GN - Ngày 18-7 vừa qua, trang tin điện tử phunutoday.vn cải chính thông tin “Chùa Bồ Đề - ‘kênh’ trung gian cung cấp con nuôi”, cho biết, nội dung bài đăng là dẫn lại báo khác, biên soạn thiếu thẩm định, xác minh thông tin, dẫn tới việc đưa tin thiếu xác thực...
Tất nhiên, những người chịu trách nhiệm trang thông tin điện tử này đã xin lỗi Ni sư trụ trì chùa Bồ Đề (Hà Nội) và bạn đọc của mình, nhưng tai tiếng mà vụ việc cụ thể như vậy cùng những vụ việc tương tự từ thông tin thiếu kiểm chứng, không xác thực đối với Phật giáo nói chung cùng nhiều góc cạnh cuộc sống khác chắc chắn khó có thể xóa được trong dư luận sau những cải chính thế này!
>> Ảo nhưng không ảo
>> Khi các món ăn tinh thần bị nhiễm độc
>> Văn hóa tự phong!
Vì áp lực tin bài cần "thu hoạch" mà các trang mạng câu khách bằng tổng hợp
rồi giật tin, đưa nội dung giật gân thiếu kiểm chứng - Minh họa của họa sĩ DAD
Nhiều tin bài bị thêu dệt, không thật, bới móc đời tư...
Nhận định đó không phải là chủ quan mà rất thực tế, vì bất kỳ giờ nào truy cập vào mạng internet chúng ta cũng đều dễ dàng đọc được tin, bài, hình ảnh về ca sĩ, nghệ sĩ hở chỗ này, gây sốc chỗ kia; những dòng tít na ná nhau, dưới dạng tạo ra sự tò mò cho bạn đọc xuất hiện nhan nhản trên các trang online với mục đích “câu view” (lượt truy cập). Sở dĩ những thông tin thiếu định hướng thẩm mỹ, không mang tính giáo dục sự chân thành, sống tốt, sống đẹp như kiểu khai thác đời tư, khuếch đại những nội dung cá nhân của những người trong lĩnh vực công nghệ giải trí tồn tại một cách tràn lan như vậy là bởi vì ai cũng có thể lập web, làm báo, làm truyền thông...
Làm truyền thông nhưng lại thiếu quan điểm đúng đắn - vốn mang tới món ăn tinh thần có giá trị, giúp con người trở nên lương thiện hơn, giáo dục lòng nhân ái, vị tha, cao thượng - mà cổ xúy cho lối sống se sua, đua đòi... thì sẽ không ngừng chú trọng tin tức liên quan “sao” này, “sao” kia với xe bạc tỷ, chở bạn gái đi chơi; hoặc sẽ dễ dàng ca ngợi về sự hào nhoáng của diễn viên A, người mẫu B với chiếc túi, đôi giày, cái quần vừa mua mấy chục ngàn đô, bao nhiêu tỷ đồng. Người đọc, nhất là người đọc trẻ sẽ hiểu rằng, đó chính là giá trị, là điều mà mỗi người hướng tới một cách bất chấp, từ đó chỉ chăm chăm vào việc tô son trát phấn cho vẻ đẹp bên ngoài, sự hào nhoáng của trang sức, hình thể, phụ kiện... mà quên bồi bổ tâm hồn.
Quả thật, rất hiếm thấy những bài viết hay hình ảnh gợi lên lòng trắc ẩn về thân phận nghèo khó (vốn nhiều, ở đó đây) cũng như các tâm hồn cao thượng, những hạt giống nhân văn trong mọi lĩnh vực trên các tờ báo điện tử. Trong khi đó, những nội dung phản ánh về góc đời tư hay chuyện phòng the, tế nhị lại được cập nhật với lượng bài khổng lồ, thông tin có thể không có gì mới, na ná nhau nhưng được xào nấu kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” thì nhiều vô kể.
Cái bẫy của truyền thông
Truyền thông đã bẫy người đọc, tất nhiên là những người tò mò chuyện đời tư hay thích sự giật gân... nên đã xào nấu thông tin từ nhiều nguồn, biến những thông tin vay mượn thành thông tin của mình với tít tựa mới, gây sốc, ví dụ như “Chùa Bồ Đề - ‘kênh’ trung gian cung cấp con nuôi” mà phunutoday.vn đã làm và vừa cải chính. Cách làm tin, bài kiểu ấy là “công nghệ làm báo thời @” với những nhà báo ngồi nhà và tổng hợp, ăn cắp thông tin, mà lại là tin thất thiệt, sau đó thêm mắm dặm muối để tin bài ấy trở nên “đáng quan tâm”. Không khó để làm công việc ấy, bởi vì công cụ tìm kiếm sẵn sàng cho ra kết quả của những trang web có tính khêu gợi đối với người đọc như đã nói.
Để có nhiều lượt truy cập nhất thiết phải có những bài giật gân, những cụm từ có tính chất bới móc đời tư, nhắc tới vấn đề tình dục, tôn giáo hay những chuyện kỳ kỳ lạ lạ chưa được xác minh... Đó là tiêu chí mà những trang thông tin mạng này đặt ra để nhắm tới một nhóm bạn đọc đông đảo, trong đó có rất đông những người trẻ, chưa thật sự vững vàng trước thông tin nhạy cảm. Việc sập bẫy bởi những thông tin ấy không phải đơn giản chỉ là một lượt truy cập rồi thôi mà còn là việc in hằn những nội dung ấy vào trong trí nhớ, với cách nghĩ, lối tư duy, hành xử khiến không ít người trẻ lớn lên trong hoang mang, thiếu tự chủ và sống theo cách không thật tốt đẹp mà những bài viết trên các trang mạng gợi ý, cung cấp.
Vững chãi trong môi trường nhiều độc tố
Rõ ràng, thế giới thông tin hiện nay rất thiếu an toàn, với ngồn ngộn tin tức đăng tải ở nhiều trang, với sự cạnh tranh không phải bằng chất lượng thông tin, nội dung truyền tải chính xác - vì thiếu một cái tâm làm nghề như đã kể trên. Do vậy, khi việc quản lý các thông tin này còn lỏng lẻo, việc cho phép các trang thông tin dưới dạng báo mạng này tồn tại (dù không phải là báo điện tử theo nghĩa đã được Bộ Thông tin - Truyền thông cấp phép, nhưng vẫn hoạt động một cách công khai, lấp liếm như báo mạng để quảng cáo, đánh lừa độc giả) thì mỗi người phải tự củng cố nội lực của mình để phòng chống, để tránh bị nhiễm độc.
Khi bạn đọc đồng lòng "không quan tâm" thì sẽ tẩy được các trang sốc siếc - Minh họa của họa sĩ DAD
Cách đây mấy ngày, trên báo Thanh Niên đăng tin một cô gái ở Hà Lan đã khỏa thân để vào cửa hàng mua đồ, nhân viên cửa hàng ấy đã làm lơ và thản nhiên như không khi vẫn trao đổi bình thường với cô này. Tất nhiên, cô gái khỏa thân mong là có thể thu hút hay gây sốc cho nhân viên cửa hàng, song ý định đó đã bị thất bại vì chẳng ai tò mò hoặc quan tâm. Cô gái sau đó đã thất vọng và rời khỏi cửa hàng. Thông tin đó nói lên rằng, khi sự sốc siếc phô bày mà chúng ta đón nhận nó một cách bình thường, không thèm quan tâm gì cả thì nó chẳng thể lôi cuốn mình được. Đồng thời, đối tượng tạo sốc kia cũng không còn đất để sống.
Do vậy, việc tự bảo vệ bản thân trước cơn bão thông tin giật gân, thất thiệt vây hãm chính là phương cách tối ưu, chặn đứng ngay “con virus” của quan niệm truyền thông “câu view” phát tán. Việc thực tập này, theo phương pháp mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh gợi ý thì mỗi người phải có chánh niệm trong khi tiêu thụ thức ăn. Trong đó, có đoàn thực, là thức ăn đưa vào nuôi thân và xúc thực, là thức ăn cho tâm hồn. Nhận biết những nội dung nào là cần thiết và mang lại giá trị cho sự chuyển hóa nội tâm theo hướng tốt đẹp, thiện lành để tiếp cận, theo dõi; đồng thời tránh xa những nguồn tin đưa tới kích động bạo lực, khơi gợi dục tình, nuôi lớn lòng tham... Đó chính là sự bảo hộ thân tâm để mình không rơi vào chiếc bẫy của truyền thông.
Ngoài việc thực tập không gần gũi với “thầy tà, bạn ác” mà đại diện là những thông tin không tốt thì việc kiến tạo nội tâm vững chãi còn là ở chỗ làm cho hiểu biết của mình được mở ra, để thấy cái gì đúng, cái gì đáng quan tâm cho mình học hỏi, thấy rõ cái nào chỉ là “con sâu nhỏ”, là hiện tượng cá biệt, là biểu hiện bình thường nhưng lại bị khuếch đại lên nhiều lần vì những câu từ ác ý của người viết hoặc trang thông tin đăng bài. Ở đó, ngoài những ác ý có mục đích, còn có sự suy nghĩ nông cạn, làm ăn lấy được của người làm truyền thông theo khuynh hướng thu hút người đọc để kiếm lợi nhuận từ quảng cáo, chứ không hề nghĩ đến tác hại dài lâu tới bạn đọc hay việc cá nhân, tổ chức mình đề cập có bị mất uy tín hay không. Nói tới đây thì phải nhắc lại, việc quản lý cũng như chế tài của cơ quan quản lý nhà nước thực sự chưa tốt, chưa thật mạnh tay đối với những trường hợp sai phạm loại này.
Về phía đối ngoại của Giáo hội mà cụ thể là Ban Thông tin - Truyền thông các cấp, người phát ngôn chính thức của Giáo hội thiết nghĩ cũng cần lên tiếng phản biện, để có tiếng nói chính xác, kịp thời đối với những nội dung liên quan tới Phật giáo được chuyển tải trên các báo hoặc trang thông tin online, tránh bị bóp méo, khiến người đọc hiểu lầm về chùa chiền, về chư tôn đức Tăng Ni cũng như các cơ sở từ thiện được lập ra - gắn dưới mái chùa, với tâm niệm từ bi, cứu khổ của người con Phật có hạnh nguyện dấn thân...