GNO - Lò vi sóng thiết bị nhà bếp mang lại nhiều tiện ích cho gia đình, trong đó có công dụng phổ biến và được yêu chuộng là hâm nóng thức ăn rất nhanh chóng.
Tuy nhiên, có một số loại thực phẩm không nên hâm nóng bằng lò vi sóng vì ở nhiệt độ cao, các thực phẩm này có thể bị nhiễm độc và sản xuất ra các chất gây ung thư.
Vì thế, để giảm thiểu tối đa nguy cơ này, đừng sử dụng lò vi sóng để làm chín hoặc hâm nóng 7 loại thực phẩm sau:
1 - Sữa mẹ
Nhiều bà mẹ đông lạnh và trữ sữa để sử dụng. Điều này tốt miễn là không hâm nóng sữa mẹ trong lò vi sóng. Sữa mẹ cho vào vật chứa để đưa vào lò hâm nóng có thể gây bỏng nghiêm trọng cho cổ họng và miệng bé.
Có một số loại thực phẩm không nên hâm nóng bằng lò vi sóng vì ở nhiệt độ cao
Kế đó, việc hâm sữa có thể sản sinh ra chất gây ung thư do hâm nóng bình sữa. FDA khuyến nghị nên hâm sữa dạng cách thủy, tức có thể làm nóng cốc nước trong lò vi sóng rồi sau đó cho túi sữa hay bình sữa vào đó để làm nóng sữa.
2 - Thịt chế biến công nghiệp
Thịt chế biến công nghiệp có chứa các hóa chất và chất bảo quản để kéo dài hạn sử dụng. Không may là lò vi sóng có thể biến các chất này trở nên nguy hại hơn cho sức khỏe.
Hâm nóng thịt chế biến sẵn bằng lò vi sóng có thể góp phần hình thành các sản phẩm cholesterol oxy hóa (COPs), được cho là có liên quan tới sự phát triển bệnh mạch vành.
3 - Cơm
Theo Viện Chất lượng Thực phẩm Hoa Kỳ, làm nóng cơm bằng lò vi sóng đôi khi có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Lý do là vì có liên quan đến sự có mặt phổ biến của kháng khuẩn cao có tên là bacillus cereus. Sức nóng sẽ làm chết vi khuẩn này nhưng cũng có thể tạo ra các bào tử độc hại, theo tạp chí International Journal of Food Microbiology.
Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy hâm nóng cơm trong lò vi sóng ở nhiệt độ cao có thể nhân nguy cơ ngộ độc sau khi ăn lên nhiều lần. Các loại độc tố này có thể gây ra 2 loại bệnh: độc tố gây tiêu chảy và độc tố gây nôn mửa.
Để tránh làm nhiễm độc cơm, bạn có thể làm nóng cơm đến gần nhiệt độ sôi, sau đó cứ giữ ấm cơm, ở khoảng 60 độ C.
4 - Thịt gà
Điều quan trọng nhất cần ghi nhớ là sức nóng của lò vi sóng không phải lúc nào cũng tiêu diệt được vi khuẩn vì lò vi sóng làm nóng từ bên ngoài vào trong chứ không phải từ trong ra ngoài.
Các loại thực phẩm được hâm nóng vốn nhạy cảm với vi khuẩn sẽ có khả năng gây ra bệnh tật cao nếu các vi khuẩn này vẫn còn sống sót.
Cần lưu ý là thịt gà với nguy cơ gây bệnh do vi khuẩn salmonella (gây viêm ruột và dạ dày) sẽ nguy hiểm hơn nếu hâm nóng bằng lò vi sóng. Trước khi ăn gà, bạn phải nấu chín hoàn toàn để loại bỏ vi khuẩn này.
Do lò vi sóng không hoàn toàn làm chín đều các phần thịt nên có khả năng các vi khuẩn này vẫn còn sống và gây bệnh.
5 - Các loại rau cải có lá màu xanh
Nếu bạn muốn trữ cần tây, cải xoăn hay rau bó xôi nếu ăn không hết sau khi đã nấu chín thì nên chọn cách hâm nóng truyền thống, hơn là dùng đến lò vi sóng.
Khi cho vào lò vi sóng, nitrate sẽ chuyển hóa thành nitrosamine, có thể gây ung thư - theo nghiên cứu.
6 - Củ cải đường
Sự chuyển hóa hóa chất xảy ra ở rau chân vịt cũng tương tự như ở củ cải đường và củ cải turnip.
7 - Ớt
Khi ớt được hâm nóng bằng lò vi sóng, capsaicin - hóa chất tạo ra vị cay cho ớt có thể được phóng thích vào không khí làm “bỏng” mắt và cổ họng. Nếu nguy hiểm hơn sẽ gây ho và khó thở.
Ngoài các thực phẩm nói trên, trứng đã chín kỹ dù còn vỏ hay đã bóc vỏ khi cho vào lò vi sóng, độ ẩm trong trứng tạo ra lực hơi nước, giống như lò áp suất thu nhỏ và đạt đến điểm nào đó có thể làm nổ trứng.
Nguy hiểm hơn, có khi trứng không nổ trong lò khi đang hâm nóng mà trứng đã hâm nóng có thể nổ ra làm phỏng tay và miệng bạn.
Để tránh “biến trứng thành quả bom hơi”, hãy cắt nhỏ trứng ra trước khi hâm hoặc tốt nhất là không nên hâm bằng lò vi sóng.
Huệ Trần (theo Reader’s Digest)