GN - Thói đời phù thịnh, ít phù suy vẫn tồn tại từ xưa đến nay, bởi vậy dân gian có câu “giậu đổ bìm leo”. Câu nói phê phán những kẻ nhân lúc người ta gặp điều không hay, khó khăn, hoạn nạn để lấn lướt, áp đảo, hoặc đơm đặt chuyện bôi nhọ.
Ảnh minh họa
Từ khoảng một tháng nay, ngập tràn các trang báo, internet là những bài viết xoay quanh chùa Bồ Đề (quận Long Biên, Hà Nội), kéo theo đó là muôn lời hỷ-nộ-ái-ố của dư luận.
Tuy nhiên, bên cạnh những bài báo cung cấp cho độc giả những thông tin xác thực và đa chiều, thì không ít bài viết đã vượt ra ngoài giới hạn, truyền thông theo kiểu “giậu đổ bìm leo”, vô hình trung làm “méo mó” sự thật.
Đành rằng, “không có lửa thì làm sao có khói”, nhưng với cách truyền thông lệch lạc của một vài tờ báo, đã chất thêm củi vào lửa, khiến lửa cháy to gấp nhiều lần so với ngọn lửa vốn có.
Một trong những dẫn chứng cho lối truyền thông cực đoan như vậy là báo Gia Đình Việt Nam, khi viết về nhà thờ họ của Ni sư Thích Đàm Lan tại xã Thanh Lang, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
Một hình ảnh khác cũng tạo “sóng” trong dư luận, ấy là trên facebook cá nhân, người ta đưa lên tấm ảnh chụp một người mặc áo nâu, đầu cạo trọc đi xe máy, biển số 6686 với lời chú thích rằng: Sư thầy Thích Đàm Lan đi xe SH, không mũ bảo hiểm ở trên phố Kim Ngưu, Hà Nội.
Sau đó, một số báo điện tử và các trang mạng xã hội đã đưa thông tin về bức ảnh với đầy ác ý. Diễn đàn Beat đăng lại bức ảnh này và kèm với dòng nhận xét có phần sâu cay của nickname Đào Bình Nguyễn: “Hình ảnh đời thường của sư L. đây! Một người tu hành đích thực thì thoát tục, không vướng bụi trần. Tu mà vẫn chọn xe xịn, số đẹp để đi, đầu không đội mũ khi ra đường...”.
Điều đáng nói, tấm ảnh chỉ chụp được lưng của người đi xe máy, không thể nhìn thấy mặt, mà dáng người rõ ràng là đàn ông, thế nhưng lại khiến đông đảo số người tin là Ni sư Đàm Lan, và “hùa” theo bằng những lời bình phẩm rất điêu ngoa. Ngay đến như nhà báo Ngô Bá Lục, chẳng hiểu anh có kiểm chứng kỹ hay không mà cũng chia sẻ bức ảnh này trên trang cá nhân của mình: “Chiếc áo không làm nên thầy tu. Câu này hẳn là đúng quá, ít nhất thời điểm này. Nghe nói ảnh này chụp sư Đàm Lan - chùa Bồ Đề. Thời ăn chay niệm Phật, khất thực... nay còn đâu?”.
Hình ảnh này lan nhanh trên mạng, khiến cơ quan công an đã phải xác minh thực hư, và đã kịp thời thông tin trước công luận. Theo Công an quận Long Biên khẳng định: người đi xe máy trong bức ảnh không phải là Ni sư Thích Đàm Lan, bởi vì hình ảnh người đi xe SH nêu trên là nam giới và không phải Ni sư Thích Đàm Lan.
Sự việc cho thấy, khi nhìn một hình ảnh, mọi người cần suy xét thấu đáo. Không phải cứ thấy người mặc áo nâu sồng, đầu cạo trọc mà nghĩ ngay là nhà sư, người xuất gia.
Một thông tin khác mà người viết muốn đề cập là: Bữa ăn của trẻ ở chùa Bồ Đề chỉ có giá 1.000 đồng. Chỉ căn cứ vào lời của một người vừa bị khởi tố là Nguyễn Thị Thanh Trang, thế mà thông tin này được báo Phụ Nữ TP.HCM đưa ra lại khiến dư luận “mặc nhiên” coi là thực. Chỉ cần suy nghĩ một chút, dễ dàng nhận ra sự phi lý, với số tiền như vậy, không ai có thể làm ra được một suất ăn.
Cách đây vài tháng, khi chưa nổ ra “vụ việc chùa Bồ Đề”, tôi đã từng đến khu nuôi trẻ em nơi đây, chứng kiến lúc nhà bếp phát cơm cho các em nhỏ, thấy ngoài cơm ra, thức ăn khá phong phú với 4-5 món, có thịt, rau, đậu…
Mới đây, trả lời một tờ báo về thông tin nói rằng bữa ăn của các cháu chỉ có một nghìn đồng/bữa, Ni sư Đàm Lan phủ nhận: “Tôi nghĩ, các vị ấy đã hoàn toàn nói sai. Nếu một nghìn đồng thì ăn và sống sao được. Nếu nói về bữa ăn của các em nhỏ ở chùa Bồ Đề, tôi nghĩ so với các cơ sở khác là vô cùng sướng. Em lớn được uống sữa, ăn cơm có thịt, có trứng. Các em nhỏ hơn có thay đổi món ăn theo bữa. Có nhiều Phật tử, nhà hảo tâm ủng hộ cho các cháu cả thùng trứng, giò và gạo từng bao tải… Có người như các cô ở chợ Đồng Xuân còn mang cá đến theo lịch; hoặc có người cho rất nhiều thịt gà để các cháu ăn...”.
Những thông tin theo lối “mượn gió bẻ măng” chẳng biết đem lại ích lợi gì, nhưng trẻ em và người già không nơi nương tựa ở chùa Bồ Đề - những người lẽ ra cần sự cứu vớt thì lại đang phải hứng chịu bão tố. Sinh hoạt nhà chùa đảo lộn, người già và người cô đơn ở đây cũng hoang mang, nhiều người định chạy trốn.
Cũng phải nhìn nhận rằng, những ngày qua vẫn còn nhiều báo bình tâm suy xét, đưa ra những cái nhìn khách quan, thông tin sự thật về sai phạm, nhưng cũng không phủ định sạch trơn những gì tốt đẹp mà chùa Bồ Đề đã làm được.
Việc mua bán trẻ em của những bảo mẫu ở chùa Bồ Đề là hành vi cần phải lên án và xử lý nghiêm minh. Nhưng tôi cũng đồng tình với cách nhìn của báo Petrotimes rằng: “Trước khi xảy ra sự cố này, chùa Bồ Đề đã làm tương đối tốt việc nuôi nấng, chăm sóc cho hàng trăm em nhỏ, nói không ngoa là cứu vớt sự sống của nhiều sinh linh. Ít ra, họ đã làm tốt hơn nhiều trung tâm bảo trợ xã hội công ích của ngành lao động - thương binh và xã hội. Chúng ta cần ghi nhận sự thiện tâm và trách nhiệm với cuộc sống của họ...”.
_________________
* Tin, bài liên quan:
- Vai trò pháp lý của cơ sở từ thiện xã hội Phật giáo
- Rất cần tiếng nói chính thức và hướng dẫn của Giáo hội
- Nghĩ từ vụ việc liên quan tới chùa Bồ Đề
- Bài học kinh nghiệm từ vụ việc chùa Bồ Đề (Hà Nội)
- Tỉnh thức trong vòng vây thông tin không chắc thật
- Đã sáng tỏ 11 trẻ em ở chùa Bồ Đề nghi mất tích
- Vụ việc chùa Bồ Đề: Nhiều báo quy chụp, suy diễn