Việt Nam được khuyến nghị đăng cai Diễn đàn ABCP 2023

GNO - Đó là một trong những nội dung được đề cập trong Tuyên bố Ninh Bình 2019 sau phiên họp của Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì Hòa bình (ABCP). Sau đây là toàn văn của văn kiện này.

ANHABBP (1).JPG

Hội nghị Ban Thư ký ABCP tại chùa Bái Đính, Ninh Bình - Ảnh: Ngộ Dũng

Bản Tuyên bố này được thông qua trong phiên họp của Hội đồng Điều hành “Diễn đàn Phật giáo châu Á vì Hòa bình” (ABCP) tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam, từ ngày 12 – 16-12-2019.

Chúng tôi, các thành viên đại diện cho Tăng đoàn và cư sĩ Phật giáo của các Trung tâm quốc gia ABCP đã hội ngộ tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam, tham dự phiên họp Hội đồng Điều hành ABCP với mục đích xem xét kế hoạch và chương trình hành động của các Ủy ban Thường vụ ABCP. Hội nghị này là sự tiếp nối của Đại hội đồng ABCP lần thứ 11 được tổ chức tại Ulaanbaatar, Mông Cổ vào tháng 6-2019. Chúng tôi đã dành thời gian nhằm xác nhận các cam kết vững chắc của mình cho việc đạt được các sứ mệnh, mục tiêu và kế hoạch của ABCP.

Vấn đề trọng tâm là để đảm bảo việc tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hòa bình, giải quyết các thách thức về phát triển bền vững, bảo tồn bản sắc văn hóa và các giá trị Phật giáo.

Điều này đã cung cấp rất nhiều cơ hội để phát triển các hành động cụ thể nhằm thực hiện và tiếp tục duy trì cam kết của chúng tôi đối với hòa bình, hòa hợp, thống nhất, bình đẳng và ý thức về môi trường toàn cầu.

Trước tiên, Hội đồng Điều hành ABCP bày tỏ sự cảm kích sâu sắc và lòng biết ơn đối với Ủy ban Trù bị của Trung tâm quốc gia Mông Cổ do Hòa thượng Khamba Lama, Gabju Choijamts Demberel, Chủ tịch ABCP, tổ chức thành công Đại hội đồng lần thứ 11 và Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ABCP tại Ulaanbaatar, Mông Cổ, tháng 6 năm 2019.

Hội đồng Điều hành chân thành ghi nhận và đánh giá cao sự đón tiếp nồng hậu, hiếu khách của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Trung tâm Quốc gia ABCP Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Hội đồng Điều hành lần thứ 12 tại Ninh Bình, Việt Nam.

Để đạt được những mục tiêu của mình, Ban Thường trực ABCP đã nhận được báo cáo cập nhật từ các Trung tâm quốc gia ABCP về các hoạt động của họ và các Ủy ban Thường vụ của ABCP, trong đó tóm tắt các hành động được thực hiện trong các điều sau đây:

1. Ngăn chặn các sự xung đột, chủ nghĩa cực đoan, khủng bố và khuyến khích sự cộng tồn của các tôn giáo, thiết lập các cuộc đối thoại và hợp tác giữa các tôn giáo và cộng đồng vì hòa bình thế giới.

2. Bảo tồn Trái đất trong sự tương tác của thiên nhiên và lợi ích của tất cả chúng sinh. Giáo dục và khuyến khích mọi người trồng cây nhiều hơn, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn sự đa dạng sinh học, sự sống sót của tất cả các loài và thực hiện quản lý tái chế chất thải tốt hơn. Tập trung vào phát triển toàn cầu, phối hợp với Liên Hiệp Quốc và các cơ quan quốc tế khác để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch cho sự phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

3. Thúc đẩy sự thống nhất hài hòa giữa các tôn phái Phật giáo bởi các Trung tâm quốc gia ABCP.

4. Phấn đấu giáo dục mọi người kiềm chế những hành động tàn bạo và bạo lực.

5. Tăng cường bình đẳng giới và nữ quyền để cho phép phụ nữ theo đuổi sự nghiệp mà họ lựa chọn. Khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái tích cực tham gia vào các hoạt động giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ và để có cơ hội việc làm tốt hơn.

6. Thúc đẩy truyền thống và văn hóa Phật giáo để xây dựng cộng đồng và quan hệ đối tác Phật giáo toàn cầu. Sử dụng công nghệ mới để ghi chép tài liệu và bảo tồn di sản văn hóa Phật giáo trực tuyến.

7. Khuyến khích các tổ chức Phật giáo tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cứu trợ thiên tai và các hoạt động xã hội.

8. Kế hoạch phát triển ABCP ba năm do Ban Thư ký ABCP soạn thảo đã được nhất trí thông qua và triển khai thực hiện tại các Trung tâm quốc gia ABCP.

9. Kế hoạch hoạt động của các Trung tâm quốc gia ABCP và các Ủy ban thường trực của ABCP đã được thông qua nhằm thúc đẩy các hoạt động của các Trung tâm ABCP tại các quốc gia thành viên.

10. Hội đồng Điều hành ABCP phê chuẩn và ủng hộ đề xuất của Trung tâm Quốc gia ABCP Ấn Độ đăng cai tổ chức Đại hội đồng ABCP lần thứ 12 tại Ấn Độ, năm 2021.

11. Hội đồng Điều hành ABCP khuyến nghị đề xuất của Trung tâm Quốc gia ABCP Việt Nam về việc đăng cai tổ chức Đại hội đồng ABCP lần thứ 13, dự kiến năm 2023.

12. Để tuyên truyền các hoạt động của ABCP, tất cả các Trung tâm quốc gia ABCP nên có phiên bản tạp chí “Dharmaduta” (Hoằng pháp) bằng ngôn ngữ của họ. Hội đồng Điều hành ABCP tổ chức tại tỉnh Ninh Bình, Việt Nam đã chấp thuận những người sau đây là thành viên Ban Biên tập của Tạp chí Dharmaduta: TT.TS Thích Nhật Từ - Phó Viện trưởng Thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM (Việt Nam), TT.TS Khy Sovanratana - Quyền Hiệu trưởng Đại học Phật giáo Sihanoukraja (Campuchia), HT.TS Woneung Lee Chi Ran - Hiệu trưởng Đại học Phật giáo Dong Bang (Hàn Quốc), TT.TS Maitipe Wimalasara - Chủ tịch Trung tâm Quốc gia Sri Lanka (Tăng đoàn Wipulasara), HT.Maitri - Chủ tịch Trung tâm Quốc gia ABCP Nepal và ông Sonam Wangchuk - Thư ký Trung tâm Quốc gia ABCP Ấn Độ.

13. Khuyến khích các Trung tâm quốc gia ABCP nên lập trang web và phương tiện truyền thông xã hội riêng bằng ngôn ngữ địa phương nhằm truyền bá sứ mệnh và hoạt động của ABCP tại quốc gia của mình.

14. Các Trung tâm quốc gia ABCP nên gửi báo cáo bằng tiếng Anh về các hoạt động của mình cho Ban Thư ký ABCP mỗi năm hai lần để đưa vào tạp chí Dharmaduta bằng tiếng Anh.

15. ABCP đã phê chuẩn lệ phí thành viên là 1.000 Mỹ kim hàng năm cho các Trung tâm quốc gia ABCP có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020. ABCP cảm kích Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ủng hộ 10.000 Mỹ kim cho quỹ chung của Tổ chức ABCP.

Tại lễ bế mạc hội nghị ABCP thành công này, chúng tôi, các đại biểu ABCP đã tham dự, nhất trí thông qua Tuyên bố Ninh Bình 2019 của Hội đồng Điều hành ABCP vào ngày 15-12-2019 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam.

Ông Jibanannda Barua (Trung tâm Quốc gia Bangladesh 1), Ông Gautam Arindam Barua (Trung tâm Quốc gia Bangladesh 2), TT.TS Khy Sovanratana (Trung tâm Quốc gia Campuchia), Ông Kesang Wangdi (Trung tâm Quốc gia Ấn Độ), HT.TS Woneung Lee Chi Ran (Trung tâm Quốc gia Hàn Quốc), ĐĐ.Sayadej Vongsopha (Tổ chức Học bổng Phật giáo của CHDCND Lào), HT.Batchuluun (Trung tâm Quốc gia Mông Cổ - Tu viện Gandan Tegchenling), TT.Altankhuu Tserenjav (Trung tâm Quốc gia Mông Cổ (Tu viện Dashichoiling), HT.Maitri Bhikkhu (Trung tâm Quốc gia Nepal), TT.TS Maitipe Wimalasara (Trung tâm Sri Lanka, Tăng đoàn Wipulasara), HT.GS Pallekande Rathanasara (Trung tâm Sri Lanka, Tăng đoàn Sumanatissa), TT.TS Thích Đức Thiện (Trung tâm Quốc gia Việt Nam, GHPGVN), TT.TS Thích Nhật Từ (Trung tâm Quốc gia Việt Nam, các Học viện Phật giáo Việt Nam).

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ví dụ mặt trăng

Ví dụ mặt trăng

NSGN - Tỳ-kheo các thầy phải tu tập giống như mặt trăng, như người mới học, khi đi vào nhà người thì phải nhiếp tâm, kiểm thúc thân, biết hổ biết thẹn, luôn khiêm hạ.
Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày