Xây dựng góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

Xây dựng góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

GN - Cuối năm 2012, cấp phường xã đã tổ chức cho nhân dân, đoàn thể đóng góp ý kiến vào văn kiện Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Đây là sự kiện lớn mang ý nghĩa chính trị, thời sự mà không chỉ riêng nhân dân; tất cả Tăng Ni, Phật tử trong cả nước cũng đều có trách nhiệm tham gia góp ý kiến về văn kiện lịch sử này.

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được thảo luận, lấy ý kiến bước đầu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII và sau đó đã trở thành Nghị quyết 38/2012/QH13 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Như vậy, Dự thảo này về cơ bản đã tiếp nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội, xuất phát từ những thay đổi, biến động của quốc gia cũng như quốc tế.

Và, mục đích lớn nhất của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là để bảo đảm đổi mới đồng bộ cả về kinh tế chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; xây dựng và bảo vệ đất nước; tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.

Hiến pháp năm 1992 có 12 chương và 147 điều. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có 11 chương và 124 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo lần này giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 14 điều; sửa đổi bổ sung 99 điều và bổ sung 11 điều mới.

Ở Chương II Dự thảo, một số quyền mới đã được bổ sung phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên. Đó là quyền sống (Điều 21) quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 22); quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 23); quyền sở hữu tư nhân (Điều 33)… và một số các quyền liên quan đến hưởng thụ giá trị văn hóa; xác định dân tộc; sống trong môi trường trong lành…

Trong Điều 5 (Chương IV) về bảo vệ Tổ quốc, việc giữ vững an ninh quốc gia là sự nghiệp toàn dân, tuy vậy chúng ta cần thiết lập và phổ biến rõ ràng tính địa lý, pháp lý về các mốc biên giới từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau; hải phận vùng biển; biên giới vùng Tây nam… để nhân dân hiểu rõ.

Từ những đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, bước đầu cho thấy về Chương VII – Chính phủ ở Điều 101, Điểm 42 về nhiệm vụ và quyền hạn của chính phủ; trong đó nêu việc chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí…, có ý kiến cho rằng không nên đặt việc chống tham nhũng, quan liêu vào mục này; vì điểm 3 đã có nêu rõ về bảo vệ tài sản, lợi ích Nhà nước… Việc chống tham nhũng đã có bộ máy riêng và có đạo luật riêng.

Một điểm mới là so với Hiến pháp 1992, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 lần này là ở Điều 25, Chương II về quyền con người đối với tín ngưỡng, tôn giáo. Nếu Điều 70 của Hiến pháp 1992 có một điểm thì Điều 25 của Dự thảo lần này có 3 điểm. Trong đó, điểm 1 là mọi người có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo... chứ không chỉ công dân... như Hiến pháp 1992; điểm 2 có xác lập Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Điểm 3 thì vẫn như cũ.

Với trách nhiệm là công dân, mong rằng chư Tăng Ni, tín đồ Phật tử, sẽ thể hiện tinh thần trách nhiệm của giới mình, dành nhiều thời giờ quan tâm nghiên cứu, góp ý vào Dự thảo sửa đổi lần này để góp phần hoàn chỉnh các chương và các điều quy định của Hiến pháp đúng như lời nói đầu của dự thảo là Nhân dân Việt Nam, với truyền thống yêu nước, đoàn kết một lòng, xây dựng và thi hành Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày