TT.Thích Nhật Từ lý giải nguyên nhân của tự tử

TT.Thích Nhật Từ - Ảnh: Bảo Toàn
TT.Thích Nhật Từ - Ảnh: Bảo Toàn

GN - Sự sống là một tặng phẩm quý giá. TT.Thích Nhật Từ, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM, Phó Viện trưởng Học viện PGVN TP.HCM đã nói với PV Giác Ngộ như vậy nhân đọc bài “Khi người ta... chán sống” trên Giác Ngộ số 855.

Thượng tọa chia sẻ thêm rằng: “Nếu ta tự tử là đã phạm tội bất hiếu rất lớn đối với ông bà, cha mẹ, tổ tiên, ta phạm tội khước từ quyền được sống với tư cách là một con người”.

* Thưa Thượng tọa, hình như trong cuộc sống hiện đại, nhiều người... chán sống, điều đó thể hiện qua dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới - đây sẽ là nguyên nhân cao hàng đầu trong các loại tử vong...

- Hiện tượng tự chết có 4 nguyên nhân chính, thứ nhất là do sự tác động bởi mặt trái của truyền thông. Ngày xưa người ta bế tắc, tự tử, thông tin đó chỉ được biết trong một phạm vi nhỏ, nhưng bây giờ trong tích tắc - những khổ đau, tiêu cực, mọi mặt trái của cuộc đời nhan nhản trên truyền thông - làm cho người ta bị dẫn dắt bởi nguồn tin xấu đó và khi bị bế tắc bởi khổ đau của mình thì liền bị những thông tin ấy làm cho họ trầm cảm nhiều hơn, dẫn đến tự tử.

Thứ hai là cuộc sống hiện đại ngày nay thôi thúc con người phải đấu tranh, phải làm lụng kiệt sức vì cơm áo, hệ quả là làm cho con người bị căng thẳng thường trực, những căng thẳng đó khiến con người dễ rơi vào trầm cảm và bế tắc.

Thứ ba là xã hội hiện đại với hệ thống luật pháp đề cao tính riêng tư nhiều quá, chủ nghĩa cá nhân được cổ xúy nên khi dòng cảm xúc tiêu cực tới, mỗi người nghĩ mình không cần phải chia sẻ với ai, nhờ vả ai, mình phải giấu thông tin này, cắn răng chịu đựng một cách mòn mỏi và cuối cùng, rơi vào ngõ cụt, dẫn đến tự tử.

Và cuối cùng là những so sánh tiêu cực nảy sinh trong quá trình sống, theo đó, trong mối quan hệ xã hội hoàn cảnh sống gia đình mình lại mang so sánh với gia đình khác, kỳ vọng của bản thân mình so sánh với đối tượng khác, gia đình người khác. Điều đó khiến cho bản thân mình có những thất vọng lớn, trong khi người khác có những thuận lợi hơn, tự nhiên cảm thấy cuộc đời mình trở nên vô vị, buồn chán cô đơn, muốn trốn tránh, muốn giải phóng nó. Ở mức độ này người ta thường cường điệu hóa nỗi buồn nho nhỏ của bản thân, tạo thành sức nặng tâm lý tới quá sức chịu đựng - dẫn đến ý nghĩ tiêu cực…

Đó là 4 nguyên nhân thuộc về về nhận thức và tâm lý. Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác như theo thống kê xã hội học đã nêu rõ, thường là những bất như ý đến với nạn nhân một cách bất ngờ, như thất tình, phá sản… tạo ra những tác động mạnh, sang chấn tâm lý - sốc.

Nếu không phân tích được những điều này, tìm ra những manh mối để giúp cho người có ý định tự tử thoát ra khỏi nó - từ con đường nâng cao nhận thức, làm chủ cảm xúc thì những biến cố, sang chấn tâm lý, bất ổn xã hội, khổ đau gia đình... chắc chắn trở thành “động lực” cho người ta tự tử với suy nghĩ sẽ thoát được nỗi khổ đang trải qua.

*Theo lời Phật dạy, mọi ý nghĩ, lời nói, hành vi (ý-ngữ-thân) đều vận hành theo quy luật nhân-quả (xấu hoặc tốt). Với quy luật đó, hành động tự tử được nhìn trong chiều hướng như thế nào, thưa Thượng tọa?

- Tự tử có 3 tác động xấu. Thứ nhất, người tự tử bị ngộ nhận rằng bế tắc của họ sẽ được giải quyết bằng cách đặt dấu chấm hết cuộc đời mình. Tuy nhiên, họ không ngờ rằng, trong sự tương tác giữa xã hội qua thuyết Duyên khởi của đạo Phật thì khi họ kết thúc sự sống, ngay lúc đó đã mở ra một làn sóng khổ đau khác ở người thân, ở những người có mối quan hệ gián tiếp và trực tiếp trong tương quan gia đình, xã hội và cộng đồng.

Thứ hai, về phương diện tái sinh, những người tự tử là những người bế tắc, chịu đựng không nổi khổ đau hiện tại thì những hạt giống ấy tạo thành một “dấu ấn” sâu sắc - làm cho con người đó sinh ra kiếp sau lại mang tâm lý này. Khi lớn lên mà có khó khăn gì đó họ sẽ dễ rơi vào trầm cảm, bế tắc, phiền muộn và cũng dẫn đến tự tử - nếu họ không có những nỗ lực để chuyển hóa.

Thứ ba, người tự tử “góp phần (xấu)” - tạo ra một cái khuôn cho những người sau, vì trong gia đình có một người tự tử sẽ dễ dẫn đến những người khác cũng bị trầm cảm, tạo ra một kịch bản, hệ quả na ná giống như vậy - dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng hơn, có tính lây lan. Do vậy, cái chết của họ không phải là kết thúc mà dẫn đến nhiều nỗi đau khác, rất nguy hiểm.

* Vậy theo Thượng tọa, có phương pháp nào để đối trị với ý nghĩ tự tử?

-  Để tránh tạo nghiệp tự tử thì khi thân tâm còn khỏe, an - mình phải tập luyện, để có một tâm lý vững chãi trước những khó khăn. Đầu tiên phải ngẫm trong đầu mình (Phật giáo gọi là quán) đến thuần thục ý niệm: mọi việc là chuyện nhỏ, tôi có thể giải quyết nó một cách dễ dàng, nó nằm trong tầm tay tôi, nên tôi không thấy gì là áp lực. Cách này giúp mình hạ nhiệt cảm xúc.

Thứ hai là phải tránh ba thái độ tiêu cực gồm cường điệu hóa vấn đề, quan trọng hóa vấn đề và  kỳ vọng hóa. Ba thái độ này thuộc về cảm xúc, nó giúp cho người bình thường nâng cao tính chịu đựng.

Tiếp nữa là học hỏi thêm các tấm gương vượt khó thành công, thậm chí họ còn tệ hơn mình nhưng họ đã vượt qua một cách ngoạn mục để thành công.

Và đặc biệt nữa là mình phải tâm niệm trong bất kỳ nỗ lực gì, thất bại hay trở ngại, chướng duyên, thử thách nào đi nữa cũng đều là chuyện rất bình thường, khi gặp những chuyện đó đừng cường điệu hóa nó.

Tư duy và nhận thức tích cực thì phải làm mỗi ngày để tự nó tạo ra một hệ thống miễn nhiễm.

* Tĩnh tâm trong khi đang buồn chán có thể xem là giải pháp để đối trị không, thưa Thượng tọa?

- Những người chọn tự tử khi gặp bất như ý như thất tình, mất ý nghĩa của cuộc sống, thất nghiệp, ghen tuông... thì họ không thấy cuộc sống này đẹp nữa nên khả năng tự nỗ lực để chuyển hóa bản thân là rất khó.

Ngay lúc đó, họ không muốn nói chuyện, không muốn tiếp xúc, mà nếu suốt ngày kêu họ niệm Phật, ngồi thiền thì sẽ không phù hợp. Có thể uyển chuyển, sử dụng kết hợp giữa thực tập tĩnh tâm còn có lao động tay chân, thể dục thể thao, tương tác xã hội, thiện nguyện… Qua đó, đối tượng bị trầm cảm có những thay đổi nhận thức từ bên trong.

Ngoài ra, mỗi khi thấy bản thân buồn chán, trầm cảm nên tìm gặp các nhà tư vấn tâm lý, quý thầy, sư cô có kinh nghiệm về vấn đề này để nhờ tư vấn giúp đỡ vượt qua hoặc chia sẻ với bạn bè, người mình tin tưởng để có một cái thấy rõ ràng và biết trân quý cuộc sống hơn.

* Cảm ơn Thượng tọa!

Như Danh thực hiện

Thiền Vipassana chữa đau khổ

... Chúng ta hãy nhìn rõ những xã hội trên thế giới được gọi là “văn minh hiện đại”. Mặc dầu phát triển tối đa về phương diện học vấn, sức khỏe và kỹ thuật, nhưng họ lại đang rơi vào tình trạng khủng hoảng do bệnh tâm thần, nghiện ngập, tự tử, phạm pháp và tội ác đang gia tăng... Một xã hội được hình thành bằng những phần tử cá nhân, mỗi một cá nhân trong xã hội hiện đại không ít thì nhiều, là nạn nhân của sự căng thẳng và lo lắng.

Mỗi một phút giây trong cuộc sống của họ là sự giằng co giữa vật chất và tinh thần. Xã hội vật chất đã thôi miên con người, làm cho con người chỉ biết bỏ thời gian để làm ra tiền và tiêu tiền.

Con người trở thành nô lệ cho những dục vọng của chính mình; nói cho văn hoa hơn là con người có hoài bão, nguyện vọng, mục đích và lý tưởng. Những thứ này ít khi nào ta được đầy đủ, bởi vì chúng là nguyên nhân tạo ra những thất vọng, buồn khổ và bất mãn; cho dù ta “có” hay “không có”.

Do đó, đau khổ là một vấn đề chung của con người. Đau khổ không dành riêng cho một đất nước nào, một dân tộc nào, hay một đoàn thể riêng biệt nào, mà là cho tất cả những ai có mặt trên trái đất này. Vì đau khổ là một “bệnh” chung cho nhân loại nên “thuốc trị” cũng chỉ có một thôi, đó là thiền Vipassana.

USHA MODAK
(Mỹ Thanh dịch)


Câu chuyện “dì dại” của bạn

Đó là câu chuyện mà bạn tôi kể, cứ mỗi năm tới ngày giỗ dì, má bạn lại nghẹn ngào... mắng dì Út là “dì dại”. Dì đã chọn cái chết chỉ vì lỡ dở tình duyên. Cái chết bất ngờ, cay đắng bằng thuốc trừ sâu khiến ông bà ngoại bạn suy sụp hoàn toàn. Cả hai người thương dì Út nhất, vì dì là con út, lại hiền, giỏi giang, quán xuyến việc ngoài, việc trong, đỡ đần ông bà.

Bạn bảo, sau đó, ông bà ngoại yếu dần đi rồi lần lượt mất không lâu sau cái chết của dì. Má bạn bảo, dì tự tử là bi kịch gia đình, là gián tiếp giết chết ông bà ngoại bạn, vì thế cả nhà mỗi khi làm giỗ cho dì lại như thấy cảnh đau lòng hiện về, không thể nào yên được dù có gửi dì vào chùa, có nhắn nhủ hương linh ông bà ngoại bạn hãy yên lòng, tha thứ, nương tựa Tam bảo mà hóa giải mọi khúc mắc trong lòng.

Riêng bạn thì luôn ý thức được rằng, không phải ai cũng có thể ngộ được dễ dàng, không phải ai cũng hiểu được mà thôi nghĩ về và ngừng ám ảnh việc người thân mình chọn cái chết, dẫu phát xuất từ nguyên nhân nào...

Quang Minh

 ______________

* Trang Phật giáo - Tuổi trẻ mời bạn chia sẻ những ý tưởng và kinh nghiệm vượt qua nỗi khổ niềm đau mà bạn đã làm được, để cùng chung tay xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn - dẫu mỗi người, mỗi ngày vẫn đang phải trải qua những khó khăn, nhiều khi là những bế tắc tưởng chừng không thể vượt qua. Ý kiến xin hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày