Tiếp sức mùa thi - Khoảng trời xanh dành cho sĩ tử

Giác Ngộ - Cho dù mang bao nhiêu tâm trạng vui buồn lẫn lộn khác nhau nhưng cuối cùng giờ G cũng đã đến, sĩ tử lần lượt vào phòng dự thi môn đầu tiên của ngày thứ nhất, 4-7. Thời gian căng thẳng hồi hộp, bao vất vả, lo toan rồi cũng trôi qua… duy chỉ có tình người còn ở lại.

Thưong lắm những mảnh đời

Tôi đến gần và làm quen với một thí sinh đang lặng lẽ ngồi bên gốc thông già dùng hộp cơm vừa nhận được sau khi thi xong do các bạn tình nguyện viên Báo Giác Ngộ trao tặng. Sau vài phút rụt rè, Tuấn đã trải lòng với chúng tôi về hoàn cảnh gia đình mình… “Bố mẹ qua đời trong cơn bão Chanchu đầy oan nghiệt, để lại năm anh em côi cút. Ba anh chị lớn lần lượt phải nghỉ học để mưu sinh đùm bọc đàn em dại, dừng bao ước mơ hoài bão bên cánh cửa giảng đường đại học".

WTS (21).JPG
Phụ huynh và thí sinh cùng dùng cơm chay miễn phí
do chương trình "Tiếp sức mùa thi" phát

Im lặng vài giây như để dằn cơn xúc động, trong đôi mắt to tròn lém lỉnh đượm vẻ thông minh của cậu học trò xứ Quảng bỗng long lanh đôi dòng lệ. Tuấn tâm sự: “Chạy vạy mãi anh Hai, chị Ba mới mượn được vài trăm rồi động viên em mình đi thi, cố gắng học hành để sau này còn có cơ may mà đổi đời. Quê hương em nghèo lắm, mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn”. Tuấn phải lên Đà Lạt dự thi dù ước mơ của mình là giảng đường đại học Sài Gòn nhưng lại quá tốn kém. Đến cao nguyên, được chú xe ôm “tốt bụng“ giới thiệu nhà trọ tập thể đường Nguyễn Công Trứ giá chỉ có 30.000 đồng một ngày đêm. Hai hôm nay Tuấn ăn mì tôm và bánh mì nguội giá rẻ để tiết kiệm chi phí. Không ra đường nên Tuấn không nắm bắt thông tin có cơm chay của chùa ủng hộ. Sáng nay đến cổng trường mới thấy bandroll giới thiệu. "Thế là thi xong em vội xin ngay hai phần để dành cho cả suất ăn chiều. Tiếc quá, nếu biết chùa còn cho ở  trọ thì đỡ lo rồi. Tiền anh chị vay mượn cho em đi thi nên xót lắm không dám xài".

Tạm biệt tâm sự buồn của chàng trai  đất Quảng, chúng tôi đến với cha con anh Lê Văn Bé ở Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cũng đang dùng cơm chay miễn phí ngon lành trên ghế đá khuôn viên ngoài khu vực Trường Bùi Thị Xuân. May mắn hơn Tuấn, thí sinh Lê Văn Thiện còn có bố đi cùng. Thiện cho biết: “Em tính không đi thi nhưng mẹ nói nếu cãi lời mẹ chết không nhắm mắt nên đành phải thuận theo chứ lòng dạ nào mà còn học với hành". Nuốt ngược đôi dòng lệ chực rơi, Thiện bộc bạch: "Trước đây gia đình em cũng thuộc loại khá giả, em ước mơ mình trở thành một kỹ sư nông nghiệp để giúp đỡ quê hương nhưng cắn bệnh ung thư quái ác bỗng ập đến với mẹ".

Và thế là chỉ sau một thời gian ngắn, bao nhiêu tài sản quí giá trong nhà đành phải lần lượt ra đi theo từng đơn thuốc của bác sĩ. Hai anh lớn phải nghỉ học, rồi đứa em áp út cũng cùng chung số phận đi làm thuê lấy tiền trả nợ và lo thang thuốc cho mẹ. Chỉ có Thiện do 8 năm liền là học sinh tiên tiến nên cả nhà ép phải học để còn có cơ may ngước mặt với đời. "May quá, có người hàng xóm là Phật tử cho biết Báo Giác Ngộ vận động các chùa lo cho thí sinh và người nhà được ăn ở miễn phí nên mẹ càng quyết liệt bắt ba đưa em đi… Vâng lời mẹ nhưng lòng lại nặng trĩu âu lo, nếu thi rớt sợ mẹ buồn mà rủi có đậu thì tiền đâu mà ăn học. không khóc mà sao nước mắt em cũng đã lưng tròng".

Chị Kim Hoa - chủ nhà trọ đường Bùi Thị Xuân mang 2 thùng dầu ăn ủng hộ chương trình, cho biết: “Tôi có 3 phòng trọ ở nhà cho các em thí sinh ở miễn phí theo lời kêu gọi của Thành đoàn Đà Lạt. Trưa nay thấy mấy em đi thi về mỗi người xách 3 hộp cơm vui vẻ bàn với nhau xin thêm 3 hộp nữa để dành ăn chiều và tối ôn bài, còn một hộp sáng mai lót dạ trước khi thi. Tốp thí sinh khác thì nói rằng thi xong mình cũng xin 3 phần để dành đi đường, trưa xe dừng ở Quảng Trị có mà ăn cho đỡ tiền!".

Nhớ mãi những tấm lòng

Cuộc sống sẽ ra sao nếu không có tình thương? Một bài học vỡ lòng về tinh thần nhân ái được truyền đi từ những câu ca dao qua lời ru của mẹ đã thấm đượm trong lòng người Việt Nam “bầu ơi thương lấy bí cùng…” và tinh thần ấy lại càng trở nên sâu sắc hơn trong tâm thức của mỗi người con Phật.

WTS (12).JPG

Tình nguyện viên Báo Giác Ngộ phát cơm

Chính vì thế mà ngay sau khi biết tin Báo Giác Ngộ tổ chức chương trình “Tiếp sức mùa thi” giúp các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia kỳ thi tuyển đại học tại TP. Hồ Chí Minh _ Cần Thơ và Đà Lạt, chư tôn đức Tăng Ni các chùa: Tổ đình Linh Quang, Thiền viện Vạn Hạnh, Linh Thứu, Linh Quang, Linh Phong, Phước Huệ, Khách sạn Đức Thiện, Nhuận Tâm đã dành 1.000 chỗ trọ và bao luôn ăn uống suốt thời gian các em cùng người nhà ở trọ. Các Ban từ thiện Vạn Hạnh, Cát Tường, Thiện Tài ở TP.Đà Lạt, Hội từ thiện Bảo Hòa - TP. Hồ Chí Minh, chị Thu Hồng (cây xăng Hồng Nhân, huyện Đức Trọng) v.v… đã dành hàng tấn gạo, vài tấn rau củ quả cùng lương thực, thực phẩm để lo 8.000 suất ăn miễn phí hỗ trợ các em thi cử dưới sự giúp sức của quí Tăng Ni khóa V Trường Phật học Lâm Đồng và trên 100 sinh viên tình nguyện Báo Giác Ngộ.

Sổ tay của chúng tôi còn ghi nhận tấm lòng của ĐĐ. Thích Nguyên Phát cùng các chú điệu Tân, Thiện, Sơn (Thiền viện Vạn Hạnh) hầu như thức nguyên đêm để nấu 500kg gạo, nhóm Phật tử bán quần áo chợ Đà Lạt, chị Mai Len, cô Gái, anh Tâm và những người mà chúng tôi chưa kịp biết tên phải thức dậy từ 1 - 2 giờ khuya để chuẩn bị hàng tấn rau củ quả cho món canh rau, xào giúp bữa ăn cho sĩ tử. Và rồi hình ảnh thật dễ thương đầy nhiệt tình của cô Hà, anh Tâm, Đức, Tuấn, Vũ cùng hàng trăm em sinh viên tình nguyện của hai trường Đại học Đà Lạt và Yersin ngày đêm cùng đồng hành tiếp sức.

WTS (11).JPG
WHC.JPG

Còn nhiều nhiều nữa những tấm lòng thơm thảo, thầm lặng nhưng cao quý biết bao, làm sao có thể quên được hình ảnh của TT. Thích Thanh Tân, TT. Thích Viên Thanh, ĐĐ. Thích Đồng Thanh, ĐĐ. Thích Tỉnh Tuệ, Ni sư Thích nữ Huệ Phú, Tăng Ni sinh khóa V Trường Trung cấp Phật học Lâm Đồng, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, bà Phó Giám đốc Công ty TNHH Thành Bưởi, nhóm phóng viên Phúc An, Bích Thảo, Văn Danh, Ngọc Tuấn, Thụy Loan của Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồngv.v... Tất cả đã cùng đồng hành, chăm lo cho sự nghiệp vun trồng thế hệ tương lai  mặc cho nắng sớm, mưa chiều cùng sương đêm trời Đà Lạt.

Trong cuộc sống bình dị hằng ngày, ai trong chúng ta cũng dễ dàng lướt qua những mảnh đời  rất thực đang tồn tại ở quanh mình, đó là những cụ già neo đơn không nơi nương tựa, những mầm non trưởng thành trên hè phố, những học sinh, sinh viên nghèo hiếu học… những số phận hẩm hiu bên cạnh những tấm lòng vị tha nhân ái…  

Vâng! Sự đời là thế đấy, đầy vui buồn lẫn lộn… nhưng ai dám nói rằng trong thời kinh tế thị trường người ta chỉ biết có tiền tài, danh vọng…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

Hòa thượng, A-xà-lê và đệ tử

GNO - Thầy và trò hay sư phụ và đệ tử là những người có nhân duyên quyến thuộc đạo pháp nhiều đời. Mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận khác nhau. Chu toàn phận sự của mình thì Phật pháp mới xương minh, tứ chúng thập phương an ổn.

Thông tin hàng ngày