Vụ việc kéo dài gần 3 năm, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt và từ đó phát sinh nhu cầu Giáo hội cần có những chỉ dẫn trong việc quản lý, giữ gìn giáo sản.
Rắc rối xung quanh 5 cuốn sổ tiết kiệm
Sau khi Ni sư Thích nữ Huệ Tịnh tịch được 3 giờ, TT. Thích Thiện Hòa - Phó đại diện và ĐĐ.Thích Quảng Tiến - Thư ký BĐD đã thay mặt Ban Đại diện đến chuẩn bị tang lễ, đăng tin cáo phó và niêm phong 3 tủ có khóa trong chùa vì Ni sư không có đệ tử xuất gia. Sau khi hoàn tất lễ tang, ngày 9-5-2008, với sự có mặt của chư tôn đức Ban Đại diện Phật giáo Q.Tân Phú, lãnh đạo UB MTTQ phường Phú Trung, Sư cô Thích nữ Hạnh Châu là vị Ni duy nhất sống trong chùa, và bà Đỗ Ngọc Thanh, em ruột của Ni sư Huệ Tịnh, buổi mở niêm phong 3 chiếc tủ có khóa thì phát hiện có 5 quyển sổ tiết kiệm của Vietcombank mang tên Đỗ Thị Thiềng, với tổng số tiền là 138.850 USD và tiền mặt, gồm: 423 USD và 41.918.000 đồng. Toàn bộ số tài sản này được lập biên bản, Ban Đại diện Phật giáo Q.Tân Phú tạm thời được giao quản lý.
Đến ngày 26-5-2008, bà Đỗ Ngọc Thanh đã làm đơn đề nghị Ban Đại diện Phật giáo quận Tân Phú xin được nhận số tiền có trong 5 sổ tiết kiệm với lý do “theo quy định của pháp luật thì chúng tôi là những người thừa kế của bà Đỗ Thị Thiềng”. Riêng phần tiền mặt, bà Thanh đề nghị được cúng dường cho Ban Đại diện và một số chư tôn đức thành viên Ban Đại diện để “tạ ơn” đã tổ chức tang lễ cho Ni sư Thích nữ Huệ Tịnh được viên mãn.
Từ lời đề nghị này và trên cơ sở yêu cầu của Ban Đại diện Phật giáo quận Tân Phú, ngày 24-6-2008, HT. Thích Thiện Tánh, Phó ban Thường trực BTS THPG đã ký Văn bản 276/CV-THPG khẳng định, số tài sản mà Ni sư Huệ Tịnh để lại là do thập phương bá tánh tự nguyện đóng góp cúng dường để lo tu sửa chùa chiền và lo cho Tăng chúng ăn học. Từ đó, Thường trực BTS chỉ đạo sử dụng số tiền này vào các mục đích: Thanh toán chi phí tang lễ, lo tuần thất và xây tháp (nếu có yêu cầu) cho Ni sư; trùng tu lại chùa Thiên Chánh cho chắc chắn và khang trang hơn; trợ giúp hoặc tặng 1 căn nhà (30 triệu trở xuống) giúp gia đình bà Thanh nếu thật sự khó khăn và có xác nhận của địa phương; đóng góp vào công tác từ thiện…
Tuy nhiên sau đó, có thông tin từ chính quyền địa phương, đại diện gia đình Ni sư Huệ Tịnh đã chủ động, trực tiếp đến Ngân hàng Vietcombank xin được rút tiền, Thường trực Thành hội và UBND quận Tân Phú trong các ngày 9 và 12-1-2009, đã liên tiếp gởi các công văn đề nghị ngân hàng niêm phong tài sản đang được Ni sư gởi tiết kiệm, cho đến khi chùa Thiên Chánh được bổ nhiệm trụ trì mới sẽ sử dụng vào các công việc như vừa nêu.
Từ kết quả này, gia đình bà Thanh đã khởi kiện ra TAND quận Tân Phú để tranh chấp quyền sở hữu tài sản 5 quyển sổ tiết kiệm nói trên và kéo dài đến hôm nay sau nhiều lần hòa giải không thành.
Cần có biện pháp giữ gìn giáo sản
Khi vụ việc được công bố, nhiều chuyên gia pháp lý đã căn cứ vào Khoản 2, Điều 15 Bộ Luật Dân sự năm 2005 quy định, cá nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự như quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản để khẳng định đây là tài sản riêng của Ni sư Huệ Tịnh và đồng tình với việc khởi kiện của bà Thanh. Đồng thời họ cũng cho rằng, 5 cuốn sổ tiết kiệm mang tên cá nhân Ni sư ở ngân hàng là tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ, khi Ni sư mất không để lại di chúc, thì tài sản đó được gọi là di sản và được giải quyết theo quy định pháp luật thừa kế. Trong trường hợp này, gia đình bà Thanh sẽ được hưởng.
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý khác, trong đó có cả Thẩm phán Nguyễn Hoàng Đạt - Phó chánh Tòa Dân sự TAND TP.HCM thì nêu quan điểm ngược lại bởi Luật Dân sự hiện hành không có quy định riêng nào về tài sản của những người xuất gia tu hành. Nếu luật không quy định thì phải xem đến tập quán và các quy định khác.
Từ những nhận định trên, có thể thấy, vụ tranh chấp này có nhiều quan điểm trái ngược và theo cá nhân người viết, mấu chốt ở vấn đề vẫn là việc xác định lại một lần nữa nguồn gốc tài sản để từ đó, thiết nghĩ gia đình bà Thanh có nên kiện đòi và giành quyền sở hữu tài sản khi nó do công sức đóng góp của biết bao người với tâm nguyện chăm lo cho ngôi Tam bảo và vì niềm tin tôn giáo. Với ý niệm này, trong các văn bản của Thường trực Thành hội cũng như Ủy ban Nhân dân quận Tân Phú liên quan đến vụ việc mà chúng tôi xem qua đều khẳng định: “Số tiền gởi của Ni sư Thích nữ Huệ Tịnh là tiền của bá tánh thập phương đến cúng dường để trụ trì chăm lo công tác Phật sự và xây dựng, sửa chữa chùa, do đó số tiền này phải được dùng vào việc chung của chùa Thiên Chánh”, trích Công văn số 55/UBND-VX ngày 12-1-2009 của Ủy ban Nhân dân quận Tân Phú đề nghị phong tỏa tài khoản tiền gởi của Ni sư Huệ Tịnh. Cũng cần nói thêm rằng, chùa Thiên Chánh là cơ sở của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trực thuộc sự quản lý của Thành hội, được tạo lập từ 1951, Ni sư Huệ Tịnh được bổ nhiệm trụ trì năm 1998 từ sự chuyển giao của cố Ni trưởng Như Từ, vị giáo phẩm Ni mới viên tịch ngày 25-6-2003.
Đây cũng là vụ việc điển hình để Giáo hội có những hướng dẫn cụ thể về giữ gìn giáo sản chung. Điều 48 và 49, Chương XI Hiến chương GHPGVN chưa nêu chi tiết về các vấn đề này, nhưng xét cho cùng tài sản mà chư tôn đức Tăng Ni trụ trì đang quản lý, sử dụng từ sự cúng dường của đồng bào Phật tử cũng là giáo sản và cần được bảo hộ bởi pháp luật. Nên chăng, Giáo hội cần hướng dẫn cụ thể liên quan về những loại giáo sản này mà trước nhất để tránh phiền hà về sau, chư tôn đức Tăng Ni trụ trì là người thay mặt cho Giáo hội quản lý tự viện cơ sở khi xác lập quyền sở hữu tài sản nên sử dụng tên cơ sở tự viện và cá nhân chỉ là người đại diện. Về phương diện pháp lý, các cơ quan chức năng cũng có văn bản hướng dẫn thi hành Bộ Luật Dân sự 2005 cũng cần quan tâm đưa ra các quy định liên quan đến giáo sản của các tổ chức tôn giáo và tài sản mà những người đại diện tổ chức tôn giáo quản lý, sử dụng từ sự đóng góp của tín đồ, xã hội.