Về xá-lợi của Đức Phật sẽ được thỉnh sang Việt Nam trong Đại lễ Vesak 2025

Chiêm bái xá-lợi Đức Phật tại Bảo tàng Quốc gia New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: Quảng Điền/BGN
Chiêm bái xá-lợi Đức Phật tại Bảo tàng Quốc gia New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: Quảng Điền/BGN
0:00 / 0:00
0:00

GNO - Tôi được biết thông tin Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 do Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đồng tổ chức, diễn ra từ ngày 6 đến 8-5-2025, ở Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, có tôn trí xá-lợi của Đức Phật được cung thỉnh từ Ấn Độ, cho các đại biểu và người dân chiêm bái. Xin quý Báo cho biết về nguồn gốc của xá-lợi này?

(NĂNG NGUYỄN, ngvnang…@gmail.com)

Bạn Năng Nguyễn thân mến!

Ảnh: Quảng Điền
Ảnh: Quảng Điền

Theo nội dung Phiên họp thứ hai giữa ICDV và GHPGVN vào ngày 26-2, tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM thì hiện “Chính phủ đang xem xét chấp thuận việc GHPGVN tổ chức rước xá-lợi Đức Phật từ Ấn Độ về tôn trí trong khuôn khổ Đại lễ để Tăng Ni, Phật tử chiêm bái”. Như vậy, nếu được Chính phủ Việt Nam chấp thuận, Chính phủ Ấn Độ cho phép, Ban Tổ chức sẽ cung thỉnh xá-lợi Đức Phật Thích Ca, quốc bảo của Ấn Độ, hiện tôn trí tại Bảo tàng Quốc gia New Delhi về tôn trí tại Đại lễ.

Về xá-lợi Đức Phật Thích Ca, hiện có thể phân thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất, cực hiếm, do các nhà khảo cổ tìm thấy tại Ấn Độ, được đối chiếu với kinh/sử Phật giáo và các giám định khoa học chính xác; có thể gọi xá-lợi thật của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nhóm thứ hai, hầu hết các loại xá-lợi Phật lưu truyền trong dân gian, chưa được khoa học nghiên cứu và giám định.

Theo kinh Trường bộ (kinh Ðại Bát-Niết-bàn, số 16), sau khi trà-tỳ nhục thân Đức Phật, xá-lợi được chia thành tám phần, bao gồm: 1-Vua nước Magadha tên là Ajātasattu ở Vương Xá, 2-Những người Licchavi ở Vesāli. 3-Những người Sakya ở Kapilavatthu. 4-Những người Buli ở Allakappa. 5-Những người Koli ở Rāmagama. 6-Bà-la-môn Vethadīpaka ở Vethadīpa. 7-Những người Mallā ở Pāvā. 8-Những người Māllā ở Kusinārā. Những người hay bộ tộc được nhận xá-lợi Phật đều đưa về xứ sở của họ xây tháp phụng thờ.

Trải qua thời gian dài với nhiều biến động lịch sử, Phật giáo suy tàn, gần như bị xóa sổ khỏi Ấn Độ. Các Thánh tích Phật giáo bị chiến tranh và thời gian tàn phá nặng nề. Có những giai đoạn người dân Ấn Độ gần như không biết đến đạo Phật. Ngay cả Đức Phật cũng được giới thiệu như vị thần linh của Ấn giáo, không phải nhân vật lịch sử.

Đến năm 1898, nhà khảo cổ học người Anh William Claxton Peppe đã khai quật và phát hiện ra xá-lợi Phật từ nền móng của một phế tích tại làng Piprahwa, thuộc huyện Siddharth Nagar, bang Uttar Pradesh (Cộng hòa Ấn Độ). Nhờ vào việc giải mã các ký tự trên nắp bình xá-lợi, các nhà khảo cổ đã xác định đây chính là xá-lợi thật của Đức Phật Thích Ca, phần xá-lợi Phật xưa kia được chia cho bộ tộc Sakya ở Kapilavatthu xây tháp phụng thờ.

Phát hiện bình xá-lợi Phật tại Piprahwa đã chứng minh Đức Phật Thích Ca là nhân vật lịch sử, phá tan những hoài nghi trước đó rằng Ngài có thể là nhân vật huyền thoại. Hiện xá-lợi Phật Thích Ca được tôn vinh là quốc bảo của Ấn Độ, tôn trí trang trọng và bảo vệ cẩn mật tại Bảo tàng Quốc gia New Delhi.

Theo các nhà nghiên cứu, trong tám phần xá-lợi Phật Thích Ca được phân chia và xây tháp phụng thờ tại Ấn Độ, hiện các nhà khảo cổ đã phát hiện được hai di chỉ có xá-lợi của Đức Phật. Một là xá-lợi Phật hiện tôn trí tại Bảo tàng Quốc gia New Delhi (do bộ tộc Sakya ở Kapilavatthu phụng thờ) khai quật tại Piprahwa. Hai là xá-lợi Phật được tôn trí tại Bảo tàng Patna (do những người Licchavi ở Vesāli phụng thờ), tìm thấy tại Vesāli.

Cũng cần nói thêm về thành cổ Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) của bộ tộc Sakya, quê hương Đức Phật. Hiện các nhà khảo cổ xác định nằm tại ngôi làng Tilaurakot, thuộc huyện Kapilvastu, Nepal ngày nay. Trong khi một số nhà khảo cổ khác lại cho rằng thành Ca-tỳ-la-vệ cổ nằm tại làng Piprahwa, thuộc huyện Siddharth Nagar, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ ngày nay. Đây là vấn đề của các nhà khảo cổ, nghiên cứu lịch sử trong việc xác định di tích Kapilavatthu, nhưng xá-lợi Phật khai quật năm 1898 tại làng Piprahwa chính là xá-lợi thật của Đức Phật Thích Ca.

Chúc bạn tinh tấn!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Thiện Tấn trao quyết định bổ nhiệm trụ trì chùa Lại An đến Sư cô Thích nữ Viên Đức

Quảng Trị: Bổ nhiệm Sư cô Thích nữ Viên Đức trụ trì chùa Lại An

GNO - Sáng 13-4, được sự đồng thuận của chính quyền các cấp, thừa ủy nhiệm của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Trị, Ban Trị sự GHPGVN H.Gio Linh phối hợp với Ban Hộ tự chùa Lại An long trọng tổ chức Lễ bổ nhiệm Sư cô Thích nữ Viên Đức làm trụ trì chùa Lại An (xã Gio Mỹ).

Thông tin hàng ngày