Buổi lễ không chỉ là sự kiện hành chính mà còn là một dấu mốc thiêng liêng, đầy xúc động, khép lại hành trình 42 năm để mở ra một chương mới trên con đường phụng sự, sáp nhập và trở thành tỉnh Tây Ninh mới.
Tôn vinh một giai đoạn phụng sự
Buổi lễ tri ân được tổ chức trong không khí trang nghiêm, thấm đượm tình đạo vị, với sự hiện diện của chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội, quý Tăng Ni, đại diện các Ban Trị sự Phật giáo cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Long An.
Trong từng ánh mắt, từng lời phát biểu, ai nấy đều cảm nhận rõ một niềm xúc động sâu xa, vừa là chia tay, vừa là tiếp nối. Hòa thượng Thích Minh Thiện, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh phát biểu trong buổi lễ: “Chúng ta khép lại một mô hình cũ không phải vì điều gì chưa tốt, mà vì chúng ta cần chuyển hóa để thích ứng với thời đại. Bài học lớn nhất mà Phật giáo Long An để lại là sự đoàn kết, trí tuệ, phụng sự trong vô ngã. Những điều ấy, dẫu danh xưng có đổi thay, vẫn là nền tảng bất biến trong từng bước chân Tăng Ni”.
Hội trường đã xúc động khi xem lại những thước phim tư liệu về quá trình thành lập GHPGVN Long An từ ngày 16-12-1983, đến nay đã trải qua 10 nhiệm kỳ, với sự kế tục lãnh đạo của nhiều bậc trưởng thượng khả kính. Ban Trị sự các thời kỳ đã vận dụng tinh thần đoàn kết, khế lý - khế cơ để đưa Giáo hội tỉnh nhà ngày càng phát triển đồng bộ.
Trong suốt 42 năm, các Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Long An đã trở thành những trụ cột vững chắc cho sự phát triển của đạo pháp địa phương. Long An có 326 tự viện, 1.582 Tăng Ni. Hệ thống các ban ngành hoạt động hiệu quả với nhiều chương trình nổi bật: tổ chức thành công 18 giới đàn; đào tạo hơn 1.000 Tăng Ni trung cấp Phật học; xây dựng hơn 300 đạo tràng tu học cho Phật tử; hướng dẫn 402.000 Phật tử quy y Tam bảo; tổ chức 87 khóa tu mùa hè cho hơn 16.000 thanh thiếu niên.
42 năm, Phật giáo Long An đã thực hiện tổng giá trị hơn 1.077 tỷ đồng cho công tác từ thiện, thông qua các hoạt động thiết thực như: mổ mắt miễn phí, xây cầu - nhà tình thương, cứu trợ bão lụt, hỗ trợ học sinh nghèo, chăm lo người yếu thế…
“42 năm qua, chúng con đã cùng nhau kiến tạo, vun đắp cho ngôi nhà Phật pháp Long An này. Mỗi viên gạch, mỗi mái ngói, mỗi khóa tu, mỗi chuyến từ thiện đều thấm đượm công sức, tâm huyết của biết bao thế hệ Tăng Ni, Phật tử. Hôm nay, nhận quyết định này, lòng con vừa tự hào về những gì đã làm được, vừa bâng khuâng khi cái tên ‘Phật giáo huyện nhà’ không còn nữa. Nhưng con tin rằng, đây là ý nghĩa của sự hòa hợp, là để Phật pháp càng thêm hưng thịnh, để chúng ta cùng nhau phụng sự chúng sinh rộng khắp hơn”, Đại đức Thích Lệ Duyên, vị đứng đầu Ban Trị sự GHPGVN H.Đức Hòa chia sẻ.
![]() |
"Bài học lớn nhất mà Phật giáo Long An để lại là sự đoàn kết, trí tuệ, phụng sự trong vô ngã..." |
Mở ra hành trình mới
Việc trao quyết định dừng hoạt động cho các Ban Trị sự cấp huyện là một thủ tục pháp lý, nhưng đồng thời cũng là lời tri ân trang trọng từ Trung ương và Giáo hội tỉnh nhà đối với công đức to lớn của các Ban Trị sự qua nhiều nhiệm kỳ. Sự kiện này cũng đánh dấu một thay đổi lịch sử: từ ngày 1-7-2025, tỉnh Long An sẽ được sáp nhập với Tây Ninh và trở thành tỉnh Tây Ninh mới, theo định hướng tinh gọn và hiệu quả hóa mô hình tổ chức chung của Nhà nước, Giáo hội.
Sau lễ tri ân là phần công cử nhân sự đại diện Phật giáo tại các xã, phường mới. Cũng từ đây, trách nhiệm lại được đặt lên vai những vị tu sĩ trẻ - đại diện Phật giáo xã, phường, những người sẽ tiếp bước con đường hoằng dương Chánh pháp trong một bối cảnh mới.
Việc công cử nhân sự đại diện Phật giáo xã, phường thể hiện sự chuẩn bị chu đáo cho mô hình hoạt động mới, đảm bảo sự quản lý và điều hành Phật sự được xuyên suốt và hiệu quả ngay cả khi có sự thay đổi về mặt tổ chức cấp tỉnh.
Đại đức Thích Lệ Ngôn, với vai trò mới là Trưởng đại diện liên phường Tân An và Khánh Hậu bộc bạch: “Nhìn lại Phật sự địa phương đã từng đảm nhận, chúng con tự hào rằng một thời được góp sức trong từng công việc nhỏ, từng Phật sự lớn, để chung tay xây đắp niềm tin nơi đồng bào Phật tử. Việc mãn nhiệm lần này và không tái nhiệm cũng chính là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự hoàn thành một chặng đường phụng sự của chư tôn đức cấp huyện trong tiến trình lịch sử 42 năm của Giáo hội tỉnh nhà. Dù ở vị trí nào, tất cả đều là sự tiếp nối thiêng liêng của một tâm nguyện chung: phụng sự Đạo pháp, làm sáng danh Tăng-già và hộ trì Giáo hội”.
Tại buổi lễ, chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An qua các thời kỳ đã ân cần nhắc nhở những kinh nghiệm đã qua, dặn dò thế hệ Tăng Ni kế thừa lấy lời dạy của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh áp dụng trong mọi công tác Phật sự: “Phát huy phương châm đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, tăng cường đạo lực, trang nghiêm Giáo hội”. Trên tinh thần đó, dòng chảy 42 năm của Phật giáo Long An, với tất cả những thành tựu và dấu ấn đáng tự hào, sẽ không mất đi, mà sẽ hòa quyện, tiếp sức cho dòng chảy Phật giáo Tây Ninh, tạo nên một sức mạnh tổng hợp lớn lao hơn nữa.