Ý nghĩa Bồ tát hạnh Dược Vương Bồ tát, Diệu Âm Bồ tát Quán âm Bồ tát, Diệu Trang Nghiêm Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát

Ý nghĩa Bồ tát hạnh Dược Vương Bồ tát, Diệu Âm Bồ tát Quán âm Bồ tát, Diệu Trang Nghiêm Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát
Kinh Pháp Hoa, quyển thứ bảy nói về các Bồ tát: Dược Vương, Diệu Âm, Quan Âm, Diệu Trang Nghiêm và Phổ Hiền. Mỗi vị Bồ tát này có một hạnh khác nhau mà vị nào cũng tài giỏi xuất sắc và cũng rất dễ quý kính để chúng ta lập hạnh tu theo.

1- Dược Vương Bồ tát Bổn sự
Mở đầu phẩm 23, Đức Phật nói về hành trạng của Bồ tát Nhứt thiết Chúng sinh Hỷ kiến vào thuở quá khứ lâu xa, nay là Dược Vương Bồ tát. Ngài thường gia công Thiền quán. “Thiền” là tâm yên tĩnh hoàn toàn và “Quán” là nhìn sự vật qua tâm thanh tịnh, thấy sự thật của sự vật. An trụ Thiền quán, nên Ngài chứng được Hiện Nhứt thiết Sắc thân Tam muội, nghĩa là hiện thân hình hoàn toàn tự tại, cần thân nào thì hiện thân đó. Nói cách khác, cảnh giới của Bồ tát tùy tâm hiện, tâm và cảnh nhất như, nên Bồ tát được giải thoát, không có bất cứ chướng ngại nào. Còn chúng sinh thì tâm và cảnh không thuận nhau, họ không muốn cảnh đó, không muốn người đó, nhưng cảnh và người bất như ý vẫn cứ hiện hữu bên cạnh và ràng buộc họ; trái lại, họ muốn điều gì thì điều đó lại không đến, họ không thích người nào nhưng vẫn phải sống chung, làm việc chung.

Duoc Vuong Bo Tat.jpg

Bồ tát Quán Thế Âm hiện thân ngài Dược Vương Bồ tát

Trên bước đường tu, chứng được pháp Hiện Nhứt thiết Sắc thân Tam muội thì trong thế giới tâm linh phải hiện hữu cảnh hay vật trước; sau đó cảnh này, vật này phải có thực trên cuộc đời. Như vậy, tâm và cảnh được thống nhất, hay nói cách khác là chuyển đổi sở đắc tâm linh siêu hình trở thành cuộc sống hiện thực. Chuyển đổi bằng cách chúng ta tu hành phát huy công đức của mình; vì chỉ có công đức mới làm thay đổi được, mới biến ngôi chùa tâm linh thành ngôi chùa hiện thực. Công đức thành tựu nhờ những việc làm mang lợi lạc cho mọi người, nên mọi người thấy Bồ tát là mừng rỡ, Ngài mới có tên là Nhứt thiết Chúng sinh Hỷ kiến.
Ngoài ra, trong kinh nói Bồ tát Dược Vương tu chứng Giải nhứt thiết chúng sinh ngữ ngôn đà la ni, hiểu rõ tất cả chúng sinh. Hiểu người nghĩ gì, muốn nói gì thì phải có đà la ni hay huệ giải và muốn có đà la ni huệ giải, phải bắt đầu lóng nghe trước. Đức Phật giới thiệu Bồ tát Dược Vương, nhằm chỉ dạy chúng ta tu Bồ tát đạo phải biết lóng nghe, thông cảm và giải quyết tốt đẹp cho người, mới tạo thêm được Bồ đề quyến thuộc.

2- Bồ tát Diệu Âm
Tu chứng trong Thiền định và giáo hóa trên thực tế cuộc sống tốt đẹp, tiến qua giai đoạn hai, thể hiện công hạnh của Bồ tát Diệu Âm. Diệu Âm hành đạo gián tiếp, Ngài ẩn thân, không đến Kỳ Xà Quật, nhưng 84.000 hoa sen đã nổi lên ở đó tiêu biểu cho đức hạnh và uy danh của Ngài mà ai cũng mong đợi; nghĩa là từ Nhứt thiết Chúng sinh Hỷ kiến biến thành hoa sen. Điều này nhằm nhắc nhở chúng ta rằng đến nơi nào làm đạo cũng phải thể hiện tinh thần vô nhiễm. Bồ tát Diệu Âm đến Ta bà không vì quyền lợi riêng. Thật vậy, Bồ tát Diệu Âm ở thế giới phương Đông, Đức Phật Thích Ca muốn điều Ngài đến Ta bà để nói kinh Pháp Hoa. Đức Phật liền phóng hai luồng hào quang chiếu vào thân của Diệu Âm, một hào quang từ bạch hào tướng tiêu biểu cho trí tướng, tức trí tuệ. Điều này gợi ý rằng chúng ta muốn người hợp tác, phải chứng tỏ hiểu biết của mình hơn người. Nhưng chỉ có trí tuệ mà không có đức hạnh thì người cũng không thể hợp tác với mình. Vì vậy, Đức Phật còn phóng hào quang từ vô kiến đảnh tướng là đức tướng hay đức hạnh. Từ khi phát tâm tu hành, Đức Phật chưa bao giờ dám xem thường chúng sinh; với đức hạnh như vậy, người người đều muốn được gần gũi, được làm việc chung với Ngài. Vì thế, Diệu Âm nói rằng Ngài phải qua Ta bà vì đức hạnh cao vòi vọi của Đức Phật Thích Ca.
Ngoài ra, Bồ tát Diệu Âm sở đắc âm thanh vi diệu đi thẳng vào lòng người, tác động cho họ rơi rụng phiền não nhiễm ô, được thanh tịnh. Và vị Bồ tát này thường ẩn thân, ít xuất hiện, vì để cho chúng sinh gặp gỡ dễ dàng quá, họ cũng hay khởi tâm niệm xem thường. Và Ngài thành tựu việc khó làm rồi cũng ẩn ngay, vì tâm lý và nhu cầu của con người trong thực tế cuộc sống luôn thay đổi, không phải lúc nào họ cũng muốn lắng nghe sự thật. Diệu Âm thành tựu một hạnh đặc biệt là Ngài xuất hiện vô nhiễm như hoa sen. Nhưng chuyển sang hạnh Quan Âm thì lại đa năng, việc nào Ngài làm cũng xuất sắc.

3- Bồ tát Quan Âm
Đức Quan Âm tiêu biểu tâm trí sáng suốt, thấy đúng mọi việc, nên tùy theo yêu cầu của xã hội mà Ngài xuất hiện 32 ứng hiện thân thích hợp để cứu nhân độ thế. Bồ tát Quan Âm có thể hiện thân cao quý nhất là Phật thân để khai ngộ cho những bậc đại nhân, hoặc hiện thân Thanh văn thể hiện Tứ Thánh đế một cách siêu tuyệt để giúp người tu vượt qua được những vướng mắc của ngữ ngôn văn tự, tâm trí được lắng yên và lên bờ giác. Hoặc Ngài hiện thân người lãnh đạo anh minh, tài giỏi, giữ vững biên cương, làm cho dân chúng được an lạc; thậm chí Đức Quan Âm còn xuất hiện thân bình thường như trẻ con.
Người niệm Quan Âm rất nhiều, nhưng không phải ai cũng được Ngài cứu. Theo tôi, Bồ tát cứu giúp nếu chúng ta bị hàm oan, còn tội thiệt thì không cứu được. Tuy nhiên, cũng có trường hợp tạo tội thực sự đáng chết, nhưng Bồ tát cũng cứu để họ tu hành, lập công chuộc tội. Thứ hai là bị tai nạn, nhưng nhờ đã tạo một công đức nào đó, mới được cứu. Điển hình như Hòa thượng Thiện Hào kể cho tôi nghe rằng thuở sanh tiền, vào giai đoạn Ngài làm trụ trì chùa Giác Ngạn. Thời đó, ông Nguyễn Văn Tâm làm Tổng trưởng An ninh của chính quyền Pháp, ông đã ra lệnh phòng Nhì đến bắt Hòa thượng. Nhưng bà vợ của ông nghe được tin này, liền đem xe công an Pháp đến chùa chở Hòa thượng xuống Mỹ Tho trốn thoát. Thiết nghĩ Bồ tát Quan Âm đã tác động đến bà này, hay nói cách khác, bà này là hiện thân của Đức Quan Âm trong đúng công việc cứu Hòa thượng. Không phải Bồ tát Quan Âm cỡi rồng xuống cứu.
 Từ biểu tượng Bồ tát Quan Âm có quyền năng vô hạn mà chúng ta kính ngưỡng, tôn thờ, trở lại thực tế cuộc sống, quan sát sinh hoạt xã hội, theo tôi, bất cứ người nào dù khoác áo hình thức nào, nhưng mang lại an vui cho đời và giúp đỡ người vượt qua những khó khăn hiểm nguy, thì đó chính là thị hiện của Bồ tát Quan Âm.

Quan Am.jpg

Bồ tát Quán Thế Âm - ảnh: Giác Châu

Càng kính lễ Bồ tát Quan Âm, bước theo dấu chân Ngài, chúng ta càng nuôi lớn tâm từ bi, hạnh từ bi của chính mình. Đó thật sự là con đường truyền thông nối liền chúng ta và Bồ tát Quan Âm trong Pháp giới, là nhịp cầu trợ giúp chúng ta tiếp nhận được năng lực siêu nhiên của đức Quan Âm. Nhờ sự gia bị của Ngài, chúng ta mới dễ dàng thành tựu những việc làm lợi ích cho đời, tốt đẹp cho đạo, những việc thật khó khăn vượt ngoài khả năng và suy nghĩ của con người bình thường. Vì vậy, có lúc nhận thấy một người rất tầm thường, nhưng họ lại làm được việc phi thường. Và sau đó, họ lại sinh tâm cao ngạo, tự cho rằng mình tài giỏi, tự làm được, thì Phật lực, Bồ tát lực không gia bị nữa và niềm tin đối với Đức Phật, Bồ tát không còn. Phạm sai lầm này, họ rơi trở lại thân phận con người tầm thường, chẳng làm nổi việc gì dù nhỏ nhất.

4- Diệu Trang Nghiêm Vương hay Bồ tát Hoa Đức
Phẩm 27 nói về Diệu Trang Nghiêm vương Bổn sự nghĩa là Diệu Trang Nghiêm vương của quá khứ và hiện tại ở hội Pháp Hoa, Ngài là Bồ tát Hoa Đức. Diệu Trang Nghiêm vương được Tịnh Tạng và Tịnh Nhãn đưa đến gặp Phật; ông  mới phát tâm tu tập theo Đức Phật, nghĩa là từ đây ông không giải quyết mọi việc theo sự hiểu biết phân biệt của vọng thức.
Diệu Trang Nghiêm vương nhận thức theo Phật là quán sát sự việc hay con người qua mười dạng thức khác nhau, kinh Pháp Hoa gọi là thập Như thị: như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh. Thí dụ thấy một người có tâm tánh xấu hoặc việc làm xấu, thì chúng ta tránh họ. Nhưng thấy theo Phật thì mọi việc, mọi người trên cuộc đời này đều tương đối. Một người có thể xử sự xấu với người này, nhưng lại tốt với người khác, hoặc họ xấu ở hoàn cảnh này nhưng tốt ở hoàn cảnh khác, họ có thể xấu lúc này nhưng tốt lúc khác. Thấy theo thập như thị là thấy một sự việc, một người ở nhiều dạng khác nhau, không cố định, thấy được tâm xấu của cảnh giới địa ngục cho đến cuối cùng thấy người có tâm địa xấu ác nhất cũng sẽ thành Phật, tức thấy được Phật tánh của họ. Đức Phật thấy rõ Phật tánh của mọi người và giúp cho chúng ta phát huy Phật tánh của mình, thì lần lần theo Đức Phật chúng ta cũng trở thành người tốt.
Ngày nay, học theo gương của Hoa Đức Bồ tát, trong mối quan hệ với mọi người, dù có gặp người tồi tệ đến mấy, chúng ta cũng nên thấy mặt tốt của họ để phát triển căn lành của chính mình và của người.

5- Bồ tát Phổ Hiền
Mở đầu phẩm Phổ Hiền Bồ tát khuyến phát thứ 28, Đức Phật nói với Bồ tát Phổ Hiền rằng muốn có kinh Pháp Hoa sau khi Như Lai diệt độ phải thành tựu bốn điều là trồng căn lành, có tâm từ bi, sống trong Thiền định và thấy đúng sự thật của tâm thế gian. Và có bốn pháp này sẽ được Phật lực và Phổ Hiền lực gia bị.
Trồng căn lành ở Phật nghĩa là suy nghĩ, lời nói và việc làm của chúng ta giống vị Phật đó, mới nhận được lực gia bị của Ngài. Thí dụ Đức Phật Thích Ca làm những việc khó làm, chúng ta tập theo hạnh của Ngài, dấn thân làm một số việc khó một cách vô điều kiện, không ngại gian lao, thì được Đức Phật hộ niệm và ấn chứng với Bồ tát Phổ Hiền là chúng ta làm thay Phật, nên được Đức Phổ Hiền che chở, chúng ma không phá hại được, việc dữ hóa lành, việc khó thành dễ.

Pho Hien.jpg

Bồ tát Phổ Hiền

Bồ tát Phổ Hiền có ba lời nguyện. Thứ nhất, người tu Pháp Hoa gặp ma chướng nhiễu hại, tức hoàn cảnh khó khăn. Gần nhất là khó khăn về ba việc căn bản của sự sống: cơm ăn, áo mặc, chỗ ở và ra ngoài bị người chống phá, đe dọa. Tin lời nguyện của đức Phổ Hiền rằng nếu có như vậy, Ngài sẽ dùng sức thần thông hộ trì Diệu pháp, giữ ma lại, không cho ma phá hại chúng ta. Thậm chí nhờ lực Bồ tát Phổ Hiền gia bị biến ác ma thành pháp lữ, nghĩa là người đang chống phá, họ vụt đổi ý thành giúp đỡ, nếu chúng ta đúng như pháp tu hành. Điển hình như bác sĩ Cầm xưa kia đưa người đến dẹp chùa Ấn Quang lúc còn là chùa lá. Nhưng ông không dám phá, mà lại cấp giấy phép xây dựng chùa. Theo tôi, lúc bấy giờ ở chùa Ấn Quang chư Tăng trụ pháp, vững niềm tin ở Phật, nên nhận được lực gia trì rất lớn của Phổ Hiền Bồ tát. Quả thật, những người chống phá Phật giáo đã trở thành người bảo trợ Phật học đường Nam Việt thời ấy. Thiết nghĩ gặp ma phá, chúng ta nhiếp tâm tu, tin tưởng ở lực gia trì của Phật và Bồ tát, thì thuận nghịch đều là duyên, ma sẽ trở thành pháp lữ.
Trường hợp thứ hai được Phổ Hiền Bồ tát gia bị là nếu người chất phác, có tánh ôn hòa, học kinh Pháp Hoa mà không hiểu nghĩa lý sâu xa, nên ngồi suy nghĩ thường trú Pháp thân, Ngài sẽ ân cần hiện hình dạy bảo. Người có tánh nhu hòa, hiền lành, không chấp việc sai trái của người, nhưng họ chưa hiểu nghĩa kinh sâu sắc. Họ chỉ cần ngồi yên suy nghĩ thường trú Pháp thân, nghĩa là tin tưởng, nghĩ rằng Phật sanh thân không còn, nhưng Pháp thân Phật bất sinh bất diệt, thường trú vĩnh hằng. Đức Phật vẫn hiện hữu trong ta, trên ta và xung quanh ta.
Tâm chúng ta nghĩ đến Đức Phật, ở trong thế giới Phật, lần lần thế giới mà chúng ta sống cũng an lành theo, là an từ trong tâm lẫn đến phát triển thế giới bên ngoài an lành. Điều này thể hiện rõ nét khi các bậc chân tu chỉ có tấm lòng, nhưng từ đó mà chùa chiền và quyến thuộc được phát triển.

Và nguyện thứ ba của Bồ tát Phổ Hiền là khi chúng ta tu hành không an ổn, nên nhập thất 21 ngày tu quán Phổ Hiền. Đây là phương tiện ban đầu giúp chúng ta tập sự thâm nhập thế giới tâm linh. Đức Phổ Hiền dạy chúng ta nên ngồi suy nghĩ thường trú Pháp thân Phật; nghĩa là trụ định, rời bỏ thế giới sai biệt này và tâm hoàn toàn lắng yên đến quên mình có mạng sống này, quên thân phận nghèo, dốt, dở, hay gọi là vong ngã. An trụ Thiền định, quán sát thường trú Pháp thân, để nhận biết được Đức Phật từ đâu đến trần gian này và vắng bóng trên cuộc đời, Ngài đi về đâu, thì Phổ Hiền Bồ tát sẽ ân cần hiện hình dạy bảo. Trong thế giới Thiền định mới có Bồ tát Phổ Hiền xuất hiện làm bạn trợ lực chúng ta.
Bấy giờ, chúng ta sẽ thấy Bồ tát Phổ Hiền cỡi voi trắng sáu ngà đến đưa chúng ta lên Đâu Suất Đà thiên nghe Di Lặc thuyết pháp. Nhận được pháp của Bồ tát Di Lặc truyền trao, thì  trở lại nhân gian, chúng ta có tầm nhìn siêu xuất. Điển hình là Ngài Vô Trước được Phổ Hiền đưa lên cung trời Đâu Suất nghe Di Lặc Bồ tát thuyết pháp và trở lại nhân gian, Ngài viết bộ Bách pháp luận, lý giải mọi sinh hoạt trên cuộc đời không thuần như trên Pháp tánh, mà gồm có 8 thức tâm vương, 51 tâm sở, 6 căn bản phiền não, 20 tùy phiền não và 24 bất tương ưng hành pháp. Cuộc đời Ta bà thì có bách pháp, còn trong Thiền định thì không có những thứ lăng xăng lộn xộn này.
Nương lực Phổ Hiền, được dạo chơi mười phương thế giới Phật, thì tuy vẫn hiện hữu ở trần gian này nhưng việc ăn, mặc, ngủ nghỉ không còn chi phối chúng ta; trái lại chúng ta luôn sống trong Thiền định, sống trong thế giới Phật. Được như vậy, khi mãn duyên Ta bà, chúng ta nhẹ nhàng về với Đức Phật.
Tóm lại, trụ pháp sẽ nhận được ba điều căn bản mà Ngài Phổ Hiền luôn gia bị để chúng ta thấy Đức Phật, hiểu nghĩa lý kinh và vượt được mọi chướng duyên trên bước đường tu, tiến đến Bảo sở.

KẾT LUẬN
Trì tụng Pháp Hoa, chúng ta cần suy nghĩ, tìm hiểu hành trạng của các vị Bồ tát. Học theo hạnh nguyện của Bồ tát, tức chúng ta có suy nghĩ và việc làm giống Bồ tát để tự trang nghiêm thân tâm. Thành tựu như vậy, chúng ta sẽ tích lũy được công đức, sẽ là người khách quý mà chúng sinh hằng mong đợi.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày