Vesak: Ngày của hòa hợp, hòa bình, an lạc

GN - Vesak hay lễ Tam hợp là Đại lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Đản sanh, Thành đạo và nhập Niết-bàn. Các nước theo truyền thống Phật giáo Nam truyền đã tổ chức Đại lễ này hàng ngàn năm qua. 

1 hopbao 11.jpg
Sẽ có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Đại lễ Vesak LHQ 2019 tại Việt Nam - Ảnh: H.Độ

Tuy vậy, khi Liên Hiệp Quốc thông qua dự thảo Nghị quyết “Công nhận quốc tế về ngày lễ Vesak tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc và các văn phòng liên hệ” vào năm 1999, thế giới đã biết rõ hơn về Đại lễ đặc biệt này. Vesak, vì vậy, phổ biến kể cả đối với Phật giáo Bắc truyền.

Phật giáo Bắc truyền tách ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật thành những dịp lễ riêng. Trong sự tôn trọng những giá trị truyền thống đặc thù, cũng như thấu hiểu sự tương đối của thời gian, Phật giáo Bắc truyền cũng hòa cùng niềm vui Tam hợp. 

Việc không đồng nhất về tên gọi và những sự kiện lịch sử trong cuộc đời Đức Phật giữa các nước và các truyền thống Phật giáo đã được Trung tâm Nghiên cứu Pew - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, chuyên nghiên cứu về các vấn đề xã hội - đánh giá là “có những biểu hiện khá phong phú và đa dạng so với các tôn giáo khác của thế giới”. Nhưng, điều đáng nói là, trong sự phong phú đa dạng ấy, Phật giáo vẫn không để xảy ra xung đột.

Như chúng ta đã biết, người Ấn Độ cổ đại không đặt nặng vấn đề lịch sử. Họ chỉ đặt nặng việc thực hành những giá trị sống mà những vị thầy để lại. Do đó, ngay cả bậc Đạo sư vĩ đại như Đức Phật, những dấu mốc lịch sử trong cuộc đời Ngài cũng không được bất kỳ tài liệu nào ghi lại một cách chính xác, cụ thể, gây nên nhiều tranh luận cho những học giả về sau.

Nhưng lịch sử là gì, nếu không phải là những vấn đề, sự kiện để chúng ta chiêm nghiệm và rút ra những bài học kinh nghiệm nhằm đem lại một đời sống tốt? Mục đích của Phật giáo là giúp cho con người hết khổ, được vui thông qua các pháp hành. Và, nguyên tắc sống cao cả của Phật giáo chính là nguyên tắc sống hòa hợp.

Trong kinh Làng Sama - Trung bộ kinh, Đức Phật dạy: “Này Ananda, có sáu khả niệm pháp này, tác thành khả ái, tác thành tôn kính, đưa đến đoàn tụ, không tranh luận, hòa hợp, đồng nhất”. Đó là các Tỷ-kheo an trú từ thân nghiệp; khẩu nghiệp; ý nghiệp; san sẻ mọi lợi dưỡng đúng pháp; sống thành tựu những giới luật được người trí tán thán, không chấp thủ, đưa đến thiền định; sống thành tựu những tri kiến thánh thiện, đưa đến xuất ly, dẫn đến sự chơn chánh, đoạn diệt khổ đau. Các Tỷ-kheo sống, thọ trì như vậy cùng với những vị đồng phạm hạnh, sẽ đưa đến “an lạc và hạnh phúc lâu dài”.

Mặc dù nguyên tắc sống hòa hợp hay sáu pháp hòa kỉnh này được Phật chế định cho người xuất gia, nhưng nếu khéo triển khai, nguyên tắc ấy vẫn có thể áp dụng cho tất cả mọi người sống chung trên địa cầu này nhằm đem đến hạnh phúc, an lạc lâu dài.

Theo đó, mùa Vesak năm nay, chúng ta chứng kiến những người con Phật từ nhiều dân tộc, chủng tộc và nhiều truyền thống khác nhau, xuất gia cho đến tại gia, đều tề tựu về tham dự Đại lễ trong tinh thần hòa hợp, cùng luận bàn để đưa ra một giải pháp tốt nhất “về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”. Tinh thần hòa hợp đó đã xiển dương sức mạnh nội tại của Phật giáo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày