GN - Đã hơn 18 tháng kể từ khi xảy ra vụ việc một nhóm người đẩy sư trụ trì ra khỏi chùa Linh Tiên, với lý do nghi ngờ sư thông đồng bán 3 đôi câu đối cổ của chùa. Sự việc đã được cơ quan chức năng làm rõ, tòa án huyện Hoài Đức đã xét xử, minh oan cho sư. Thế nhưng đến nay, trụ trì - Ni sư Thích Đàm Chính vẫn chưa được trở lại chùa.
Ni sư Thích Đàm Chính kể chuyện chùa Linh Tiên trong nước mắt - Ảnh: Chương Phượng
“Sự biến” ở chùa Linh Tiên
Cuối tháng 3-2020, người viết tìm đến chùa Hải Giác ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng gặp Ni sư Thích Đàm Chính và được Ni sư thuật lại sự việc chùa Linh Tiên. Ni sư Đàm Chính xuất gia năm 1983, ban đầu ở chùa Mễ Trì Hạ (nay thuộc quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), theo học với Ni sư Thích Đàm Phúc. Đến năm 1990, theo Ni sư Đàm Phúc về chùa Linh Tiên ở thôn Cao Xá, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức (Hà Nội). Ni sư Đàm Phúc thuận tịch vào năm 2003, Ni sư Đàm Chính kế đăng trụ trì chùa Linh Tiên từ đó.
Vào tháng 7-2018, trụ trì chùa Linh Tiên thuê một người thợ chế tác đồ thờ ở làng nghề gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng là Nguyễn Đăng Hùng để tô trang lại 3 câu đối cổ. Hùng đem những câu đối này về nhà để tu sửa, nhưng đã lén đánh tráo, làm 3 câu đối khác với kích thước và nét chữ nho giống với đồ gốc, đem đến trả nhà chùa. Sau đó, Hùng rao bán 3 câu đối cổ trên mạng, khiến người dân Cao Xá cho rằng nhà chùa tự ý đánh tráo đem bán nên đã đến chùa mắng nhiếc Ni sư trụ trì.
Ni sư Đàm Chính kể lại, họ dẫn theo một số nhà báo, nói rằng phóng viên đến để điều tra việc mua bán trái phép cổ vật, điều tra thu chi kinh tế của chùa. Sau đó, bài viết về chùa Linh Tiên đăng trên một số tờ báo. Có báo giật tít “Hàng trăm cổ vật không cánh mà bay”, nội dung đoạn mở đầu đề cập tình trạng “mất cắp”, chảy máu cổ vật ở đình chùa trên cả nước. Thông tin hàng trăm cổ vật bị mất là ý nói số lượng cổ vật bị đánh cắp xảy ra tại hàng trăm ngôi chùa diễn ra suốt hàng chục năm qua. Đặc biệt, bài viết báo có đoạn “đơn cử, như tại chùa Linh Tiên vừa xảy ra…”.
Cách viết như vậy, khiến người dân không hiểu, tưởng rằng bài báo khẳng định: hàng trăm cổ vật ở chùa Linh Tiên đã bị đánh cắp, kèm thêm nhận định trên báo “sự thiếu hiểu biết của sư trụ trì chùa đã tiếp tay cho đám đạo chích” càng khiến người dân hoang mang. “Một nhóm người thuê phóng viên viết bài, đăng nội dung nói xấu tôi trên 2 tờ báo. Họ mua cả mấy nghìn tờ báo đó đem phát khắp thôn Cao Xá. Họ cử người cầm tập báo đứng ở cổng chùa, cứ ai vào chùa lễ Phật thì phát. Người dân xung quanh xem báo, rồi thắc mắc rằng, tại sao từ khi thầy về đây hàng trăm cổ vật của chùa không cánh mà bay? Tôi đem 2 tờ báo đó trình lên UBND huyện. Một số vị cán bộ huyện nói: ‘Chùa đó làm gì có nhiều cổ vật mà mất nhiều thế’”, Ni sư Đàm Chính cho hay.
Nước mắt lưng tròng, Ni sư Đàm Chính kể: “Ngày 9-9-2018, tôi đang tụng kinh trên chùa, bỗng nghe tiếng loa phát thanh của thôn: ‘Chính quyền thôn thông báo cho toàn thể nhân dân trong thôn đúng 3 giờ chiều nay có mặt tại chùa Linh Tiên để họp để giải quyết vấn đề quan trọng’. Một lát sau, hàng trăm người dân kéo đến chùa, dẫn đầu là các ông Trưởng thôn và Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc của xã. Ông Thịnh - một trong số các lãnh đạo thôn Cao Xá nói: Thầy có 5 cái tội. Thứ nhất, thầy đã bán hàng trăm cổ vật trong chùa, như vậy là vô lương tâm, vô đạo đức. Thứ hai, thầy mang hàng trăm tỷ về dưới quê thầy để xây chùa. Thứ ba, mười năm nay, thầy không vào trong làng để tụng kinh cho người chết. Thứ tư, có một cháu thanh niên chết vì tai nạn, thầy không vào tụng kinh mà một tuần sau thầy mới vào và cho gia đình ấy tiền. Đó là mưu đồ để mị dân, mua chuộc dân. Thứ năm, thầy làm lễ thu tiền giá cao, như vậy là hám tiền của dân. Ông ấy ngừng nói, định lùi xuống, xong lại tiếp: ‘Tôi còn chưa nói hết, thầy vô lương tâm, vô đạo đức không xứng đáng là đại biểu Hội đồng Nhân dân xã, không xứng đáng là người trụ trì nữa. Ba ngày nữa thầy phải khăn gói ra đi!’”.
Ni sư Đàm Chính tiếp tục câu chuyện: “Tôi từ tốn trả lời. Bằng chứng đâu mà ông nói tôi đem hơn trăm tỷ về quê xây chùa? Từ khi kế đăng trụ trì đến nay đã 15 năm, các công trình của chùa từ Tam bảo, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Tăng tôi đều tham gia tu bổ, có hạng mục công trình do Nhà nước rót kinh phí về, có công trình do tôi có tiền chi ra, nhưng tôi chưa bao giờ bổ bán cho dân đồng nào. Nếu tôi để cho chùa đổ nát thì dân mới trách tôi chứ. Hiện hơn trăm người dân có mặt ở đây, các ông các bà nếu ai thấy tôi từng yêu cầu đóng tiền, hoặc ai đã từng nộp tiền cho tôi thì cứ mạnh dạn nói. Còn nếu không có thì các ông các bà cũng chứng minh cho tôi. Còn 5 điều mà ông Thịnh nói ở đây thì tôi hoàn toàn bác bỏ.
Thứ nhất, tôi không mang tiền về quê, cũng không bắt dân đóng góp tiền để tôi đem đi.
Thứ hai, tôi không bán cổ vật trong chùa. Tôi có sai sót vì thiếu kiến thức bảo tồn di sản. Đáng lẽ muốn trùng tu, tu sửa hạng mục nào thì phải trình với Ban Quản lý di tích và chính quyền xã, họ đồng ý cho sửa thì mới được sửa, khi đó mới được cho thợ mang đi. Tôi sai ở chỗ đó thì tôi nhận. Để rõ phải trái, tội của tôi đến đâu thì phải chờ công an và cơ quan chức năng điều tra, các ông các bà nên bình tĩnh để các cấp chính quyền và cơ quan chức năng vào cuộc.
Thứ ba, ông bảo tôi mười năm nay không vào trong làng làm lễ. Tất cả những đám nào mời, tôi đều đến, hoặc nếu bận thì cho đệ tử của tôi đến. Bây giờ, nhiều gia đình có người chết, họ không mời sư, mà mời thầy cúng đến làm lễ nhập quan. Hồi trước có nhà không mời, tôi cũng đến, thì họ bảo: ‘Ơ, chúng tôi có mời đâu mà thầy đến, chúng tôi mời thầy Thống cơ!’. Từ đó, tôi có nguyên tắc, nhà nào đến thỉnh thì mới vào. Mời ai là quyền tự do tín ngưỡng của người dân. Đối với việc cháu thanh niên mất vì tai nạn, gia chủ đến mời thì tôi bận đi an cư kiết hạ tập trung, không có mặt ở chùa. Khi về, tôi đã đến gia đình cháu để chia buồn, thấy hoàn cảnh khổ quá, tôi cho vài triệu đồng, đấy là cái tâm của tôi. Không chỉ ở làng này, tôi đi các nơi khác, gặp những hoàn cảnh khó khăn, đều hỗ trợ như thế. Về việc ông yêu cầu tôi trong 3 ngày phải rời khỏi chùa, tôi xin thưa, ông không có quyền đuổi tôi. Các cấp Giáo hội điều tôi về đây trông nom chùa này, khi tôi về, chính quyền và nhân dân địa phương trống dong cờ mở đón. Nay phải có giấy của Ban Trị sự Phật giáo và chính quyền yêu cầu tôi rời chùa thì tôi mới đi.
Tôi ngừng lời, thì bà Ngô Thị Hoa nhảy vào nói: ‘Ba ngày chúng tôi cũng không đồng ý. Nhất quyết không cho ở đây nữa’. Rồi bà Phí Thị Hồng xô vào kéo tôi đi, đẩy tôi ra khỏi cổng chùa. Lúc đó, có chú Hưng là công an huyện đứng ngay tại cổng chùa, nhưng không nói lời nào. Nhiều công an xã có mặt, nhưng họ không có hành động can thiệp, cứ để cho mấy người lôi, xô đẩy tôi ra ngoài. Ra đến cổng, tôi bị ngất xỉu, bởi tiền sử tôi mắc bệnh suy tim độ 2. Khi tỉnh dậy, tôi nằm trên giường bệnh ở bệnh viện. Khi đó mới biết, lúc tôi ngất xỉu, có một cô Phật tử đã gọi điện thoại cho Công an huyện Hoài Đức và gọi xe ô-tô đưa đi cấp cứu. Đợt ấy, tôi phải nằm điều trị tại bệnh viện hơn một tháng mới ổn định. Sau khi đuổi tôi ra khỏi chùa, đám người đó ngang nhiên thay khóa cổng chùa, không cho người khác vào, tự ý cắt cử người quản lý chùa”, Ni sư Đàm Chính cho biết.
Tam quan chùa Linh Tiên, di tích lịch sử quốc gia - Ảnh: Chương Phượng
Sự việc đã rõ ràng, nhưng sư vẫn chưa được về chùa
Được biết, sau khi xảy ra sự việc trên, Công an huyện Hoài Đức đã triệu tập Nguyễn Đăng Hùng, thợ làng nghề Sơn Đồng để điều tra. Hùng đã khai nhận hành vi lén đánh tráo cổ vật đem bán của mình và trả 35 triệu để chuộc lại 3 câu đối trên trả cho chùa. Ngày 24-9-2018, Ni sư Đàm Chính đã đến chùa Đại Từ Ân, thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội) - nơi mua lại ba câu đối cổ để đem về vị trí cũ.
Công an huyện Hoài Đức đã tiến hành điều tra, sau đó truy tố vụ án. Nguyễn Đăng Hùng bị Tòa án huyện Hoài Đức xét xử và tuyên tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Theo Bản án số 72/2019/HS-ST của Tòa án Nhân dân huyện Hoài Đức: “Đối với bà Trần Thị Phích, tức trụ trì Thích Đàm Chính, giao 3 đôi câu đối của chùa Linh Tiên cho Nguyễn Đăng Hùng nhưng không biết Hùng chiếm đoạt 3 đôi câu đối này và làm giả bằng 3 đôi câu đối mới để đánh tráo nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hoài Đức chưa đủ căn cứ xử lý”. Với các đối tượng ép sư ra khỏi chùa, cơ quan Công an huyện Hoài Đức không khởi tố vụ án hình sự, chỉ xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “Gây mất trật tự công cộng”.
Tìm hiểu qua UBND xã Đức Thượng, được biết một nhóm người đã viết đơn kiện Ni sư Thích Đàm Chính về việc bán cổ vật trong chùa Linh Tiên. UBND huyện Hoài Đức đã mời Cục Di sản (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) về kiểm kê cổ vật tại chùa Linh Tiên, qua đó đối chiếu với hồ sơ di tích để làm sáng tỏ những nghi vấn của người dân.
Theo kết quả kiểm kê đối chiếu, trong hồ sơ di tích của chùa Linh Tiên lập trước đây thống kê có 175 hiện vật và di vật, đồ thờ. Đến năm 2019 kiểm kê, có tất thảy 546 hiện vật, đồ thờ, bao gồm cả hiện vật cổ trong hồ sơ di tích và hiện vật mới. Những hiện vật cổ bị thiếu, gồm: 2 con nghê xây trước sân chùa; 3 tấm ván kinh và 2 cuốn thư; một tấm bia đá thời nhà Lê có kích thước nhỏ, cao 40cm, bề ngang 30cm.
Khi người viết hỏi về những di vật bị thiếu này, Ni sư Đàm Chính cho hay: 2 con nghê được xây dưới dạng chậu đốt vàng mã, nên người dân thường hóa vàng ở đấy. Sinh thời, Ni sư Đàm Phúc thấy tro vàng mã bay lả tả vào trong Tam bảo, lo xảy ra hỏa hoạn, nên đã phá bỏ 2 con nghê đó. Ba tấm ván kinh và 2 cuốn thư, thì vào năm 2001, kẻ trộm đột nhập vào chùa lấy đi. Khi đó, nhà chùa đã báo lên trên xã và huyện, cơ quan chức năng vào cuộc điều tra nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Sau đó, nhà chùa đã phục chế 2 cuốn thư.
“Về tấm bia đá thời nhà Lê, từ khi tôi về chùa chưa từng được nhìn thấy, không biết mất từ bao giờ. Tại sao cơ quan chức năng đã về kiểm kê rồi, có kết quả như thế, mà họ không thông báo đến thôn, đến người dân và Giáo hội. Vì không có thông tin rõ ràng, khiến nhiều người dân vẫn bán tín bán nghi, nghĩ oan cho tôi. Những kẻ xấu tiếp tục lan truyền rằng tôi đã bán hàng trăm cổ vật của chùa”, Ni sư Đàm Chính bức xúc.
Ni sư Đàm Chính và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Hoài Đức đã nhiều lần gửi đơn đến các cơ quan chính quyền địa phương đề nghị giải quyết về việc mất quyền cư trú hợp pháp tại chùa Linh Tiên. Thế nhưng đến nay, vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý.
Trong Công văn số 102/CV-BTS của GHPGVN TP.Hà Nội gửi các cơ quan chức năng TP.Hà Nội nêu rõ: “Vấn đề mâu thuẫn giữa Ni sư Thích Đàm Chính (Trần Thị Phích, trụ trì chùa Linh Tiên, thôn Cao Xá, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) với nhân dân thôn Cao Xá liên quan đến việc di dời, tu sửa ba câu đối của chùa Linh Tiên kéo dài đã lâu mà chưa giải quyết dứt điểm. Điều này khiến Ni sư Thích Đàm Chính không thể thực hiện được quyền cư trú hợp pháp của mình tại chùa Linh Tiên, gây nên tình hình an ninh tôn giáo tại địa phương không được ổn định…”.