Sáng đầu tuần, tôi lên đường về một tỉnh miền đông mang theo nỗi ám ảnh về hình ảnh những đoạn kè Gành Hào nứt toác do bị sóng lớn đánh, xoáy sâu gây hư hỏng và nước biển tràn vào nhà dân. Triều cường cùng sóng to, gió lớn gây sạt lở nghiêm trọng cả đoạn đê dài, cả huyện báo động đỏ chờ ứng cứu.
Sáng thứ hai tôi cũng quan tâm một sự kiện mà đông đảo người yêu điện ảnh hồi hộp theo dõi, sự kiện này quan trọng mà chẳng ăn nhập gì chuyện sạt lở bờ kè Gành Hào: liệu chàng tài tử tài hoa, đáng nể phục Leonardo Dicaprio có giành được tượng vàng Oscar sau 21 năm thất bại, trượt giải đến 5 lần đề cử.
Có mấy người dân đô thị Việt Nam biết và quan tâm đến thực trạng“biến đổi khi hậu”? Dù mấy từ khô khan đó chắc chắn ảnh hưởng, làm thay đổi chính mâm cơm, cuộc sống họ và cả nền kinh tế đất nước. Mấy người biết rằng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nơi tạo ra 40% GDP nông nghiệp cả nước, 50% sản lượng lương thực vùng, 70% thủy sản, đang là điểm nóng quan tâm của giới chuyên gia về môi trường, nông nghiệp, kinh tế trên thế giới vì là nơi chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất của khu vực Đông Nam Á cả về sinh thái, hệ canh tác và cơ cấu xã hội.
Từ 6 năm trước, năm 2009, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam đã công bố đánh giá, nước mặn ở mức 10-40 phần ngàn đã xâm nhập sâu vào ĐBSCL từ 50-70 km. 62 dự án ứng phó biến đổi khí hậu do chính phủ đưa ra, có 17 dành cho ĐBSCL để củng cố nâng cấp hệ thống kè sông, kè biển, hệ thống cung cấp nước ngọt những vùng khô hạn nhiễm nặng.
Còn bây giờ, tháng 2/2016, cả ĐBSCL đã và đang bị hạn, xâm nhập mặn kỷ lục nhất so 100 năm qua. Nước mặn vào sâu 70 km và độ mặn gấp 8 lần tiêu chuẩn. Từ khu vực sông Vàm Cỏ cho đến sông Tiền, sông Hậu, rồi khu vực biển Tây, nước mặn vào sâu từ 30-50 km, độ mặn đến 8g/lít. Cà Mau có 18.400 ha lúa và tôm bị thiệt hại, lúa chết hoàn toàn. Kiên Giang, hơn 36.000 ha lúa mùa, lúa đông xuân bị nhiễm sâu bệnh, thiệt hại do biến đổi khí hậu. Tiền Giang, nước mặn xâm nhập 50 km. Bến Tre, 1.300 ha lúa đông xuân ở 2 huyện Ba Tri, Bình Đại bị nhiễm mặn kỷ lục nhất so 100 năm qua ở tỉnh này.Và nguy hiểm nhất, Gành Hào, Gành Hào thân thương của tôi, nơi tôi đã đến 4 lần trong 4 phiên chợ nông thôn gần đây, được người dân hiền hòa đón nhận chân tình và nhiều đêm, họ cùng chúng tôi ngồi ca vọng cổ và cùng hát rỉ rả Đêm Gành Hào nhớ điệu Hoài Lang.
Tình hình nguy cấp do biến đổi khí hậu đang diễn biến nhanh, nghiêm trọng, cấp bách như nhưng đợt sóng lớn cùng triền cường điên cuồng quật ngã mọi vách đá, bờ đè, công trình con người tự bảo vệ.
12h sáng, nghe tin Leo giành được tượng vàng! Wow, xứng đáng và thật cảm động! Một tình yêu nghề nghiệp kiên trì bền bỉ đến khó tin cuối cùng cũng chiến thắng. Câu chuyện anh kể trong phim The Revenant (Người về từ cõi chết) cũng là chuyện khá thời thượng, về sự chiến đấu sinh tồn của con người trước thiên nhiên khắc nghiệt.
Phim quay tại Bắc Canada, âm 30 độ C, trong vùng không có ánh sáng, dàn diễn viên bỏ cuộc dần dần... Anh phải để râu dài suốt một mùa hè cho giống dân vùng băng tuyết, đeo đuổi 9 tháng trong rừng sâu, phải bơi trong dòng sông băng, ngủ trong xác động vật chết, phải trực tiếp ăn gan bò rừng sống.
Anh kể, đạo diễn muốn anh phải ăn thật để diển tả phản ứng tự nhiên, thật nhất, như là phản ứng bản năng vậy. Có những cảnh hoàn toàn sửng sốt và gây sốc giống như các nhà thám hiểm quay phim tài liệu. Chiến đấu với một con gấu, Leo nói, cảnh này phải chịu rất đau đớn, là cảnh khó khăn nhất suốt cuộc đời diễn xuất, một trải nghiệm mà khán giả không thể tưởng tượng nổi khi đối mặt một động vật khổng lồ cực kỳ hoang dã.
Và kỳ lạ thay, ở một phương trời khác, bối cảnh hoàn toàn khác, khi nhận tượng vàng, ai ngờ anh lại phát biểu về... biến đổi khí hậu: “The Revenant là bộ phim nói về sự liên kết của con người với thiên nhiên, là sản phẩm từ sự hy sinh không mệt mỏi của dàn diễn viên và đội ngũ sản xuất tuyệt vời. Chiến thắng này là cơ hội quan trọng để mọi người chú ý nhiều hơn đến tình trạng biến đổi khí hậu và thúc đẩy hành động của chính chúng ta.
Chúng ta đều cảm nhận được năm 2015 là năm nóng nhất trong lịch sử trái đất. Đoàn làm phim đã phải lặn lội tới Nam Cực để quay cảnh tuyết.
Biến đổi khí hậu là một vấn đề có thật. Nó đang diễn ra ngay lúc này. Đó là mối đe dọa ngay trước mắt mà loài người phải đối mặt. Và chúng ta cần phải cùng nhau tìm cách ngăn chặn mối hiểm họa này, không thể tiếp tục trì hoãn nữa.
Chúng ta cần phải ủng hộ những người đang tiên phong trên khắp thế giới. Đang có hàng tỷ số phận khốn khó ngoài kia. Những người sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, đời này và cả cho con cháu chúng ta, và cho những tiếng nói bị lu mờ bởi các mục đích chính trị tham lam.
Tất cả chúng ta, xin đừng coi nhẹ an nguy của hành tinh này, bởi chính bản thân tôi cũng không coi nhẹ thành tựu đã đạt được hôm nay”.
Vậy đó, đó là những gì anh đã “học thuộc” 21 năm, vì đã nhiều lần chuẩn bị rồi... out. 21 năm chiến đấu cho sự công nhận nghề nghiệp cao nhất. Anh lại lấy giải thưởng làm cơ hội kêu gọi chiến đấu tiếp cho hàng tỉ số phận khốn khó đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Nỗi lo của Leo, và nỗi bức bối cho sự an nguy của hàng vạn người đang sóng dập gió vùi bên trong bờ kè sạt lỡ Gành Hào.
Tượng vàng Oscar của Leo, như anh nói, là thành tựu của lòng hy sinh cao cả vì nghề nghiệp của đoàn phim, là sự trải nghiệm đến thành bản năng của anh, người nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật để cứu hành tinh này trước thảm họa BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU.
Phải chăng cần phải hiểu sâu, phải trải nghiệm để hiểu nỗi khốn khó của bà con mình ở đồng bằng sông Cửu Long, và nhiều vùng đất nước? Chúng ta cũng làm được, nếu quan tâm đúng mức. Các nhà báo, các tác giả, nhà làm phim, các diễn viên làm sao truyền sự đồng cảm sâu sắc nhất đến mỗi đồng bào mình bằng sự tự trải nghiệm thực tế đang diễn ra khốc liệt từng ngày. Hiểu, chia sẻ, trải nghiệm và chung tay thích ứng, cứu giúp đồng bằng sông Cửu Long, các vùng đất tươi đẹp của đất nước đang chết vì thiên tai, thiếu nước, nhiễm mặn...
Leo ở xa mà gần như đang sống trong chính những giây phút sống này của chúng ta. Lời kêu gọi và trải nghiệm của anh sao nghe như anh đang nói chuyện Gành Hào, Hòn Đất, Cà Mau... vậy.
Nhà báo Kim Hạnh