Tưới tẩm hạt giống phụng sự nơi xóm nghèo

GN - Từ một chòi lá, bốn bề là nước, đi không khéo té là ướt hết người, như ĐĐ.Thích Nhuận Nghĩa, trụ trì chùa Thiên Đức (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) thường nói vui: “sắm ghe là chạy được đó”, sau 8 năm, nay đã là ngôi Tam bảo nhỏ nhắn trang nghiêm - nơi gieo mầm thiện từ những việc làm giản dị.

1td.jpg
Chùa Thiên Đức nằm giữa xóm nghèo đầy cỏ lau - Ảnh: ND

Hiểu về đời sống của bà con

Theo đó, nơi đây là vùng đất trũng, phèn, đa số bà con làm nông nghiệp, nuôi bò, trồng rau, làm thuê…, cuộc sống còn khó khăn, đến chùa chủ yếu cầu phước, một số biết đến chùa tụng kinh, nhưng đa số chưa quen với nếp tu học ở chùa. Do đó, ĐĐ.Nhuận Nghĩa nghĩ đến việc tổ chức từ thiện, “để gieo tạo cho bà con suy nghĩ phục vụ, sẻ chia”, thầy nhớ lại.

Từ suy nghĩ đó, thầy bắt đầu gieo duyên tổ chức các hoạt động tặng quà cho người nghèo, xây nhà tình thương, tặng học bổng cho học sinh, đặc biệt đã duy trì nấu cơm chay từ thiện một tháng 2 lần và khám bệnh miễn phí hàng tuần vào thứ 7 tại chùa Thiên Đức suốt 4-5 năm nay.

Cô Bảy - người phụ trách bếp ăn chính ở đây cho biết, công việc rất vất vả, để có bữa chay từ thiện phải chuẩn bị từ ngày hôm trước, rồi ngày tặng cơm phải dậy sớm từ 3g sáng, tập trung nấu, 6g phát để bà con về ăn uống và cho con đi học, đi làm.

“Dù vất vả nhưng đó là con đường mình chọn lựa, mình phải đi trọn con đường ấy với niềm an vui”, cô Bảy chia sẻ khi nói về việc phát tâm cùng quý thầy và Phật tử ở chùa tổ chức tặng cơm chay miễn phí.

2td.jpg


Dù vất vả nhưng hoan hỷ vì giúp được người khó khăn có bữa ăn no

Thầy trụ trì trải lòng, khi phát cơm từ thiện cũng có người nói ra nói vào, nhiều cô công quả cũng sân si, nhờ đó thầy chỉ dạy thêm về Phật pháp: “Người ta nhận đồ chay không chỉ vì giá trị vật chất mà còn vì tấm lòng, cách cho, nếu không giải thích được thì đừng bực mình, mà cười hoan hỷ, nên xả lòng tham lam, ích kỷ, tánh sân si của mình thì mới viên mãn việc làm”. Nói thẳng nên mọi người cũng nhận ra, quen dần và công việc đi vào nề nếp.

Về khám bệnh từ thiện, ban đầu do một số hội từ thiện phát tâm, sau đó ở chùa có thầy Tâm An đi học có giấy phép hành nghề, cùng một số vị lương y trong thành phố yểm trợ nên vẫn duy trì đều đặn khám bệnh miễn phí cho bà con. Rồi thầy kết hợp với chính quyền xây nhà tình thương, tới nay xây được 10 căn nhà.

4td.jpg


Khám bệnh miễn phí thứ 7 hàng tuần tại chùa Thiên Đức - Ảnh: TĐ

Khi bà con quen dần với các hoạt động từ thiện và nếp sinh hoạt tại chùa, thầy tổ chức đạo tràng tu tập vào sáng mùng 2 ÂL và Chủ nhật cuối tháng. Một số Phật tử khi hiểu về Phật pháp và muốn học hỏi sâu hơn, thầy giới thiệu học Đào tạo từ xa tại Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM. Đến nay có gần 10 Phật tử được thầy giới thiệu học, các Phật tử sau khi tốt nghiệp đã hỗ trợ nhiệt tình trong các Phật sự tại chùa.

Ví dụ như chị Nguyễn Thanh đã tốt nghiệp khóa III và cũng là một trong những đệ tử trợ duyên đắc lực cho các hoạt động từ thiện tại chùa. Chị Thanh chia sẻ: “Chúng tôi hạnh phúc và trưởng thành qua những lời pháp thầy dạy - đó là tài sản vô giá mà chúng tôi có được”.

Trong những năm ở tại đây, thầy Nhuận Nghĩa nhận định, chính quyền cảm mến chùa, người dân cũng được hưởng lợi lạc, nên có bao nhiêu tiền là giúp đỡ người dân chứ không nề hà.

Tu là việc chính

Từ nhỏ thầy đã ở chùa, vì thích mặc đồ tu, nhưng mãi tới năm 2000 mới đủ nhân duyên để xuất gia với HT.Thích Thiện Nhơn (chùa Thiên Đức, tỉnh Bình Định), “vì ngưỡng mộ về đức hạnh của ngài”, ĐĐ.Nhuận Nghĩa chia sẻ.

Với thầy “chùa nghèo nhưng tụng kinh mà bỏ là tôi không chấp nhận, nếu không chấp hành là cho đi nơi khác”. Và đặc biệt thầy muốn cho chư Tăng ở chùa được đi học, vì theo quan niệm của thầy “tạo ra một ngôi chùa rất dễ, nhưng tạo ra một người tu rất khó, mà tạo ra một người tu đúng Chánh pháp khó hơn nữa”. Hiện tại ở chùa có một vị đang học thạc sĩ ở Học viện, một vị học cao cấp giảng sư tại chùa Hòa Khánh và một vị đang học trung cấp Phật học.

Thầy bày tỏ, “một người tu ăn cơm của đàn-na tín thí thì bắt buộc phải học nội điển, và với xã hội bây giờ nên học thêm các ngành khoa học tự nhiên để hoằng pháp dễ đi vào lòng người. Trong đó đặc biệt là phải tu và đây cũng là cái quan trọng nhất, dù là tiến sĩ, giáo sư Phật học đi nữa mà không ngồi thiền, tụng kinh, không có thời khóa tu học, không xác định con đường trở về nội tâm của mình thì cũng dễ chạy theo vọng tưởng tư duy”.

5td.jpg


ĐĐ.Thích Nhuận Nghĩa chia sẻ về Phật pháp đến các bạn trẻ
Gia đình Phật tử Xá Lợi khi các Phật tử tổ chức trại Hạnh tại đây - Ảnh: ND

Ghi nhận những đóng góp tích cực của ĐĐ.Nhuận Nghĩa và chùa Thiên Đức, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) nhận xét: “Từ khi ĐĐ.Thích Nhuận Nghĩa về ở đây đã hỗ trợ rất nhiều cho người nghèo, học sinh nghèo, hỗ trợ vốn cho người nghèo, xây nhà tình thương, khám chữa bệnh… Thầy là người tu có đạo hạnh tốt, được sự tin tưởng của mọi người”.

Như Danh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày