Chùa Bửu Quang bị phong tỏa để phục vụ
công tác điều tra của cơ quan chức năng - Ảnh: N.Danh (ngày 5-10)
Diễn biến của vụ việc
Ngay sau khi nhận được tin về án mạng nghiêm trọng làm một người chết và 3 người khác bị thương tại chùa Bửu Quang - Q.Thủ Đức, PV Báo Giác Ngộ đã có mặt tại hiện trường. Cùng có mặt tại chùa Bửu Quang, HT.Thích Nhựt Giác, Trưởng BTS GHPGVN Q.Thủ Đức đã cho PV biết một số thông tin sơ bộ, khác với những thông tin mà các báo điện tử đã đăng tải.
Do tính chất nghiêm trọng của vụ việc, nên đích thân HT.Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ, Trưởng BTS GHPGVN TP.Hồ Chí Minh, đồng thời là Tổng Biên tập Báo Giác Ngộ đã trực tiếp chỉ đạo hướng thông tin đúng và nhanh đến Tăng Ni, Phật tử.
Theo đó, khoảng 10 giờ 30 phút, lúc chùa Bửu Quang, một cơ sở tự viện truyền thống Phật giáo Nam tông Kinh thuộc GHPGVN, đang chuẩn bị lễ cúng tuần thứ ba cho một Phật tử, thì xảy ra vụ việc gây chấn động dư luận. Ngô Văn Huy, pháp danh Thiện Huy, sinh năm 1995 tại Nghệ An, có biểu hiện tinh thần không ổn định đã dùng dao làm bị thương 3 vị sư và làm chết một người.
Theo nguồn tin của báo Giác Ngộ, Huy được một vị sư đồng hương nhận vào chùa Bửu Quang hơn 4 tháng trước. Huy rời chùa Bửu Quang và mới trở lại ngày 4-10, một ngày trước khi vụ việc xảy ra.
Sáng 5-10, thấy Huy có những biểu hiện khác thường, sư Nguyên Tuệ (thế danh Nguyễn Văn Mạo, sinh năm 1952, người đồng hương với Huy, cũng là người nhận Huy vào chùa) có nói “đừng có làm hại lẫn nhau”. Sau đó Huy xuống bếp lấy dao đến chỗ sư Nguyên Tuệ vung dao chém vị sư này. Sư Thiện Đức (thế danh Trần Minh Đức, sinh 1982), là khách Tăng đến thăm sư Nguyên Tuệ cũng bị chém trúng đầu. Huy hung hãn chém tiếp sư Thiện Lĩnh (thế danh Lê Văn Lĩnh, sinh năm 1974), Tăng chúng chùa Bửu Quang trúng chân khi vị sư này đến ngăn cản Huy.
Ngô Văn Huy tại cơ quan điều tra - Ảnh do công an cung cấp
Trước tình thế nguy hiểm đó, các sư tìm cách không chế, Huy chạy qua khu Tu nữ, gặp tu nữ Diệu Tâm (thế danh Huỳnh Thị Ngọc, sinh năm 1913) tu tại chùa từ năm 1952, Huy chém nhiều nhát dao nơi cổ khiến vị tu nữ 103 tuổi này ngã quỵ. Quý sư và Phật tử lập tức đưa tu nữ và các sư bị nạn đến Bệnh viện Thủ Đức và Bệnh viện Quân đội Dĩ An; trên đường đi tu nữ Diệu Tâm tử vong, 3 sư bị thương tích được điều trị tại Bệnh viện Thủ Đức.
Một Phật tử đi lễ chùa đã báo hung tin đến công an, ngay sau đó công an đã đến khống chế đối tượng Huy đưa về trụ sở công an quận, đồng thời các cơ quan chức năng phong tỏa chùa Bửu Quang để phục vụ công tác điều tra.
Các cơ quan chức năng cho biết rất khó khăn để lấy lời khai của Ngô Văn Huy, vì nghi can có tinh thần không ổn định. Công an cũng đã dùng nghiệp vụ kiểm tra và kết quả Ngô Văn Huy âm tính với ma túy cũng như các chất gây nghiện khác.
Báo chí đã nói gì?
“Máu nhuộm sân chùa”, “cuộc truy sát đẫm máu trong chùa”, “nhà sư giết người: 3 người bị chém trọng thương, 1 sư bà tử vong”, “nhà sư chém chết người có biểu hiện “phê ma túy”, “thầy tu chém nhau, một sư bà tử vong, ba nhà sư trọng thương”, “do mâu thuẫn, một nhà sư đã chém chết 1 sư bà và 3 nhà sư”, “nhà sư đâm chém kinh hoàng…”, “nhà sư dùng dao chém người tu hành trong chùa”, vân vân và vân vân…, đại loại những kiểu đưa tin giựt gân như thế đã xuất hiện trên báo điện tử chính thống cũng như các trang mạng xã hội lập tức vài phút sau khi vụ việc xảy ra tại chùa Bửu Quang trưa 5-10.
Ngay cả tên tuổi, chức danh của nghi can và các nạn nhân cũng được nêu ra không chính xác, và thậm chí số người bị Ngô Văn Huy gây thương tích cũng đã được phóng đại lên nhiều hơn thực tế.
Hầu hết nguồn tin được dẫn từ “người dân”, “người chứng kiến” và nghi can Ngô Văn Huy cũng đã được gắn danh hiệu “nhà sư”, “tu sĩ” và được thêu dệt nhiều tình tiết làm cho sự việc trở nên ly kỳ, chứng tỏ sự hỗn loạn, mâu thuẫn trong chốn thiền môn đến độ cùng cực, thể hiện qua án mạng như đã xảy ra.
Bạn đọc thì sao? Chắc chắn hàng triệu người đã tiếp cận thông tin đó và tỏ ra bàng hoàng. Với sự ảnh hưởng và uy tín của một số cơ quan báo chí có số lượng độc giả lớn, thông tin đã được dẫn lại và chia sẻ trên mạng xã hội, nhân lên và lan rộng rất nhanh chóng. Một số kênh truyền thông nước ngoài cũng đã khai thác thông tin gây chấn động dư luận này, dĩ nhiên là khai thác lại từ các thông tin trên các báo điện tử chính thống trong nước, cùng với hình ảnh các sư bị thương tích máu me đầm đìa đang điều trị tại bệnh viện, đã thực sự thuyết phục bạn đọc, người xem.
Do đó, ấn tượng về một hình ảnh “tàn sát”, “nhuộm máu” sân chùa trong số đông bạn đọc chắc chắn là hết sức lớn, trở thành nỗi ám ảnh, có bạn đọc gửi email đến tòa soạn bày tỏ sự bàng hoàng, mất niềm tin vào chư Tăng nói riêng và tình hình Phật giáo nói chung.
Vụ việc xảy ra tại chùa Bửu Quang có thể nói, qua báo chí, đã tạo nên sự khủng hoảng truyền thông trầm trọng trong Phật giáo, ảnh hưởng tiêu cực đối với đạo Phật là không hề nhỏ.
Tiếng nói kịp thời của Giáo hội
Do quá đột ngột, ngay trong ngày đầu tiên, ngoài kênh thông tin trên Giác Ngộ online của Báo Giác Ngộ, Giáo hội chưa có phản ứng gì thể hiện trên các kênh truyền thông.
Nhưng ngay trưa hôm sau, 6-10, một thông báo chính thức của Ban Thường trực BTS GHPGVN TP.Hồ Chí Minh, do HT.Thích Thiện Tánh ký gửi đến Tăng Ni, Phật tử cũng đăng tải sớm nhất trên Giác Ngộ online đã giải tỏa vấn đề nóng này. Thông tin này đã “nóng” đến mức độ khiến lượt truy cập trên Giác Ngộ online tăng vọt, khiến bộ phận kỹ thuật phải trực 24/24 giờ để tránh sự nghẽn mạch. Và đây là một trong những thông tin được bạn đọc quan tâm lớn nhất từ trước cho đến nay.
Chư tôn đức giáo phẩm thắp hương trước linh sàng tu nữ Diệu Tâm tại chùa Bửu Quang - Ảnh: N.Danh
Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.Hồ Chí Minh đã bày tỏ ý kiến, nhận định rằng: “Vụ việc xảy ra tại chùa Bửu Quang (phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) là một vụ án nghiêm trọng, đang được cơ quan chức năng thụ lý và điều tra. Do đó, mọi thông tin có liên quan đến vụ án phải đợi kết luận của cơ quan điều tra và sẽ được xử lý đúng theo quy định của pháp luật”.
Thông báo cho biết: “Ngô Văn Huy, pháp danh Thiện Huy - người trực tiếp gây ra án mạng chỉ là một tín đồ bình thường, không phải là tu sĩ Phật giáo, chỉ vào chùa tu gieo duyên (tập tu) khoảng 4 tháng nay theo truyền thống của Hệ phái Phật giáo Nam tông Kinh. Tuy nhiên, trụ trì chùa Bửu Quang không đăng ký người nhập tu theo quy định của Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, Thông tư 005/TT.HĐTS và pháp luật.
Ban Tăng sự GHPGVN TP.Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN quận Thủ Đức tiến hành kiểm tra việc tiếp nhận người vào tu gieo duyên tại chùa Bửu Quang. Sau khi có kết quả, căn cứ Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN, tùy theo mức độ vi phạm, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.Hồ Chí Minh tiến hành xử lý nghiêm để chấn chỉnh việc tiếp nhận người nhập tu”.
Nhiều cơ quan báo chí đã dẫn lại thông tin này nhưng có một số vẫn sử dụng thông tin cũ, hoặc đặt ra các vấn đề “hàng hai” khác, chủ yếu là để tạo sự tò mò cho bạn đọc, người xem.
Nhiều bạn đọc cũng thở phào nhẹ nhõm khi nghi can của vụ án mạng tại chùa Bửu Quang không phải là “nhà sư”, “tu sĩ” có những hành động tàn bạo, phi nhân tính kia, như báo chí đã mô tả.
Trong ngày 7-10, hai hôm sau vụ việc nghiêm trọng tại chùa Bửu Quang, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN cũng ban hành Công văn số 364/CV.HĐTS về việc chấn chỉnh việc xuất gia, tập tu, gởi đến Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN nhận định vụ việc tại chùa Bửu Quang ngày 5-10 “đã tạo nên dư luận không tốt, làm ảnh hưởng đến uy tín của cộng đồng Tăng Ni”.
Nhân đó, Trung ương Giáo hội cũng đã kêu gọi các cơ quan truyền thông, Tăng Ni, Phật tử hãy bình tĩnh, không nên suy diễn chủ quan và phải chờ kết luận của cơ quan điều tra.
Công văn của Trung ương Giáo hội cũng khẳng định nghi can Ngô Văn Huy chỉ là một tín đồ bình thường, chỉ vào chùa để tập tu (tu gieo duyên theo Phật giáo Nam tông Kinh).
Thông qua vụ việc trên, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN đề nghị quý Ban Trị sự thực hiện một số yêu cầu chấn chỉnh việc tổ chức xuất gia cũng như xuất gia gieo duyên hiện tự phát và có phần nào tùy tiện tại các cơ sở tự viện phải thực hiện đầy đủ các quy định của Luật Phật, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, Thông tư 005/TT.HĐTS ngày 15-1-2016.
Qua sự kiện này, thông báo của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.Hồ Chí Minh và công văn của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN là những thông tin kịp thời chấn chỉnh dư luận, đáp ứng nhanh chóng quan tâm của đông đảo Tăng Ni, Phật tử về một sự việc “chưa có tiền lệ trong Phật giáo”.
Đó là việc trước mắt. Còn lâu dài, vụ việc chùa Bửu Quang còn đặt ra nhiều vấn đề khác về quản lý Tăng Ni, tiếp nhận và trách nhiệm với Tăng Ni, tín đồ, người ở chùa. Đặc biệt nữa là vấn đề người phát ngôn của Giáo hội, công tác phản ứng nhanh, chính xác của Giáo hội trước các sự vụ liên hệ được dư luận quan tâm, nhằm ổn định niềm tin, tránh những tổn thất tinh thần vô cùng lớn, nhất là trong thời đại thông tin đa dạng như hiện nay.
Vụ việc nghiêm trọng này đặt ra nhiều vấn đề khác trong sinh hoạt Phật giáo hiện nay, các quy định của Giáo hội trong đời sống thực tiễn…, Báo Giác Ngộ sẽ thông tin trở lại trong các số tới.
>> Xem thêm: Tác dụng phát ngôn của Giáo hội trong khủng hoảng truyền thông ||
Nhóm PV Thời sự