Ăn chay trong Phật giáo

GN - Trong bài viết này, Michael Ohlsson đã khảo sát cách ăn uống trong Phật giáo - giới hạn, ý nghĩa, biểu tượng, và những nguyên nhân đằng sau những chỉ dẫn này. Michael Ohlsson là sinh viên của Trường Đại học tiểu bang San Francisco. Có thể liên lạc với anh tại địa chỉ mohlsson@sfsu.edu.

anh chay 3.jpg


Một món chay được thực hiện bắt mắt

Cách thức ăn uống trong Phật giáo là gì? Hầu hết các tôn giáo hay tín ngưỡng trên thế giới đều có những chỉ dẫn, sự giới hạn, khuyến cáo, hoặc cả những biểu trưng liên quan đến việc ăn uống - loại thức ăn và nước uống. Một số tôn giáo không ăn một số loại động vật nào đó; họ có một số ngày lễ để cấm một số loại thực phẩm cụ thể, ngừa thói tham ăn, và giới hạn hay cấm đoán việc uống rượu. Phật giáo (Đại thừa) nói chung, về căn bản là ngăn cấm việc ăn bất kỳ hay tất cả các loại thịt và luôn cấm việc uống các chất gây say.

Tuy nhiên, khi đi sâu vào nghiên cứu, có một số sự bổ sung khác thường hoặc ít được biết đến, hay những ngoại lệ liên quan đến chỉ dẫn tương đối đơn giản này. Nguyên nhân đằng sau những giới hạn này có phần phức tạp và cần phải bàn luận thêm. Điều cần chú ý là, cũng như các tôn giáo và truyền thống khác, Phật giáo có những giải thích, giảng giải, và các mức độ khoan dung khác nhau. Tôi sẽ không tập trung vào bất kỳ “trường phái” hay “bộ phái” nào trong hệ tư tưởng Phật giáo, mà chỉ liên hệ đến và đối chiếu, so sánh bất kỳ những khác biệt cụ thể nào khi chúng được nêu ra, nếu đó là cốt yếu trong trọng tâm của tôi.

Việc người đọc có “tin” hay không tin vào giáo lý đạo Phật cũng không thành vấn đề đối với tinh thần trong tranh luận của tôi. Truyền thống và giáo lý đạo Phật cung cấp “thức ăn tư tưởng” quan trọng cho hết thảy chúng ta; tư tưởng là cái, ít nhất, có thể được tiếp nhận theo cách ẩn dụ cho thế giới chú trọng vào khoa học và đời thường hơn trong ngày nay. (Điều này tất yếu không thể là một sự thiếu tôn kính đối với tư tưởng và niềm tin Phật giáo, mà đơn thuần chỉ là một lời mở đầu cho điều tranh luận sau đây và là một lời đề nghị mà người đọc tiếp tục hướng đến với một tâm hồn và trái tim rộng mở). 

Tôi sẽ bắt đầu bằng việc tóm lược tầm quan trọng về những chỉ dẫn của Đức Phật đối với “Năm phép quán khi ăn uống”, vì đây là một thực hành khiến cho người Phật tử dừng lại và suy nghĩ về thức ăn mà họ đang ăn. Đây là bước đầu tiên trong việc đặt vấn đề thức ăn là gì, vì sao chúng ta ăn, thức ăn từ đâu đến, khi nào và chúng ta nên ăn uống như thế nào. Chúng ta phải:

“Nhớ nghĩ về thức ăn từ đâu đến và khối lượng công việc cần để vun trồng các loại thức ăn đó, chuyên chở, chuẩn bị và nấu nướng và soạn ra bàn ăn.”1 

Rồi chúng ta nên xem xét là chúng ta có xứng đáng để thọ nhận thức ăn đó không. Chúng ta nên xem xét tâm thức của mình - có tham lam không? Chúng ta nên biết rằng thức ăn được cung cấp là yếu tố cần để chữa thân bệnh, và chúng ta chịu đau yếu nếu không thọ dụng thức ăn. Và cuối cùng, chúng ta nên ghi nhớ rằng thức ăn chỉ được nhận và ăn vì mục đích “giải thoát”1 hoặc là một phần của phương tiện để đạt đến giác ngộ.

Trong khi quán chiếu như thế, chúng ta phải xác định loại thức ăn nào là phù hợp để tiêu thụ, và thức ăn nào bị cấm chế. Hơn nữa, điều quan trọng cần phải biết là tại sao những loại thức ăn và nước uống đó lại thuộc loại cấm chế hay thích hợp. Để làm được điều đó, chúng ta phải trước tiên xem xét “Năm giới”, một trong những yếu tố quan trọng nhất của đạo Phật.

Không tuân giữ giới nào trong “Năm giới” này sẽ gây tổn hại cho người khác, xa hơn là làm lu mờ tánh biết chân thật của chính mình, và làm suy giảm lớn lao cơ hội được sinh lại làm người (vị trí thuận lợi với Thánh đạo giác ngộ); đây là căn bản của điều cấm chế. “Năm giới” là không giết hại, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, và không uống các chất say nghiện. Giới cuối cùng ngăn cấm là bởi vì nó có khuynh hướng làm trở ngại khả năng suy xét của chính mình và khiến cho chúng ta càng thêm dễ phạm phải bốn giới còn lại. Đây là lý do tại sao việc uống rượu bị ngăn cấm. Việc uống rượu có thể không trực tiếp tạo nghiệp đối với người khác, nhưng nếu nó tăng dần lên, nguy cơ vi phạm các giới khác lúc đó càng trở nên nguy hiểm, thế nên phải ngăn cấm. Và đối với cá nhân (phép nghịch hợp trong Phật giáo), việc uống rượu sẽ cản trở và làm lu mờ năng lực định của chúng ta (chánh định, cần cho thiền) và con đường đưa đến giải thoát.

Vậy thì điều gì không đúng với bốn giới còn lại? Trộm cướp và nói dối không liên hệ trực tiếp đến chủ đề của tôi về ăn uống, nhưng cấm chế là vì chúng tạo ra ác nghiệp. Việc tạo ác nghiệp sẽ gây tổn hại cho những chúng sanh khác, và sớm muộn gì cũng sẽ trở lại ám ảnh chính người nói dối và trộm cướp đó.

Còn tà hạnh liên hệ như thế nào đến việc ăn uống? Trong kinh Lăng nghiêm (Shurangama Sutra), Đức Phật giải thích vì sao “Năm món cay nồng”, gồm cả hành và tỏi, bị ngăn cấm: Những người tu tập định nên kiêng cữ việc ăn năm loại cây cay nồng này. Nếu năm loại này được ăn khi nấu chín, chúng sẽ làm tăng ham muốn dục tình của chúng ta; còn nếu chúng được ăn sống, chúng sẽ làm tăng tánh sân hận của mình.2

Vả lại, chư thiên “sẽ xa lánh họ vì họ hôi hám, và các loài ngạ quỷ sẽ lãng đãng xung quanh và liếm môi họ”.2 Các loài quỷ xung quanh sẽ làm trở ngại sự tìm cầu giác ngộ của chúng ta. Những loài quỷ này có khả năng hiện ra như là những vị Phật và nói pháp. Hơn nữa, Đức Phật cảnh báo rằng trong thời mạt pháp (thời kỳ của chúng ta ngày nay), sẽ có vô số những nhà tiên tri sai lạc, hoặc các loài ma quỷ sẽ xuất hiện giả làm Bồ-tát. Những ai còn quá xa với Thánh đạo có thể dễ dàng tin tưởng vào chúng hoặc bị chúng chiếm giữ để giả làm những vị thầy giác ngộ. Các loài quỷ này có thể nói với những người bị hướng dẫn sai lạc này ăn “phân dãi, hoặc là uống rượu ăn thịt” và thích thú với việc làm đó.3

anh chay 1.jpg

Tôi sẽ bàn về giới giết hại, giới thứ nhất và là quan trọng nhất cuối cùng vì đó là giới trọng tâm trong sự ăn uống của Phật giáo, và thực sự là phương diện quan trọng nhất của nó.

Trong mười điều răn của truyền thống Do Thái giáo và Cơ Đốc giáo - “Ngươi chớ giết người” nhìn chung được tuân giữ với nhiều ngoại lệ. Ví dụ, giết người sẽ được chấp nhận khi đánh nhau trong trận chiến để bảo vệ; giết thú vật để ăn thịt hay tế lễ cũng vậy (kinh Cựu ước quy định sự tế lễ thú vật). Ngược lại, không có sự giết hại về người hay thú vật nào từng được phép thực hiện trong Phật giáo - đây là những giáo huấn không thể tranh cãi. Tuy nhiên, có nhiều mức độ khác nhau về “tính nghiêm ngặt” mà những giáo lý này nắm giữ trong nhiều thời kỳ, nơi chốn, và bộ phái khác nhau. Chẳng hạn, trong Luật tạng Phật giáo Ấn Độ nguyên thủy (Luật Tự viện), vì chư Tăng là những người Khất sĩ không nhà, nên việc khất thực là điều phổ biến (truyền thống này vẫn được duy trì như ở Thái Lan, hay các nước Phật giáo Theravada ở Đông Nam Á). Chư Tăng “phải ăn mọi thứ được đặt vào trong bình bát mà không phân biệt, gồm cả thịt hay thức ăn đã thiu”.4 Luật tạng cũng rất nghiêm ngặt, đến nỗi chư Tăng phải quán niệm cho bất cứ sinh vật nhỏ nào trong nước uống của họ hoặc khi bước chân đi. Vì thực phẩm của chư Tăng có được là do khất thực, họ cũng không được biết nguồn gốc của thực phẩm đó trước khi nhận. Nếu họ nhận lấy thịt, họ phải tin chắc rằng thịt đó không phải được chuẩn bị riêng cho họ. Nguyên tắc là chư Tăng đó không nhìn thấy trước đó, không nghe, hay không có nghi rằng thịt đó đã được chuẩn bị riêng cho họ.4

Đó là nỗ lực có ý thức của chư Tăng để có được thức ăn chay tịnh “thọ dụng được”.

Trong nhiều thế kỷ sau Tây lịch, Phật giáo Đại thừa được giới thiệu vào Trung Hoa (và các nước Phật giáo Đại thừa khác như Hàn Quốc, Nhật Bản). Ở đây, các tu viện được phát triển cùng với đất đai cho chư Tăng trồng trọt thực phẩm, ít nhiều đảm bảo bản chất chay của nó vì không thể nào luôn dựa vào việc khất thực. Điều này khiến cho chư Tăng theo đuổi cách ăn chay nghiêm ngặt hơn, và thậm chí còn phát triển cả một phong cách ẩm thực (như jai [chay] ở Trung Quốc, shojin ryori [món chay] ở Nhật Bản). Đó là mục tiêu của Phật giáo Đại thừa nhằm giúp cho tất cả những chúng sanh khác thành tựu giác ngộ. Chính vì những truyền thống Đại thừa mới này mà những cách ăn chay nghiêm ngặt hơn đã hình thành, và thực sự biến nó trở thành văn hóa của những người Phật tử tại gia thời hiện đại. Bản kinh Phạm võng nói rằng: Người Phật tử không ăn thịt của bất kỳ chúng sanh nào. Nếu ăn thịt chúng sanh, người đó sẽ bị cắt đứt lòng đại bi, cũng như hạt giống Phật ở bên trong.4

Do đó, chúng ta biết rằng ăn chay được tuân thủ trong cả hai truyền thống Phật giáo chính (Nguyên thủy và Đại thừa), tuy nhiên ở các mức độ khác nhau có đôi chút khác biệt.

Thuyết ăn chay, “một sự phân chia hợp lý và tự nhiên của giới luật chống lại việc giết hại”5 là một cách ăn uống không bao gồm thịt. Trong những thuật ngữ hiện đại, chúng ta có thể sử dụng từ ngữ “vegan” (chay) để mô tả về cách ăn uống nghiêm ngặt của Phật giáo Đại thừa. Thuật ngữ “vegan” chỉ cho người không ăn bất kỳ thịt động vật nào, cũng như không ăn bất kỳ sản phẩm từ động vật hay có nguồn gốc từ thịt, bao gồm cả sữa, phó-mát, mật ong; hay sử dụng lông thú, đồ bằng da, da, v.v... Đức Phật khuyến dạy rằng các vị Bồ-tát thanh khiết nên đi theo lý tưởng này: [họ] là những người không mặc lụa là, đi giày da, lông thú, hay lông tơ… và là người không tiêu thụ sữa, kem, bơ, thì thực sự có thể vượt ra khỏi thế giới này. Cả về mặt vật chất và tinh thần, chúng ta phải tránh các thân xác và các phụ phẩm của chúng sanh bằng cách không mang mặc chúng cũng không ăn chúng. Tôi nói rằng những người đó là thực sự giải thoát.6

Thuật ngữ Phật giáo ahimsa (không gây hại) đang được sử dụng hiện nay bởi nhiều người ăn chay trường. Ahimsa chỉ cho sự thương tưởng, đối xử không gây hại đối với thú vật và tất cả chúng sanh. Không chỉ việc thực hành ahimsa giữ cho người Phật tử đi đúng con đường đạo, mà còn làm lớn mạnh một “đời sống tốt đẹp và sức khỏe tốt”.7

Việc giết hại hay ăn thịt cùng lúc phá vỡ nhiều quy tắc. Những người gây tổn hại chúng sanh khác và ngăn chặn con đường/cơ hội của họ không cho đạt đến giác ngộ/Niết-bàn, thì người đó cũng tự làm tổn hại mình vì tất cả chúng sanh đều là một phần của toàn bộ; người đó cũng làm lan tràn nghiệp ác giết hại, là cái sau này nhất định phải chịu lấy khổ đau hay gieo rắc thêm nhiều nghiệp giết hại nữa. Người đó cũng bị tăng thêm khổ đau do vì phải luân hồi sanh tử.

Tất cả chúng sanh đều muốn được sống. Tất cả sinh vật đều cố gắng để trốn thoát khi bị giết hại để ăn; cũng như một con cá khi bị quăng lên bờ, đem ra khỏi ngôi nhà trong nước của nó, thì tâm thức của nó sẽ cố gắng hết sức và vùng vẫy để thoát khỏi năng lực của tử thần.8

Khi một người giết hại súc vật, trực tiếp hay gián tiếp bằng cách kiếm thịt, người đó đang giết hại mạng sống của một chúng sanh. Vì thế, đối với người Phật tử, hành nghề đồ tể là công việc xấu nhất. Tuy nhiên, như một người tiêu thụ, việc cố ý mua hoặc tiêu thụ động vật là một phần của tiến trình giết hại. Bằng việc tạo ra nhu cầu, tiêu thụ động vật cũng giống như giết hại chúng sanh. Việc làm như thế sẽ đi ngược lại “cái lý tưởng cao tột và phổ quát nhất của đạo Phật, làm việc không mệt mỏi vì mục tiêu chấm dứt hoàn toàn khổ đau của tất cả chúng sanh mà không chỉ là con người”. 9

Việc ăn thịt sẽ gây ra hai loại khổ đau: đau khổ trực tiếp cho sinh vật đang bị giết hại, và đau khổ gây ra do việc luân hồi sanh tử. Khi một chúng sanh chết đi, nó bị buộc phải bắt đầu lại tiến trình đau khổ của sinh tử. Cách duy nhất để chấm dứt vòng luân hồi này là đạt đến giác ngộ hoàn toàn. Vì động vật cũng có khả năng trở thành giác ngộ, nên việc giết hại chúng sẽ tước mất cơ hội đó của chúng.

Khái niệm phương Tây về cái ngã cá nhân (hay “cá nhân ích kỷ”) rõ ràng không hợp với tinh thần đạo Phật: Người chỉ sống vì dục lạc, tâm hồn không hòa hợp, không quán niệm thực phẩm khi ăn, lười biếng, và không có năng lực của đức hạnh - người đó bị ma vương xoay chuyển, bị điều khiển bởi cám dỗ ích kỷ, giống như một cái cây ốm yếu bị gió xoay chuyển.10

Trong Phật giáo, một người chăm sóc cho chúng sanh khác cũng như đang thực hiện cho bản thân mình - trong mối tương quan tương duyên với nhau, cùng là một phần của tổng thể. Đức Phật dạy rằng, tất cả chúng sanh đều thực sự là một phần của một thể gốc. Do vậy, khi một người giết một chúng sanh khác, họ thực sự đang giết một phần của chính họ. Họ cũng đang giết một phần của cha mẹ họ (là trọng giới trong Phật giáo). Vì thế, kết quả là, ăn thịt chính là tự sát vậy!

Chúng ta tác động và bị tác động bởi một nghiệp chung. Nghiệp vận hành có phần giống với một cái tài khoản ngân hàng. Những chúng sanh gây tạo nghiệp ác bị sanh lại làm những chúng sanh thấp hơn (thú vật, ngạ quỷ); những ai tuân giữ giới pháp và ban rải nghiệp thiện sẽ được tái sanh trở lại làm chúng sanh cao hơn (chư thiên, loài người). Khi những chúng sanh thấp hơn trả hết “nợ”, chúng có thể được tái sanh trở lại làm người. Vì con người nằm trong vị trí tốt nhất để giác ngộ, nên đây chính là vị trí được mong muốn nhất. Đức Phật giải thích rằng: Nếu trong tiến trình trả nợ, mạng sống của chúng sanh khác bị giết đi hay bị ăn thịt, thì nó sẽ bắt đầu một chu kỳ nhai nuốt và sát hại lẫn nhau, đưa những con nợ và chủ nợ này lên xuống và không khi nào ngừng.11

anh chay 2.jpg

Khi sát sanh, chúng ta làm tăng trưởng và duy trì mãi nghiệp sát hại. Ác nghiệp này sẽ trở lại với chúng ta trong đời này hay đời sau, nhưng chắc chắn có một kết quả trực tiếp hơn đối với chúng sanh mà chúng ta vừa mới giết. Việc gieo rắc nghiệp sát tác động đến toàn bộ, nhiều đến nỗi nó tích tập và giữ mãi, và rốt cuộc dẫn đến chiến tranh trong tương lai.

Khi một người chết đi, linh hồn của họ có thể lan tỏa vào nhiều loài súc sanh - một đàn cừu, một tổ ong, một ổ kiến, v.v… Khi một người đoạt mạng sống của một trong những sinh vật này, chúng thực sự đang lấy một phần mạng sống của người chết đi đó. Kinh Lăng nghiêm nói về cách thức một người ăn thịt một con cừu có thể trở thành một con cừu trong đời sống kế tiếp, và cách mà còn cừu đó có thể trở thành một con người. Trong một chu kỳ lặp lại, “chúng ăn thịt lẫn nhau” (Kinh Lăng nghiêm). Không có sự phân chia cấp bậc trong chúng sanh; mặc dầu mỗi loài thuộc những cấp độ khác nhau, chúng đều quan trọng như nhau. Do đó, giết một sinh vật thực sự là một hành động sát hại; ăn thịt sinh vật đó cũng là ăn thịt đồng loại. Theo niềm tin này, chúng ta có thể hiểu tại sao nhiều Phật tử thực hiện việc phóng sanh, hoặc cứu mạng sống sinh vật sắp bị giết. Đức Phật khuyên thực hành như sau: Khi một vị Bồ-tát nhìn thấy một người sắp giết hại một con vật, vị ấy sẽ nghĩ ra một phương cách khéo léo để giải cứu và bảo vệ nó, giải phóng nó khỏi cảnh khổ đau và những khó khăn.12

(Một lý thuyết cho rằng việc dân số quá cỡ đang tăng lên nhanh chóng là vì thị trường thịt quá lớn thời hiện đại, sinh vật thí nghiệm, công nghiệp hóa và khoa học, chúng ta đang giết hại càng nhiều sinh vật hơn bao giờ hết. Những sinh vật này bị giết có thể trở lại làm người, vì vậy mà dân số con người tăng lên).

Tôi đã tóm tắt ngắn gọn những lý do đằng sau cách ăn uống của đạo Phật, thiết lập dựa trên nền tảng giới luật. Tôi kêu gọi người đọc xem xét những tư tưởng này; như Dharmachari Saaramati bổ sung như sau:

Người Phật tử cũng như không phải Phật tử - đều chỉ mới bắt đầu đánh giá đầy đủ những gì truyền thống này có thể bổ sung cho những nỗ lực hiện nay nhằm chuyển biến cách nhìn nhận của chúng ta đối với thế giới mà chúng ta đang sống.13

Còn có những ngăn cấm khác liên quan đến cách ăn uống thay đổi từ bộ phái này đến bộ phái khác, như thời gian thích hợp và số lượng thực phẩm có thể được ăn, cấm chế thức ăn tươi sống; tuy nhiên sự tuân thủ về cách ăn uống không vi phạm về giới điều không sát sanh là quan trọng và bao quát nhất. 

Thực phẩm, và những chỉ dẫn liên quan đến nó, đóng vai trò quan trọng trong truyền thống đạo Phật. Đức Phật cho biết về một đời sống trong quá khứ Ngài đã phải “ăn lúa ngựa”6 như thế nào để trả nợ nghiệp cũ. Một đoạn hiếm thấy trong kinh Lăng nghiêm cho chúng ta biết cách Đức Phật đã tạo ra tịnh nhục: “tịnh nhục… có được là do thần lực của ta biến hóa ra. Nó căn bản là không có mạng căn”.6

Điều nghịch lý mang tính châm biếm về chủ đề của tôi là, trong đạo Phật - thực phẩm, ăn uống, và khẩu vị trên hết đều là ảo tưởng, không phải là phần của bản chất thấy biết chân thật của chúng ta. Tuy nhiên, bản tính thấy biết chân thật của chúng ta bị bóp méo bởi vô minh, gây ra bởi vòng luân hồi sanh tử. Tất cả khổ đau đều xuất xứ từ vòng luân hồi này. Và vì vậy, ahimsa, sự đối xử thương yêu đối với động vật, cách thức ăn chay của Phật giáo là căn bản cho việc chấm dứt khổ đau và vô minh, và một sự thực hành bắt buộc trong việc tìm cầu giác ngộ cho tự thân và cho tất cả chúng sanh.

Michael Ohlsson
Thích Vạn Năng dịch

_______________

(1) Epstein, Dr. Ron, Buddhism A-Z, (Phật giáo từ A-Z) selection: “Five Contemplations While Eating”. [Năm phép quán trong khi ăn] http://online.sfsu.edu/~rone/Buddhism/Buddhism.htm

(2) Shurangama Sutra, (kinh Lăng nghiêm), p.182, translation Buddhist Text Translation Society

(3) Shurangama Sutra, (kinh Lăng nghiêm), p.232, translation Buddhist Text Translation Society

(4)  Eijo. Buddhism & Vegetarianism. (Phật giáo và ăn chay), published on [http://www.ccil.org/~cneal/veg.html]

5 Epstein, Dr. Ron, Buddhism A-Z (Phật giáo từ A-Z), selection: “Vegetarianism” (ăn chay)

6 Shurangama Sutra (kinh Lăng nghiêm), p.145-7, translation Buddhist Text Translation Society

7 Wu Hung Bhiksu, “The Buddhist Perspective on Animals and Life Conservation...” (Quan điểm Phật giáo về động vật và bảo tồn sự sống)

8 Dhammapada (Kinh Pháp cú), p. 34, from [http://www.ncf.carleton.ca/~bp239/dhamma.html]

9 Epstein, A Buddhist Perspective on Animal Rights (Quan điểm Phật giáo về quyền động vật)

10 Dhammapada (Kinh Pháp cú), p. 7, from [http://www.ncf.carleton.ca/~bp239/dhamma.html]

11 Shurangama Sutra (Kinh Lăng nghiêm), p.205, translation Buddhist Text Translation Society, see: [http://online.sfsu.edu/~rone/Buddhism/Shurangama/Shurangama.htm]

12 Epstein, Dr. Ron, Buddhism A-Z (Phật giáo từ A-Z), selection: “liberating living beings” (phóng sanh)

13 Sponberg, Alan, “The Buddhist Conception of an Ecological Self” (Quan niệm Phật giáo về bản chất sinh thái học)

14 Long Discourses of the Buddha, (Kinh Trường bộ), translated by Maurice Walshe. Wisdom Publications, Somerville, Mass. 1995.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày