Trở về chốn bình yên

GN - Chốn bình yên của mỗi người, chung nhất, tôi nghĩ, đó chính là gia đình. Ở đó, sợi dây cố kết mỗi người là tình thương, là sự chia ngọt sẻ bùi, lắng nghe, hiểu nhau, cảm thông và luôn sẵn sàng thứ tha mỗi khi người nào đó có lỗi lầm.

Sự nâng đỡ nhau, để cùng tiến bộ, cùng trưởng thành trong đại ý “chị ngã em nâng” cũng như sự đồng cam cộng khổ, để rồi mỗi khi “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” chính là giá trị mà mỗi người trong gia đình sẽ cùng vun đắp, để mỗi khi quay về nhà lại thấy vô lo, có thể xóa sạch những nghi ngờ, giả tạo mà mình đã gặp và hành xử ngoài đường.

gia dinh.jpg


Gia đình có nghĩa là nâng đỡ để cùng tốt, cùng tiến - Ảnh minh họa

Tôi đã may mắn có một gia đình đúng nghĩa của hai chữ tổ ấm, bình yên với tình thương dành cho nhau, dẫu không phải lúc nào những thành viên trong gia đình cũng đồng quy suy nghĩ. Nhưng, dẫu có những suy nghĩ trái chiều đi nữa thì cũng không bao giờ dẫn tới hơn thua, hục hặc, mà luôn có một nguyên tắc chung: cãi nhau để đi tới một giải pháp tốt nhất, ổn thỏa nhất chứ không được để cái tôi của mỗi người len vào trong những ý kiến.

Do vậy, tôi luôn cảm thấy nơi mình quay về chính là nơi bình yên - ở đó mình được tôn trọng và tôn trọng những người thân-thương của mình một cách tự nhiên.

Cả gia đình tôi biết Phật pháp, đó là một sự may mắn, có lẽ đã có nhân duyên từ trước - hẹn nhau từ lúc nào đó, nên kiếp này gặp nhau, để cùng hướng về Tam bảo, nương tựa, học Phật, thực tập sống theo lời Phật dạy. Có lẽ vì vậy mà phẩm chất hạnh phúc của gia đình tôi được nâng lên rõ rệt, đó, không chỉ là luyến ái bình thường mà mỗi người ngoài sợi tơ huyết thống còn có sợi chỉ tâm linh xuyên suốt để rồi, có xảy ra bất kỳ điều gì cũng có thể quán chiếu, nhận diện sự thật mà hành xử tốt đẹp.

Thực ra, để có được sự đồng thuận trong học Phật và ứng dụng lời Phật dạy như mỗi thành viên trong gia đình tôi hiện tại là cả một sự nỗ lực của ba má, anh chị em trong nhà. Việc khuyến khích đi chùa của má, đọc sách của ba, đem ánh sáng Phật pháp vào gia đình - theo cách mà quý thầy nói là “Phật hóa gia đình” đã tạo ra một đạo tràng nho nhỏ trong nhà mình.

Niềm tin giáo pháp ấy giờ đây được mỗi người trong nhà tôi phát nguyện rằng, sẽ nhắc con cháu về niềm tin Tam bảo là kim chỉ nam cho đời sống, bản sắc của họ hàng. Chính vì thế, ngay khi con của anh chị Hai vừa sinh ra, má tôi đã đưa các cháu tới chùa, để các cháu tiếp xúc với hình bóng áo nâu sồng cùng nếp sống giản dị của người tu, của lời kinh kệ, giúp những hạt giống tốt đẹp trong các cháu được nẩy mầm.

Uốn măng - là từ mà ba tôi dành cho việc trao nếp nhà thuần kính Tam bảo lại cho thế hệ tiếp theo, thậm chí, ba còn khẳng khái nói: “Sau này cháu nội, cháu ngoại có tâm nguyện xuất gia thì mấy đứa con phải hết lòng tạo duyên, đừng cấm cản”.

Những chuyện như thế được kể ra với bạn tôi, ai cũng trầm trồ, hoan hỷ vì đâu phải ai cũng có thuận duyên tu tập như thế.

Tôi luôn chia sẻ với bạn mình sau lời “phân bì” ấy rằng, chướng duyên cũng là cơ hội để mình tùy duyên thực tập. Dẫu biết là thế, mỗi khi về nhà, nghe tiếng chuông mõ má tụng kinh, thấy ba ăn chay niệm Phật, cùng cháu đi chùa sám hối, tôi luôn thầm biết ơn về “gia đình tâm linh” của mình cũng chính là “gia đình huyết thống” thương yêu...

Ngũ Lực (Quảng Nam)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày