Việc tụng kinh - niệm Phật trong Liêu Trai Chí Dị

NSGN - Hòa thượng Trí Quang, trong bản Việt dịch Kinh Kim Cương do mình thực hiện (1987), nơi mục Dẫn Nhập của phần Lược Giải đã viết: “Trong văn chương Trung Hoa, Kim Cương và Tịnh Danh (tức kinh Duy Ma, ĐN ghi) của ngài La Thập dịch được ưa thích không những từ phía quần chúng mà còn từ phía trí thức, Phật tử hay người ngoài đều như vậy. Nhưng trong 2 kinh ấy, Kim Cương được ưa thích hơn. Liêu Trai cho thấy tác giả của nó đã ưa thích Kinh Kim Cương đến thế nào. Đó là chỉ nói một tác phẩm dị thường”. (Kinh Kim Cương, Tỳ-kheo Trí Quang dịch giải. Bản in 1994, tr.121-122). Ghi nhận như vậy, chứng tỏ HT.Trí Quang đã đọc khắp Liêu Trai Chí Dị, hoặc ít nhất là các truyện có nói đến sự việc Niệm Phật, Tụng Kinh, nhất là Kinh Kim Cương, cùng với giá trị tâm linh - mầu nhiệm của sự việc tụng niệm ấy, gián tiếp xác nhận tính chất hâm mộ Kinh Phật của tác giả Bồ Tùng Linh.

LTCD bichhoa3.jpg

Khai triển từ ghi nhận của Hòa thượng Trí Quang như đã nêu, nơi bài viết này, chúng tôi xin lần lượt giới thiệu tóm tắt về nội dung của 10 truyện trong Liêu Trai Chí Dị (Các truyện số 19, số 41, số 42, số 65, số 119, số 135, số 191, số 299, số 394, và số 412 trong tổng số 431 truyện của tác phẩm), đều có nói về sự việc Tụng Kinh, Niệm Phật, dạy lũ ma niệm Phật, tụng kinh sám hối, Bồ-tát hiện thân v.v… Tất cả cũng là nhằm góp phần làm rõ hơn nữa dấu ấn của Phật Giáo in rất đậm nơi tác phẩm nổi tiếng của Bồ Tùng Linh.

Truyện Nhiếp Tiểu Thiến

Truyện số 19 trong tổng số 431 truyện của Liêu Trai Chí Dị. Nguyên tác là Nhiếp Tiểu Thiến. Xem: Liêu Trai Chí Dị Trọn Bộ - Nguyễn Đức Lân dịch, Nxb.Văn Học 2006, tr.88-95. (Truyện này đã nói đến việc tụng Kinh Lăng Nghiêm).

Nhiếp Tiểu Thiến là một cô gái con nhà bình thường, xinh đẹp nhưng mạng yểu. Năm 18 tuổi bị bệnh rồi chết, xác chôn trong vườn chùa. Nhờ đã gieo nhân lành là từ hồi còn bé đã tụng đọc Kinh Lăng Nghiêm, đến bây giờ, tức sau bao nhiêu năm tháng làm ma, vẫn còn nhớ sự việc ấy, nên dù bị chết yểu, lại bị loài Quỷ dữ bắt làm nô lệ, dùng vàng giả và chút nhan sắc vốn có kia để hãm hại bao nhiêu người, rốt cuộc Nhiếp Tiểu Thiến cũng gặp được Ninh Thái Thần, là một trang nam tử chính trực, có được Yến Xích Hà, một kiếm khách, như là một thiện hữu hỗ trợ. Nhờ vậy mà Nhiếp Tiểu Thiến tuy là ma nhưng vẫn được sống gần với con người tốt, trong tình thân ái của những con người tốt, giúp cho cô gái ma này “nhân hóa”, góp phần đem lại hạnh phúc gia đình cùng sự tăng tiến cho xã hội.

Truyện mở đầu, nói về Ninh Thái Thần gặp Yến Xích Hà: “Ninh Thái Thần người tỉnh Triết Giang, tính khẳng khái, đứng đắn, luôn biết giữ gìn… Nhân đến chơi đất Kim Hoa, ra ngoài thành phía Bắc vào thăm một cảnh chùa. Trong chùa, đàn xá, điện thờ tráng lệ, mà sao vắng vẻ không một bóng người. Nhà Tăng ở hai bên Đông Tây cửa đóng im ỉm. Phía Nam có căn nhà nhỏ, nom vẻ mới cất, cũng lại đóng kín. Bên Đông điện thờ là một bụi tre bao kín quanh một cái ao rộng, dưới nước hoa súng nở tím mặt ao. Cảnh vật u tĩnh, thanh nhàn khiến Ninh lấy làm thích. Lúc đó, quan Học sứ đang tới khảo văn, nên giá thuê phòng trọ rất đắt, Ninh mới tính ở lại đây, đi quanh chùa ngắm nghía, ý đợi nhà sư về. Chiều tối, nơi căn nhà phía Nam có một người ra dáng văn nhân tới mở cửa, Ninh vội bước lại chào hỏi. Chàng kia nói: - Chỗ này không biết ai làm chủ, tôi cũng mới dọn đến ở. Nếu anh chịu được cảnh vắng vẻ, xin cứ ở, khiến tôi sớm chiều được nghe lời dạy bảo thì may lắm! Ninh mừng, trải cỏ làm giường, kê ván làm ghế, ở luôn lại đó. Đêm khuya, trăng sáng vằng vặc, hai người ngồi chơi chỗ hành lang điện thờ, cùng ngỏ tính danh. Chàng kia xưng là họ Yến tự Xích Hà. Ninh nghĩ bụng chắc anh ta tới dự kỳ khảo văn. Nghe giọng nói không phải người đất Triết. Hỏi rõ thì đáp là người đất Tần. Trong câu chuyện tỏ ra là người rất thành thật. Chuyện vãn một hồi, ai về phòng nấy nghỉ ngơi…”. Còn đây là Nhiếp Tiểu Thiến nhận xét về Ninh Thái Thần và tự nêu bày về mình: “Em đã gặp nhiều người, chưa thấy ai chính trực như ông, đáng gọi là Thánh. Vì thế chẳng dám giấu nữa. Em họ Nhiếp, tên Tiểu Thiến, năm 18 tuổi đột nhiên chết, xác chôn gần chùa bị một con Quỷ bắt nạt, ép phải làm chuyện xấu hổ vừa rồi, thật chẳng phải lòng em muốn. Nay không còn ai có thể sai đi, chắc nó sẽ tự tìm đến để giết ông đấy!

Ninh sợ, cầu xin cứu giúp. Nàng nói: - Ông hãy tới ngủ chung với ông Yến, thì tránh được!

Hỏi sao không dám mê hoặc ông ta, đáp: - Ông ấy là kỳ nhân, em không dám lại gần!

Hỏi thường ngày mê hoặc người ta bằng cách nào, đáp: - Ai chung chạ với em, bị em lén lấy dùi nhọn đâm vào chân làm cho mê đi, bị em rút lấy máu đem về dâng cho Quỷ. Không được thì dùng vàng cám dỗ. Vàng ấy thật ra là xương của quỷ La sát, ai giữ trong mình sẽ bị nó đục khoét tận tim gan. Hai cách ấy, tùy người mà sử dụng. Ninh cảm ơn. Bàn tính cách đối phó với Quỷ, nàng hẹn đêm sau. Lúc từ biệt, khóc mà rằng: - Em từ khi rơi vào tay Quỷ, những muốn tìm cách thoát ra mà chưa được. Thấy chàng nghĩa khí cao vời, muốn nhờ chàng ra tay cứu vớt, bằng cách đem nắm xương tàn ra chỗ yên lành, ấy là ơn tái tạo vậy!

Ninh khẳng khái nhận lời. Hỏi mộ chôn ở đâu, đáp: - Dưới cây bạch dương, chỗ có tổ chim đậu. Nói rồi bước ra, đến cửa thì biến mất… Ninh thu xếp xong mọi việc, ngỏ ý muốn về. Yến Xích Hà làm tiệc tiễn chân, lưu luyến chẳng muốn rời. Lại lấy cái túi kiếm đưa tặng, bảo rằng: Đây là túi kiếm, giữ nó có thể trừ được tà ma… Ninh nói dối có cô em họ chết chôn ở vườn chùa, thuê người quật mồ cô gái, nhặt lấy hài cốt, lấy áo bọc lại, rồi thuê thuyền về quê. Đến nhà, đem chôn lại ở ngoài ruộng gần chỗ nhà học. Làm một bài văn tế, khấn rằng: “Thương nàng trơ trọi nơi xa, nay xin đem táng gần chỗ nhà học, cho được gần gũi, tránh xa loài Quỷ dữ. Có nén hương, bát nước mong được chứng giám!”.

Tế xong, vừa quay về, chợt nghe tiếng gọi sau lưng: - Đợi em với! Quay lại thì là Nhiếp Tiểu Thiến. Nàng có vẻ hân hoan nói: - Chàng thực là người tín nghĩa, thiếp dù thịt nát xương tan cũng không đủ báo đền. Xin cho về lạy chào cha mẹ, dẫu làm hầu thiếp cũng không ân hận!...

Đến tối, nàng lại xếp dọn chăn gối cho mẹ của Ninh, nhưng bà mẹ sợ, không cho, bảo đi nghỉ. Nàng hiểu ý, lui ra. Đi qua chỗ phòng học, muốn vào nhưng lại có dáng sợ hãi. Ninh gọi vào, nàng nói: - Trong phòng anh có kiếm khí, em sợ lắm. Trước đây, lúc đi đường em không dám ra mắt ngay, cũng vì vậy.

Ninh nhớ tới cái túi da (của Yến Xích Hà cho), vội đem cất sang phòng khác, nàng mới dám vào. Ngồi yên bên đèn hồi lâu, mới hỏi: - Đêm anh có hay đọc sách không? Lúc nhỏ, em hay tụng Kinh Lăng Nghiêm, lâu ngày đã quên quá nửa. Anh có rảnh thì cho em mượn một cuốn và dạy cho em tụng.

Ninh lấy sách đưa cho, nàng ngồi yên lặng xem, đến canh hai vẫn chưa thôi. Ninh thúc giục nàng đi ra. Buồn rầu, than rằng: - Lại phải quay về nấm mồ hoang, nghĩ mà sợ…

Từ hồi nàng đến nhà, không từng ăn uống gì. Cứ như vậy đến nửa năm mới húp một lưng cháo loãng. Mẹ con Ninh ngày càng thương yêu Nhiếp Tiểu Thiến, không nhắc đến chuyện nàng không phải là người trần, còn người ngoài thì không ai hiểu tung tích nàng ra sao. Ít lâu sau, vợ Ninh - vốn đau ốm từ lâu - chết, mẹ muốn cưới nàng cho Ninh, nhưng còn e ngại. Nàng hiểu ý thưa với bà cụ: - Con ở đây đã hơn nửa năm, lòng dạ thế nào hẳn mẹ đã hiểu, chẳng dám gây họa cho người đâu! Con sở dĩ theo anh con về đây, là vì cảm tấm lòng quang minh nghĩa khí, muốn nương tựa tấm thân, mà nấm mồ hoang nhờ phúc nhà cũng được ấm áp! Mẹ Ninh cũng biết là nàng không có ý ác, nhưng còn ngại về đường con cái. Nàng nói: - Con cái là do phúc trời cho. Anh con phúc dày, rồi sau sẽ được ba trai, đều làm rạng rỡ cửa nhà… Nhờ túi kiếm của Yến Xích Hà trao cho, Nhiếp Tiểu Thiến và Ninh đã trừ được con Quỷ dữ từ lâu đã bức bách Nhiếp. Mười năm sau, Ninh thi đậu tiến sĩ. Nhiếp sinh được một trai. Lại cưới cho chồng hai người vợ lẽ, mỗi người lại sinh được một trai nữa, cả ba đều đỗ đạt, làm nên.

Truyện Cô Tư họ Lâm

Truyện số 41… Nguyên tác là Lâm Tứ Nương. Xem: Liêu Trai Chí Dị Trọn Bộ, Sđd, tr.165-168. (Truyện này có nói đến việc tụng Kinh Bồ Đề, Kinh Kim Cương)

Quan đạo Thanh Châu là Trần Công, tên Bảo Thược, người đất Mân (Phúc Kiến), đêm ngồi một mình, thì có cô gái vén rèm bước vào. Nhìn xem, chưa từng quen biết, mà đẹp tuyệt, tay áo dài, ăn mặc như cung nữ, cười hỏi rằng: - Đêm khuya thanh vắng ngồi một mình, không đi ngủ ư?

Trần Công ngạc nhiên, hỏi là ai. Đáp: - Nhà em không xa, gần ngay hàng xóm bên Tây đây.

Ông nghĩ nàng là ma, nhưng yêu vì sắc đẹp, nên kéo áo mời ngồi, chuyện trò tao nhã, rất vui lòng. Ôm lấy cũng không kháng cự lắm, chỉ hỏi: - Chỗ này không có ai hả?...

Vừa nghe gà gáy, trở dậy ra đi. Từ đó, đêm đêm thường đến. Đàm luận về âm luật, nàng hiểu rành rẽ. Hỏi có biết đàn không, đáp: - Việc đó em tập rèn từ hồi còn bé.

Xin cho nghe một bản, đáp: - Bỏ lâu không gảy, nhạc điệu đã quên quá nửa, chỉ sợ kẻ tri âm cười thôi.

Ép mãi, bèn cúi đầu khảy vài khúc, hát vài bài ca buồn, tiếng ca ai oán. Ca xong nước mắt lã chã. Ông cũng thấy xót xa trong dạ, nên an ủi, bảo: - Em chớ hát những điệu ca vong quốc ấy khiến người nghe phải nghẹn ngào.

Nàng nói: - Lời ca là để đạt ý. Người buồn không thể khiến ca vui. Người vui không thể khiến ca buồn…

Phu nhân của Trần Công dòm thấy dung nhan nàng, ngờ rằng người trần không có ai xinh đẹp đến thế, chẳng phải là ma thì ắt là hồ (chồn), sợ chồng bị hại, khuyên nên từ tuyệt đi mà ông không nghe. Nhưng ông cũng cố gạn hỏi cô gái. Nàng buồn rầu mà rằng: - Thiếp là cô Tư họ Lâm, vốn là cung nhân Hành phủ, gặp nạn binh lửa mà chết, đến nay đã 17 năm. Nghĩ chàng là người cao nghĩa, mới gởi thân làm đôi oanh yến, thực không dám gây hại cho chàng. Nếu đã nghi sợ, xin từ tuyệt từ đây!

Ông nói: - Ta chẳng ngại gì đâu. Nhưng đã giao hảo như thế này, không thể không biết sự thực mà thôi.

Bèn hỏi đến những chuyện trong cung, nàng rành mạch thuật lại. Thuật đến những chỗ vi tế, giọng nghẹn ngào nức nở không thành lời.

Nàng không ngủ nhiều. Mỗi đêm thường thức dậy tụng Kinh Bồ Đề và Kim Cương. Ông hỏi: - Nơi chín suối cũng có thể tự cầu nguyện sám hối được ư? Đáp: - Âm phủ hay dương gian cũng vậy thôi! Thiếp tự nghĩ mình một đời luân lạc, nay đang muốn sống lại đây!

Thường cùng nhau đàm luận về thơ văn gặp câu hỏng thì bỏ qua, tới câu hay thì lời êm dịu ngâm nga, ý rất phong lưu khiến người quên mệt. Ông hỏi: - Em có biết làm thơ không? Đáp: - Lúc sinh thời thỉnh thoảng cũng có làm.

Ông xin làm tặng cho một bài. Nàng cười, nói: - Văn thơ của đàn bà con gái, sao đủ sánh với hàng cao nhân.

Ở được chừng ba năm, một đêm nàng bỗng buồn rầu ngỏ lời cáo biệt. Ông kinh ngạc hỏi tại sao, nàng cười đáp: - Diêm vương xét thấy thiếp lúc sống không có tội gì, chết đi còn không quên kinh kệ, nên cho thiếp được đầu thai vào nhà họ Vương. Xin chia tay ở đêm nay, không biết bao giờ còn gặp lại nhau…

Chợt có tiếng gà gáy, bèn nói: - Thôi, không thể ngồi lâu nữa rồi! Ngày thường, chàng lấy làm lạ sao thiếp chẳng gắng làm một bài thơ dở để tặng nhau. Nay là lúc xa cách lâu dài, thiếp chợt làm được một bài. Trong lúc hấp tấp lòng buồn ý loạn, chẳng kịp sửa chữa… Xin chàng thận trọng đừng đưa cho người khác xem.

Rồi thu vạt áo ra đi. Ông tiễn ra đến cửa, thấy mờ dần rồi mất hẳn, buồn bã thương tiếc hồi lâu.

Xem đến bài thơ, thấy chữ viết ngay ngắn, đẹp đẽ, nên cất giữ như của báu. Thơ rằng:

Mười bảy năm trời chốn thâm cung

Nỗi niềm nước cũ hỏi ai cùng?

Khi nhàn chỉ ngắm đài cùng gác

Khắc khoải trông vua lệ nhớ mong.

Sóng nước biển xanh chiều tà ánh

Hán gia lặng trống, khói mông lung

Sức kém hồng nhan khôn gắng gỏi

Yếu đuối lòng đau, tựa cửa không.

Bồ Đề ngày tụng trăm nghìn chữ

Lá Bối nhàn xem ba bốn cung

Vườn lê cao xướng, ca thay khóc

Chàng đọc mà xem cũng lệ ròng.

(Tĩnh tỏa thâm cung thập thất niên

Thùy tương cố quốc vấn thanh thiên

Nhàn khan điện vũ phong kiều mộc

Khấp vọng quân vương hóa đỗ quyên.

Hải quốc ba đào tà tịch chiếu

Hán gia tú cổ tĩnh phong yên

Hồng nhan lực nhược nan vi lệ

Huệ chất tâm bi chỉ vấn thiền.

Nhật tụng Bồ Đề thiên bách cú

Nhàn khan Bối Diệp lưỡng tam thiên

Cao xướng lê viên ca đại khốc

Thỉnh quân độc thính diệc san nhiên)(*).

Đào Nguyên

___________________

(*) Nơi phần tiếp theo, tác giả cho là trong sách Trì Bắc Ngẫu Đàm của Ngư Dương Tiên Sinh cũng có chép chuyện này, nhưng bài thơ của Cô Tư họ Lâm làm để tặng cho Trần Công là thơ Đường Luật 8 câu 7 chữ: Bản dịch: Vắng vẻ bao năm chốn thâm cung Lâu đài chiêng trống khói mông lung Phận gái sức hèn khôn gắng gỏi Lòng buồn chỉ biết tựa cửa Không. Liên Hoa đọc mãi trăm nghìn kệ Lá Bối nhàn xem ba bốn cung Vườn lê hát khúc ca vong quốc Chàng lặng mà xem cũng lệ ròng. (Liêu Trai Chí Dị Trọn Bộ, Sđd, tr.170).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

Chùa Long Hoa trao quà hỗ trợ đồng bào dân tộc

GNO - Chùa Long Hoa (Q.8) phối hợp UBND, Uỷ ban MTTQVN Q.8, các mạnh thường quân tổ chức trao 300 phần quà đến các hộ đồng bào dân tộc, hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Q.8 vào ngày 16-4.

Thông tin hàng ngày