1. Thầy Thích Quảng Kỉnh, xuất gia tại tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang (Triệu Phong, Quảng Trị), tu học ở đây được một năm thì thầy được gửi vô tu viện Giác Hải (Khánh Hòa) và trở thành đệ tử của HT.Thích Tịnh Diệu. Sau bốn năm học ở chùa thầy vào học Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa. Sau khi học xong thầy thi vào Học viện Phật giáo Việt
ĐĐ.Thích Quảng Kỉnh - Ảnh: NTD
Bí quyết học của thầy là: “Luôn luôn tìm tòi cái mới, hằng ngày thầy thường đọc sách báo còn những vấn đề liên quan đến việc học thầy tìm hiểu qua mạng hoặc sách vở. Vì thế mà trước ngày thi thầy thường không học mà nghỉ ngơi, vào phòng thi thầy luôn thoải mái không bị áp lực và thầy cho rằng quan trọng là mình phải huân tập hằng ngày”.
Thầy học ở học viện vì “muốn trang bị đủ kiến thức và kỹ năng để phụng sự nhưng sẽ tùy duyên mình làm, phía trước còn có rất nhiều thử thách…”. Thầy cho biết sẽ cố gắng hết sức trong hiện tại cái quan trọng nhất của người tu là phải có một năng lực tu tập, để có thể hoằng pháp lợi sanh.
Để có được kết quả như ngày hôm nay, thầy cho rằng đó là nhờ một quá trình học chuyên cần khi còn làm điệu và cũng là nhờ đến tất cả những nhân duyên lành đã hỗ trợ cho thầy như ba mẹ, thầy tổ, thầy giáo thọ, ân nhân… Đặc biệt thầy nhắc đến cố sư huynh Thích Quảng Hạnh, trong lúc chấp tác sư huynh có những câu chuyện rất ý nghĩa, giúp thầy có con đường đi đúng đắn, vững chãi.
Cách mà thầy thư giản sau những giờ học căng thẳng là “thường quay trở lại quán niệm hơi thở, nói chuyện với sư huynh đệ, chơi thể thao…”. Khi biết mình đậu thủ khoa thầy cho là “mình may mắn, bởi sau khi học Trung cấp Phật học ra thầy đi học tán tụng, thầy không học theo sách mà chủ yếu là lượm lặt thông tin từ sách báo, học theo cách mình hiểu”. Thầy dự định học chuyên ngành Hán cổ bởi đây là ngành thầy được học từ lúc mới vào chùa.
Thầy là một tu sĩ trẻ thích tham gia các chương trình dành cho giới trẻ và những công tác xã hội. Với tâm nguyện sau này có thể ra làm việc với người trẻ nên thầy đã tìm hiểu nhiều về cách tổ chức chương trình, các sách về tâm lý, các mẩu truyện cười… và thầy cho rằng quan trọng phải nắm thật vững những kiến thức Phật học.
2. Còn SC.Thích nữ Liên Mẫn sinh ra ở Quế Sơn, Quảng Nam khi học hết lớp 4 thì gia đình cô chuyển vào sống tại Q.Tân Bình (TP.HCM). Thời đó, bạn bè rủ đi sinh hoạt GĐPT ở tịnh xá Ngọc Phú (Q.Tân Bình). Trong những lúc đi sinh hoạt nhìn thấy hình ảnh của quý sư cô trong chùa cô thấy thích và quyết định xin gia đình đi xuất gia, đó là một sự “tình cờ” - một nhân duyên lớn.
SC.Thích nữ Liên Mẫn - Ảnh: NTD
Khi hỏi về quá trình tu học cô cho biết mình là người may mắn bởi lẽ thầy tổ lúc nào cũng tạo mọi điều kiện để cô tu học cả về vật chất lẫn tinh thần, sư huynh luôn khuyến khích sách tấn. Từ lúc học Sơ cấp Phật học Tân Bình ở chùa Giác Lâm, rồi học Trung cấp Phật học TP.HCM tại Thủ Đức, lớp Phiên dịch Hán Nôm tại chùa Huệ Quang... cô đều gặp thầy giỏi, bạn lành.
“Muốn học tốt trước tiên mình phải học theo thứ bậc (từ sơ-trung đến cao), như thế kiến thức sẽ vững còn nếu mình nhảy ngang vào học thì rất khó, và học gì là học hết mình. Trong khi học, biết là thời gian không có nhiều nhưng cũng phải chú trọng đến các thời công phu, phải cố gắng dù không được đầy đủ”, cô Liên Mẫn chia sẻ
Khi biết được kết quả mình đạt thủ khoa “cô cảm thấy bất ngờ, nhưng nhìn lại thì đó là cả một quá trình tu học, tích lũy kiến thức, cộng thêm một chút may mắn” bởi cô chỉ học được trong vòng có nửa tháng do trước ngày thi mấy hôm, cô phải thi tốt nghiệp bên lớp dịch Hán Nôm.
Chia sẻ cách học để đạt điểm cao, cô nói “mình học đi theo hệ thống, nắm vững căn bản sau đó mình dành nhiều thời gian cho việc học. Quan trọng mình học phải có mục đích, phải biết mình học để làm gì? Điều đó sẽ sách tấn mình học tốt. Cũng giống như tu vậy, nếu mình biết tu là để giải thoát thì mình sẽ không quên chuyện tu”.
Ngành mà cô muốn theo học tại học viện là chuyên ngành Hoa văn Phật pháp, cô mong muốn mình sẽ học thật tốt hết sức có thể nếu có đủ điều kiện thì sẽ đi du học. “Kiến thức rất quan trọng trong thời đại ngày nay bởi các Phật tử trình độ ngày càng cao vì thế mình phải trau dồi rất nhiều. Học xong tôi mong muốn về một vùng khó khăn nào đó để phụng sự”, cô chia sẻ.