103 cụ già trong ngôi chùa nhỏ

Bà Lan, 90 tuổi, đãng trí và lãng tai nhưng rất thích kể chuyện. Hễ có người đến thăm là bà lão kéo lại bằng được, để nghe bà kể về một thời chiến tranh oanh liệt đã qua với trí nhớ không còn nguyên vẹn của tuổi già.

"Hồi đó nhiều máy bay lắm, bà cũng cầm súng bắn đùng đùng. Cả làng xuống hầm trú đạn", bà Lan cười móm mém kể. Nhưng một hồi sau, bà lại khóc sụt sùi: "Ba mẹ bà chết hết rồi, nhiều người chết lắm...", rồi run run kéo tà áo bà ba nâu cũ lên lau nước mắt.

Bà Lan là một trong số hơn 100 cụ già vô gia cư đang sống ở chùa Lâm Quang, một ngôi chùa nhỏ của các ni sư ở quận 8, TP. HCM.

Vốn sống bằng nghề bán vé số, hành khất, hoặc đi lang thang, nay ốm yếu bệnh tật, không còn sức mưu sinh lại bước vào tuổi xế chiều, các cụ chọn chùa Lâm Quang làm nơi nương náu.

Mỗi người một cảnh ngộ, các cụ bà không có gia đình đã tìm đến nương thân chốn cửa Phật để sống quãng đời ngắn ngủi còn lại. Ảnh: Ngoan Ngoan

Mỗi người một cảnh ngộ, các cụ bà không có gia đình đã tìm đến nương thân chốn cửa Phật để sống quãng đời ngắn ngủi còn lại.
Ảnh: Ngoan Ngoan

Đến sống ở chùa Lâm Quang từ 4 năm về trước, bà Nguyễn Thị Hà, 67 tuổi, quê ở Sóc Trăng cho biết, cha mẹ ly dị từ khi bà còn là cô bé 10 tuổi. Mẹ đi bước nữa nên bà được giao cho cha nuôi dưỡng. Nhưng rồi cha cũng lấy vợ mới; không chịu nổi cảnh dì ghẻ con chồng, bà bỏ nhà đi bụi. Lên thành phố, cô bé Hà ngày ấy gia nhập một nhóm bạn bụi đời, ngày đi bán vé số, ban đêm về ngủ dưới gầm cầu.

Cuộc sống tha phương cầu thực rày đây mai đó không được học hành và không lấy chồng nên về già bà cụ vẫn cô đơn một mình. "Hồi đó sống một mình riết cũng quen, nhưng giờ về già, nhất là lúc bệnh tật không có ai chăm sóc mới thấy tủi thân. Hai năm trước tôi bán vé số ngang qua ngôi chùa này, mấy cụ ở đây thấy thương nên rủ vào sống chung, thế là tôi ở luôn cho đến bây giờ. Trước đây tôi gầy lắm nhưng được các sư cô tận tình chăm sóc, cho ăn uống ngày 3 bữa nên giờ tôi mập hẳn ra", bà Hà kể.

Sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến, trụ trì chùa Lâm Quang cho biết, từ trước khi ni sư về tiếp quản ngôi chùa này đã thấy nhiều cụ già hành khất, bán vé số đến tá túc sống, ban ngày đi mưu sinh, ban đêm về ngủ. Thấy hoàn cảnh các cụ đáng thương, sư cô ngỏ ý mời các cụ ở lại đây để tiếp tục chăm sóc. Từ đó đến nay đã 15 năm và ngày càng có nhiều cụ già neo đơn, bệnh tật tìm đến nơi này nương nhờ cửa từ bi.

Huỳnh Thị Kiều Thanh cười thật tươi. Ảnh: Ngoan Ngoan

Huỳnh Thị Kiều Thanh cười thật tươi. Ảnh: Ngoan Ngoan

Một trường hợp ngoại lệ ở ngôi chùa này là em Huỳnh Thị Kiều Thanh, 19 tuổi, bị bại não từ hồi 8 tháng tuổi. Mặc dù còn trẻ nhưng do hoàn cảnh mất cha mẹ từ nhỏ nên Thanh được sư trụ trì nhận về nuôi. Căn bệnh bại liệt khiến cô bé suốt ngày phải nằm bất động trên giường, nhưng vừa nghe nói có ai đến thăm, Thanh nằng nặc đòi mọi người đỡ lưng ngồi dậy để được trò chuyện.

Thanh tâm sự: "Nghĩ lại em thấy có nhiều người khác còn đáng thương hơn mình nên em tự hứa với lòng sẽ cố gắng sống và học hành thật tốt để cuộc đời có ý nghĩa. Như thế cha em ở suối vàng mới yên lòng được".

Nhờ bàn tay chăm sóc, vỗ về của các ni cô, Phật tử cũng như các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm, bạn trẻ tình nguyện, cuộc sống của những con người kém may mắn ở chùa Lâm Quang hiện nay đã đỡ vất vả mà vui vẻ, lạc quan hẳn lên.

Sư cô Huệ Tuyến cho biết thêm, cô vừa xây xong một ngôi nhà mới cho các cụ. Hiện nay nhà chùa vẫn hàng ngày mở rộng cửa đón những người có hoàn cảnh kém may mắn đến nương nhờ. "Tất cả các cụ khi có giấy của chính quyền địa phương chứng nhận không có người thân chăm sóc hoặc mất sức lao động thì sẽ được nhà chùa nhận nuôi mà không phải đóng thêm bất kỳ khoản phí nào", vị ni sư nói.

Có nhiều cụ bị bại liệt phải đút từng muỗng cơm. Ảnh: Ngoan Ngoan

Có nhiều cụ bị bại liệt phải đút từng muỗng cơm. Ảnh: Ngoan Ngoan

Trò chuyện với VnExpress.net, Lê Huy, sinh viên năm cuối Trường Đại học Kinh tế TP. HCM cho biết, tuần trước đến đây, nhìn thấy cảnh các cụ phải vất vả nhóm củi nấu ăn mà thức ăn vẫn dai khó nuốt, nên Huy cùng với bạn quyên góp mua tặng 2 chiếc nồi áp suất lớn giúp các cụ nấu ăn thuận tiện hơn.

"Các cụ ở đây cũng bằng tuổi ông bà em ở quê nhưng vất vả hơn nhiều, vì dù sao ở quê ông bà cũng có cha mẹ em chăm sóc. Vì thế tụi em bảo nhau tranh thủ những ngày được nghỉ học để đến đây phụ nấu ăn, rửa chén giúp các cụ vơi đi khó khăn", Huy nói.

Đôi tay thoăn thoắt nhặt rau, vo gạo, rửa chén, lau dọn nơi nghỉ ngơi cho các cụ, nhóm nam nữ sinh viên thế hệ 8X Trường Đại học Kinh tế cho biết, hàng tháng các bạn đều tổ chức đi đến những trung tâm, mái ấm có người già neo đơn, trẻ mồ côi, cơ nhỡ trong và ngoài thành phố để thăm hỏi, động viên giúp đỡ.

"Thay vì rủ nhau đi chơi xả tress sau những ngày học hành căng thẳng, tụi em bảo nhau làm một việc gì đó giúp những người kém may mắn để cuộc đời sinh viên nhiều ý nghĩa hơn. Em chỉ mong ngày càng có thêm nhiều bạn trẻ chung tay thì sẽ giúp được nhiều người bớt khổ hơn", nữ sinh Nguyễn Trần Lan Thảo, khóa QT 789, Đại học Kinh tế TP. HCM vui vẻ nói.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày