Về chùa Hà, lắng nghe bước động thời gian

Chùa Hà (thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) có tên tự là Thánh Đức, tọa lạc trên con phố cùng tên. Chùa Hà nằm lặng lẽ giữa ồn ào, náo nhiệt của phố phường, là một nơi thanh tĩnh dành cho người nào đó muốn tìm một chút bình tâm, muốn tưới tắm lại những bông hoa xúc cảm đương héo úa dần trong trái tim vội vã đuổi theo dòng chảy hối hả của cuộc sống hiện đại.

Tam quan chùa Hà nhìn từ trong sân chùa
Tam quan chùa Hà nhìn từ trong sân chùa
Đình Bối Hà ở bên cạnh
Đình Bối Hà ở bên cạnh

Lịch sử lâu đời của chùa Hà với rất nhiều thăng trầm gắn liền cùng những biến cố, những đổi thay của thủ đô, của đất nước. Khí chất vững vàng và thâm nghiêm của một quá trình lịch sử dài lâu trải qua hàng mấy trăm năm, ai cũng đều cảm nhận thấy mỗi khi bước qua cổng Tam quan của ngôi chùa.

Khung cảnh nên thơ, tĩnh lặng của chùa Hà làm bước chân ta bỏ quên cái hối hả thường lệ ở bên ngoài đường kia, và trái tim lắng sâu lại trong nhịp thở hiện tại, trong cảm thức bình an ùa về mênh mang.

Ban đầu, chùa Hà xưa thuộc làng Dịch Vọng Trung (nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) vốn có tên là chùa Vồi được xây bằng gạch vồ và lợp lá vồi. Sau đó chùa được hai người buôn gốm quê làng Thổ Hà (Bắc Giang) quyên tiền xây dựng lại bằng gạch ngói. Hai làng Thổ Hà và Dịch Vọng Trung kết nghĩa, đặt tên xóm có chùa Vồi là Bối Hà. Do đó, người ta mới dần gọi tên ngôi chùa là chùa Hà như hiện nay. Bên cạnh chùa Hà là đình Bối Hà, thường gọi là đình Hà, thờ Triệu Chí Thành (tướng của Triệu Quang Phục) và thờ Chu Lý Đại vương.

Từ ngã rẽ giao giữa phố Trần Đăng Ninh, phố Chùa Hà và đường Nguyễn Khánh Toàn, ta có thể thấy Tam Quan của chùa Hà nằm uy nghiêm. Trên gác hai của Tam Quan có treo quả chuông lớn từ đời Tây Sơn được khắc bốn chữ “Thánh Đức Tự Chung” cùng văn chuông và hình long, ly, quy, phượng tinh xảo. Quả chuông này là một cổ vật mang giá trị lịch sử sâu sắc của ngôi chùa.

Tuy nhiên, khi nhìn mặt phía sau của chuông, có thể dễ dàng nhìn thấy rất nhiều… câu cầu khấn đa dạng được viết bằng phấn chen chúc lên nhau, từ cầu đỗ đạt đến cầu tình duyên. Thậm chí, có người không ngần ngại viết cả… lời tỏ tình lên chuông! Thiết nghĩ, cách cầu khấn như thế này là hết sức không nên vì nó ảnh hưởng đến thẩm mỹ của cổ vật linh thiêng này nói riêng và của chùa Hà nói chung.

Quả chuông cổ treo trên gác hai của tam quan
Quả chuông cổ treo trên gác hai của tam quan

Từ Tam quan đi vào là một khoảng sân rộng rợp bóng cây: bóng cau và bóng hoàng lan cao, bóng khế xanh mướt nên thơ, bóng si cổ thụ vững chãi… Xen lẫn trong màu lá xanh thâm trầm, đôi khi người ta bắt gặp hình ảnh một vài bông lựu đỏ rực hay những bông hoa đại thanh bạch… Cây cối soi nghiêng vào hồ nước hình bán nguyệt nho nhỏ đặt ở giữa sân. Người đi lễ hay khách vãn cảnh có thể ngồi nghỉ chân tại những chiếc ghế đá đặt rải rác trong khuân viên ngôi chùa

Vẻ đẹp đặc biệt của chùa Hà nằm ở sự giao hòa giữa khung cảnh thiên nhiên nên thơ cùng với những di vật có giá trị văn hóa và mang tính nghệ thuật cao. Hiện chùa còn lưu giữ nhiều bia đá và nhiều pho tượng cổ từ những thế kỷ trước như 21 pho tượng Phật, 6 pho tượng Mẫu, một pho tượng Tổ. Cùng với đó là nhiều đồ thờ tự như hoành phi, câu đối, bát hương sứ men lam…

Một góc sân chùa nhìn từ trên gác hai
Một góc sân chùa nhìn từ trên gác hai

Chùa Hà được lưu truyền trong giới trẻ là một ngôi chùa cầu duyên rất thiêng. Ở những cửa hàng bán đồ lễ đối diện cổng chùa, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy nhiều tấm biển hiệu “Nhận viết sớ cầu duyên”. Có lẽ, cầu duyên là một nét độc đáo mà người ta hay nghĩ tới mỗi khi nhắc đến chùa Hà.

Tôi nghe nhiều người tương truyền rằng đôi nam nữ yêu nhau nào nếu đến chùa cầu nguyện thì sẽ nên duyên vợ chồng, còn ai chưa có người yêu thì sẽ sớm tìm được "một nửa" của mình. Những câu chuyện lịch sử chính thống và những tương truyền dân gian khiến cho chùa Hà mang nét linh thiêng đặc biệt.

Thâm trầm chùa Hà Phương đình ở phía trước Điện Mẫu đặt đỉnh hương và đôi hạc lớn
Thâm trầm chùa Hà
Thâm trầm chùa Hà Phương đình ở phía trước Điện Mẫu đặt đỉnh hương và đôi hạc lớn
Phương đình ở phía trước Điện Mẫu đặt đỉnh hương và đôi hạc lớn

Dịp xuân năm trước, tôi có gặp một gia đình nhỏ cùng nhau đi lễ ở chùa Hà. Người vợ soạn hương hoa, giấy tiền… người chồng bế đứa con trai chừng 2 tuổi đang bi bô nói đứng ở bên. Hỏi chuyện, tôi mới biết hồi mới yêu họ gặp phải rất nhiều sóng gió tưởng chừng như không thể vượt qua được để đến với nhau.

Người vợ, với nụ cười hiền hậu đã kể với tôi rằng, những lúc ấy chị cùng anh hay đến chùa Hà, để tìm lại sự thanh thản, và cũng để cầu khấn cho tình yêu của mình bền vững, đơm hoa kết trái. Nhìn cậu bé kháu khỉnh trong vòng tay của chồng chị, tôi cũng hiểu rằng trái tim của hai người ấy đang hòa chung nhịp đập hạnh phúc.

Tiếng thời gian âm thầm vang vọng trên mái ngói rêu phong thâm trầm. Đến với chùa Hà, ta có thể tìm về với những dấu mốc lịch sử khó quên của thủ đô, tìm thấy sự thanh thản và bình yên trong khung cảnh tĩnh lặng mà trái tim có thể nghe thấy cả tiếng chim lích tích trên cành khế, tiếng lá vàng rơi nghiêng xao động nền sân cổ kính.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày