Từ vụ chú tiểu hoàn tục trộm xe trên truyền thông đại chúng: Bất thường và bình thường?

Từ vụ chú tiểu hoàn tục trộm xe trên truyền thông đại chúng: Bất thường và bình thường?
 Giác Ngộ - Chưa phải là phổ biến, nhưng đó đây trên các cơ quan báo chí thỉnh thoảng lại có các tin “nóng” - không phải do tính chất của sự vụ, mà do chủ thể của sự vụ đó liên quan đến Phật giáo nói riêng, tôn giáo nói chung.

Loại tin này thường bị đặt tựa rất tùy tiện, thậm chí xuyên tạc ảnh hưởng đến hình ảnh tôn giáo trong dư luận. Điều đó càng nguy hại hơn đối với đời sống xã hội hiện nay, khi mà tốc độ lan truyền thông tin như vũ bão, nhanh đến chóng mặt. 

Cái xấu cần lên án. Nhưng sự lên án cũng cần có sự trung thực, khách quan trong thông tin. Tránh những ác ý, xuyên tạc, nhất là đối với các thông tin liên hệ với tôn giáo. Vì nếu như thế, vô hình trung gieo thêm sự hoài nghi về các giá trị văn hóa, đạo đức trong các tôn giáo đích thực, tạo thêm sự khủng hoảng cho đời sống xã hội. 

Câu chuyện trong tuần kỳ này giới thiệu cùng bạn đọc một góc nhìn của tác giả Minh Thạnh, về một thông tin “nóng” xuất phát từ TP.Quy Nhơn, sau đó lan truyền trên một số tờ báo điện tử với các tựa mới, gây bức xúc trong cộng đồng Phật tử. Đó là vụ việc một thanh niên có tên là Nguyễn Thanh Lịch bị bắt vì tội trộm cắp xe máy. Nhiều chi tiết được tô đậm, nhấn mạnh để tạo thêm độ “nóng” cho thông tin chỉ vì trong lý lịch thanh niên này từng có thời ở chùa.

GN

Mục tiêu của bài viết này là nhìn nhận lại sự việc một chú tiểu hoàn tục trộm xe ở Quy Nhơn được nhiều tờ báo mạng loan tải một cách xuyên tạc, cường điệu, từ góc nhìn của lý luận truyền thông, để từ đó, nêu ra những điều cần lưu ý từ phía Phật giáo chúng ta, đối với khả năng những diễn biến như thế có thể tái diễn dưới nhiều hình thức.


Quan sát tiến trình vụ việc đã diễn ra, chúng ta thấy dường như có một sự bất thường.


Một vụ trộm xe gắn máy, thường thì bây giờ không phải là tin, vì nó không có gì đặc biệt cả. Có chăng, là một vài dòng ngắn ngủi, nếu kẻ trộm có một kỹ thuật tuyệt chiêu, hay một sự liều lĩnh đặc biệt nào đấy, để mọi người chú ý, cảnh giác.


Nhưng bản tin mà chúng ta đang bàn đến khởi đầu khá dài dòng, miêu tả tỉ mỉ chi tiết nhân thân kẻ trộm, một người từng xuất gia, đi học trường Phật học, vi phạm kỷ luật rồi bị đuổi… Tại sao cần thiết phải chi tiết, kỹ càng đến như vậy, về nhân thân của kẻ trộm, trộm một xe máy chỉ vì do người chủ sơ ý? Bản tin gốc rõ ràng và chính xác, nhưng người đọc vẫn thấy ở đó một sự bất thường.


Rồi các bản tin đăng lại, kẻ trộm biến thành “nhà sư”, rồi đựơc phóng đại một cách phiến diện “sư hổ mang”!...


Mà xem kỹ lại, thì nào phải là sư, không phải ở trong chùa, hết làm chú tiểu từ lâu.


Quả thật là bất bình thường, vì người đưa tin, dưới mọi hình thức, từ cố ý trình bày chi tiết nhân thân, đến gọi một cách xuyên tạc là “sư hổ mang”, đều thống nhất ở chỗ cố sức kéo về hiện tại cái quá khứ đã qua của người đi ăn trộm, kéo bằng tất cả tâm lực? Để làm gì?

Nhưng nếu chúng ta xem xét vấn đề từ lý luận truyền thông, thì đó lại là một điều… bình thường!
nguoiduatin-CAlayloikhai.jpg
Sự vụ một thanh niên tên là Nguyễn Thanh Lịch, sống tại Quy Nhơn, đã hoàn tục sau một thời gian ở chùa, có hành vi trộm cắp đã trở thành tin nóng trên nhiều trang báo điện tử (trong ảnh là Nguyễn Thanh Lịch tại cơ quan điều tra)

Giới làm truyền thông thường nhắc đến một định nghĩa về tin ví von, hình ảnh: một con chó cắn người, đó không phải là tin, nhưng người cắn chó, thì đó lại là một tin.


Rồi người ta bàn rộng ra, chó cắn một người bình thường, không tên không tuổi, đó không phải là một tin của truyền thông đại chúng. Nhưng chó cắn một ca sĩ nổi tiếng, một minh tinh màn bạc, một hoàng tử hay tổng thống chẳng hạn, thì đó sẽ là tin.


Vì vậy, nên chúng ta thấy nghe nói đến những tờ báo lá cải, chuyên thu thập chuyện đời tư của những danh ca, tài tử, nghệ sĩ, chính khách… và chỉ đăng toàn những chuyện đó. Có những “nhà báo” chỉ chuyên lo săn ảnh những đối tượng như vậy, mà điển hình là vụ việc xung quanh tai nạn của công nương Diana, nước Anh.


Trước năm 1975, tại Sài Gòn, cái kiểu quan niệm làm tin như vậy chi phối một số không nhỏ các nhà báo. Kép cải lương, đào hát bóng, nghị sĩ, cầu thủ… bị săn tin, săn ảnh đã đành, người ta còn đưa vào vòng chú ý các Thượng tọa, Linh mục… Có khi chỉ cần ảnh để chỉ đăng to ở trang nhất, không có thông tin chi hết, để thu hút người mua báo xem có chuyện gì không…


Sau năm 1975, kiểu làm báo đó không còn, nhưng từ nhiều năm gần đây, nó dần dần trở lại và phát triển cùng với sự phát triển của báo mạng và các trang xã hội. Đã có rất đông các “nhà báo” chuyên nghiệp và không chuyên làm “báo” theo kiểu như thế, có thể có hoặc không có thẻ nhà báo, có thể làm cho một tờ báo, công tác với một hãng tin nào đó, hay phát tán lung tung theo kiểu “ong non ngứa nọc”, “dê cỏn buồn sừng” (ý của Hồ Xuân Hương).


Vụ chú tiểu hoàn tục, đúng ra đã là một thanh niên bình thường, tiến đến “nhà sư”, rồi “sư hổ mang”… trộm xe là kiểu làm báo thuộc loại như vậy.


Một thanh niên 19 - 20 tuổi, không học hành, không nghề nghiệp đi trộm xe, theo kiểu kẻ cắp, có thể chưa là một tin.


Nhưng một “nhà sư” đi trộm xe là một tin, hơn nữa, là một tin “hot”, theo cách tư duy… đối tượng chó cắn quyết định việc chó cắn có là một tin hay không.


Vì vậy, nhìn từ lý luận truyền thông hiện đại, đây là một chuyện bình thường. Người viết tin, hay bóp méo tin theo kiểu phóng đại, có thể có ác ý với Phật giáo, có thể không. 


Đơn giản là họ cần có một tin, theo cách làm báo kể trên. 


Một thanh niên trộm xe chưa là một tin. Vì vậy, họ vớ ngay cái quá khứ tu ở chùa để biến một chuyện khá là bình thường thành một câu chuyện giật gân. Cái tư duy đó được tiếp nối theo kiểu “vẽ rắn thêm chân”, rồi thêm cánh, thêm sừng…


Chúng tôi không có ý định biện hộ, bào chữa cho những kiểu nhà báo như thế. Điều mà chúng tôi muốn nhắm đến là Phật giáo chúng ta hãy hết sức cảnh giác với xu hướng “đưa tin” nói trên, nhất là đối với quý vị tu sĩ.


Cùng một việc, nếu người bình thường làm thì sẽ không thành tin, nhưng nếu là một tu sĩ, hay hơn nữa, là một vị chức sắc tôn giáo, thì sẽ thành tin, mà là tin “nóng”, tin “giật gân”.


Điều đó càng được lưu ý trong bối cảnh hiện nay mỗi chiếc máy điện thoại di động đồng thời là một chiếc máy ảnh, một chiếc máy ghi âm và là công cụ truyền hình ảnh, âm thanh, bình luận chủ quan lên mạng tức thì.


Đưa tin theo kiểu như trình bày ở trên, nếu người đưa tin có ác ý với Phật giáo, thì nguy hiểm vô cùng. Nó không những hủy hoại sự nghiệp tu học của một Tăng sĩ, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Phật giáo nói chung. Theo cách làm hiện nay, từ một người đưa tin, tin sẽ được “copy and paste” tứ tung, và theo kiểu “vẽ rắn thêm chân”, không chỉ đơn thuần là copy nguyên mẫu tin mà thôi. Rồi cách làm nhảm nhí đó cộng với sức lan tỏa mạnh mẽ của internet sẽ đưa đến hậu quả khôn lường. 


Để đối phó, thượng sách là người tu sĩ phải tu hành chân chính, giữ nghiêm giới luật, oai nghi, đức hạnh, không để một kẽ hở nào trong nếp sống, ý thức đạo đức.


Cần phải nói thêm là hiện nay những thiết bị gián điệp nghiệp dư, như camera vô tuyến cực nhỏ lắp ráp nhanh, máy chụp truyền ảnh, micro vô tuyến nghe lén… đã phổ biến trên thị trường, giá ngày càng hạ. Điều đó khiến cho những người đưa tin, chưa nói tới dụng ý xấu, mà chỉ cần với ý muốn có tin “nóng”, tha hồ tung hoành “tác nghiệp” theo kiểu của họ.


“Báo chí” ngày nay cũng không phải là một đơn vị cụ thể, có trụ sở, có giấy phép, có người chịu trách nhiệm, có biên chế… mà là những cách đưa tin vung vãi, ẩn giấu tung tích tác giả, không phải chịu trách nhiệm, không có đạo đức nghề nghiệp.


Cộng thêm vào đó là đủ thứ kỹ xảo. Một động tác có thể được phóng to lên, được làm chậm, được lặp lại nhiều lần, được khoanh đỏ nhấn mạnh với ranh vùng nhấn mạnh chớp nháy… để phục vụ cho ý đồ thông tin nào đó, kích thích sự chú ý của công luận.


Tiến tới, người ta có thể không cần đơm đặt bằng ngôn ngữ, mà nếu dùng ngôn ngữ thì chỉ để bình luận, suy diễn theo ý chủ quan để sự việc nóng hơn nữa theo ý người viết. Và cũng có khi chỉ im lặng để hình ảnh, âm thanh, kỹ xảo phát huy tác dụng.


Những người tu hành đang phải di chuyển qua một vùng thử lửa mới.


Nhưng nếu đã là vàng thật thì sợ gì lửa, bất kỳ một hình thức lửa nào đi nữa: kỹ xảo, thêm thắt cường điệu, quay lén…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trang nghiêm cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh an trí tại giới trường chùa Tỉnh Hội (Đồng Nai)

Đại Giới đàn Đạt Thanh: Cung thỉnh di ảnh Tổ sư về giới trường, giáo giới hành nghi các giới tử

GNO - Chiều 25-4, Ban Kiến đàn Đại giới đàn Đạt Thanh đã đến tổ đình Long Thiền cử hành lễ cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Đạt Thanh và giới bổn về chùa Tỉnh Hội - giới trường Tăng, đồng thời chư Ni trong Ban Kiến đàn cũng đã cung thỉnh di ảnh từ chùa Bửu Phong về chùa Phước Hội - giới trường Ni.
Sà lan chở nước ngọt từ Đồng Tháp về xã đảo Hưng Phong, H.Giồng Trôm, Bến Tre để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn

Vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn H.Giồng Trôm, Bến Tre

GNO - Được sự tài trợ của đoàn thiện nguyện tại TP.HCM do anh Huỳnh Trung Nghĩa làm trưởng đoàn, Đại đức Thích Vạn Bình, trụ trì Phước Long cổ tự (H.Giồng Trôm, Bến Tre) đã phối hợp với UBND xã đảo Hưng Phong tổ chức trao nước ngọt và thùng nhựa cho bà con tại địa phương vào ngày 23-4 vừa qua.

Thông tin hàng ngày