GN - 10 năm qua, phòng khám từ thiện Huỳnh Lương (phường Long Thành Trung, thị xã Hòa Thành, Tây Ninh) đã trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều người. Không chỉ ở Tây Ninh, bệnh nhân từ Đồng Nai, Lâm Đồng hay miền Tây, TP.HCM cũng về đây khám, bốc thuốc.
Y sĩ Lý Thanh Triều và cây thuốc tại vườn dược liệu Huỳnh Lương - Ảnh: Nguyễn Thái Minh Hiếu
Làm vì cái tâm
Dường như bất cứ ai từng tiếp xúc, trò chuyện với y sĩ Lý Thanh Triều (33 tuổi) - người sáng lập phòng khám cũng đều cảm mến và khâm phục, bởi ngoài khả năng chẩn bệnh, cho thuốc mát tay, người ta còn thấy được cả cái tâm của anh: nghĩ lớn, nghĩ rộng cho mọi người.
Ngay từ những ngày đầu, đứng giữa những lựa chọn ngành học sau khi rời ghế nhà trường phổ thông, Lý Thanh Triều đã tâm niệm: “Không có nỗi khổ nào bằng lúc bệnh đau, khi ấy mình giúp được họ đỡ hoặc hết bệnh chính là trao cho họ niềm vui lớn, hạnh phúc khó tả”. Có lẽ đó là động lực khiến anh bỏ ngang ý định học ngành tài chính - ngân hàng trước đó, để rẽ ngang theo nghề y.
Cũng nhờ lớn lên trong chiếc nôi của những hoạt động từ thiện từ gia đình, Triều được người thân yểm trợ để thực hiện ước nguyện từ sớm. Một vườn thuốc với hàng trăm loại thuốc đã được ba mẹ anh phụ chăm nom, phát triển.
Trong thời gian theo học Đông y tại TP.HCM, phòng khám Huỳnh Lương của Triều vẫn đều đặn mở cửa vào mỗi ngày Chủ nhật. Có lúc Triều mời thầy cô hoặc bạn bè, những người có kinh nghiệm tham gia thăm khám cùng mình. Người tới khám ngày một đông. Có những hôm xe từ các tỉnh về phòng khám Huỳnh Lương từ lúc 5g sáng được cơ sở phục vụ ăn sáng, ăn trưa chờ khám.
Những người phục vụ việc ăn uống, phụ bốc thuốc biết Triều làm bằng lòng thiện nên phát tâm góp sức. Có người tới sớm nấu bữa sáng, người thay phiên làm bữa trưa. Các y sĩ trẻ thì tham gia khám, thanh niên địa phương tranh thủ ngày về thăm nhà đã đến phân chia, bốc thuốc sau khi Triều ra đơn. Tất cả đều vì cảm cái tâm lớn của người sáng lập phòng khám Huỳnh Lương mà góp công, góp sức.
Đặc biệt, tất cả các bữa ăn tại đây đều làm chay vì chính y sĩ Lý Thanh Triều cũng trường chay, sống đơn giản, thanh đạm.
Đều đặn cứ đến chiều thứ 6, suốt 4 năm liền, Triều đều về Tây Ninh để Chủ nhật khám từ thiện, rồi chiều Chủ nhật lại đón chuyến xe muộn về TP.HCM học tiếp, nâng cao khả năng chẩn trị. Việc học đối với anh chưa bao giờ ngừng nghỉ, “vì bệnh nhân đa bệnh, y sĩ, lương y cũng cần đa năng để giúp họ vượt qua nỗi đau nơi thân, từ đó tìm thấy niềm vui nơi tâm”.
Nhận lại nụ cười
Y sĩ Lý Thanh Triều cho biết, niềm vui lớn nhất của anh chính là người bệnh trở lại với nụ cười vì đã đỡ bệnh. Với y sĩ Triều, thuốc thang chỉ là một phần trong liệu trình trị bệnh, điều quan trọng là người bệnh phải thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh hơn, cải thiện việc ăn uống cho đúng cách hơn.
Theo anh, cuộc sống ngày càng đầy đủ nên nhu cầu hưởng thụ của con người ngày càng cao, kể cả trong chuyện ăn uống. Sự thọ dụng thực phẩm không kiểm soát, vô độ chính là nguồn cơn của bệnh tật. “Tôi khuyên người bệnh thay đổi ăn uống, sống gần với tự nhiên hơn”, y sĩ Triều chia sẻ.
Liên hệ đến dịch bệnh Covid-19, Lý Thanh Triều một lần nữa chứng minh, cách ăn uống đã tạo ra những mối nguy không chỉ cho cá nhân mà cả tập thể, thậm chí ảnh hưởng toàn cầu. Đã có những chứng cứ khoa học liên quan về virus Corona có nguồn gốc từ động vật hoang dã.
Đến phòng khám của Triều, bệnh nhân không chỉ được ăn miễn phí mà trong khi ngồi chờ còn được nghe nhạc thiền. “Nhờ vậy, họ tịnh tâm hơn, không nói chuyện tán tâm mà còn được thư giãn giữa vườn thuốc trong lành”, Triều cho hay.
Với phương pháp chữa bệnh “chậm mà chắc” đó, phòng khám Huỳnh Lương của y sĩ Triều đã được bệnh nhân xa gần tìm tới. Cô Trần Thị Loan từ Đồng Nai đến khám và bốc thuốc tại đây cho biết: “Phòng khám từ thiện rất chu đáo, lo ăn đến phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân, có khi đến 2 tháng với hàng mấy chục thang thuốc”.
Còn chị Lê Thanh Thúy ở Tây Ninh đến chẩn bệnh, nhận thuốc mỗi tháng 2 lần thì nhận xét, nhờ uống thuốc ở Huỳnh Lương mà chị ăn ngủ được, những đau nhức xương khớp đỡ hẳn, “có lẽ nhờ y sĩ mát tay”.
Nhiều người đến góp sức cho phòng khám từ thiện Huỳnh Lương - Ảnh: Nguyễn Thái Minh Hiếu
Chính quyền địa phương cũng ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động từ thiện tại phòng khám Huỳnh Lương. Đặc biệt, phòng khám Huỳnh Lương đã đồng hành cùng Tổ chức Động vật châu Á - Animal Asia trong nhiều năm để phát triển vườn dược liệu có tác dụng thay thế mật gấu.
Theo y sĩ Triều, có nhiều vị thuốc có thể thay thế mật gấu như địa liền, ngải cứu, bạch chỉ, nghệ đen, mần tưới… Vì vậy, không có lý do gì cứ phải dùng mật gấu để tạo duyên - “tiếp tay” cho việc săn, giết, lấy mật gấu làm thuốc cả.
Tại cơ sở cũng phát triển dòng sản phẩm thuốc trị liệu và thực phẩm có nguồn gốc từ dược liệu như hoa đậu biếc, chùm ngây… để đưa ra thị trường. “Rất nhiều người đã ủng hộ không phải chỉ vì muốn đóng góp cho việc duy trì kinh phí hoạt động phòng khám mà còn vì họ hiểu giá trị của những thực phẩm này thực sự tốt cho sức khỏe”, anh Triều chia sẻ.