Tu niệm đúng Chánh pháp sẽ chuyển hóa nghiệp chướng

Tu niệm đúng Chánh pháp sẽ chuyển hóa nghiệp chướng
Giác Ngộ - HỎI: Hiện mỗi tối tôi đều tụng kinh Nhật tụng, lễ Phật xong tôi trì niệm chú Đại Bi 21biến, tụng kinh Dược Sư, niệm danh hiệu A Di Đà Phật 108 lần. Tôi mong muốn được chỉ dẫn thêm để tu niệm đúng Chánh pháp nhằm vượt qua nghiệp chướng và khổ nạn của bản thân.
(MẠC TRÚC ĐIỀN, saigont4@yahoo.com.vn)

ĐÁP:

Bạn Mạc Trúc Điền thân mến!

Dựa theo kinh Nhật tụng để hành trì tụng niệm hàng ngày, có thể nói là bạn đã tu tập đúng Chánh pháp. Tuy nhiên, bạn cần chọn kinh Nhật tụng tiếng Việt để trì tụng, không nên dùng kinh phiên âm Hán-Việt, vì không hiểu nghĩa.

Trong quá trình tụng kinh, niệm Phật bạn phải phát khởi tâm nguyện chí thành, tha thiết, giữ ba nghiệp thân khẩu và ý trang nghiêm thanh tịnh. Sau mỗi thời khóa tu niệm, bạn cảm nhận được sự gia hộ của Tam bảo, lòng tin Phật pháp của bạn kiên cố bất động, thân tâm thảnh thơi và nhẹ nhàng hơn. Bạn nên niệm danh hiệu Phật A Di Đà mọi lúc mọi nơi trong đời sống hàng ngày, giữ tâm chánh niệm với hồng danh Phật và lập thệ nguyện vãng sanh Cực lạc.

Để vượt qua nghiệp chướng và khổ nạn của bản thân trong hiện tại, bạn cần phải nỗ lực tu tập thật nhiều, nhất là siêng năng lễ Phật sám hối để diệt tiêu tội chướng, tăng trưởng phước đức. Hẳn bạn biết câu kinh: “Tội từ tâm khởi đem tâm sám/Tâm được tịnh rồi tội liền tiêu”. Cho nên, sự tu niệm hàng ngày phải hướng đến để thành tựu tịnh tâm, nhất tâm, và nhất là thăng hoa tuệ giác.

Trong sự bình yên và tĩnh lặng của thân tâm, tuệ giác phát khởi và bạn sẽ có một quan kiến mới lạc quan hơn về cuộc sống. Một người tu có thể không làm thay đổi một số khuyết tật của thân thể (vì nghiệp đã định hình-trỗ quả trong hiện tại) nhưng hoàn toàn có thể thay đổi nhận thức về cuộc sống cũng như những mặc cảm tự ti về khiếm khuyết và khổ đau của bản thân mình.

Với tuệ giác là hoa trái của chánh niệm, của công phu tu tập, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận hoàn cảnh hiện tại vì đó là nghiệp của chính mình. Không oán thán, trách móc ai cả mà ngược lại biết chấp nhận và nỗ lực tu học để chuyển hóa. Nghiệp do mình tạo ra thì cũng do chính mình chuyển hóa để thăng hoa. Không ai có thể làm thay việc đó cho mình, ngoại trừ sự cố gắng của chính mình.

Tinh tấn tu niệm và quán chiếu như vậy, lâu ngày bạn sẽ tháo gỡ được những vướng mắc và gặt hái được nhiều phước quả an lạc trong đời sống.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

Bia tháp Hòa thượng Ẩn Sơn Long Thiền

NSGN - Hòa thượng Ẩn Sơn có pháp húy là Thành Nhạc, thuộc đời 34 Thiền phái Lâm Tế, theo kệ phái Đạo Mân Mộc Trần. Hòa thượng là vị Tổ khai sơn chùa Long Thiền, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Học giới cho ngài là đệ tử của Hòa thượng Nguyên Thiều Thọ Tông (1648-1728).
Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày