện cho biết: “Vì chúng tôi biết, nhiều em học sinh đang cần chiếc cặp, ba-lô, tập, bút nên chúng tôi luôn cố gắng, không ngại đường xa, đường khó là vậy. Nhìn các em vui mừng, ôm chiếc cặp mới thật chặt, chúng tôi cũng vui theo bởi đã có những chia sẻ kịp thời”.