Trung thu ngày ấy

Vậy là một mùa Trung thu nữa lại về! Với tôi, cảm giác được ăn miếng bánh trung thu đầu tiên trong đời thật ngon, thật ý nghĩa, đồng thời nó còn là một kỷ niệm không thể nào quên. Kỷ niệm của tuổi trẻ dại khờ, của cái nghèo, của cuộc sống thôn quê chậm chạp...

Hơn 20 năm trước, quê tôi - một vùng đồng bằng chiêm trũng xứ Nghệ nghèo lắm. Chuyện thiếu ăn những ngày giáp hạt là chuyện của cả làng chứ không chỉ riêng của nhà ai cả. Những nhà không phải chạy ăn vào ngày giáp hạt được xem là "giàu". Mặc dù bố mẹ tôi là cán bộ, công nhân viên chức của nhà nước nhưng gia đình tôi cũng thuộc diện chạy ăn mùa giáp hạt. Mùa Trung thu đến, lũ trẻ chúng tôi ngồi lại, chẻ tre và tìm những chiếc giấy bóng (giấy kiếng) màu để làm lồng đèn. Cứ như thế chúng tôi cũng có lồng đèn để đón Trung thu cùng những đứa trẻ khác trên khắp cả nước. Mâm cỗ trung thu của mấy chị em tôi là vài bát lạc luộc, mấy chiếc kẹo kéo. Năm nào "hoành tráng" lắm thì có thêm mấy phong kẹo lạc. Những chiếc đầu trẻ chụm lại "phá" cỗ xong rồi xách lồng đèn chạy khắp xóm. Trung thu của chúng tôi như vậy đó: nghèo, đơn giản nhưng mà rất vui!

ayngaytrungthu.gif

Rồi một ngày, chị em chúng tôi cũng đang chuẩn bị đón một mùa Trung thu nữa thì bố tôi xuất hiện, trên tay bố xách thêm một chiếc hộp có màu sắc sặc sỡ. Thì ra trong chuyến công tác ở Hà Nội, sau khi kết thúc cuộc họp, mỗi người được tặng một hộp bánh trung thu. Sau này tôi mới biết, để mang hộp bánh trung thu về kịp ngày rằm tháng Tám, bố đã phải hy sinh 2 ngày tham quan Hà Nội theo lịch của chuyến công tác. Vậy là mâm cỗ trung thu của chị em tôi năm đó "sang trọng" nhất trong xóm. Hộp bánh được in "biểu tượng" chiếc lồng đèn màu đỏ xen lẫn với những chữ Tàu trông rất đẹp mắt. Khi cắt bánh ra ăn, thấy trong hộp bánh có một gói nhỏ có in dòng chữ "Tây", chúng tôi nghĩ đó là gói "gia vị" để ăn kèm với bánh. Và gói nhỏ đó được chị em tôi cắt ra dùng để chấm bánh ăn một cách ngon lành. Lúc chúng tôi đang thưởng thức vị ngon của của miếng bánh trung thu đầu tiên trong đời thì chú tôi (lúc đó là sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội) đến. Chú nhìn kỹ hộp bánh, thấy trên gói nhỏ có chữ "Do not eat" (không được ăn) chú mới giải thích cho chúng tôi biết gói nhỏ đó có tác dụng chống ẩm, mốc cho bánh. Vì thuốc chống ẩm có những tác hại nhất định đối với sức khỏe của con người nên người ta mới cảnh báo là "không được ăn". Hết hồn! May mà chú tôi phát hiện kịp thời.

Bây giờ, bánh trung thu không còn xa lạ với mọi người nữa. Trung thu cũng không chỉ dành riêng cho trẻ con nữa mà nó là dịp để mọi người thể hiện tình cảm với nhau. Con mua bánh trung thu biếu cha mẹ, trò mang bánh trung thu biếu thầy cô, bạn bè tặng nhau chiếc bánh trung thu… để tỏ lòng kính yêu, quý mến nhau. Nhiều khi, thấy người ta đã "lợi dụng" mùa Trung thu với những chiếc bánh bạc triệu để biếu xén mà lòng cảm thấy buồn buồn. Bây giờ, tôi đã là người bố của một đứa con trai 8 tuổi. Từ ngày có cháu, năm nào vợ chồng tôi cũng mua cho con chiếc lồng đèn xinh xắn và mấy chiếc bánh trung thu làm "cỗ" liên hoan.

Rằm tháng Tám đang đến gần. Khắp nơi, những đứa trẻ đang háo hức chào đón Trung thu. Chỉ mong rằng, trong ngày này, những chiếc bánh trung thu sẽ mang lại cảm giác thật ngon, vui vẻ, nhiều ý nghĩa và hạnh phúc cho mọi người như miếng bánh trung thu đầu đời của tôi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện về Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày