Trong bóng đổ nghìn năm của Đại Phật

Thấy bảo, từ Tây Tạng về Việt Nam, muốn bay con đường phổ biến, ngắn và đỡ đắt đỏ nhất, thì không thể không hạ và cất cánh ở Thành Đô (thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc).

Tôi hỏi Vương - chàng hướng dẫn viên yêu chữ nghĩa như một học giả bạc đầu: “Theo cậu, chỗ nào của đất Ba Thục (Tứ Xuyên) mà tớ không thể không đến?”, Vương khúc chiết:

“Nếu, Tây Tạng kỳ vĩ, núi, tuyết và lòng mộ đạo của người bản xứ khiến anh nghĩ đó miền đất của thánh thần; việc anh lang thang ở đó, nó có cái gì như là chuyến đi của kiếp phận. Ra về, anh như Từ Thức ngoảnh bỏ Thiên Thai không dám hẹn ngày tái ngộ; thì, Lạc Sơn Đại Phật quê tôi sẽ làm anh thấy thảng thốt, choáng ngợp, hoang mang không lý giải được, tại sao trí và sức con người, tại sao niềm tin tôn giáo lại có thể tạo nên các công trình kỳ diệu đến như vậy...".

Nhà sư tự móc mắt, đặt lên đĩa

Nằm cách thủ phủ Thành Đô 2 giờ xe chạy, qua những đồng lúa mạch vàng ươm bát ngát, Lạc Sơn Đại Phật nằm trong khu vực Nga My Sơn, thuộc vào “Tứ đại danh sơn” - 4 ngọn núi lớn và danh tiếng nhất đất nước Trung Hoa rộng lớn - cũng là một di sản thế giới đã được UNESCO vinh danh từ tháng 12.1996.

Tôi rất ngạc nhiên, rằng tự nhiên cô nhân viên lái tàu đưa khách du sơn du thuỷ ở Lạc Sơn lại cầm loa yêu cầu khách im lặng, rồi cô nói bằng tiếng Anh, rằng: “Ở vị trí tàu đang dừng đỗ này, quý vị có thể nhìn thấy núi như một cơ thể người, như một bức tượng Phật nằm. Đủ đầu, tóc, thân, chân tay; đủ mắt, mũi, miệng. Đặc biệt tàu đang di chuyển, bức tượng lớn nhất thế giới sẽ hiện ra.

Bức tượng choán hết cả ngọn  núi khổng lồ vùng ngã ba sông.
Bức tượng choán hết cả ngọn núi khổng lồ vùng ngã ba sông.
Một bàn chân của ngài, đủ để những người trưởng thành đứng... không cao bằng cái móng. Mu bàn chân của Đại Phật, từ bên này sang bên kia dài 8,5m!
Một bàn chân của ngài, đủ để những người trưởng thành đứng... không cao bằng cái móng. Mu bàn chân của Đại Phật, từ bên này sang bên kia dài 8,5m!

Tượng nằm đúng ở trái tim của các ngọn núi hình Phật nằm, ý rằng “tâm trung hữu Phật”, Phật ở trong tim”. Chao ôi, thay vì thu vé cắt cổ, thả khách vào trong “di tích”, thu từ vé đi vệ sinh đổ lên đủ thứ lệ phí theo kiểu “chín tháng mài dao ba tháng chém” như ở nhiều nơi tôi đã đến, thì cô lái tàu còn bày cho khách cách thưởng lãm ngọn sơn kỳ rồi dòng thuỷ tú. Hình như sự giàu có của tâm hồn du khách, mới là thứ mà cô nhân viên lái tàu kia muốn hướng tới.

Truyền rằng, Lạc Sơn Đại Phật được các nghệ nhân tài hoa nhất vùng Tứ Xuyên “gọi” ra từ một ngọn núi đá nguyên bản. Họ đã làm việc này suốt 90 năm, bắt đầu từ năm 713, đời nhà Đường. Ý tưởng kỳ vĩ này, có lẽ nó còn làm choáng ngợp nhân loại tiến bộ mãi mãi về sau nữa. Vách đá mà ông Di Lặc lớn nhất thế giới đang ngồi kia có tên là Thê Loan, nằm trên núi Lăng Vân, ở nơi hợp lưu của ba con sông lớn: Mân Giang, Đại Lộ và Thanh Y. Sử sách chép lại, người mộ Phật đề xuất và thực hiện ý tưởng gọt cả một ngọn núi danh tiếng tạc hình ông phật khổng lồ này là nhà sư Hải Thông - người sống cách chúng ta khoảng 13 thế kỷ.

Đoàn người nhi nhít, bé xíu, đi theo những con đường dích dắc để có thể leo lên các vách núi nhằm nhìn gương mặt Phật ở cự ly gần hơn.
Đoàn người nhi nhít, bé xíu, đi theo những con đường dích dắc để có thể leo lên các vách núi nhằm nhìn gương mặt Phật ở cự ly gần hơn.

Vùng đất này dữ dội, ba con sông góp nước ầm ào, mưa lũ về, bao đời nay, “thuỷ quái” đã cướp đi sinh mạng không biết bao nhiêu người. Đáy sông nhấp nhô toàn thuyền bè và xương cốt người xấu số. Nhà sư bảo: “Ta tạc tượng, bao nhiêu đất từ núi sẽ được gạt xuống lấp hết các hang hốc của ngã ba sông, kết thúc cuộc đời hung dữ của các xoáy nước ăn thịt người. Lòng cứu nhân độ thế của Đức Phật, sẽ đem lại sự bình an cho thuyền bè qua lại”.

Các sách đời Tống (như “Phật Tổ thống kỷ”), đời Minh Thanh (như “Tứ Xuyên thông chí”, “Lạc Sơn huyện chí”) của Trung Quốc đều có chép về Đại Phật. Theo đó, nhà sư Hải Thông phải mất 20 năm vận động, mới có được nguồn tài chính ban đầu để bắt tay vào tạc bức tượng khổng lồ. Khi đang thi công thì thiếu kinh phí trầm trọng, bởi bức tượng quá lớn, số đất đá lấp vực sông quá nhiều, việc thi công kéo dài nhiều thập niên. Nhà sư Hải Thông tiếp tục đi quyên tiền.

Có viên quan tham bảo: Sư Hải Thông làm bức tượng quá tốn kém, vì lòng mộ Phật hay vì muốn danh tiếng của mình lưu truyền, hay ông dùng tiền quyên góp được để... bỏ túi? Có tên còn dùng quyền bính của mình để đòi nhà sư phải hối lộ, nếu không hắn sẽ dừng việc thi công, cấm người dân góp tiền xây tượng. Sư Hải Thông bảo, nếu ngài thích ăn con mắt của kẻ tu hành này, thì tôi móc ra biếu ngài, chứ muốn tơ hào tiền công đức dựng tượng của chúng tôi, thì không thể được đâu.

Nhìn bức tượng bắt đầu hiện ra từ đỉnh núi, già nửa thân hình ngài vẫn bị trói buộc, vẫn bị chìm khuất trong đá lớn và cây rừng (chưa tạc xong), nhà sư đau lòng quá. Ông lên chùa lễ Phật, rồi tự móc một con mắt của mình, đặt lên cái đĩa đầm đìa máu, mang lên cho tên quan tham. Tên này kinh ngạc ngất xỉu. Nghe đồn, từ bấy hắn từ quan, ẩn tu trong chùa, trở thành một tín đồ của Phật.

Chuyện nhà sư Hải Thông tự móc mắt mình vì Đại Phật đã kinh động đến cả triều đình.

Phật là núi, núi cũng là Phật

Nhân sinh ba vạn sáu nghìn ngày (đời người bất quá cũng chỉ 100 năm), trong khi việc tạc tượng kéo dài những 90 năm ròng, giữa đường tìm Phật trong lòng núi, nhà sư Hải Thông qua đời.

Cảm kích trước tấm lòng nhà sư, Tiết độ sứ Kiến Nam Xương Tây là Vĩ Cao tiếp tục thay sư Hải Thông, huy động thợ đá hoàn thành bức tượng. Triều đình nghe thấu tấm lòng vị sư nổi tiếng, cũng cho “cơ chế” dùng thuế muối của dân, góp sức xây tượng. Và, sau 90 năm, bức tượng đã ra đời. Lạc Sơn Đại Phật cao 71m; đầu tượng dài 14,7m; rộng 10m; mắt dài 3,3m; tai dài 7m, trong lỗ tai có thể chứa được 2 người trưởng thành ở trạng thái đứng thẳng; mu bàn chân của tượng dài tới 8,5m (ảnh).

Trong bóng đổ nghìn năm của Đại Phật ảnh 4

8: Đôi bạn này đã rất nỗ lực để có thể ngắm Lạc Sơn Đại Phật ở độ cao tương đương chỗ bàn tay ngài đang đặt lên đầu gối.
Đôi bạn này đã rất nỗ lực để có thể ngắm Lạc Sơn Đại Phật ở độ cao tương đương chỗ bàn tay ngài đang đặt lên đầu gối.

Chúng tôi chụp những bức ảnh đoàn người đông đúc đứng trước tượng, đầu người lớn chưa cao bằng ngón chân tượng... Dòng người tấp nập leo ngược vách đá song song với bức tượng Phật ngồi để lên đỉnh núi, trông xa như đàn kiến. Xin hãy hình dung: Đầu Đại Phật có 1.021 búi tóc, móng tay nhỏ nhất của ngài, cũng đủ rộng để một vài người trưởng thành có thể ngồi vào đó. Kỷ lục thế giới này khiến người ta phải giật mình.

Lang thang vùng ngã ba sông đó, đằm mình với hệ thống chùa chiền, bia đá, các pho tượng hộ pháp khổng lồ tạc vào vách núi xung quanh Đại Phật đó, lại ngẫm về sự ra đời như cổ tích của pho tượng đá lớn nhất thế giới kia, có lẽ không ai là không thêm một lần thấm thía cái triết lý mà người quản lý, kinh doanh du lịch ở Lạc Sơn luôn nói với du khách: Phật là núi, núi cũng là Phật. Cả mấy dãy núi tạo thành tượng Phật nằm, chúng không thể giống và gợi hơn về linh ảnh của một ông phật. Cả pho tượng Lạc Sơn Đại Phật đã choán hết vách đá Thê Loan, choán hết cả ngọn núi rợn lên màu đỏ đắn rêu phong vùng ngã ba sông ven kỳ quan Nga My Sơn. Người Trung Hoa, hơn một thiên niên kỷ qua, đã có câu ca ngợi bức tượng khổng lồ, rất thực mà rất thâm sâu: “Sơn thị nhất toạ Phật/ Phật thị nhất toạ sơn” (Núi cũng là Phật/ Phật cũng là núi).

Lạc Sơn Đại Phật là pho tượng đá ngồi lớn nhất thế giới đã đành. Sự trường tồn của công trình tôn giáo khổng lồ này cũng không kém phần bí ẩn. Tại sao hơn 1.200 năm đã trôi qua, trơ gan cùng tuế nguyệt như vậy, mà tượng không bị hư hỏng? Có phải sư Hải Thông và những người thi công thuở ấy đã có một cơ chế tự “bảo dưỡng” cho Đại Phật? Gần đây, các nhà khoa học đã nghiên cứu và khám phá ra: Tượng Phật Lạc Sơn có một hệ thống thoát nước, thoát khí, tự hút ẩm kỳ diệu.

Trong số 18 tầng búi tóc hơn một nghìn lọn của ngài, tầng thứ 4, tầng thứ 9 và tầng thứ 18 đều có các rãnh thoát nước được thiết kế vô cùng tài tình. Rãnh thoát nước này “xây” bằng đá vôi hẳn hoi, nhưng đứng bên ngoài, khách chiêm bái không thể nhìn thấy. Cổ áo và các nếp gấp áo; rồi hai bên sườn, trước ngực của ngài đều có rãnh thoát nước, rãnh này thông với hai cánh tay, khiến cho các hiện tượng bào mòn, phong hoá hầu như không xảy ra. Đặc biệt, đôi tai khổng lồ của ngài dựa vào hai vách núi đá, mỗi vách đều có lỗ để tai trái, tai phải của ngài thông nhau.

11: Bức ảnh tượng nhắm mắt, với lời chú thích Lạc Sơn Đại Phật nhắm mắt vì thế sự quá nhiều lo toan phiền muộn (chụp năm 1962) được bày bán ngay trên thuyền chở du khách tham quan.
Bức ảnh tượng nhắm mắt, với lời chú thích Lạc Sơn Đại Phật nhắm mắt vì thế sự quá nhiều lo toan phiền muộn (chụp năm 1962) được bày bán ngay trên thuyền chở du khách tham quan.

Phần ngực tượng Phật có một cái hang nội tạng đóng kín, hòn đá bịt ngoài cửa hang chính là tấm bia “Thiên Ninh Các” đời Tống. Trong hệ thống ảnh Đại Phật in sẵn để bán tại khu du lịch dưới chân tượng, có lời chú thích bằng tiếng Anh, cho thấy: Bức tượng Phật khổng lồ mở mắt nhìn thế gian mà chúng tôi đang tham quan đã từng... có lần nhắm tịt mắt lại (cụ thể, bức ảnh chụp năm 1962, ghi lại hình ảnh bức tượng nhắm mắt, kèm lời chú thích: “The photo of Leshan Buddha in 1962, he closed eyes slightly at this moment, people saw this phenomenon as his can not bear to see our nation suffering the nature disaster, tạm dịch: Bức ảnh Lạc Sơn Đại Phật chụp năm 1962, ngài nhắm mắt lại, người ta đã quan sát thấy hiện tượng này và tự hiểu rằng, dường như ông không thể chịu được nếu mở mắt nhìn đất nước chúng ta bị các thảm hoạ thiên nhiên...). Bức ảnh đã khiến đám đông du khách bàng hoàng rồi hoang mang tự hỏi: Không lẽ điều đó là sự thật?

Bức ảnh Đại Phật chụp năm 1914, trước khi tiến hành trùng tu.
Bức ảnh Đại Phật chụp năm 1914, trước khi tiến hành trùng tu.

Ngã ba sông mịt mờ sương khói, chiều về, trong bóng đổ của Đại Phật Di Lặc đang ngồi bình thản hai tay đặt lên đầu gối, tôi bỗng len lén ngộ ra một sự kỳ diệu khác. Rằng trí tuệ và sức lực của con người ta là cái gì đó thật nhiệm màu. Sức mạnh đó, cộng thêm niềm tin tôn giáo, nó có gì đó giống như sự siêu nhiên. Và, trong buổi nắng tà và bức tượng đổ bóng xuống ngã ba sông “núi là Phật, Phật cũng là núi” này, tôi đã không dám leo lên vách núi Thê Loan, dù người ta có làm sạn đạo để nườm nượp khách hành hương. Bởi núi chính là Đức Phật Di Lặc. Bởi, sao lại cứ phải leo lên núi để tự coi là mình đã hiểu và chinh phục được núi, ngay cả khi núi đó chính là Đức Phật?

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày