Tiếp tục câu chuyện người thế tục mặc đồ tu

GN - LTS. Sau khi Giác Ngộ đăng bài “Người thế tục mặc đồ tu” (tác giả Quảng Kiến, Giác Ngộ số 699, 29-6-2013), các trang tin Phật giáo đã đăng tải lại, nhiều ý kiến cũng đã phản hồi về tòa soạn bày tỏ sự quan tâm đối với vấn đề này, từ nhiều góc nhìn khác nhau. Dưới đây là một trong những ý kiến đó.

---------------------------

Trước đây khá lâu, tôi đã định viết bài về việc này, đề cương đã sẵn sàng. Tuy nhiên, trước một vài ý kiến rằng “không nên”, tôi đã gác lại cho đến nay, khi báo Giác Ngộ đăng bài nêu vấn đề người thế tục mặc đồ tu, với nhiều dẫn chứng thí dụ về những trường hợp cười ra nước mắt, tôi thấy cũng đã đến lúc đặt lại vấn đề.

Bài viết của tác giả Quảng Kiến  nhìn vấn đề từ giáo lý Phật giáo, thì bài của tôi tìm một điểm nhìn khác, có tính chất xã hội, nhưng đều tìm hiểu cùng một sự việc.

1 su gia.jpg

Những người mượn sắc phục tu sĩ Phật giáo, có những hành động phản cảm,
ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của đạo Phật vẫn chưa xử lý nghiêm và triệt để

>>> Người thế tục mặc đồ tu

Y phục người tu mà tác giả Quảng Kiến xác định là các loại áo tràng xiên, vạt hò, nhật bình… và các mẫu trang phục khác màu lam, màu nâu mà người tu sĩ Phật giáo Bắc tông thường hay mặc. Tôi xin bổ sung cả y phục màu vàng nhiều sắc độ và các kiểu y phục chế tác từ mẫu áo tràng xiên, nhật bình, vạt hò, tạo phong cách áo tu sĩ, mà khi nhìn vào, nếu không chú ý, sẽ lầm lẫn là y phục tu sĩ.

Tiếp những ví dụ bi hài

Hiểu lầm là một dạng hài kịch. Dạng lầm người thế tục thành tu sĩ do y phục gây ra chắc là không kể xiết.

Người đã là Phật tử thuần thành thì chắc là khó bị lầm hơn, song người chưa am hiểu Phật giáo thì dường như việc lầm lẫn chiếm một tỷ lệ lớn, cũng có khi không lầm mà có ý trêu chọc việc người thế tục mặc y phục tu sĩ.

Tôi phải bổ sung những dạng y phục tương tự, chế tác từ y phục tu sĩ, vì những trường hợp tôi gặp phải đã không hẳn là mặc đồ tu sĩ Phật giáo thuần túy. Những tính chất của việc lầm lẫn thì hoàn toàn giống nhau, đều lầm ra… “thầy chùa”!

Mùa Phật đản vừa qua, người xe ôm chở tôi vứt một bịch nước vào những người nam nữ mặc áo lam ngồi trên xe nhìn xuống kênh Nhiêu Lộc. Anh này giải thích “Tôi ghét thầy chùa dẫn ni cô ra bờ sông tình tự”. Nhìn từ sau lưng, hai người nam nữ đội mũ bảo hiểm, mặc áo lam hơi dài một chút, thì cũng dễ lầm thành tu sĩ. Kiểu lầm như thế bất lợi cho người tu sĩ Phật giáo ở đủ mọi trường hợp phản cảm đối với một vị Tăng, Ni.

Ngày nay, việc hớt tóc đầu đinh không còn là chuyện lạ, thậm chí việc cạo trọc bóng cũng là phổ biến, rồi mặc áo dạng nhật bình, tràng xiên, thì dù có cách điệu, trong nhiều trường hợp cũng khó mà phân biệt Tăng tục.

3 su gia.jpg

Mượn áo nhà sư đi bán nhang bị phát hiện

Đáng nói nhất là những trường hợp cố ý trêu chọc. Lần đi hội sách, một người bạn tôi đầu hớt cao, mặc áo nâu dạng chế tác từ áo nhật bình, nhưng cũng ngắn thôi, trong lúc chen lấn xô đẩy quanh một bàn bày sách giảm giá, bị một bà già la lên là “Thầy chùa này ôm tôi!”! Lập tức có người la lên “Coi chừng móc túi!”. Rồi ai đó chêm vào độc ác “Thầy chùa bây giờ ghê lắm!”.

Nhưng có lẽ đáng nói hơn cả là việc một quán chay cho nhân viên từ đầu bếp, phục vụ bàn, đến giữ xe, bảo vệ, tiếp tân mặc áo kiểu nhật bình, tràng xiên màu nâu, lam. Trong số những thanh niên chạy bàn áo nhật bình có người hớt đầu đinh, đeo chuỗi ở tay, nhìn y hệt Tăng sĩ Phật giáo, không cách gì phân biệt được. Một vài người phục vụ khác, cũng áo nhật bình nâu, người xăn tay áo tận vai, kẻ mở banh nút cổ, trông rất bặm trợn. Thậm chí, tôi thoáng thấy một hình xăm nhỏ ở cổ kiểu trong phim “Bụi đời Chợ Lớn”. Thấy tôi để ý, người bạn mời tôi ăn chay nhà ở gần quán nói rằng có lần nhóm thanh niên chạy bàn phục vụ trong quán đánh lộn, đem cả dao phay, mã tấu, ghê rợn hơn giang hồ.

Biết sao được, họ chỉ là lao động phổ thông, những gì khoác trên người chỉ được xem là đồng phục của nơi làm việc!

Tác động xã hội

Ở đây, chúng tôi không nói đến những tác động tích cực của việc người thế tục mặc đồ tu. Không có những tác động tích cực, thì làm gì có hiện trạng phổ biến như hôm nay.

Nhưng hôm nay, những tác động phụ ngoài ý muốn cũng đã được bộc lộ rõ ràng. Những tác dụng phụ ngoài ý muốn đó có thể nói là đem đến những bất lợi không thể kể xiết cho hình ảnh của tu sĩ Phật giáo.

Thực chất của vấn đề là việc triển khai những dạng đồng phục cho tín đồ Phật giáo theo mẫu y phục tu sĩ Phật giáo. Dạng đồng phục tín đồ theo hình thức y phục tu sĩ này đã có tại Việt Nam ở một vài tôn giáo bản địa nội sinh như Cao Đài, Hòa Hảo (thí dụ, ở đạo Cao Đài gọi là đạo phục, cụ thể là tôi không có đạo nhưng mặc áo dài trắng khăn đóng thì được vào bên trong Tòa thánh Tây Ninh khi có lễ, những người khác không mặc đạo phục thì không được, như tình trạng một số chùa Phật giáo hiện nay).

Dưới đây có thể kể đến những tác dụng phụ không mong muốn của dạng đồng phục tín đồ Phật giáo theo kiểu y phục tu sĩ: Lẫn lộn Tăng tục. Đây là điều tệ hại nhất. Thời Đức Phật tại thế, Ngài đã phân biệt rạch ròi chúng xuất gia và chúng tại gia.

Việc lẫn lộn Tăng tục đó ắt đưa đến những hệ quả bi hài như trên dẫn chứng hay trong bài viết của tác giả Quảng Kiến. Điều đó sẽ tiếp tục, ngày càng phổ biến hơn, ngày càng gây tổn hại cho uy tín, danh dự, thể diện của người tu sĩ Phật giáo. Người thế tục mặc áo người xuất gia, sinh hoạt trong đời sống thế gian với hình tướng người xuất gia sẽ tạo nên một vấn đề lớn và hết sức phức tạp đối với Phật giáo Việt Nam.

2 su gia.jpg

Một trong số rất hiếm hoi trường hợp sư giả bị phát hiện
được chư tôn đức mời về trụ sở Giáo hội làm việc, nhắc nhở

Đây là vấn đề sẽ ngày càng trầm trọng, với nhiều hình thức phức tạp hơn, thậm chí có thể có việc người thế tục trong y phục tu sĩ làm những việc xấu xa, cả đến mức vi phạm pháp luật, chắc chắn gây ảnh hưởng nặng nề cho hình ảnh thanh tịnh của Tăng đoàn.

Vấn đề lẫn lộn Tăng tục là vấn đề chưa từng có trong lịch sử Phật giáo theo chiều thời gian, và ở các nước Phật giáo trên thế giới, xét theo khía cạnh không gian. Ấy vậy mà nay nó lại hình thành và phát triển Việt Nam, lại xuất phát từ sự cố ý của toàn thể Tăng Ni Phật tử.

Vấn đề lẫn lộn Tăng tục từ việc y phục ảnh hưởng đến một nguyên tắc, một phương châm, một mục tiêu căn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đó là mục tiêu, phương châm “trang nghiêm Giáo hội”.

Sự lẫn lộn đó, có thể nói, mở đường để tạo hỏa mù che chắn cho những hành động phạm giới hay mất trang nghiêm, đánh mất ý nghĩa “phòng hộ” của pháp phục.

Lẫn lộn Tăng tục là điều mà kẻ xấu có thể lợi dụng, trước hết là làm sư giả để lừa đảo tiền bạc. Công thức: áo tràng (nhật bình, vạt hò) nâu (lam) + tóc cao -> sư giả sẽ được áp dụng ngày càng rộng rãi.

Lẫn lộn Tăng tục cung cấp, một cơ hội cho những kẻ muốn hủy phá Phật giáo. Họ có thể đưa hình ảnh tu sĩ Phật giáo lên tấu hài, lên kịch hề, hay lên phim băng đảng xã hội đen một cách không ngần ngại, không sợ bị bắt bẻ. Vì… có phải tu sĩ Phật giáo đâu? Mà chỉ là một đồng cô, một bóng cậu nào đó, hay một ông đạo, thượng sư…

Bôi bẩn như thế cũng như kiểu Duy Tuệ: áo tràng xiên, đầu trọc. Vậy là đủ điều kiện hình thức lẫn lộn tăng tục, để nói chuyện Trần Nhân Tông và mạ lỵ Phật giáo, sách vở của ông ta lại được xuất bản, quảng bá và bày bán công khai trong các kênh phát hành văn hóa phẩm hiện nay.

Thêm một điều nữa, đồng phục cho tín đồ theo kiểu trang phục tu sĩ mà chúng ta đang nói ở đây có tác dụng tạo một khoảng cách giữa tín đồ Phật giáo với cộng đồng xã hội. Điều này giống như tình trạng áo bà ba vạt hò nâu, áo bà ba vạt hò lam, tóc xi nhông ở tín đồ đạo Hòa Hảo, hay áo dài trắng khăn đóng đen ở tín đồ đạo Cao Đài.

Những chiếc áo tràng xiên, nhật bình màu lam, nâu sẽ làm một hàng rào ngăn cách người Phật tử với số đông còn lại, dù trong số đông đó (mặc thường phục) vẫn có người là Phật tử. Điều đó, thiết nghĩ không có lợi cho Phật giáo. Trong khi các tôn giáo khác lại hướng đến sự hòa đồng, không ngăn cách, và lại có xu hướng biến những người mặc thường phục một cách nghiêm túc thành tín đồ của họ.

Thiết nghĩ đã đến lúc Giáo hội cần quan tâm đến vấn đề này một cách nghiêm túc, nếu không tình hình có thể sẽ ngày càng xấu đi, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh của Tăng đoàn trong xã hội và sự phát triển của Phật giáo trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hiểu và thương

Hiểu và thương

GNO - Con là một thiếu nữ Phật tử hiện đang còn đi học. Con ước mong xây dựng một tình yêu đẹp đẽ, chân thật và bền vững nên kính hỏi quý Báo trong kinh điển Đức Phật dạy về tình yêu thương như thế nào? Người Phật tử thực hành theo có khó lắm không?
Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

GNO - Thông tin từ Văn phòng Đức Pháp chủ, sau khi xem xét đệ trình của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Đức Pháp chủ GHPGVN đã chuẩn y, ban hành quyết định truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long lên giáo phẩm Hòa thượng.

Thông tin hàng ngày