Tinh khôi lời thầy

GN - Trời vừa chớm lạnh, tôi liền kéo ngăn tủ ra, nhìn vào chiếc áo len cổ lọ màu trắng, đã cũ lắm rồi. Nhìn xong, chỉ cười nhẹ một cái, rồi tôi lại đẩy ngăn tủ vào, một cách cẩn thận.  Đó là thói quen  của tôi mỗi khi trời sang đông.

anh PGTT 790, bai co Tinh Tam.jpg


Thời hành điệu hồn nhiên - Ảnh minh họa

Mùa này, Sài Gòn buổi sáng chỉ se lạnh, chiều tối về gió nhiều hơn một chút, thành phố lên đèn rực rỡ, đủ màu sắc. Tôi nhớ thầy! Nghĩ nhiều về thầy, về chùa ở quê mình. Chiều quê sẽ không nhiều đèn, không nhiều xe. Mấy cây cổ thụ phía trước sân ngả bóng, choàng vào nhau làm cho khung cảnh bên trong chùa tối đến sớm hơn. Nhớ nhất là cái dáng thầy gầy guộc, cứ đi lên đi xuống, đi vòng quanh chùa, những bước chân nhẹ nhàng không có một tiếng động. Chùa quê rất bình yên những buổi chiều.

Tôi vào chùa năm tám tuổi. Mười tám tuổi tôi rời thầy đi học xa. Kể từ đó đến bây giờ, mỗi năm tôi chỉ về thăm thầy được vài lần. Chiếc áo len cũ là của thầy tặng cho tôi trong những năm đầu đi học. Lần đó tôi ghé về thăm thầy cũng vào một chiều mưa lạnh, rồi mang nó đi suốt những năm dài đi học của mình. Chiếc áo đó đối với tôi có rất nhiều ý nghĩa.

Xa thầy, mỗi ngày tôi không nghe được những lời thầy dạy - những bài học mới mẻ.  Với người ngoài, thầy luôn cởi mở, nhưng với đệ tử, thầy lại rất mực nghiêm khắc. Thầy dạy cho tôi ngay từ những ngày đầu tiên vào chùa, từ đi, đứng, mang áo, đặt để một đôi dép, một cái chậu, cái ly… Tất cả đều phải ngay thẳng. Thầy không thích những cái xiên vẹo. Nếu bắt gặp bất kỳ một cái gì xiên vẹo thầy lại xoay xoay, sửa sửa cho nó ngay. Thầy nói rằng: “Tâm hiện ra tướng” và giải thích thêm “cái tâm hiện ra cái tướng bên ngoài, cho nên tâm tính mình ngay thẳng thì làm việc gì cũng ngay thẳng”. Mỗi lần đệ tử chúng tôi làm sai việc gì, thầy thường im lặng. Mà ngay trong cả sự  im lặng đó, thầy cũng dạy cho chúng tôi rất nhiều, học cách biết nhận lỗi, biết tự ăn năn, sửa đổi, biết dừng lại để tư duy, luôn biết nhìn lại mình.

Đặc biệt hơn hết, điều mà tôi học được kết quả nhất ở thầy đó chính là sự im lặng. Im lặng thật nhiều, để khi lớn lên, tôi thấy được giá trị thiết thực của nó trong những lúc rất cần thiết. Ngay khi tôi vừa nhận thức được giá trị từ những lời của thầy dạy, cũng là lúc tôi tự biết mình cần phải mang những bài học đó để chia sẻ cho những người em của mình.

***

Nhớ hoài cái ngày đầu tiên tôi xuống tóc, để chóp đi học, hai thầy trò nắm tay nhau đi bộ trên một con đường dài hơn hai cây số đến lớp, để gửi gắm thầy cô giáo trong trường, để bạn bè trong lớp khỏi trêu chọc, ăn hiếp... cái chỏm tóc trên đầu tôi. Thầy vừa đi vừa dặn dò tôi đủ điều.  Đó là hình ảnh mà tôi thương nhất, quý nhất, nhớ nhất.

Rồi nhớ cả những mùa đông dài thiệt dài, buổi trưa thầy không ngủ, làm “báo thức” cho tôi đi học đúng giờ. Nghĩ về thầy, tôi ước giá như mình có thể trưởng thành sớm hơn để khỏi phiền thầy nhiều đến thế! Cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”, cứ mệt lại lăn ra ngủ, thầy còn phải khe khẽ treo mùng cho mỗi tối để khỏi bị muỗi cắn.

Thi thoảng, tôi thèm trở về khoảng thời gian “hành điệu” để được về bên thầy sớm tối, thèm bé lại để được chạy lại ôm vai, nắm áo thầy tinh nghịch. Có khi tôi thèm bé lại, chỉ để mặc cho vừa vặn chiếc áo mà thầy tặng...

***

Trong cuộc sống, có những khoảnh khắc tôi phải đối mặt với chông chênh, không ít lần thấy khó khăn, thất bại về những việc xung quanh. Chắc ai cũng có lúc như thế. Đầu tiên, tôi hướng về mẹ, về thầy. Thầy chính là người cha, người mẹ thứ hai của mình. Trên nhiều con đường mà tôi bước chân qua, những tri thức  tôi học được ở thầy và tình thương yêu đó như ngọn nến soi sáng cho tôi.

Nếu có khoảng trống nào đấy trong tâm hồn, tôi nghĩ chỉ có tình thương của thầy, mẹ mới đủ lớn để đong đầy.

Có thể nói, tôi bây giờ, không còn “nghe lời” thầy như xưa. Bởi vì, đó là những lời dạy áp dụng cho tôi khi còn nhỏ. Nhưng lúc nào tôi cũng tâm niệm rằng: tôi đã lớn khôn chính từ những bài học li ti, nhỏ nhặt thuở ban đầu ấy. Chiếc áo cũ, tôi cũng không còn mặc vừa nữa. Nhưng tôi vẫn cứ mang nó đi, vì tôi lớn lên từ một chiếc áo đã cũ...

Tịnh Tâm

_________________

* Bài vở cộng tác trang Phật giáo - Tuổi trẻ, mời bạn gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.


Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày