1.000 năm Thăng Long & Tinh thần bao dung thời Lý-Trần

Ở đời, phàm những ai biết tha thứ cho người khác cũng là tha thứ cho chính bản thân mình. Tha thứ cho một lỗi lầm có khi còn có ý nghĩa hơn nhiều lần khen thưởng cho một thành tích. Điều kiện cần ở "bao dung" là "quên" chứ không phải là "nhớ". "Nhớ" không phải dễ, nhưng "quên" càng khó hơn nhiều. Có lẽ trong lịch sử chưa có thời nào lại có nhiều biểu hiện về "bao dung", "khoan thứ" như ở thời Trần.

Bắt đầu một nghìn năm Thăng Long là thời kỳ Lý-Trần. Bắt đầu thời kỳ Lý-Trần và xuyên suốt nghìn năm Thăng Long lại là tinh thần bao dung của dân tộc.

baodung-1.jpg

"Bao dung" (Tolerance), tiếng La tinh là "Tolerate", bắt nguồn từ thời kỳ "cải cách tôn giáo" (Protestant reformation) ở phương Tây vào thế kỷ XVI - XVII (1517 - 1648). "Bao dung" không cần đến quyền uy của luật pháp nhưng lại cần đến phép mầu của những trái tim thánh thiện. "Bao dung" từ lĩnh vực tôn giáo mở rộng sang lĩnh vực xã hội và cả văn hóa. Có lẽ để giảm bớt được chừng nào hay chừng nấy tính khốc liệt của thế giới cạnh tranh sinh tồn, cho nên UNESCO kêu gọi các quốc gia, dân tộc trên hành tinh này bắt đầu từ năm 1996, hãy chọn ngày 16 tháng 11 hàng năm làm ngày gọi là "Ngày quốc tế bao dung" (International day for tolerance).

Ai ai cũng đánh giá cao tinh thần bao dung vang lên từ Thánh đường phương Tây ở thế kỷ XVI, nhưng không phải ai cũng biết được rằng 5 thế kỷ trước đó, ở xứ sở viễn Đông này, một triều đại mới ra đời cùng với trái tim của nó là kinh đô Thăng Long, một triều đại mới của một dân tộc quật cường, bất khuất, chịu không biết bao nhiêu đau khổ, áp bức, nhưng lại tràn đầy tinh thần bao dung.

Bối cảnh xuất hiện "bao dung" thế kỷ XVI ở phương Tây là những cuộc chiến tranh sát phạt kể cả bên ngoài lẫn bên trong các tôn giáo bất đồng tín ngưỡng và các giáo phái đòi ly khai. "Bao dung" ở Việt Nam thế kỷ XI lại là sản phẩm của một dân tộc đấu tranh giành độc lập, giành quyền làm người. Một dân tộc đã đổ biết bao xương máu để giành độc lập, giành quyền làm người, ắt hẳn hơn ai hết, hiểu rõ giá trị của độc lập, giá trị của quyền làm người. Cho dù là tôn giáo, chính trị hay văn hóa, xã hội… nguyên tắc cơ bản của "bao dung" là thừa nhận, tôn trọng những gì khác với mình (accepter une chose avec laquelle il n’est pas en accord). Nói cách khác, bao dung là thái độ đối xử với những giá trị khác mình (face à ce qui est différent de ses valeurs, Wikipedia.com). Trong lời kêu gọi hưởng ứng "ngày bao dung quốc tế", UNESCO cho rằng, thừa nhận "đa văn hóa" là tiêu chí đầu tiên của "bao dung". Đối với một dân tộc bị áp bức hàng nghìn năm thì "độc lập", "chủ quyền" và "bình đẳng" là yêu cầu được đặt lên hàng đầu. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà câu đầu tiên Lý Thường Kiệt tuyên bố trên sông Như Nguyệt lại là:

"Núi sông nước Nam là do vua nước Nam trị vì"

Nguyễn Trãi khẳng định trong Bình Ngô đại cáo:

"Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước,

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên đều làm chủ một phương".

Quang Trung trước khi tiến công vào Ngọc Hồi, Đống Đa đã tuyên bố:

"Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ".

Nếu nghìn năm trước, Lý Thường Kiệt siêu việt chân lý đó bằng "sách trời" (tuyệt nhiên định phận tại thiên thư) thì nghìn năm sau, Hồ Chí Minh cũng lại "siêu việt" điều đó bằng "Tạo hóa". "Tạo hóa" ở đây không gì khác hơn là "những quyền không ai có thể xâm phạm được", là "những lẽ phải không ai có thể chối cãi được" (Tuyên ngôn độc lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa).

"Bao dung" là thừa nhận và tôn trọng lẫn nhau, không phân biệt lớn nhỏ, mạnh yếu. "Bao dung" không phải vũ khí của kẻ yếu dùng để đối phó với kẻ mạnh. "Bao dung" là "sự đảm bảo an toàn không thể thiếu cho toàn thế giới" như một chính khách phương Tây đã nhận định. "Bao dung" không phải là suy nghĩ cũng như hành vi của kẻ nhu nhược mà chính là thể hiện tầm cao, ý chí kiên cường của dân tộc vững tin ở thắng lợi cuối cùng. "Bao dung" cũng là sự kiềm chế (La tolérance est un exercice et une conquête sur soi, Albert Memmi). Đối với quân xâm lược đã từng "thui dân đen trên lò bạo ngược, hãm con đỏ dưới hố tai ương" đến nỗi:

"Tát cạn nước Đông hải không đủ rửa hết vết nhơ,

Chặt hết trúc Nam sơn không đủ ghi hết tội ác".

Thay vì phải đền tội, chúng lại nhận được sự khoan dung:

"Đến như Thần Võ không giết,

Đức lớn hiếu sinh,

Nghĩ vì kế lâu dài của nhà nước,

Tha kẻ hàng mười vạn sĩ binh,

Sửa hòa hiếu cho hai nước,

Tắt muôn đời chiến tranh".

(Bài phú Núi Chí Linh)

Ai mà không biết rằng "bao dung" cho kẻ thù khó gấp trăm nghìn lần bao dung cho bạn bè. "Lấy chí nhân thay cường bạo" (Bình Ngô đại cáo) chẳng phải là tinh thần bao dung của một dân tộc có một không hai, được tiếp nối từ đời Trần đó sao?

baodung-2.jpg

Hình ảnh rồng thời Trần khắc trên đá

"Bao dung" không phải là những quan hệ trao đổi ngang giá, thường là biểu hiện bằng những bước lùi để tiến. Không cò kè, suy tính thiệt hơn. Đại dương bao la vĩ đại, nhưng lại thấp hơn mọi con sông, cho nên mọi con sông đều chảy về nó. Tinh thần bao dung của triều đại Lý-Trần cũng rộng mở như vậy. Nghìn năm Thăng Long được khai sinh cùng với tinh thần đó. Thăng Long không phải chỉ vì Thăng Long mà bởi vì nó "ở vào nơi trung tâm của trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây, lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt, muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời" (Chiếu dời đô).

Kinh đô Thăng Long không phải là sự lựa chọn tùy tiện, không phải là mệnh lệnh khiên cưỡng một chiều, không phải "khâm thử" cứ thế mà chấp hành, mà là "như hà" có nghĩa là lắng nghe sự phản hồi. Kinh đô Thăng Long được đặt trong quan hệ dung hòa lợi ích cả trên lẫn dưới (dân cư khỏi chịu cảnh khốn cùng; kinh đô bậc nhất của đế vương), cả không gian (nơi hội tụ trọng yếu của bốn phương), thời gian (muôn đời).

UNESCO đã kêu gọi các quốc gia rằng "phát triển" là quan trọng nhưng "phát triển liên tục" (Sustainable Development)(1) lại càng quan trọng hơn vì "tương lai chung của chúng ta". Không phải chỉ biết hôm nay mà còn phải biết ngày mai, không phải chỉ biết đến thế hệ hiện tại mà còn phải biết đến thế hệ tương lai. Không gian và thời gian tuy khác nhau nhưng phương Đông và phương Tây, quá khứ và hiện tại không thể không có những điểm tương đồng.

Đại văn hào Pháp, Voltaire (1694 - 1778) trong tác phẩm "Bàn về bao dung" (Traite sur la tolérance) đã ca ngợi tinh thần bao dung của phương Đông "cái gì mình không thích thì đừng làm cho người khác" (kỷ sở bất dục vật thi ư nhân). Thái độ tôn trọng đối phương trong khi tranh luận của ông được thiên hạ xem như là điển hình của tinh thần bao dung về tư tưởng. Tuy không tán thành quan điểm của Rousseau nhưng ông vẫn tuyên bố: "Tôi không đồng ý với quan điểm của ông, nhưng tôi sẽ đấu tranh hết mình để ông có thể nói lên tiếng nói của mình" (Je ne suis pas d’accord avec ce que vous dites, mais je me battrai jusqu’au bout pour que vous puissiez le dire)(2). Tục ngữ Việt Nam từ bao đời nay chẳng phải có câu "Suy bụng ta ra bụng người, hễ ta không muốn thì người chẳng ưa" đó sao?

Nhà Trần ba lần đánh bại quân Nguyên xâm lược, đội quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Sức mạnh thần kỳ nào đã tạo ra chiến tích có một không hai của một dân tộc vừa thoát khỏi nghìn năm bị đô hộ như vậy? Có lẽ tinh thần "bao dung" của dân tộc đã góp phần không nhỏ để tạo ra sức mạnh thần kỳ đó. Vào cuối Hạ, đầu Thu năm Canh Tý (1300), Trần Hưng Đạo ốm nặng, Trần Anh Tông đến thăm và hỏi ông về kế sách chống quân xâm lược. "Bí quyết" mà Trần Hưng Đạo tóm lại chỉ có hai chữ "đồng tâm". Thời Đinh, Lê, Lý thắng lợi là vì "trên dưới đồng lòng, dân tình không ly tán" (thượng hạ đồng dục, dân tâm bất ly). Ngay ở thời Trần "mới rồi Toa Đô và Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây", thế mà quân dân ta đã đánh cho chúng tan tác, phải "bó tay chịu trói". Đó là "nhờ vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước dồn sức lại" (quân thần đồng tâm, huynh đệ hòa mục, quốc gia tịnh lực). "Đồng lòng" là "nhất trí", là "đoàn kết", là "thống nhất". "Thống nhất" không phải từ đơn điệu đến đơn điệu mà là từ diện đến điểm, từ đa dạng đến tập trung. Nói cách khác, "đồng tâm" chính là sản phẩm của "bao dung".

"Bao dung" còn có nghĩa là "khoan thứ" (Forgiveness). "Khoan thứ" là "khoan dung", "tha thứ" cho những ai có lỗi với mình. Ở đời, phàm những ai biết tha thứ cho người khác cũng là tha thứ cho chính bản thân mình. Tha thứ cho một lỗi lầm có khi còn có ý nghĩa hơn nhiều lần khen thưởng cho một thành tích. Điều kiện cần ở "bao dung" là "quên" chứ không phải là "nhớ". "Nhớ" không phải dễ, nhưng "quên" càng khó hơn nhiều. Có lẽ trong lịch sử chưa có thời nào lại có nhiều biểu hiện về "bao dung", "khoan thứ" như ở thời Trần. Không biết Đại Việt sử ký toàn thư vô tình hay cố ý ghi chép những mẩu chuyện sau đây để con cháu mải mê với quan hệ "tiền trao cháo múc" trong thời buổi kinh tế thị trường hãy nhớ lấy đừng quên những chuyện tuy xưa mà nay:

Bao dung giữa Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải: Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải vốn có hiềm khích với nhau, nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, với tinh thần bao dung, họ sẵn sàng vứt bỏ mọi ân oán cũ. Trần Hưng Đạo ân cần tắm cho Trần Quang Khải: "Hôm nay được tắm cho thượng tướng". Quang Khải cũng nói: "Hôm nay hân hạnh được quốc công tắm cho". Hai vị tướng đã lập công lớn cho đất nước.

Khoan thứ cho Trần Khánh Dư: "Khi ấy thuyền vua đỗ ở bến Bình Than. Nước triều xuống, gió thổi mạnh, có một chiếc thuyền lớn chở than củi, người lái thuyền đội nón lá, mặc áo ngắn. Vua chỉ và bảo với cận thần rằng: "Người kia có phải là Nhân Huệ vương không?" Lập tức sai người chèo thuyền nhỏ đuổi theo, đến cửa Đại Than thì đuổi kịp. Quân hiệu gọi: "Ông lái kia, vua sai đòi nhà ngươi". Khánh Dư nói: "Ông già là người buôn bán, có việc gì mà gọi đến?" Quân hiệu về thuật lại như vậy. Vua nói: "Đúng là Nhân Huệ vương rồi, nếu là người thường ắt không dám nói thế". Vua lại sai nội thị đi gọi. Khánh Dư đến nơi, mặc áo ngắn, đội nón lá. Vua nói: "Nam nhi cực khổ đến thế là cùng. Xuống chiếu tha tội".

Khoan dung cho Cự Đà: "Tha tội cho tiểu hiệu là Hoàng Cự Đà. Trước đây vua cho các quan hầu cận ăn xoài, Cự Đà không được ăn. Khi quân Nguyên đến bến Đông, Cự Đà ngồi thuyền nhẹ trốn đi. Đến Hoàng Giang gặp Hoàng Thái tử đi thuyền ngược lên. Cự Đà tránh sang bờ sông bên kia, thuyền đi rất gấp. Quan quân hô to lên: "Quân Nguyên ở đâu?" Cự Đà trả lời: "Không biết, các ngươi đi mà hỏi những người ăn xoài ấy!". Vì vậy, Thái tử xin ghép Cự Đà vào tội cực hình để răn những kẻ làm tôi bất trung. Vua nói: "Cự Đà tội đáng giết cả họ, song đời xưa có việc Dương Chân không được ăn thịt dê đến nỗi làm cho quân nước Trịnh bị thua. Việc của Cự Đà là lỗi của ta. Bèn tha chết, cho đánh giặc chuộc tội".

Những chuyện như thế có lẽ còn rất nhiều, rất nhiều mà Đại Việt sử ký toàn thư không thể ghi chép hết được. Nhưng bấy nhiêu chuyện cũng đủ để thể hiện tinh thần bao dung của thời đại Lý-Trần, thời đại mở đầu cho nghìn năm Thăng Long. Có lẽ chiến tranh tương tàn đã làm cho John Locke (1632 - 1704) thấu hiểu thế nào là giá trị của "bao dung", cho nên trong Bàn về bao dung (Essai sur la tolérance, 1667)(3) ông hết lời ca ngợi điều mà theo ông chỉ có nó mới chấm dứt tranh chấp trong thiên hạ (Cessez de combattre ce qu’on ne peut changer). Ông tin rằng bản tính của con người là bao dung. Giá như ông có dịp đến thăm quê hương thời Lý-Trần thì lòng tin của ông chắc chắn sẽ được chứng thực.

Không phải xưa mà ngay đầu thế kỷ XX thôi, khói lửa của đại chiến thế giới lần thứ nhất chưa tan được bao lâu, người ta lại truyền tay nhau một tác phẩm gọi là "Bao dung" của Kendrick Willem van Loon (1882 - 1944), tràn đầy tinh thần bao dung. Van Loon cho rằng cá tính chỉ có thể tồn tại trong tinh thần bao dung, phát hiện giá trị của cá tính là một bước tiến lớn của nhân loại. Thiên hạ không biết đã đọc kỹ đoạn văn sau đây trong tác phẩm Khoan dung của ông chưa mà đánh nhau thì vẫn tiếp tục đánh nhau:

"Cuộc sống vốn là một sự mạo hiểm đầy quang vinh, nhưng cuối cùng nó lại biến thành cái đáng sợ. Sở dĩ như vậy là bởi vì cho đến tận bây giờ sự sống an toàn của con người đang bị phủ đầy nỗi lo sợ. Tôi cần phải lặp lại một lần nữa rằng: hết thảy những hậu quả của sự không khoan dung đều rất khủng khiếp".

Chiến tranh tôn giáo ở phương Tây là hậu quả của "sự không bao dung" (Intolerance). Từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XVII, trong khoảng một nghìn năm đã liên tiếp xảy ra nhiều lần "chiến tranh tôn giáo". Chẳng hạn "Thập tự viễn chinh" (Crusads, 1091 - 1291), "Ba mươi năm chiến tranh" (Thirty Years’ War, 1618 - 1648), "Chiến tranh tôn giáo ở Pháp" (Frenche Wars of Religion, 1562 - 1598), "Chiến tranh thu phục lãnh thổ đã mất" (Reconquista, 718 - 1492). Những cuộc sát phạt gọi là "Thánh chiến" mà tiếng Ả rập gọi là "Jahada" (nghĩa là cố hết sức mình) thường được tiến hành theo quy trình từ "dùng tâm", "dùng miệng", "dùng tay" đến… "dùng kiếm". Trong khi đó, tôn giáo ở phương Đông thì hầu như không hề xảy ra chiến tranh. Phật giáo ở thời kỳ Lý-Trần không phải là kết quả của "không bao dung" mà chính là kết quả của "bao dung". Lý Công Uẩn, tác giả của kinh đô Thăng Long, vốn xuất thân từ nhà chùa. Năm vị vua đầu nhà Trần đều là những Thiền sư đắc đạo, Trần Nhân Tông lại là Đệ nhất tổ của Thiền phái Trúc lâm. Thời kỳ Lý-Trần là thời kỳ "tam giáo đồng nguyên" hay có thể gọi là "tam giáo bao dung". Triều Lý và triều Trần đều có mở những khoa thi "tam giáo". Chẳng hạn như khoa thi "tam giáo" năm 1195 đời Lý, khoa thi "tam giáo" năm 1247 đời Trần… Về sau, đời Lê độc tôn Nho giáo, sĩ phu được đúc ra từ cái lò "cửa Khổng sân Trình" cho nên đã có cách nhìn thiếu bao dung về quá khứ. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí cũng có vẻ đồng tình với những phê phán của các sử gia đời sau rằng "Lão, Phật là mơ hồ", "Đạo chỉ có một, ngoài đạo tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ ra không còn có gì gọi là đạo nữa", "Đạo Phật, đạo Lão vốn không nên theo vì đạo Thánh lớn rộng sao lại có đạo khác sánh ngang được?"(4). Tuy nhiên, thời kỳ Lý-Trần là thời kỳ cực thịnh trong lịch sử phong kiến Việt Nam, thời kỳ "nhân tài đầy dẫy" (Lịch triều hiến chương loại chí) là điều mà hầu như không ai có thể phủ nhận. "Bất khuất", "bao dung" và "phồn thịnh" là những chữ vàng mở đầu của nghìn năm Thăng Long.

Khi nói về "bao dung", UNESCO đã liên kết "bao dung", "nhân quyền", "tự do"… lại với nhau (Tolerance means respect for human right and freedom). "Nhân quyền" có tính phổ quát và đặc thù. Tuyệt đối hóa tính phổ quát cũng như tính đặc thù đều sai cả. "Nhân quyền" là quyền làm người, quyền làm người cao nhất của con người, của dân tộc chẳng phải là quyền độc lập, tự chủ hay sao? Triều đại Lý-Trần chẳng phải đã thực hiện điều đó sao? Kinh đô Thăng Long chẳng phải là kinh đô nghìn năm của quyền làm người đó sao?

Đương nhiên, độc lập, chủ quyền cũng không phải mặc nhiên là có tự do. Nên nhớ rằng Hồ Chí Minh nói "Không có gì quý hơn độc lập và tự do" chứ không phải chỉ có "độc lập" mà thôi. "Tự do" không phải là cái gì xa vời luôn được đặt ở thì tương lai và càng không phải là ở thì hiện tại hoàn thành. Tinh thần "bao dung" đã đem lại độc lập, chủ quyền thì cũng sẽ đem lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Điều đó đã được tuyên bố rất rõ ràng trong Tuyên ngôn độc lập:

"Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền mà không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Một khi tinh thần bao dung trở thành hơi thở của dân tộc, của mỗi người Việt Nam thì nghìn năm Thăng Long tuy không phải là thời gian ngắn nhưng cũng chỉ là khúc nhạc dạo đầu của bản anh hùng ca bất hủ của dân tộc mà lịch sử của nó cho dù quá khứ hay tương lai đều được viết không những bằng tinh thần bất khuất mà còn bằng tinh thần bao dung. Bất khuất và bao dung vì quyền làm người, quyền mà tạo hóa đã ban cho, quyền mà không một ai có thể xâm phạm được.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày