Trung Hạnh ơi, sư phụ tin ở con!

GNO - Trung Hạnh con,

Hôm qua, nghe con nói con sẽ đi xuất gia làm đệ tử đầu tiên của sư phụ và giúp sư phụ xây một ngôi chùa thật trang nghiêm cho mọi người về tu tập. Sư phụ rất lấy làm cảm động và không dám xem con như những đứa trẻ khác vì những câu nói và hành động ngây ngô của con. Sư phụ đã chắp tay xá con và gọi con là Thường Bất Khinh Bồ-tát trong tâm trạng nửa đùa nửa thật. Lúc đó nét mặt của con tỏ ra rất phấn khởi vui mừng xen lẫn sự hạnh phúc. Hạnh phúc vì con nghĩ rằng con sẽ được xuất gia, sẽ được học và làm theo hạnh Bồ-tát như mơ ước của con.

IMG_1005.JPG


Phật tử nhí Trung Hạnh biết đến chùa từ ấu thơ - Ảnh: Như Thành

Vì sao sư phụ gọi con là Thường Bất Khinh Bồ-tát? Bởi sư phụ biết con từ lúc con mới chập chững bước từng bước một đi vào đời. Có lẽ trong vô lượng kiếp con cũng đã từng xuất gia tu hành, đã từng phát tâm từ bi rộng lớn không phân biệt Tăng, tục, giàu nghèo, già trẻ, chỉ cần có hạt giống Bồ-đề thì con đều kính trọng hết. Cho nên kiếp này, mặc dù tuổi còn nhỏ con đã muốn mẹ dẫn đi chùa, muốn mẹ cho tiền cúng dường, và thích nghe thuyết pháp. Khi đến chùa, gặp ai con cũng chắp tay búp sen xá chào. Nếu gặp một vị Tăng hay Ni con đều thành tâm kính lễ và cúng dường với một trạng thái vui mừng hớn hở như đang gặp lại những người bạn đồng tu tự thuở nào.

Sư phụ được biết tiền mà con nhận được từ những lần sinh nhật của con, từ những dịp lễ tết, con đều đem đi cúng dường. Chưa hết, con đi đến đâu đều cầu nguyện cho nơi ấy phát triển tốt đẹp bằng những lời nói ngây thơ của con. Con cũng tự tìm tòi trên Youtube để nghe thuyết pháp và tìm hiểu những mẩu chuyện tiền thân của Đức Phật. Nói chung những gì liên quan đến Phật pháp con đều muốn biết.

Con rất có duyên được gặp nhiều chư tôn đức Tăng Ni, ai cũng thương con và muốn nhận con làm đệ tử nhưng con lại nói muốn làm đệ tử xuất gia với sư phụ. Con nói con sẽ đi xuất gia làm sư cô. Sư phụ hỏi con làm sư cô để làm gì thì con bảo là làm sư cô để tụng kinh cho mấy người chết và để giúp mấy người nghèo.

Con ơi! Sư phụ biết hạt giống Bồ-đề trong con rất lớn. Con đã gieo hạt giống ấy từ vô lượng kiếp nên kiếp này hạt mầm trí tuệ mới lên một cách mạnh mẽ đến như vậy. Nhưng như thế vẫn chưa đủ con ạ, vì hạt mầm phải cần các yếu tố khác nữa phụ giúp thì cây mới đâm chồi trổ quả. Bây giờ con còn rất nhỏ, chưa đủ sức để hiểu hết điều này. Chưa đủ sức để giải đáp thắc mắc tại sao ba mẹ không cho con đi tu.

Trung Hạnh! Con đường phía trước của con còn rất dài, rồi con sẽ lớn, sẽ va chạm và tiếp xúc rất nhiều chướng ngại vật phía trước. Có một chướng ngại vật lớn nhất mà con phải đối diện và khắc phục nó nếu con muốn trở thành một bậc xuất gia tu hành, đó là ba mẹ con. Con là đứa con duy nhất mà ba mẹ con cầu xin mới có được. Sư phụ hiểu được tấm lòng của ba mẹ con. Tình thương của cha mẹ đối với con cái là vô bờ bến. Không một ai muốn xa đứa con mà mình đã “chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm” đâu con ạ.

Sư phụ biết ngoài hạnh nguyện của một vị Bồ-tát ra, con còn là một đứa con hiếu thảo với ba mẹ, nên nếu ba mẹ không đồng ý thì con cũng không làm cho ba mẹ buồn lòng. Nhớ có lần con nhắc đến việc đi tu thì ba con bảo con phải vào đại học, phải học ngành bác sĩ. Con nói trong sự ngây ngô của con rằng, con sẽ học bác sĩ rồi làm sư cô để cứu người. Chẳng những có hiếu với ba mẹ mà đối với các bậc sư trưởng tiền bối con đều cung kính.

Nhớ có lần sư phụ kể cho con nghe về sư ông (cố Ni trưởng Như Châu - trụ trì tổ đình Huê Lâm, Q.11, TP.HCM) về bịnh tình và những ngày cuối đời của sư ông, con đã khóc thật nhiều vì thương sư ông. Tình thương ấy chắc chắn bắt nguồn từ sự hiếu kính của con và âu chắc cũng là nhân duyên. Con sinh ra bên kia bờ đại dương, chưa từng gặp qua sư ông dù chỉ trong hình ảnh, ấy thế mà lần đầu tiên sư phụ nhắc đến sư ông con lại xúc động đến như vậy. Cho nên sư phụ tin ở con, tin ở hạt giống hiếu hạnh mà con đã gieo trồng từ nhiều đời nhiều kiếp.

Trong con có một sức mạnh nào đó mà với đôi mắt phàm phu sư phụ không thể diễn tả thành lời. Với sức mạnh ấy con có thể tự cảm hoá được ba mẹ con khi con lớn thêm chút nữa. Bây giờ sư phụ muốn con cố gắng học tập thật giỏi cả đạo lẫn đời. Con sẽ là sứ giả tiếp nối mạng mạch Phật pháp cho mai sau. Phật pháp trên đất nước Hoa Kỳ nói riêng, Việt Nam và những nơi khác trên thế giới nói chung, sau này sẽ rất cần những người như con để chuyển tải giáo pháp Phật đến với thế hệ mà tiếng Anh là ngôn ngữ chính. Con là một đứa bé thông minh ngoài sức tưởng tượng của mọi người. Với ngần ấy tuổi đầu mà nói được ba thứ tiếng và một sự hiểu biết Phật pháp không ít (theo độ tuổi của con).

*

Nhân đây sư phụ cũng nhắn gởi đến ba mẹ con một vài điều, rằng hãy cứ tiếp tục trợ duyên cho con gái cả đời lẫn đạo, đừng để hạt giống Bồ-đề bị gián đoạn khi con mình bận bịu với bài vở ở trường đời. Hãy cứ để cho con gái tự quyết định con đường mà nó muốn đi khi nó lớn khôn. Ba mẹ nên là hậu thuẫn vững chắc cho con gái phát triển hết tài năng và ước mơ của nó.

Xuất gia không phải ai cũng làm được mà phải có căn duyên từ nhiều đời. Vả lại, làm ba mẹ của một bậc xuất gia tu hành là một đại phúc cho gia đình. Thường thì một vị xuất gia luôn là một người con hiếu đạo, huống hồ gì con gái con từng bảo rằng “con sẽ đi xuất gia và đem ba mẹ vô chùa phụng dưỡng”.

*

Con ơi! Sư phụ biết con sẽ không hiểu hết những gì sư phụ viết cho con hôm nay bởi vì con mới tròn bảy tuổi, nhưng sư phụ hy vọng con sẽ đọc và hiểu những lời này trong một ngày sắp tới.

Còn một điều sư phụ muốn nói với con đó là nhân duyên giữa thầy và trò. Chúng ta gặp nhau trên cuộc đời này không phải ngẫu nhiên mà gặp. Thầy và trò cũng phải có duyên với nhau mới thành thầy trò con ạ.

Trong kinh Lăng Nghiêm, chương Bồ-tát Đại Thế Chí niệm Phật viên thông, Đức Phật có dạy rằng nếu tâm chúng sanh nào thường nhớ nghĩ đến Phật thì nhất định sẽ thấy Phật. Nếu như con nhớ mẹ và mẹ nhớ con, cả hai đi tìm nhau thì sẽ gặp nhau. Cũng trong ý nghĩa đó, con đi tìm sư phụ, sư phụ đi tìm con thì nhất định chúng ta sẽ gặp nhau.

Con thương mến,

Bây giờ con chưa đủ lớn để có thể hiểu hết mối nhân duyên ấy mặc dù sự thông minh của con vượt xa hơn độ tuổi của con. Nhưng sư phụ rất tin tưởng nơi con, bởi sư phụ thấy được hạt giống Bồ-đề trong tâm con rất vững chãi. Chính vì thế con cũng không cần vội vàng, cứ để hạt giống Bồ-đề ấy phát triển từ từ, một khi hội đủ duyên lành thì cây tự nhiên trổ quả con ạ. Sư phụ sẽ luôn ủng hộ và dõi theo từng bước con đi. Con cứ đi thật chậm rãi mà vững chắc con nhé.

Sư phụ đặt tên con là Trung Hạnh là mong con nhớ đến hạnh nguyện lợi tha mà con hằng mơ ước. Hạnh nguyện của một vị Bồ-tát vào đời độ sanh từ thuở còn thơ. Hạnh còn có nghĩa là hiếu hạnh bởi con là một người biết hiếu kính mẹ cha, hiếu kính sư trưởng ngay từ thuở nhỏ.

Hôm nay sư phụ viết những lời này cho con là để sau này khi con gặp phải sự cám dỗ của cuộc đời, không làm chủ được chính mình rồi xuôi theo dòng chảy cuộc đời thì hãy nhớ những sơ tâm ban đầu của con hôm nay con nhé.

California, Hoa Kỳ, ngày 25-7-2019

TKN Như Thành

Hộp thư “Bến bờ nhân gian”

Từ 23-7 đến 13-8, tòa soạn đã nhận được bài viết chủ đề “Bến bờ nhân gian” của các tác giả: Giác Minh Tường, Thích Nghiêm Thuận, Nguyễn Thành Công (4 bài), Quảng Trung, Thích Tâm Hiếu, Thích nữ Như Hiếu, Nguyễn Thị Bảo Châu, Thích nữ Diệu Lợi, Thích nữ Trung Tùng, Thích Chơn Pháp, Lê Đàn, Nguyễn Thị Bích Nhàn (2 bài), Hoàng Dũng Hùng, Nguyễn Hồng Mơ, Thích nữ Thanh Nghiêm, Nghi Lâm, Trung Thành, TKN Như Thành, Ngô Nghê, Hồ Thị Ngân, Thanh Hoàng, Thủy Khánh, Trần Huy Minh Phương, Nguyện Pháp, Kim Ngân, Lê Anh Quốc, Thích nữ Nhuận Nguyện, Nguyễn Đình Thu, Thích nữ Từ Phương, Hạnh Tâm, Lê Thị Xuyên, Nguyễn Hồng Mơ, Phát Từ, Nguyễn Hồng Mơ, Lê Thị Xuyên, Thích nữ Vạn Dung, Hoan Liên Mỹ, Thích nữ Nhuận Ân, Như Đạo, Nguyên Hương, Đỗ Duy Hoàng, Khánh Linh, Đức Thành, Nguyện Pháp, Trần Đăng Huy, Thanh Vân, …

Hiện tại, Ban Tổ chức đã chọn đăng một số bài trên Giác Ngộ online, và tiếp tục chọn đăng những bài khác trên hai ấn phẩm (tuần báo và Giác Ngộ online), nên bạn đọc đã gửi bài dự thi hoan hỷ chờ đợi.

Nhân đây, Ban Tổ chức nhắc lại một vài thể lệ viết về chủ đề “Bến bờ nhân gian” lần thứ nhất. Đó có thể là câu chuyện của chính mình dưới dạng tự kể hoặc thể hiện dưới hình thức ký sự nhân vật mà bạn gặp, có hiểu, cảm được việc hiếu nghĩa của họ - gửi về cho chúng tôi, để cùng khơi gợi lên lòng hiếu, tâm hiếu trong mỗi người, chung tay sống thiện lành, bắt đầu bằng việc thực tập hạnh hiếu.

* Bài viết bằng tiếng Việt, gửi qua email. Mỗi người có thể viết gửi nhiều bài.

* Độ dài: 900 - 1.600 chữ, có hình ảnh của người trong câu chuyện (nếu là ký nhân vật) và khuyến khích có hình ảnh trong những câu chuyện thật của mình

* Tiêu chí: Người thật, chuyện thật xúc động của chính người dự thi hoặc của nhân vật về lòng hiếu, tình cảm gia đình, thầy trò gây xúc động, đem đến cảm hứng sống thiện lành, hướng thượng. Lưu ý: bài chưa đăng báo nào và cả mạng xã hội.

Giác Ngộ tiếp tục chào đón bài viết của bạn đọc qua email: onlinegiacngo@gmail.com. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã tham gia.

Ban Tổ chức

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày