30 năm: đã thành lập 57/63 đơn vị hành chánh cấp tỉnh, thành trong cả nước

Giác Ngộ- HT.Thích Thiện Nhơn, với trọng trách Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN, có thể nói là một trong những vị giáo phẩm bận rộn nhất ở Văn phòng II TƯGH.  Vừa gặp HT tại Thiền viện Quảng Đức, nhưng sau đó lại thấy HT lúc thì ở miền Trung, cao nguyên, khi thì hiện diện ở Hà Nội… để chứng minh, tham dự các nghi lễ, hội họp, hội nghị, sự kiện của Giáo hội. 

Phong thái giản dị, là người nổi tiếng với giọng đọc các văn bản của Giáo hội không hề va vấp, nằm lòng những con số chương trình hoạt động Phật sự của Giáo hội… Nói về ý nghĩa của sự kiện thành lập GHPGVN gần 30 năm trước, HT cho biết:

Đối với cá nhân tôi, sự kiện thống nhất Phật giáo Việt Nam là một sự kiện tất yếu của lịch sử và có một không hai trong lịch sử Phật giáo Việt Nam . Vì trước năm 1954, Tổng hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Tăng già toàn quốc Việt Nam là tổ chức đại diện cho Tăng Ni, Phật tử cả nước, sinh hoạt trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết của người con Phật.

Sau khi đất nước bị chia đôi, thì Phật giáo theo hoàn cảnh lại chia thành nhiều tổ chức, nên không trọn vẹn. Sau ngày 30-4-1975, nước nhà thống nhất, Phật giáo đủ cơ duyên thống nhất một lần nữa. Lần này mang ý nghĩa trọn vẹn và đầy đủ, hình thành GHPGVN, bao gồm các tổ chức Giáo hội, hệ phái Phật giáo Nam tông, Bắc tông, Phật giáo Khất sĩ, Phật giáo người Hoa v.v...,  là tổ chức Phật giáo duy nhất, đại diện cho Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.

DSC_0044.JPG

HT.Thích Thiện Nhơn- Ảnh: H.D

Trên tinh thần và ý nghĩa đó, các hệ phái Phật giáo trong cả nước cũng đồng thuận, chan hòa trong niềm vui chung thống nhất Phật giáo có một không hai trong lịch sử PGVN, và chỉ có PGVN mới thực hiện được sự thành công này.

Là đệ tử Phật, tôi không thể nào quên được lời Phật dạy: “Ngày nào đệ tử Đức Như Lai còn hội họp trong đoàn kết, thảo luận, giải tán trong sự hòa hợp, đoàn kết thì Phật pháp sẽ hưng thịnh, tồn tại lâu dài”. Do đó, sự thống nhất Phật giáo năm 1981, là một đại hoan hỷ của tôi trước sự xây dựng thành công ngôi nhà GHPGVN và phát triển bền vững, liên tục trong 30 năm qua. Cũng như, niềm vui chung của dân tộc Việt Nam, 30 năm (1945 - 1975) mới có ngày 30-4-1975 thì Tăng Ni, Phật tử Việt Nam cũng như cá nhân tôi cũng vô cùng hoan hỷ, vì 30 năm mới có ngày này (7-11-1981 – 7-11-2011).

* Nhìn lại những năm Phật giáo mới thống nhất so với hôm nay, GHPGVN đã từng bước phát triển, kiện toàn hệ thống tổ chức hành chánh. Xin Hòa thượng cho biết đặc thù các hoạt động của các ban, viện, cơ sở tự viện theo sự hướng dẫn của Trung ương như thế nào?

Khi GHPGVN mới thành lập, có thể nói Phật giáo còn trong thời kỳ bao cấp. Do đó, có sự hạn chế về nhân sự ở các ban, ngành, viện và phương thức tiến hành các hoạt động của GH thông qua các ban, ngành, viện; tỉnh, thành hội Phật giáo trong cả nước chỉ là tham mưu cho Ban Thường trực HĐTS.

Tuy nhiên, sau ngày Nhà nước mở cửa, chế độ bao cấp không còn (từ năm 1986 đến nay), 25 năm với gần 5 nhiệm kỳ của GH, nhân sự Ban Thường trực cũng được tăng thêm, các ban, viện TƯGH, các cơ sở tự viện hoạt động độc lập, có khuôn dấu, văn phòng riêng.

Nhân sự ban, viện TƯGH cũng được tăng lên từ 9 thành viên lên 57 thành viên. Điều này đã góp phần hoạt động hữu hiệu theo hệ thống ngang và hệ thống dọc của GHPGVN dưới sự lãnh đạo của Ban Thường trực HĐTS, BTS THPG, BĐDPG quận, huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh, góp phần làm tốt đạo đẹp đời, chan hòa trong lòng dân tộc. 

 * Khoảnh khắc lịch sử

dh3.jpg

Mở trường Phật học ở cả ba miền, đào tạo Tăng Ni thừa kế, Tăng sĩ được tự do hành đạo trên cả nước - ba nguyện vọng bức thiết này được Đại lão HT.Thích Đức Nhuận, Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN đạo đạt lên Chủ tịch HĐBT Phạm Văn Đồng, sau thành công của Hội nghị đại biểu thống nhất PGVN, đã mở đường cho bước phát triển với các hoạt động phong phú của Giáo hội hiện nay.

* Nhìn lại 30 năm qua của GHPGVN, theo Hòa thượng, chúng ta có những thành tựu nào của Phật giáo được cho là nổi bật nhất?

30 năm thống nhất Phật giáo Việt Nam , có thể thấy rõ nhất là mặt tổ chức GH có 3 cấp hành chánh: Trung ương, tỉnh thành và quận huyện. Hiện nay đã có 57/63 đơn vị hành chánh cấp tỉnh, thành trong cả nước.

Về chuyên ngành, phải nói thành tựu to lớn nhất là ý nghĩa lợi ích trăm năm trồng người của ngành giáo dục. Hoạt động của ngành giáo dục Tăng Ni là một trong những ngành hoạt động mạnh nhất, vì hiện nay GH có 4 Học viện Phật giáo Việt Nam (đại học Phật giáo), 8 lớp cao đẳng Phật học (trường cao đẳng Phật học) và 31 trường trung cấp Phật học trong cả nước. Đã đào tạo hàng ngàn Tăng Ni sinh có trình độ cử nhân, cao đẳng Phật học, trung cấp Phật học, nhiều du học sinh đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. 

Đây là thế hệ sau có nhiều điều kiện tu học và biết phát huy thế mạnh của sự tu học trong môi trường đào tạo, giáo dục có hệ thống. Tăng Ni Học viện PGVN được học tập và giao lưu với Tăng Ni ở nước ngoài, do đó thế giới biết nhiều về Việt Nam , về PGVN qua hệ thống giáo dục của GHPGVN. 

*Trước sự vận động của thời đại, sự thay đổi liên tục của đời sống xã hội, GHPGVN cần làm những gì để Phật giáo tiếp tục đồng hành với dân tộc?

GH tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được trong 30 năm qua, sự thành tựu này chính là tinh thần đoàn kết, hòa hợp, quyết tâm xây dựng và hành động tích cực của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội các cấp, cũng như Tăng Ni, Phật tử các hệ phái Phật giáo từ Trung ương đến địa phương.

Do đó trên tinh thần ấy, GH tiếp tục củng cố tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong toàn GH, có hướng chỉ đạo xuyên suốt, theo dõi kịp thời các hoạt động của ban, viện T.Ư,  THPG theo tinh thần tôn trọng luật pháp, Hiến chương GH và các quy định của GH. Để tiếp tục trưởng dưỡng đạo tâm, tăng cường đạo lực, trang nghiêm GH, phát huy trí tuệ tập thể và cá nhân, những sáng kiến tích cực đưa GHPGVN phát triển trong lòng dân tộc, hội nhập cùng cộng đồng Phật giáo thế giới.    

*Cuộc họp Ban Thường trực HĐTS vừa qua được biết sẽ có những sửa đổi Hiến chương nhằm phù hợp hơn với tình hình mới của Phật giáo hiện nay, xin Hòa thượng cho biết những sửa đổi cụ thể là gì?

Vấn đề tu chỉnh Hiến chương muốn hợp lệ, thứ nhất là hình thành Ban Tu chỉnh Hiến chương được Ban Thường trực HĐTS thông qua. Thứ hai là, tập hợp các ý kiến tu chỉnh Hiến chương gồm có: Tăng số lượng thành viên HĐTS để hợp lệ số 48 thành viên dự khuyết của HĐTS. Ban, ngành có thể thêm Phân ban Thanh thiếu niên Phật tử thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử và những bộ phận liên quan; Ban Kiến thiết, Ban Truyền thông, Ban Y tế và Ban Pháp chế v.v... Thứ ba là, Trung ương và địa phương trong Hội nghị giữa nhiệm kỳ có thể bổ sung nhân sự của Ban Thường trực Trung ương, các BTS THPG tỉnh thành và cơ cấu thêm nhân sự dự khuyết theo yêu cầu, thay vì 5 năm mới cơ cấu một lần, và còn nhiều vấn đề khác nữa.

*Xin cảm ơn Hòa thượng.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vô thường

Lá vàng ắt phải rụng rơi...

GNO - Sớm nay, tôi ghé chùa lễ Đức Quán Âm. Tôi thấy ba vị Tăng cử hành một nghi thức trước đài Quán Âm. Một cỗ quan tài nhỏ, thật gọn, có lẽ bằng ván ép được bốn người khiêng nhẹ nhàng, cúi đầu lễ tôn tượng rồi di chuyển ra khỏi cổng chùa. Ra là một vị cao tuổi ở nhà dưỡng lão của chùa vừa qua đời tối qua.

Thông tin hàng ngày